365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói giúp con nhiều.

 

Dưới đây là 9 trường hợp bậc cha mẹ cần chú ý để có lời nói hữu ích và giúp con ý thức hơn trong cuộc sống.

 

Nếu không chọn lựa câu nói phù hợp, cha mẹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài với trẻ.

"Không sao đâu mà"

Khi trẻ bị tổn thương hoặc buồn bã về một việc gì đó, phản ứng của bố mẹ thường là cố gắng trấn tĩnh con và an ủi mọi thứ đều đang ổn. Tuy nhiên đó chưa phải là cách làm tốt nhất.

Nếu trẻ đã khóc đồng nghĩa với việc có điều gì đó chưa ổn đã xảy ra với chúng. Bởi vậy cha mẹ nên giúp trẻ cảm nhận được cảm xúc thật của mình nhắm đến những điều chưa hoàn hảo để trẻ học cách chấp nhận và khắc phục.

"Bố/Mẹ đang ăn kiêng"

Câu nói này có thể mang đến cho trẻ thông điệp, bố/mẹ đang không hài lòng với vẻ ngoài của mình. Điều này không có lợi bởi khiến trẻ bị ám ảnh bởi quy chuẩn của cái đẹp và cũng cảm thấy có vấn đề với hình thể của chính mình.

Bố mẹ luôn là hình mẫu để trẻ học hỏi mọi thứ, bởi vậy thay vì nói đang ăn kiêng, nên giải thích để trẻ hiểu rõ hơn việc ăn uống lành mạnh sẽ khiến cơ thể cảm thấy dễ chịu, mạnh khỏe. Ngoài ra nhắc trẻ việc tập thể dục cũng nên được chú trọng cùng với việc ăn uống lành mạnh.

"Mình không đủ tiền đâu"

Đừng nên tạo gánh nặng tài chính cho trẻ, bởi điều này có thể khiến chúng căng thẳng và sợ hãi. Việc cha mẹ thường xuyên "than nghèo kể khổ" sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái, không chỉ mối quan hệ của chúng với tiền bạc mà còn cả mối quan hệ với thế giới sau này.

Nếu cha mẹ có khả năng kinh tế và sẵn sàng với những yêu cầu của trẻ, nên vui vẻ làm hài lòng trẻ thay vì nói câu "Cái này đắt quá, chúng ta không đủ tiền mua" hay "Gia đình chúng ta rất nghèo".

Nếu không có khả năng, hãy nói thật với trẻ rằng không phải bố mẹ không muốn mua mà tạm thời chưa đủ khả năng. Nên cho trẻ hiểu, dù nhu cầu của chúng chưa được đáp ứng, đó không phải lỗi của trẻ và con vẫn có thể có bằng sự nỗ lực trong tương lai.

Cẩn thận

Nếu thường xuyên nhắc tới cụm từ này khi trẻ hoạt động thể chất, lâu dần sẽ găm vào đầu trẻ ý nghĩ ở bất cứ đâu cũng không an toàn. Điều này sẽ lấy đi cơ hội để trẻ tự suy nghĩ và khám phá thế giới xung quanh mình.

Thay vào đó, bố mẹ có thể đặt những câu hỏi gợi ý giúp trẻ tìm hiểu xem liệu làm những việc bản thân mong muốn có an toàn không hoặc hướng dẫn trẻ nên làm thế nào để giữ an toàn cho bản thân.

"Để bố/mẹ làm cho"

Nhà tâm lý học người Anh Sylvia từng nói: "Tình yêu thực sự của cha mẹ là để đứa trẻ tách khỏi cuộc sống của họ như một cá thể độc lập. Sự phân tách này diễn ra càng sớm thì bạn càng là cha mẹ thành công".

Thay vì bảo vệ trẻ mọi nơi và ngăn cản mọi thứ, tốt hơn hết bố mẹ nên buông tay và để trẻ làm những việc trong khả năng của mình nhằm phát triển sức mạnh trí não và rèn luyện khả năng thực hành của bản thân. Dù vậy, cha mẹ cũng nên ở bên đồng hành và hỗ trợ con khi cần thiết. Nếu như việc gì cũng làm thay chúng, trẻ sẽ ỷ lại, không thể học được cách tự làm. Ngoài ra trẻ sẽ nghĩ nếu không có bố mẹ, chúng không thể làm được bất kỳ việc gì.

"Con làm bố/mẹ phát điên"

Ngay từ nhỏ, trẻ cần được dạy cách biết ý thức về lời nói và hành vi của bản thân bởi có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác. Tuy nhiên điều này không có nghĩa bố mẹ nên đổ lỗi cho chúng vì cảm xúc của bản thân mình.

Khi người lớn cảm thấy tức giận và khó chịu, quan trọng nhất là phải biết cách giữ bình tĩnh. Điều này sẽ cho trẻ thấy bố mẹ có khả năng kiểm soát cảm xúc đồng thời giải thích cho chúng lý do vì sao bạn lại cảm thấy như vậy.

"Nếu... thì…"

Không nên sử dụng cấu trúc này và kết thúc bằng một hình phạt. Trong trường hợp cần sử dụng câu nói liên quan đến nguyên nhân và kết quả, tránh dùng cụm "Nếu... thì" bởi mang tính đe dọa, khiến trẻ cảm thấy bố mẹ đang có ý định trừng phạt chúng.

Thay vào đó, nên sử dụng cấu trúc "Khi... thì" bởi cách diễn đạt tích cực hơn và nên kết thúc bằng một phần thưởng phía cuối, nhằm tạo động lực cho trẻ.

"Bố/mẹ đã bảo rồi"

Cụm từ này một khi nói ra rất dễ gây hiểu lầm cho trẻ rằng quyết định của chúng hoàn toàn sai lầm, khiến trẻ trở nên luống cuống và mất tự tin.

Thay vào đó, hãy cố gắng trình bày tình huống một cách khách quan hơn và cùng trẻ phân tích nó.

"Đừng (làm việc gì đó)"

Cuộc sống có rất nhiều mối nguy hiểm, bởi vậy cha mẹ luôn nỗ lực làm mọi thứ để bảo vệ con mình. Tuy nhiên nếu sự bảo vệ quá mức, thậm chí cách ly con khỏi các điều kiện không tốt cho sức khỏe sẽ không tạo được sức đề kháng cho con. Một đứa trẻ không chơi ở ngoài trời, chưa từng trải nghiệm việc sứt da nơi đầu gối thường có nhiều nỗi e sợ khi trưởng thành.

Nếu bạn không biết khi nào có thể trao cho con quyền tự do làm một việc gì đó, hãy quan sát những đứa trẻ cùng tầm tuổi. Nếu những đứa trẻ này tự làm cho mình nhiều hơn con bạn có thể làm cho bé, tức là bạn đang trì hoãn khả năng độc lập của trẻ. Bởi vậy, thay vì nói với trẻ những việc không nên làm, cần phải nói rõ hơn những gì nên làm.

 

Nguồn:

https://mtgvinh.com/?x=14420//9-cau-noi-cha-me-nen-han-che-dung-voi-con