Tôi đã có lần phỏng vấn Thiếu tướng Smedley Butler – ông già “Mắt sắc như dao”, “Quỷ địa ngục” Butler – người nổi danh là một trong những vị tướng ngông nghênh nhất từng chỉ huy Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Ông nói với tôi rằng hồi còn trẻ, ông vô cùng khao khát được nổi tiếng và luôn muốn tạo ấn tượng tốt với mọi người. Ngày đó, những lời phê bình nhẹ nhất cũng khiến ông đau nhói và day dứt. Nhưng ông thừa nhận rằng 30 năm quân ngũ đã tôi luyện ông thành một người cứng rắn. Ông nói: “Tôi từng bị nhiếc móc, xúc phạm và bị lăng mạ như một con chó, bị gọi rắn, một con chồn hôi. Tôi bị các chuyên gia nguyền rủa, bị gọi bằng đủ các thứ tên và các từ chửi rủa không tiện nói ra. Chúng có khiến tôi phiền muộn không? Hừ, Bây giờ nếu thấy có ai đó chửi rủa mình, tôi còn chẳng thèm ngoái lại để xem họ là ai”.
Có thể ông già Butler “Mắt sắc như dao” là người thờ ơ hiếm có với lời phê bình; nhưng có một điều chắc chắn là hầu hết chúng ta đều nghiêm trọng hóa những lời chế giễu và chỉ trích hướng về mình. Tôi nhớ có lần cách đây nhiều năm, một phóng viên của tạp chí Sun đã đến dự một buổi gặp mặt các học viên của tôi và viết một bài châm biếm chỉ trích tôi và công việc của tôi. Tôi có nổi giận không? Tôi coi đó là một hành động xúc phạm đến danh dự cá nhân và gọi cho Gil Hodges, Chủ tịch Hội đồng quản trị của tạp chí Sun, yêu cầu ông ta phải in bài báo nói lên sự thật – chứ không phải lời nhạo báng. Tôi quyết định sẽ trừng trị đích đáng kẻ đã viết bài báo đó.
Giờ đây tôi cảm thấy xấu hổ về cách cư xử của mình lúc ấy. Tôi nhận ra rằng một nửa số người mua tờ tạp chí không hề đọc bài báo đó. Một nửa số người đọc nó chỉ coi đó như là một trò đùa vô hại. Một nửa số người đọc kỹ nó thì quên bẵng tất cả chỉ sau vài tuần.
Giờ đây tôi nhận ra rằng người ta chẳng mấy khi nghĩ về bạn hoặc tôi hay bận tâm đến những gì người khác nói về chúng ta. Họ chỉ nghĩ về bản thân họ mà thôi – trước bữa ăn sáng, sau bữa ăn sáng và ngay lúc sắp chìm vào giấc ngủ. Họ sẽ nghìn lần quan tâm về cơn đau đầu nhẹ của họ hơn là thông tin về cái chết của bạn hay tôi.
Ngay cả khi bạn và tôi 1/6 số bạn thân nhất lừa dối, nhạo báng, phản bội – thì cũng đừng bao giờ để mình chết chìm trong nỗi thương thân. Thay vào đó, hãy nhắc nhở bản thân rằng đó chính xác là những gì đã xảy ra với Chúa Jesus. Một trong 12 người bạn thân nhất của Ngài đã quay lưng phản bội Ngài vì một chút hối lộ chỉ đáng giá 19 đôla theo giá trị hiện nay. Một người bạn khác trong số 12 người đó đã bỏ mặc Ngài ngay khi Ngài gặp rắc rối và ba lần tuyên bố rằng hắn ta thậm chí không biết Jesus là ai – và ba còn thề nguyền khi nói thế. Một phần sáu! Đó là những gì đã xảy đến với Chúa. Tôi và bạn làm sao có thể mong đợi mình sẽ có một tỷ lệ nhỏ hơn?
Nhiều năm trước tôi nhận ra rằng tuy không thể ngăn được những lời nhận xét bất công của người khác, nhưng tôi có thể làm một việc quan trọng hơn rất nhiều: Tôi có thể quyết định việc có cho những lời chỉ trích không công bằng đó quấy rối mình hay không.
Xin bạn đừng hiểu lầm, tôi không hề ủng hộ việc bỏ ngoài tai mọi lời phê bình. Tôi đang đề cập đến việc bỏ qua những lời phê bình không công bằng. Có lần tôi đã hỏi Eleanor Roosevelt rằng bà làm cách nào để ứng phó với những lời chỉ trích không công bằng. Bởi trong số những phụ nữ từng sống trong Nhà Trắng, bà có lẽ là người có nhiều bạn tri kỷ và cũng có nhiều kẻ thù cay độc hơn cả.
Bà kể rằng hồi trẻ bà hầu như luôn sống trong tình trạng mệt mỏi vì e ngại, lo sợ người khác nói này nói nọ. Bà sợ những lời phê phán đến nỗi một ngày kia bà đến xin lời khuyên của cô mình là chị gái của Tổng thống Theodore Roosevelt. Bà nói: “Dì Bye à, cháu cũng muốn làm nhiều việc, nhưng lại sợ bị chỉ trích”.
Chị gái của Roosevelt đã nhìn vào mắt cô cháu Eleanor và bảo: “Đừng bao giờ để tâm đến những gì người khác nói nếu tận sâu trong tim, cháu biết mình làm đúng”. Eleanor Roosevelt cho tôi biết là nhiều năm sau, khi bà đã trở thành bà chủ Nhà Trắng, lời khuyên đó vẫn là điểm tựa vững chắc cho bà. Theo Eleanor, để không bao giờ bị chỉ trích thì chỉ có cách duy nhất là không bao giờ làm gì cả. Bà nói: “Hãy làm những gì con tim mách bảo bạn là đúng và đừng lo ngại gì cả. Vì dù có làm hay không làm, bạn vẫn có thể bị chỉ trích”.
Khi Mattheu C. Brush đang là Chủ tịch tập đoàn American International, tôi có hỏi ông đã từng phản ứng nhạy cảm với những lời phê bình chưa. Ông trả lời: “Hồi trước thì có. Ngày ấy tôi luôn muốn là một người hoàn hảo trong mắt tất cả nhân viên. Nếu không được thế, tôi sẽ lo lắng. Ngay khi ai đó lên tiếng phản đối, tôi vội vàng làm hài lòng anh ta; nhưng những gì tôi làm để dàn xếp ổn thỏa với anh ta lại khiến người khác bực mình. Cứ như thế, khi tôi cố gắng làm vui lòng người này, tôi lại chọc giận người khác. Cuối cùng tôi nhận ra rằng càng cố gắng xoa dịu và né tránh sự chỉ trích bao nhiêu thì tôi lại càng dễ chuốc thêm kẻ thù bấy nhiêu. Vậy nên, tôi tự nhủ: “Nếu còn bận tâm đến những lời chê trách của người khác, mi sẽ càng bị chỉ trích. Tốt hơn là hãy quen dần với nó đi”. Suy nghĩ đó đã giúp tôi rất nhiều. Từ đó trở đi, tôi đề ra một quy tắc là hãy gắng sức làm điều tốt nhất có thể, sau đó chỉ việc bật chiếc dù lên để tránh bị cơn mưa phê bình, nhận xét làm ướt người”.
Deems Taylor còn tiến xa hơn một bước: Ông để cho cơn mưa phê bình chảy xuống cổ rồi cười vào nó – một cách công khai. Khi đang bình luận trong giờ nghỉ của buổi hòa nhạc trên sóng radio chiều Chủ Nhật của Dân nhạc giao hưởng Philharmonic-Symphony New York, ông nhận được lá thư từ một người phụ nữ, gọi ông là “một kẻ nói dối, tên phản bội, một con rắn, kẻ khốn kiếp”. Taylor viết trong quyển sách Of Me and Music (Con người và âm nhạc) của mình rằng: “Tôi ngờ là cô ta không hề quan tâm đến những gì mình nói”. Vào tuần tiếp theo, Ngài Taylor đã đọc lá thư đó trên sóng phát thanh cho hàng triệu thính giả nghe đà. Vài ngày sau, người phụ nữ đó lại tiếp tục gởi một lá thứ khác “thể hiện quan điểm kiên định không hề lay chuyển của cô ta rằng tôi vẫn là một kẻ nói dối, tên phản bội, một con rắn, kẻ khốn kiếp”. Dù sự thật thế nào, chúng ta vẫn không thể không ngưỡng mộ thái độ đón nhận những lời phê bình một cách thản nhiên, đường hoàng và hết sức hài hước như thế.
Khi Charles Schwab diễn thuyết trước các sinh viên của trường Princeton, ông thừa nhận đã rút ra được một trong những bài học quan trọng nhất nhờ một ông già người Đức làm việc trong xưởng thép của mình. Ông này đã dính vào một tranh cãi gay gắt với những công nhân khác và bị họ quẳng xuống sống. Ngài Schwab kể: “Khi thấy ông đến văn phòng của tôi, người ướt đẫm và dính đầy bùn đất, tôi hỏi ông đã nói gì với những người đã ném ông xuống sông. Ông trả lời: Tôi chỉ cười thôi.
Ngài Schwab nói rằng ông đã lấy lời nói đó của ông già người Đức làm phương châm của mình: “Chỉ cười thôi”.
Phương châm đó đặc biệt hữu ích trong trường hợp bạn là nạn nhân của những lời nhận xét không công bằng. Người ta chỉ có thể vặn lại người đối đáp với mình, nhưng có thể nói gì với một người “chỉ cười thôi”?
Lincoln có thể đã bị suy sụp dưới áp lực căng thẳng của cuộc Nội chiến nếu ông không hiểu rằng thật là điên rồ khi cố gắng đáp lại mọi lời chỉ trích, châm chọc chua cay chĩa vào mình. Lời bộc bạch của ông về việc đối mặt với những lời chỉ trích đã trở thành một viên ngọc quý trong nghệ thuật đối nhân xử thế. Tướng McArthur đã đóng khung và treo đoạn văn đó trên bàn làm việc ở tổng hành dinh của mình, Winston Churchill cũng treo nó trên tường trong phòng làm việc ở Chartwell. Câu nói đó như sau: “Chỉ riêng việc đọc hết những lời công kích nhằm vào mình, chứ chưa tính đến chuyện trả lời, thì có lẽ tôi phải ngừng hết mọi công việc khác lại. Tôi làm điều tôi biết là tốt nhất, bằng tất cả khả năng của mình; và tôi sẽ vẫn tiếp tục làm thế cho đến cùng. Nếu kết cục chứng minh tôi hoàn toàn đúng, thì những lời phản đối sẽ chẳng còn nghĩa lý gì. Nếu kết cục chứng minh tôi sai, thì dẫu có mười thiên thần khăng khăng rằng tôi đúng cũng vô ích”.
Vậy thì khi gặp phải những nhận xét không công bằng, chúng ta hãy nhớ nguyên tắc: Làm tốt nhất những gì có thể; rồi bật chiếc dù của bạn lên để cơn mưa nhận xét không làm ướt gáy bạn.
Trích trong tập sách QUẲNG GÁNH LO ĐI VÀ VUI SỐNG của Dale Carnegie, Nguyễn Văn Phước biên dịch