365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Mỗi lựa chọn chúng ta đưa ra đều tạo nên một phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến chính chúng ta và những người xung quanh. Ngược lại, sự tha thứ mang đến một phương cách chữa lành và vượt thắng những sai lầm trong quá khứ.

Cuộc đời dạy chúng ta rằng hành động nào cũng đưa đến những hệ quả. Mỗi lựa chọn chúng ta đưa ra đều tạo ra một phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến chính chúng ta và những người xung quanh. Ngược lại, sự tha thứ mang đến một phương cách chữa lành và vượt thắng những sai lầm trong quá khứ. Dám chấp nhận hậu quả trong khi vẫn cho đi sự tha thứ có thể dẫn đến một cuộc sống có ý thức, trách nhiệm và nhân ái hơn.

Nguyên tắc về mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả là nền tảng để nhận thức về việc làm sao hành động của chúng ta lại định hình cho cuộc sống của chúng ta. Khi thực hiện một hành động nào đó, chúng ta khởi động một loạt các sự kiện có hệ quả sâu rộng. Điều này khá hiển nhiên, đặc biệt là trong các tình huống hàng ngày: một lời nói tử tế có thể nâng cao tinh thần của ai đó, trong khi một bình luận gây tổn thương có thể làm cho nỗi đau kéo dài. Nhận ra mối liên hệ này giúp chúng ta tăng thêm ý thức đúng đắn về tinh thần trách nhiệm.

Một ví dụ: Mắc lỗi ở nơi làm việc

Hãy xem xét một tình huống mà ai đó mắc lỗi nghiêm trọng ở nơi làm việc. Sai lỗi này gây ra thất bại nghiêm trọng cho cả nhóm. Tác động trước mắt là rất lớn. Dự án bị trì hoãn và các đồng nghiệp có thể trở nên thất vọng. Điều này cho thấy rõ rằng những hậu quả từ các hành động như thế không chỉ đơn giản là biến mất ngay. Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta đối với những hậu quả đó cũng quan trọng không kém.

Sự tha thứ là một khả năng kỳ diệu của con người. Nó làm gián đoạn chu kỳ oán giận dường như không bao giờ kết thúc và tạo ra không gian cho sự hòa giải sau cùng. Nhưng tha thứ cho ai đó không có nghĩa là hậu quả từ hành động của họ sẽ biến mất. Thay vào đó, nó có nghĩa là lựa chọn vượt thắng thiệt hại và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Quá trình này không phải là dung túng cho sai lầm, mà là tạo ra một môi trường nơi mọi người có thể học hỏi và cải thiện.

Hãy tưởng tượng đến kịch bản công việc trước đó, nhưng lần này nhóm chọn tha thứ cho người đã phạm lỗi. Chắc chắn là họ vẫn nhìn nhận lỗi lầm và tác động của nó. Nhưng họ lại chọn cách hỗ trợ đồng nghiệp của mình tìm ra giải pháp. Hành động tha thứ này không xóa bỏ trở ngại hoặc nỗi thất vọng, nhưng nó biến tình huống này thành cơ hội để giải quyết vấn đề và phát triển tập thể. Mặc dù sai lầm dẫn đến hậu quả, nhưng chúng cũng mang lại bài học và cơ hội để cải thiện.

Định hình con người chúng ta

Những nhà tư tưởng như Aristotle và Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhân đức và tính cách trong hành động của chúng ta. Thói quen và quyết định của chúng ta định hình con người chúng ta. Bằng cách cân nhắc đến hậu quả, chúng ta có thể vun đắp cho các nhân đức như lòng tốt, sự kiên nhẫn và trách nhiệm. Việc nhận thực được rằng hành động nào cũng dẫn đến những hệ quả và sự tha thứ cần thiết để chữa lành là điều quan trọng để sống một cuộc đời có chủ ý và nhân ái.

Bằng cách lưu tâm đến tác động từ những lựa chọn của mình (và sẵn sàng thực hành sự tha thứ khi cần thiết), chúng ta có thể định hình cho một thế giới biết quan tâm lẫn nhau và nhân ái hơn xung quanh mình. Cách tiếp cận này giúp chúng ta giải quyết những sai lầm trong quá khứ, khuyến khích những lựa chọn tốt hơn và thúc đẩy việc học hỏi cũng như phát triển không ngừng.

Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (24/7/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên