Xưa kia, Hy Lạp có một vị quân vương hùng mạnh, đem quân chinh phạt khắp nơi và chiếm được không biết bao nhiêu là của cải. Ngày đêm ông luôn nghĩ cách làm thế nào để mở rộng lãnh thổ, chiếm thêm được nhiều thành trì, thu góp thật nhiều tiền bạc… để cả thế giới biết rằng ông ấy là người quyền lực và giàu có nhất.

Một ngày nọ, ông đem quân đi xâm chiếm Ấn Độ và giành được kinh thành. Ông ấy gặp vua nước Ấn Độ, ông nói:
– Ta có một khao khát, chiếm tất cả những thứ quý báu nhất thế giới này. Ta không cần lấy đất của nhà ngươi, không cần hết lấy của cải của nhà ngươi, mà ta chỉ cần ngươi giao ra những báu vật quý giá nhất. Rồi ta sẽ tha chết cho ngươi!

Vị vua Ấn Độ trả lời:
– Kho báu lớn nhất của tôi là một tu sĩ. Đây, ông ấy đang ngồi đây!

Vị quân vương nhìn theo phía tay vua Ấn Độ. Ở đó, có một vị tu sĩ ăn mặc rách nát, gầy gò, đang ung dung ngồi.

Ông vua mạnh mẽ, uy quyền đến gần tu sĩ, thắc mắc hỏi:
– Tại sao ông lại được coi là kho báu quý giá nhất của đất nước này?

Vị tu sĩ điềm nhiên đáp:
– Ta cũng không biết! Ông tự xưng là một đấng quân vương mà còn không biết, hỏi ta làm gì?

Nghe câu trả lời, vị tướng quân tức giận, lớn tiếng:
– Kể cả biết hay không, nhưng nếu được coi là kho báu, ta sẽ đem ông về Athens. Hãy đi theo ta ngay, nếu không thì ta sẽ chém đầu!

Dưới sức ép của nhà vua, vị tu sĩ chẳng những không sợ hãi mà bình tĩnh trả lời:
– Ta chỉ đi theo những con người tự do thôi! Còn ngươi chỉ bằng nô lệ của nô lệ của ta thì ta đi theo làm gì?

Quá tức giận vì bị xúc phạm, vị quân vương rút gươm định chém vị tu sĩ. Nhưng kì lạ thay, gươm kề đến cổ mà tu sĩ vẫn cười thoải mái. Đức Vua liền rút gươm lại, hỏi:
– Trước khi ta giết nhà ngươi, ta cho ngươi một cơ hội được sống: Hãy giải thích cho ta biết, tại sao nhà ngươi lại nói rằng ta – một ông vua quyền lực và giàu có đến như vậy – lại chỉ bằng nô lệ của nô lệ nhà ngươi?

Lúc này, vị tu sĩ mới từ tốn giải thích:
– Trước khi tu hành, ta cũng là người bình thường, bị cơn giận sai khiến. Sau những năm tháng tu hành hạnh nhẫn nhục, ta đã làm chủ được sân hận. Bây giờ sân hận là nô lệ của ta. Không những là ta không bị cơn giận làm chủ nữa, mà khi cần ta có thể tỏ ra giận dữ để đi giúp người khác. Vậy mới nói sân hận là nô lệ của ta.

Còn nhà vua hãy thử nghĩ mà xem, vừa nghe câu nói của ta, nhà vua không cần hiểu biết gì, đã nổi giận đùng đùng, vung gươm dọa giết. Nhà vua liệu có phải nô lệ của sân hận hay không? Sân hận là nô lệ của ta, còn nhà vua là nô lệ của sân hận. Như vậy nhà vua không phải là nô lệ của nô lệ của ta là gì? Thế thì ai thực sự là ông chủ? Tại sao ta lại phải đi theo nhà vua, nếu nhà vua chỉ là nô lệ của nô lệ của ta thôi?

Vị quân vương nghe đến đây thì hoàn toàn khâm phục, ông bái vị tu sĩ làm thầy và sau một thời gian thực hành, ông trở nên bớt hiếu chiến hơn và không còn gây chiến tranh để mở rộng lãnh thổ nữa.

-Sưu tầm –