365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Khi cử hành Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội, bao giờ chúng ta cũng tập trung vào Sứ điệp của Đức Thánh Cha, vì đó là giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Hơn thế nữa, khi mọi tín hữu Công giáo đều tập trung vào cùng một sứ điệp thì điều đó tạo nên sức mạnh lớn vì cùng ý thức trách nhiệm và cùng hành động cho mục tiêu được đề ra. Sứ điệp của Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 48 có tựa đề Truyền thông phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực. Sứ điệp đó, mọi người đã có trên tay và cần đọc đi đọc lại nhiều lần để suy nghĩ và cầu nguyện. Ở đây chỉ xin chia sẻ một vài cảm nhận trong bầu khí gia đình.

  1. Tinh thần lạc quan

Cảm nhận đầu tiên của tôi là tinh thần lạc quan của sứ điệp. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trong diễn văn khai mạc Công đồng Vatican II đã cảnh giác các nghị phụ và toàn thể Giáo Hội về những tiên tri báo họa, những người “đầy lòng nhiệt thành tôn giáo nhưng lại thiếu chín chắn trong việc phán đoán và trong cách nhìn mọi sự, họ chỉ nhìn thấy tai ương và đổ vỡ…chỉ biết rao giảng tai họa, làm như thế giới này sắp chấm dứt”. Đức giáo hoàng Phanxicô ngày nay cũng có tinh thần lạc quan như thế nên trong thông điệp Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), ngài kêu gọi chúng ta hãy nói “không” với thuyết bi quan cằn cỗi. Thay vào đó là một tầm nhìn lạc quan, không phủ nhận rằng vẫn còn đó những điều xấu và chưa tốt trong cuộc sống, nhưng đồng thời lại thấy đó như những thách đố để phát triển, chứ không phải như lời bào chữa cho sự bi quan và khép kín. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng, niềm tin giúp chúng ta “nhìn thấy nước có thể hóa thành rượu và khám phá hạt giống đang lớn lên ngay giữa cỏ lùng” (số 84).

Tinh thần lạc quan ấy là thái độ cần thiết khi nhìn vào thế giới truyền thông ngày nay, cách riêng là internet. Không thể phủ nhận rằng internet hàm chứa những mặt trái, chẳng hạn tốc độ chóng mặt của thông tin ngày nay khiến con người không còn đủ thời giờ để suy nghĩ và phán đoán, do đó dễ gây mất quân bình; quá nhiều luồng ý kiến được trình bày khiến người ta dễ bị rơi vào tình trạng hoang mang, mất định hướng; bên cạnh những hình ảnh và thông tin tích cực làm gia tăng hiểu biết và nâng cao tâm hồn, internet cũng là phương thế thuận lợi cho việc gieo rắc biết bao thảm họa cho đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể nhân danh những giới hạn và hiểm họa đó để vứt bỏ internet, mạng xã hội.Vấn đề là ý thức rằng truyền thông không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật nhưng là vấn đề “con người”. Chính con người mới là chủ thể và tác giả của những phương tiện truyền thông. Từ đó, điều quan trọng là phải làm sao để truyền thông phục vụ con người và những giá trị nhân văn, phục vụ tình yêu hơn là hận thù, phục vụ hiệp thông thay vì xa cách, phục vụ sự liên đới thay vì cô lập. Văn hóa gặp gỡ là ở đó.

  1. Tính thời sự của Phúc Âm

Cảm nhận kế tiếp của tôi khi đọc Sứ điệp là tính thời sự của Tin Mừng. Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông năm nay, để giúp suy nghĩ về nền văn hóa gặp gỡ, Đức giáo hoàng Phanxicô vận dụng hai hình ảnh trong sách Tin Mừng Luca, một là hình ảnh người Samari nhân hậu, hai là hình ảnh Chúa Kitô Phục sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Xét về thời gian, đây toàn là những hình ảnh của thời xa xưa, thời người ta di chuyển bằng cách đi bộ hay đi ngựa, về mặt thông tin lại càng kém hơn vì chưa có máy in, sách vở, nói chi đến internet. Thế nhưng những hình ảnh đó vẫn còn rất sống động và cần thiết để gợi ý suy nghĩ cho con người thời hiện đại.

Thế mới thấy rõ tính thời sự của Lời Chúa. Lại càng rõ nét hơn nữa vì hai hình ảnh này đều được rút ra từ Tin Mừng Luca, vốn được gọi là Tin Mừng của “hôm nay”. Trong Tin Mừng Luca, khi Đức Giêsu giáng sinh tại Bêlem, sứ thần Chúa báo tin cho các mục đồng, “Hôm nay, Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (2,11). Trong hội đường Nadarét, sau khi đọc đoạn sách Isaia, Đức Giêu tuyên bố, “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh chị em vừa nghe” (4,21). Khi vào nhà ông Dakêu, Đức Giêsu nói, “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (19,9). Trên đồi Canvê, Đức Giêsu nói với người trộm lành, “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (23,43).

Dù được viết ra cách đây 20 thế kỷ, Tin Mừng vẫn luôn là Tin Mừng cho hôm nay, và sẽ mãi như vậy cho đến tận thế. Cho nên dù sống ở thời đại nào và trong hoàn cảnh nào, Tin Mừng vẫn là người bạn đồng hành tuyệt vời cho những ai mong có sự sống dồi dào, phong phú từ hôm nay và trọn vẹn trong đời sống vĩnh hằng. Chính vì thế Đức giáo hoàng Phanxicô mới tặng khách hành hương sách Phúc Âm bỏ túi. Hơn ai hết, những người làm công tác truyền thông phải bỏ vào túi mình cuốn sách Phúc Âm, để lúc nào cũng có Chúa Giêsu đồng hành như với hai môn đệ Emmaus, và để Lời Chúa soi sáng những chọn lựa, hành động của mình.

  1. Nền văn hóa gặp gỡ

Khi suy nghĩ về truyền thông trong ánh sáng của hai trình thuật Tin Mừng nói trên, có thể thấy được điều gì?

Trước hết, một câu hỏi xuất hiện: Liệu có khi nào truyền thông đóng vai trò kẻ cướp không? Vận dụng dụ ngôn Người Samari nhân hậu để suy nghĩ về truyền thông, Đức Phanxicô đưa ra nhận xét rất hay: “Bất cứ khi nào truyền thông chỉ nhắm mục đích chính là thúc đẩy tiêu thụ và thao túng người khác, thì đó là một hình thức tấn công hung hãn như nhân vật trong dụ ngôn đã bị bọn cướp đánh tơi tả và bỏ nằm đó nửa sống nửa chết”. Nói cách đơn giản, truyền thông có nguy cơ trở thành kẻ cướp!

Truyền thông có thể cướp đi phẩm giá con người. Hãy nghĩ đến hằng triệu người, nhất là người trẻ, bị đầu độc vì những phim ảnh khiêu dâm trên internet, dẫn đến chứng nghiện sex, lối sống buông thả, không thấy cuộc đời có ý nghĩa và giá trị nào lớn hơn chuyện xác thịt.

Truyền thông có thể cướp đi sự thật khi những người có thế lực và tiền của nắm trong tay những phương tiện truyền thông, sử dụng những phương tiện đó để phục vụ mưu đồ và tính toán của họ, bằng những thông tin một chiều, che giấu sự thật và gieo rắc gian dối.

Truyền thông có thể cướp đi cả mạng sống con người. Hãy nghĩ đến những bạn trẻ bị biến thành trò cười trên các mạng xã hội. Có người chịu không nổi, phải tự tử. Có người chưa tự tử thì sống dở chết dở, suốt đời mang mặc cảm tự ti. Điều này đang xảy ra khắp nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Dụ ngôn Người Samari nhân hậu còn cho thấy sự khác biệt giữa thấy và gặp. Hai tư tế thấy nạn nhân và bỏ qua. Họ thấy nhưng không gặp. Cũng thế, hằng ngày đi ngoài đường, chúng ta thấy biết bao người nhưng không gặp, vì thấy người ta cũng như thấy cột đèn và cây cối trên đường đi chứ không hề đi vào cuộc tiếp xúc nào. Trong thế giới internet cũng thế, chỉ nguyên từ “lướt web” đã đủ diễn tả thực tế này, là thấy biết bao hình ảnh và thông tin nhưng không gặp. Dửng dưng, xa lạ, hững hờ, hời hợt! Cho nên Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta : “Chỉ nối mạng mà thôi thì chưa đủ, việc nối mạng này cần phải phát triển thành những cuộc gặp gỡ thật sự”, nghĩa là truyền thông phải phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực.

Để thật sự gặp gỡ, cần có sự đồng cảm, lắng nghe, chia sẻ.

Đồng cảm là đặt mình vào trạng thái của người khác. Trong câu truyện Về Emmaus, người khách lạ hỏi hai môn đệ, “Hai ông có chuyện gì trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Thế là họ có dịp bày tỏ nỗi lòng. Trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu cũng thế, ông ta không chỉ thấy nạn nhân nhưng còn dừng chân, xuống ngựa và chăm sóc nạn nhân.

Đồng cảm dẫn đến lắng nghe như Đức Kitô Phục sinh lắng nghe nỗi niềm buồn đau và thất vọng của hai môn đệ Emmaus, như người Samari nhân hậu lắng nghe nỗi đau của nạn nhân.

Sự lắng nghe chân thành còn dẫn đến nỗ lực giúp tha nhân vượt qua khó khăn. Người Samari nhân hậu tìm cách chữa trị vết thương của nạn nhân, không những xoa dầu mà còn đưa về quán trọ, trả tiền bác sĩ. Đức Kitô Phục sinh cũng chữa trị nỗi buồn và thất vọng của hai môn đệ bằng cách khai mở tầm nhìn mới cho các ông, để các ông nhìn mọi sự trong một ánh sáng mới, khi đó tâm hồn các ông “bừng lửa”, tràn ngập niềm vui và hi vọng.

Kết luận

Mỗi khi lên mạng, bước vào thế giới internet và social media, hãy tự nhủ đừng bao giờ để mình thành kẻ cướp và cũng cảnh giác để không trở thành nạn nhân của kẻ cướp. Cũng không chỉ sử dụng truyền thông cách hời hợt nhưng phải trở thành người phục vụ nền văn hóa gặp gỡ, với con tim đồng cảm, biết lắng nghe và chia sẻ, cùng nhau làm những điều tốt đẹp.

Để có được sự gặp gỡ đích thực như thế, với các Kitô hữu, giả thiết phải có cuộc gặp gỡ ở chiều sâu tâm hồn : Gặp gỡ Lời Chúa, gặp gỡ chính mình. Đây là lý do Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta phải dành thời giờ và tập thói quen sống thinh lặng, kiên nhẫn. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm được Chúa Kitô Phục sinh đồng hành với mình và làm cho tâm hồn mình bừng sáng bằng Lời của Ngài, khi ấy ta mới có thể trở thành những người sử dụng truyền thông để phục vụ nền văn hóa gặp gỡ đích thực.

Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2014
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm