Người ta thường nói: “Tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng luôn phải kính trọng nhau như người khách. Điều này xem ra có vẻ khó thực hiện. Vì trên thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, người ta trở nên nhàm chán nhau, dẫn đến tình trạng coi thường nhau. Tình yêu phai nhạt theo thời gian cộng với những khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống chung sẽ trở thành nguyên nhân gây “bùng nổ chiến tranh” giữa hai vợ chồng.
Do đó, để giữ mãi tình yêu nồng ấm đối với nhau như thủa ban đầu, hai bạn không ngừng nuôi dưỡng tình yêu bằng sự lắng nghe, kính trọng và hòa thuận nhau. Thực vậy, “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton).
2. Hãy thường xuyên quan tâm đến nhau
Khi yêu, người ta có thể làm tất cả vì nhau và cho nhau. Việc quan tâm đến nhau phải được coi là một trong những “hạng mục ưu tiên” hàng đầu để giữ cho cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc. Quan tâm từ việc nhỏ đến việc lớn. Mỗi người coi nhau như đối tượng chăm sóc thường xuyên. Không phải chỉ có kiểu lãng mạn “nâng khăn sửa túi” lúc ban đầu, mà suốt cả cuộc hành trình đời sống lứa đôi, hai bạn phải chăm sóc, nâng đỡ, hỗ trợ nhau cách tận tình và chu đáo. Nhiều khi chỉ một việc nhỏ thôi cũng đủ hâm nóng tình yêu, vốn rất mong manh, nhờ đó hai bạn vững vàng yên tâm đi tới đích. Có một ý kiến thế này: “Sẽ bớt đi những vụ li dị nếu quý bà tân thời ngày nay chăm lo cho chồng con hơn là chăm sóc các món hàng hạ giá ở siêu thị”.
3. Hãy tạo điều kiện để có thể làm việc chung với nhau
Có người đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm” (James Thurber). Hoặc, “Chết cho người mình yêu còn dễ hơn là sống chung với người ấy ” (Byron). Đúng vậy. Khi đã sống với nhau một thời gian, tình yêu sẽ nhạt dần và hai người dễ dàng “bỏ rơi” nhau. Họ cảm thấy không còn muốn đồng hành với nhau nữa. Mỗi người đi một lối riêng. Họ có thể coi nhau là “kẻ xa lạ” trong cùng một ngôi nhà. Lúc đó thì khó tránh khỏi tình trạng “đồng sàng dị mộng” (cùng nằm một giường mà có những giấc mơ khác nhau).
Trong gia đình dường như lúc nào cũng có nhiều vấn đề phải giải quyết và đối phó, nếu hai bạn cùng hiệp lực, đồng tâm nhất trí nắm tay nhau thực hiện thì việc gì cũng xong. “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”.
4. Hãy nhận ra ưu điểm của nhau và giúp nhau thăng tiến
Trải qua nhiều năm tháng sống chung, vợ chồng dễ dàng xích mích, mâu thuẫn nhau chỉ vì những chuyện cỏn con “bé xé ra to”. Họ không thấy những cố gắng, những mặt tích cực của nhau mà chỉ chăm chăm vào những sai sót của bạn đời. Nhân vô thập toàn, khuyết điểm thì ai cũng có. Nhưng không vì thế mà chỉ nhìn thấy điểm yếu mà không nhận ra điểm mạnh của nhau. Có thể người nữ quen tật nói nhiều nhưng bù lại họ rất hăng hái nhiệt tình phục vụ. Có thể người nam chậm chạp ù lì nhưng bù lại họ rất cần mẫn chu đáo việc nhà cửa.
Vậy thì phải làm sao cho những ưu điểm che lấp khuyết điểm, từ đó giúp nhau phát huy thế mạnh và giảm bớt sai sót. Hãy tin vào những mặt mạnh của nhau và bỏ qua những mặt yếu của nhau. “Hãy khen vợ: ‘Hôm nay em đẹp quá!’, thế nào nàng cũng sẽ đãi bạn một bữa ăn tối thật là ngon!”. Cánh đàn ông đều đồng ý rằng: “Bất kỳ sự thành công nào của người đàn ông cũng đều có bóng dáng người phụ nữ ở đằng sau” (Danh ngôn).
5. Hãy giúp nhau can đảm vượt qua những thử thách trong cuộc sống
Có câu: “Yêu, tức là ký kết với đau khổ” (Mme de Cohin). Hoặc “Trong hôn nhân, nụ cười và nước mắt làm nên khúc nhạc cuộc đời” (David Sarnoff). Khi bước vào đời sống hôn nhân, hai bạn sẽ nhắc nhớ nhau điều này, đó là phải sẵn sàng đối phó với những sóng gió trong đời. Bởi vì, “Đám cưới nào cũng hạnh phúc cả, chỉ có cuộc sống chung sau đó là có nhiều rắc rối” (Raymond Hull).
Vậy thì hai bạn phải là những người mạnh mẽ, can đảm và có bản lãnh vững vàng để có thể giúp nhau vượt qua những thử thách, khó khăn xảy đến từng ngày. Trong đời sống vợ chồng, các bạn phải đấu tranh với đủ mọi khó khăn lo lắng, nào là về tiền bạc, công việc, nơi ăn chốn ở, nào là về vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục con cái vv. Nhiều lúc các bạn sẽ mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, hãy xác tín điều căn cốt này là: “Hôn nhân là một chiến trường chứ không phải là một luống hồng” (Danh ngôn). Người chiến thắng trong cuộc chiến là người biết kiên trì chiến đấu một cách anh dũng đến cùng.
6. Không nên nói xấu người bạn đời trước mặt người khác
Trong giao tiếp thường ngày, hai bạn dễ mắc phải một sai lầm lớn, đó là nói xấu bạn đời mình trước mặt người khác. Người khác có thể là bạn bè, đồng nghiệp, có thể là người trong gia đình họ hàng đôi bên, có thể là cấp trên hay cấp dưới của nhau, có thể là hàng xóm láng giềng vv. Ông bà ta thường nói: “Xấu che tốt khoe”. Đàng này, mình lại làm ngược lại. Vợ hay chồng nếu chỉ để tâm “khoe” cái xấu của bạn mình thì đó là một điều tối kỵ. Bởi cách xử sự đó sẽ làm tổn thương lớn đến uy tín và danh dự của người ấy. Bạn hãy khôn ngoan tìm cách nói sao để “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Chúng ta nên ghi nhớ kinh nghiệm này: “Người chồng có những điều nên nói với vợ, có những điều nên nói với bạn bè hoặc con cái. Nhưng không nên nói tất cả mọi sự với mọi người” (Panchatantra).
7. Không nên bới móc chuyện quá khứ của nhau
Trước kết hôn với nhau, ai mà chẳng có tình sử của riêng mình. Đối với người này cuộc tình cũ có thể chỉ là thoáng qua, nhạt nhòa, nhưng với người kia có thể đã mặn nồng, thắm thiết. Nhưng bây giờ một khi bạn đã quyết tâm đến với nhau trọn đời thì buộc phải quên đi quá khứ của nhau. Trên thực tế đã có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ vì một trong hai người cố tình bới móc chuyện quá khứ của người kia như để thách thức lòng chung thủy của bạn mình. Đó là một sai lầm lớn. Khi muốn xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc, các bạn hãy tự nguyện chôn vùi quá khứ của mình và của bạn đời, không phải với tâm trạng cay đắng mà là bằng một sự quyết tâm có định hướng: “Cưới được người con gái mình yêu đã là hạnh phúc, nhưng yêu được người con gái mình cưới còn hạnh phúc hơn” (Danh ngôn).
8. Không nên tỏ ra độc đoán, giành quyền chỉ huy công việc gia đình
Dân gian có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hoặc “Kẻ xay lúa, người bồng em”. Hình ảnh đó rất đẹp. Nhưng tiếc thay, trong nhiều gia đình, nếu có ông chồng nào đó mắc chứng bệnh gia trưởng, thì cũng có bà vợ nào đó sa đà vào thói chuyên quyền. Cả hai đều không đem lại hạnh phúc cho nhau. Một khi mà người chồng muốn “thống trị” vợ mình hay người vợ muốn “nắm đầu” chồng mình thì hẳn là trong gia đình sẽ mất hòa khí vì không ai bảo được ai. Không một bà vợ nào thích ông chồng độc đoán, và cũng chẳng ông chồng nào thích bà vợ độc quyền cả.
Vậy thì giải pháp tốt nhất vẫn là trong mọi công việc gia đình, hai người cùng nhau hợp tác chân thành, cùng nhau bàn bạc dân chủ và cùng nhau thực hiện hoàn hảo kế hoạch chung. Lúc đó, hạnh phúc ở trong tầm tay các bạn.
9. Không thành kiến hay thiên vị đối với cha mẹ, gia đình, họ hàng bên chồng hay bên vợ
Trong nhiều trường hợp, vợ hay chồng có thói quen bênh vực, khen ngợi gia đình bà con bên mình mà chê bai bên kia. Đó là một điều tối kỵ. Khi hai bạn lấy nhau, không phải chỉ sống riêng với nhau trong một tiểu-gia-đình cá biệt, trái lại họ nối kết trong một mối dây liên hệ rộng rãi và thân tình. Họ là thành viên trong một đại-gia-đình.
Bởi đó, cách cư xử của họ phải làm sao cho tốt trên đẹp dưới, thuận trong êm ngoài. Không nên mang nặng thành kiến nào đó về cha mẹ, gia đình, họ tộc của bạn đời mình. Điều đó chẳng những dễ dàng giết chết tình nghĩa trong đại gia đình mà còn có thể làm tiêu tan hạnh phúc của đôi vợ chồng nữa. Có nhiều cặp vợ chồng phải li hôn chỉ vì cách xử sự không khéo, không tế nhị đối với cha mẹ, họ hàng của bạn mình.
Hãy nhớ đến đạo hiếu trong gia đình, vì “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước nhớ nguồn”. Hãy nhớ là mối liên hệ gia đình, họ hàng là chất keo gắn bó chúng ta với nhiều thế hệ trong đại gia đình. Đó là nét đẹp của văn hóa và truyền thống Đông phương mà chúng ta phải hết sức trân trọng.
10. Không nên đay nghiến, chỉ trích bạn đời bởi những chuyện vụn vặt, nhỏ nhen
Đến một lúc nào đó, cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt, khó chịu. Và khi ấy hôn nhân đối với nhiều người chỉ là ngục tù. Ngục tù của những tham vọng ích kỷ, của những định kiến hẹp hòi, của những dằn vặt liên lỉ. Nhất là khi sự mâu thuẫn xung đột lại bắt nguồn từ những chuyện nhỏ nhoi. Người ta thường nói: “Lỗ nhỏ đắm tàu” hay “Hạt cát làm đau chân”. Chuyện nhỏ nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng, sẽ trở thành chuyện lớn lúc nào không hay!
Vợ chồng không nên tìm cớ đay nghiến, chỉ trích, khích bác nhau chỉ vì những chuyện bất đồng nhỏ nhoi. Từ cách đối xử này, dần dần họ sẽ coi thường nhau, ghét bỏ nhau, khinh chê nhau. Tình trạng như vậy thì khó lòng có hòa khí yên vui đầm ấm trong gia đình được.
Để có một cuộc sống hạnh phúc, các bạn phải biết rộng lượng và bao dung, nhất là khi gặp mâu thuẫn, bất đồng. Tục ngữ VN có câu: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Tác giả G. Lombroero có viết: “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ dàng tan vỡ bấy nhiêu”.
Các bạn cũng có thể rút ra bài học kinh nghiệm này: “Các vụ li dị sẽ bớt đi nếu các ông chồng biết cách giữ vợ cũng kiên trì như lúc kiếm vợ” (Khuyết danh). Để giữ nhau, tốt nhất là đừng để chuyện nhỏ biến thành tai họa và hãy biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ./.
...................................
Aug. Trần Cao Khải
https://giaophanvinhlong.net/