Vào năm 1960, một cuộc bách hại đạo Công Giáo bùng lên tại nước Su-đăng thuộc Phi Châu. Một sinh viên Công giáo da đen tên là Ta-ban đã bỏ nhà chạy sang nước láng giềng U-gan-đa lánh nạn. Trong thời gian ở đây, Ta-ban đã được nhận vào chủng viện và 7 năm sau, anh được thụ phong linh mục. Khi tình hình ở Su Đăng lắng dịu, tân linh mục Ta-ban quyết định trở lại quê nhà để thi hành sứ vụ linh mục của mình. Cha được Bề trên bổ nhiệm coi sóc một giáo xứ vùng Pa-lo-ta-ka. Tuy nhiên, giáo dân ở đây lại hoài nghi về chức linh mục của cha như cha đã thuật lại: “Dân chúng ngờ vực nhìn tôi và nói: “Này anh bạn da đen kia! Anh nói cái gì vậy? Anh mà là Linh mục ư? Thật là khó tin!”.

 

Thực ra trước đây, tại Su Đăng chưa bao giờ xuất hiện một linh mục nào người da đen cả. Giáo xứ luôn được các linh mục thừa sai người da trắng đến chăm sóc và đã chia sẻ cho họ nhiều thực phẩm, quần áo và thuốc men. Còn bây giờ cha Ta-ban lại là một người da đen nghèo khó giống như họ, nên ngài chẳng có gì để phân phát như các linh mục da trắng kia.

 

Tình hình lại càng phức tạp thêm, khi cha Ta-ban bắt đầu canh tân phụng vụ thánh lễ theo đường hướng công đồng Va-ti-can II. Giáo dân đã xầm xì với nhau: “Ông linh mục da đen này còn bày đặt làm lễ bằng tiếng bản xứ thay vì bằng tiếng la tinh. Chắc ông ta không rành tiếng la tinh nên mới làm như vậy! Không biết ông ta là linh mục thật hay giả?”. Phải mất 10 năm, sau bao nhiêu vất vả phục vụ giáo xứ, chịu đựng bao nhiêu sự miệt thị khinh dể, cuối cùng cha Ta-ban mới được giáo dân thừa nhận là Cha Sở của họ.

 

 - Sưu tầm -