Rốt cuộc cách thức đọc sách của người Đức là như thế nào mới có thể sản sinh ra nhiều triết gia, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đến như vậy?
Rốt cuộc cách thức đọc sách của người Đức là như thế nào?
Có thể tóm gọn trong 3 điều sau: Thói quen đọc sách, bầu không khí đọc và phương tiện hỗ trợ việc đọc. Đây chính là văn hóa đọc sách của người Đức. Khi đọc sách trở thành nét văn hóa của toàn dân thì việc dân giàu, nước mạnh sẽ không còn là điều xa vời nữa.
Đầu tiên chúng ta hãy xem xét một số dữ liệu khảo sát để nắm được tình hình đọc sách của người Đức: 91% người Đức đọc ít nhất một cuốn sách trong một năm. Trong số đó, 23% người dân đọc từ 9 đến 18 cuốn sách mỗi năm; 25% người đọc nhiều hơn 18 cuốn sách mỗi năm - tương đương với việc 3 tuần đọc xong một cuốn sách. Sách cũng trở thành món quà được chào đón nhất trong các mối quan hệ bạn bè.
70% người Đức thích đọc sách, hơn 1/2 người dân mua sách thường xuyên và 1/3 người dân đọc sách mỗi ngày. Điều đáng nói là trong tất cả các nhóm tuổi, nhóm người dưới 30 tuổi có đam mê đọc sách cao nhất. Đối với giới trẻ Đức, việc đọc sách cũng được yêu thích như việc uống bia vậy.
Trong số những người Đức trên 14 tuổi, 69% người đọc sách ít nhất một lần một tuần, hơn 36% người cho rằng họ đọc "thường xuyên", 22% người đọc "nhiều" sách và 16% người có thói quen đọc sách hàng ngày.
Hơn 80 triệu người dân Đức sở hữu cho mình thị trường sách lớn thứ hai thế giới, với doanh thu thị trường hàng năm là 9,6 tỷ euro. Hơn 90.000 cuốn sách mới được xuất bản hàng năm ở Đức, với trung bình 11,5 đầu sách trên 10.000 dân. Đức cũng là quốc gia có mật độ cửa hàng sách trên đầu người cao nhất thế giới, trung bình cứ 17.000 người Đức thì có một cửa hàng sách.
1. Thói quen đọc sách của người Đức
Bạn có thể thấy mọi người đọc sách ở khắp mọi nơi tại Đức, nhà ga, quán cà phê hay bãi cỏ. Việc đọc sách không giới hạn trong khuôn viên trường mà là bất kỳ nơi nào, dường như ai cũng có một hoặc hai cuốn sách đặt trong ba lô, chỉ cần có thời gian là họ sẽ lấy ra đọc.
Nếu bạn sống ở Đức, bạn phải biết giá sách ở đây đắt như thế nào. Lấy cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2012 "Er ist wieder da" làm ví dụ, nó có giá khoảng 19,9 Euro. Cũng vì người Đức thích đọc mà sách trên Amazon và máy đọc sách Kindle bán rất chạy.
Nhưng người Đức thường thích sách giấy hơn, bởi hai lý do sau: Một là họ thích cảm giác cầm sách giấy trên tay, nó mang tính truyền thống và chân thực hơn, hai là giá sách điện tử không rẻ hơn sách giấy là bao.
Họ cho rằng việc đọc thực sự đến từ sách chứ không phải những tin tức không thực tế. Họ thích đọc những thứ có giá trị, thậm chí sẵn sàng đọc những bài luận văn dài hơn là đọc những tin tức vô bổ, tầm phào và không dinh dưỡng.
Người Đức thích đọc một số tác phẩm văn học có chiều sâu, đáng để suy nghĩ và gây chấn động tinh thần. Lấy sáu cuốn sách được hoan nghênh nhất năm 2013 làm ví dụ: "Poppy and the Tramp: A Cat That Changed My Life", "War Child Breaks Silence ", " Long Road to Freedom ", "Cure Code: A Six Minute Way to Heal from Illness "," Centenarian Go to Home "và" Fox Valley ".
2. Môi trường đọc sách ở Đức
Đọc sách hẳn là thứ mà hầu hết mọi người dân Đức đều thích ngoài bóng đá, không kể nam, nữ, già hay trẻ, thậm chí đã đạt đến mức toàn dân đọc sách. Họ tin rằng đọc sách có thể rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết vấn đề. Thêm vào đó, quan niệm của họ về việc chủ động và học tập suốt đời cũng khuyến khích họ đọc liên tục.
Ngoài ra, người Đức tin rằng việc đọc sách có liên quan đến tương lai của đất nước, việc đọc nhiều và thường xuyên có thể giúp giới trẻ thành thạo hơn kỹ năng đọc, nhanh chóng cải thiện khả năng lý giải và năng lực tư duy của họ. Vì vậy, bên cạnh sự giám sát của phụ huynh và nhà trường, Chính phủ cũng khiến việc đọc sách trở thành dự án xã hội cho sự phát triển của trẻ em. Ví dụ, học sinh lớp 5 có thể nhận một phiếu chọn sách miễn phí trong thư viện.
Các bậc cha mẹ người Đức nuôi dưỡng niềm yêu thích sách cho con từ khi con họ mới chào đời. Sách trở thành món đồ chơi đầu tiên trong đời của rất nhiều đứa trẻ. Cha mẹ cũng sẽ đọc sách cho con nghe hoặc đọc cùng con mỗi ngày trước khi đi ngủ.
Học sinh tiểu học ở Đức không dành nhiều thời gian đến lớp mỗi ngày, buổi trưa hoặc khoảng 2 giờ chiều là đã có thể tan học. Thay vào đó, các thư viện tổ chức rất nhiều hoạt động đọc sách khác nhau cho các em vào thời gian rảnh rỗi. Ở bậc trung học cơ sở, giáo viên sẽ giao bài tập về nhà theo chủ đề, yêu cầu học sinh phải đọc nhiều tài liệu, sách báo mới có thể hoàn thành bài tập.
Hầu hết mọi gia đình người Đức đều có giá sách, có thể trong phòng làm việc hay trong phòng khách, nó dường như đã trở thành một vật trang trí trong nhà, và có rất nhiều người Đức đã đọc gần hết số sách trên những giá sách đó.
Bình quân mỗi gia đình ở Đức cất trữ gần 300 cuốn sách, mỗi người trung bình giữ hơn 100 cuốn. Họ tin rằng "một gia đình không có sách tương đương với việc một ngôi nhà không có cửa sổ".
3. Các thiết bị hỗ trợ đọc sách
Ở Đức có gần 7.700 hiệu sách, số lượng nhân viên nhà sách lên đến khoảng 31.000 người, có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi, dù là hiệu sách lớn ở trung tâm thành phố, hiệu sách nhỏ hay sạp báo trong nhà ga.
Nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy một ki-ốt nhỏ như bốt điện thoại ở rất nhiều nơi ở Đức, bên trong chất đầy sách cũ. Đây là ki-ốt mượn sách miễn phí công cộng. Bạn có thể mượn những cuốn sách mình muốn đọc hoặc có thể chia sẻ những cuốn sách bạn đã đọc tại đây, tất cả đều dựa vào ý thức tự giác.
Thông thường bầu không khí bên trong các nhà sách rất yên tĩnh và thanh tịnh, nhiều nhà sách nhỏ có chỗ để bạn có thể vừa uống cà phê vừa đọc sách, hoặc cung cấp khu vực đọc sách miễn phí. Ngay cả khi bạn không có tiền mua sách, miễn là bạn sẵn sàng đọc thì bạn có thể ngồi ở đây đọc cả ngày, sẽ không có ai đuổi bạn đi vì bạn không mua nổi sách.
Các nhà sách lớn cũng thường tổ chức một số câu lạc bộ sách hoặc các buổi đọc để khuyến khích mọi người đọc sách và yêu thích việc đọc sách. Các nhà sách sẽ không chỉ bán một số lượng lớn sách best seller vì lý do lợi nhuận, mà sẽ đáp ứng nhu cầu của nhiều phân loại độc giả khác nhau.
Nếu bạn thích đọc và thích tìm kiếm những cuốn sách cổ xưa, bạn có thể đến chợ trời địa phương hoặc một số hiệu sách cũ nhỏ để tìm kiếm những cuốn sách không còn được phát hành hoặc mang ý nghĩa đặc biệt.
Ngoài các phương tiện đọc cho công chúng, hàng năm ở Frankfurt và Leipzig, Đức sẽ đều tổ chức hội chợ sách như một nền tảng giao lưu văn hóa sách và kinh doanh, thu hút các nhà xuất bản sách lớn trên thế giới đến đây tham gia.
4. Câu chuyện đằng sau thói quen đọc sách của người dân Đức
Đức là một quốc gia giàu mạnh, đằng sau nó nhất định phải có một sức mạnh văn hóa thúc đẩy, và sức mạnh đó chính là sức mạnh của việc đọc sách.
Trong khi chúng ta không ngừng cảm thán về nền sản xuất của Đức và sức mạnh của họ trong việc duy trì Khu vực đồng tiền chung châu Âu, chúng ta không nhận thấy rằng các trường đại học và thư viện của Đức là những tòa nhà kinh điển nhất trong khu vực và được xây dựng ở những vị trí thuận tiện nhất, cũng không chú ý đến việc người dân Đức có tỷ lệ đọc sách bình quân đầu người cao nhất thế giới, càng không chú ý đến sự tôn trọng tri thức và thái độ đối với việc đọc của người Đức là như thế nào.
Ngày nay, xã hội đang có xu hướng bất an nhiều hơn. Mọi người đều bận rộn lướt mạng xã hội, đọc tin tức, đọc chuyện phiếm và dạo quanh các diễn đàn, vì không biết sàng lọc một cách hợp lý, tiếp nhận quá nhiều tin tức rác, xem quá nhiều hình ảnh xấu và cực đoan, tất yếu sẽ trở nên bất an, tâm hồn và tinh thần ngày càng nhạy cảm và sợ sệt.
Do sự bùng nổ của thông tin, chúng ta đã hình thành nên một phương pháp và thói quen đọc gọi là "đọc lướt", số lượng đọc của mọi người có thể ngày càng tăng nhưng chất lượng đọc thì không được đảm bảo.
Trong thời đại ngày nay, có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự sẵn sàng dành thời gian và công sức để đọc một cuốn sách có thể thanh lọc tâm hồn và nâng cao đời sống tinh thần?
https://hatgiongtamhon.vn/