365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

WGPSG-- Căn cốt niềm tin và tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người đó là: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). 

To có, nhỏ có, giận có, hờn có, ghen có... đủ mọi phản ứng của Thiên Chúa khi con người ngoảnh mặt làm ngơ trước Tình Yêu Thiên Chúa.

Dù con người có thế nào đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn yêu và mãi yêu con người. Nhưng rồi, con người từ bao thế hệ và cho đến ngày hôm nay vô cảm với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh để muốn nói với con người rằng Thiên Chúa yêu thương con người, để rồi con người yêu Chúa và yêu anh chị em đồng loại.Rất bình dị, rất bình dân để diễn tả tình yêu mà Chúa mời gọi con người. Có lúc tình yêu ấy thể hiện ở chuyện làm cho con bà góa sống lại, có lúc làm cho anh què được đi, anh mù được thấy, người đàn bà bị băng huyết được chữa lành... và hết sức bình dị với xứ sở mà Chúa Giêsu sống, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho.

       Chả cần triết học, thần học cao siêu để suy nghĩ. Chỉ đơn giản: khi cành nho lìa cây thì sẽ khô héo ngay lập tức. Kinh nghiệm ấy thực tế nơi mỗi người chúng ta về cây cỏ nào đó chứ không chỉ cây nho mà thôi. Cây khế, cây ổi, cây cóc, cây khế, cây xoài... xung quanh nhà ta cũng thế. Nếu cành rời khỏi cây thì chỉ có chết và quăng đi để chụm lửa mà thôi chứ để làm gì cho vướng víu.

Cành nho chỉ sinh hoa trái khi kết hợp với cây nho vì khi kết hợp với cây nho thì cành nho kín múc được nhựa sống của cây nho.

Chất sống, nhựa sống của Cây Nho Giêsu không phải là điều gì khác đó chính là Tình Yêu.

Chúa Giêsu hơn một lần đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Cũng vậy, cây nho Giêsu cũng sống để cho cành nho được sống dồi dào.

Rất đơn giản, rất dễ hiểu, chả có gì phải lý sự gì cả: khi cành nào tháp nhập vào cây thì sẽ sống và sống dồi dào.

Và, Chúa Giêsu dẫu rằng “đi về nhà Cha để dọn chỗ cho anh em” nhưng Ngài vẫn hiện diện với anh em mọi ngày cho đến tận thế. Điều này rất đúng và quá đúng nơi bí tích Thánh Thể, nơi Lời Chúa.

Cũng chả có gì phải suy tư: ai nào đó gắn kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện, qua đời sống Thánh Thể và Lời Chúa thì chắc chắn hoa quả đời sống của người đó khác với người chả bao giờ bận tâm đến Chúa. Những người khô khan nguội lạnh với Chúa thì lấy gì mà có sức sống được mà ngồi đó mà than thân trách phận?

Sức sống từ Cây Nho Giêsu đến từng cành nho là mỗi Kitô hữu do chính thân vận động của mỗi người chứ không phải do ai khác. Chả có ai sống thay ai được cả.

Chả có ai ăn dùm ai và sống dùm ai. Cũng chả có ai uống dùm ai và đến với Chúa thay ai được.

Có bao giờ bạn nhờ người nào đó ăn dùm bạn, ngủ dùm bạn không?

Trong khi đó, thực tế của cuộc sống, bạn sống với Chúa như thế nào? bạn kết hợp với Chúa như thế nào thì chỉ mình bạn biết thôi chứ chả ai dám xét đoán bạn cả.

Một ngày, bạn dành cho đời sống tâm linh, đời sống linh hồn của bạn được bao lâu? 5 phút? 10 phút? 15 phút? Có chăng ngày Chúa nhật thì đem cái xác có khi là không hồn đến với Chúa với Thánh lễ Chúa nhật mà chưa chắc trọn vẹn. Đơn giản rằng bạn đến đó nhưng lòng của bạn vẫn còn ở đâu đó và chả kết hiệp mật thiết với Chúa.

Chả có gì khó lý giải khi ngày hôm nay người ta vô cảm với nhau.

Nhìn tấm hình “biết nói” khi một bàn tay đang đuối nước giơ tay lên cầu cứu và xung quanh là những bàn tay cầm điện thoại di động để chụp hình.

“Hoa quả” của tấm hình đó là gì? nói lên điều gì? Xin thưa nói lên sự vô cảm. Ngày hôm nay, xã hội và cả Giáo Hội nữa nhiều người mang trong mình căn bệnh vô cảm.

Ngay cả chính Chúa là nguồn sống, nguồn lương thực Thần Linh, là Chủ, là Chúa của họ mà họ chả quan tâm gì cả thì thử hỏi người xung quanh họ coi ra gì?

Tương quan giữa con người với con người có gì đó như mắt xích với nhau. Nếu ai đó bảo yêu thương đồng loại mà không tôn thờ yêu mến Thiên Chúa là phải coi lại tư cách người đó. Hay là, người nào đó nói họ yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh chị em mình thì cũng cần xem lại tư cách và cung cách sống của người đó.

Chúa là lẽ sống của người ta mà người ta coi chẳng ra gì thì anh chị em đồng loại họ cũng xem chẳng ra chi.

Bản thân con không có kinh nghiệm mục vụ nhiều như các cha xứ nhưng khi nghe tâm tình của các cha ấy sao mà chán ngán: Xứ con thế này thế kia, con cái bán đứng cha mẹ, anh chị em bán đứng nhau, trong gia đình, trong giáo xứ thì ca đoàn này coi mình hơn ca đoàn kia, hội đoàn này hơn hội đoàn kia... Xứ con nhiều người còn gây chia rẽ không hiệp nhất yêu thương... Thôi thì chúng con cũng cố gắng hết sức mình để làm cho giáo xứ hiệp nhất nên một thôi Cha ơi!

Nghe những lời tâm sự đó ai mà không buồn? Cũng là người Kitô hữu với nhau mà! Cũng là anh em với nhau mà! Nếu không sống hiệp nhất yêu thương thì phản chứng chứ không còn là một Kitô hữu đích thực nữa.

“Anh em hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở trong Cha. Hạn từ “ở lại” sao nghe nó hay quá!

Thử đơn cử nhìn vào tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, cha mẹ và con cái ta sẽ thấy điều đó rất thực tế quanh ta.

Khi hai bạn nam nữ yêu nhau họ quấn quýt bên nhau và họ tìm đủ mọi cách để ở lại trong nhau. Họ tìm hiểu nhau, yêu nhau và cưới nhau để ở lại với nhau.

Con cái cũng vậy, đi học thì thôi, về nhà cứ quấn quýt bên cha mẹ. Đơn giản vì chúng cảm nhận được tình thương của cha của mẹ.

Thực tế cuộc sống ngày hôm nay, có khi gia đình chỉ là quán trọ mà thôi. Mái ấm gia đình không còn là mái ấm nữa mà là mái lạnh. Ở trong gia đình, các thành viên lạnh tanh với nhau và không còn tìm được hơi ấm cho nhau. Đi làm về, vất cái giỏ, tắm rửa, nghỉ ngơi ăn uống xong là lao vào cái máy vi tính, cái iphone, cái ipad. Ngay trong gia đình, họ cũng không còn gắn kết với nhau nữa.

Xét cho bằng cùng, xem ra là lý thuyết nhưng nó chính là hệ quả hay hậu quả của một lối sống không gắn kết vào Chúa Kitô. Khi họ không còn cảm thức về tình yêu Thiên Chúa dành cho họ thì họ cũng chả có cảm thức gì dành cho nhau nữa.

Ngày hôm nay, ly thân ly dị thật nhiều vì họ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, họ không còn cảm thức về Thiên Chúa nữa. Chính khi họ không còn gắn kết đời sống họ vào cây nho đích thực là Thiên Chúa thì đời sống tâm linh của họ cũng sẽ héo úa dần theo tháng năm.

Lời trăn trối, lời yêu thương của Thầy Chí Thánh Giêsu vẫn còn đó:

Một chiều năm xưa giữa bữa tiệc vui, thì thầm bên tai Chúa nói biệt ly.

Này đoàn con ơi chớ hãi sợ chi, Ta sẽ ra đi nhưng ta lại đến.

Về cùng Cha ta Đấng đã gọi Ta, một thời gian thôi chẳng có là bao.

Vì này Ta đi lo cho các ngươi, dọn chỗ các ngươi bên Ta sau này. 

Lời Ngài khi xưa, lời Ngài khi xưa con xin nhớ hoài. 

Tình Ngài thương con, tình Ngài thương con không bến không bờ.

Lời Ngài khi xưa, ngàn đời mai sau con xin ghi nhớ. 

Hãy yêu thương nhau, hãy yêu thương nhau như chính Thầy. 

Thầy là cây nho chính của vườn nho, còn Người chăm nom chính Chúa là Cha. 

Ngành nào trong ta sẽ trổ nhiều hoa, Cha sẽ tỉa đi cho nho mọc trái. 

Ngành nào không chia sức sống của Ta, thì này Cha Ta sẽ ném ngoài xa. 

Ngành nào không lo liên kết với cây, sẽ héo khô ngay không sinh ích gì.

Xin cho mỗi người chúng ta ý thức thân phận mỏng dòn của ta. Khi và chỉ khi ta tháp nhập vào Cây Nho Giêsu thì đời ta mới trổ sinh hoa trái yêu thương. Xin cho ta ngày mỗi ngày ráng gắn kết đời ta vào đời Chúa để ta được hạnh phúc và bình an. Ước gì mỗi người chúng ta cũng can đảm tuyên xưng với mọi người như Thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Xin cho ta đừng vô cảm với Tình Yêu Giêsu cũng như vô cảm với anh chị em chúng ta nữa. Xin cho chúng ta ngày mỗi ngày gắn bó với Giêsu Tình Yêu hơn để khi ta có Chúa trong đời thì ta cũng gắn bó và yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa mời gọi mỗi người chúng ta.

 

 Người Giồng Trôm