Hoạ Sĩ Jacopo Tintoretto (1575-80)
                                                                   

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.


2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su.3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.


6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? "7 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu."8 Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy."9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa."10 Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! "11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

 

Chiêm ngắm và suy niệm (Maria Nguyễn Thị Thương)

Bức tranh “ Chúa rửa chân cho các môn đệ” là một tác phẩm tranh sơn dầu vẽ trên vải do hoạ sĩ  Jacopo Tintoretto sáng tác năm 1560.

Bức tranh có những nét tối sáng hài hoà, diễn tả cuộc gặp gỡ sâu đậm giữa Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài, là bửa Tiệc Ly vì Người đã đến giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng. Nhân loại là gì? mà Chúa đã tự hạ mình rời bỏ Ngôi vị con Thiên Chúa để trao ban yêu thương và phục vụ cho con người đến hơi thở cuối cùng?

Hãy chiêm ngắm gương mặt Chúa Giê-su với ánh sáng hào quang bao phủ, Chúa Giê-su rời bàn ăn với chiếc áo màu đỏ tình yêu, Ngài cởi áo choàng trắng tinh khiết để thắt vào lưng của mình, đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.

Đôi mắt nhân từ của Chúa Giê-su đang âu yếm nhìn vào ánh mắt tâm hồn của ông Si-mon Phê-rô làm ông bối rối: Thầy mà rửa chân cho con sao? Hành động Chúa rửa chân là cúi xuống tự hạ mình để trở nên người tôi tớ hèn mọn hầu hạ kẻ khác, là một tình yêu cao cả của Chúa Giê-su đã từ bỏ mình để hiến thân phục vụ yêu thương chăm sóc từng người một trong thế giới này, trong đó có bạn và tôi.

Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy, các con tin Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau.

Đường tình yêu nối tiếp tình yêu của Chúa Giê-su đã bảo đảm cho chúng ta, con cái của Chúa, có một sự sống mới.

Cuộc sống nơi trần thế với lòng tuân phục tin tưởng trông cậy nhờ vào tình yêu thập giá, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô.

Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau. Theo gương Chúa, mời bạn cùng tôi biết học sống khiêm nhu, nhẫn nại với lòng ao ước biết hạ mình để phục vụ lẫn nhau, hầu hoà chung cung đàn ngợi ca khen tình yêu Thiên Chúa đến muôn đời.

Thầy đã nêu gương cho anh em.

Chúa ơi, con cảm thấy hối hận vì có những lần con không đáp trả lại những ân tình mà Chúa đã thương yêu đánh đổi mạng sống của Ngài để cứu sống cuộc đời con.

Xin Chúa Giê-su giúp con mặc lấy tinh thần của Ngài là biết yêu cho đến cùng, được thể hiện nơi lòng nhân ái ánh mắt yêu thương của Ngài, giúp con can đảm sẵn sàng đứng dậy cởi bỏ con người hạn hẹp ích kỷ để phục vụ anh em, là niềm vui của Thiên Chúa đang mời gọi và mong chờ nơi con.

 

Lời cầu nguyện (Louis Tạ - Đức Quốc).

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Chúng con hiểu rằng. Chúa đã để lại cho chúng con mẫu gương sẵn sàng phục vụ và khiêm nhường tuyệt đối, trong nỗ lực mời gọi chúng con sống phục vụ và yêu thương nhau.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng con có thể sẵn sàng phục vụ lẫn nhau, không chỉ trong việc rửa chân, mà còn thể hiện trong đời sống phục vụ tha nhân vô vị lợi và hăng say rao truyền tình yêu Chúa cho mọi người, để chúng con cùng thực thi Lòng Chúa Thương Xót, Amen!

Hoạ Sĩ Pietro Lorenzetti (1320)

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19,28-40)

28 Khi ấy, Đức Giê-su dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem. 29 Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo : 30 “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. 31 Nếu có ai hỏi : ‘Tại sao các anh cởi lừa người ta ra’, thì cứ nói : ‘Chúa có việc cần dùng !’ 32 Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. 33 Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông : “Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra ?” 34 Hai ông đáp : “Chúa có việc cần dùng.”

35 Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. 36 Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. 37 Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. 38 Họ hô lên : Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời !

39  Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ !” 40 Người đáp : “Tôi bảo các ông : họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên !”

 Chiêm ngắm và suy niệm (Kim Liên – Bỉ Quốc).

Đây là bức tranh nổi tiếng của nhà họa sĩ người Ý Pietro Lorenzetti vào năm 1320.

Bức tranh diễn tả cảnh khi xưa Chúa Giêsu và các môn đệ tiến vào Jerusalem và được dân chúng đón tiếp, nhưng trong một không gian mới mẻ hơn của thế kỷ thứ 14 và với thành Sienna của nước Ý, nơi mà họa sĩ sinh sống.

Nhìn qua bức tường thành là một khung cảnh thật lộng lẫy, với những nóc nhà thờ với kiến trúc ‘Gothique’ rất thịnh hành vào thời đó, những ngôi nhà cao, những khung lâu đài được sơn phết và trang trí rất mỹ thuật với những màu sắc thanh nhã và sang trọng.

Trọng tâm của bức tranh là hình Chúa Giêsu với hào quang trên đầu, thật oai nghiêm trên lưng của một con lừa tượng trưng cho sự hòa bình. Chiếc áo choàng dài màu xanh đậm, màu xanh của bầu trời, với những đường viền chỉ vàng nổi bật và chiếc áo thêu lấp lánh làm rạng ngời cả gương mặt của Người. Một gương mặt nghiêm trang nhưng bình tâm, khiêm nhu và hiền hòa, với 2 ngón tay chỉ lên trời như muốn nhắc đến nhân tính và thiên tính của Người.

Trước mặt của Chúa Giêsu là khung cảnh dân chúng đông đúc, người lớn lẫn trẻ em đang ra đón tiếp Người vô thành, có người thì cầm lá, người thì đang trải áo choàng của mình cho lừa của Chúa đi qua, kẻ thì đang cởi áo khoác của mình ra, một người khác thì đang với tay bẻ lá cây dừa.

Theo sau Chúa Giêsu là 12 môn đệ, tất cả đều có hào quang trên đầu trừ một người. Họ bước đi trên những tàu lá đã trải sẵn, mắt nhìn nhau như biểu lộ một sự ngạc nhiên và thắc mắc hỏi chuyện gì đang xảy ra và sắp xảy ra cho thầy của mình và cho chính họ. Chỉ có duy nhất một môn đệ đầu không có hào quang là có một gương mặt thản nhiên hơn hết như đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Điểm thu hút của bức tranh là tư thế và gương mặt bình tâm và nhân từ của Chúa Giêsu giữa những cảnh người chen chúc, chào mừng, tung hô Người, và những môn đệ đang theo sau với nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Trong một khung cảnh với những màu sắc tươi vui và nhẹ nhàng của một ngày của mùa xuân, giữa vạn tiếng reo hò đón mừng, Chúa Giêsu, dù buồn phiền xao xuyến, đã quyết tâm vâng phục thánh ý của Chúa Cha, can đảm tiến về phía trước để đón nhận sự thương khó, sự bội phản và chối từ mà Ngài đã biết trước.  

Sự tương phản này giúp tôi càng ý thức và càng thấu cảm hơn tình thương bao la và sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu đã đến với loài người, đã đến với chính tôi để đem thương yêu, mùa xuân và hy vọng. 

Và tôi tự hỏi, mình là ai trong những người này, tôi có theo Chúa rồi chối từ Người không?

Tôi có tạ ơn, ngợi khen, rồi quay lưng với Người vì những thử thách, những điều bất như ý mà tôi đối diện? Vì những cám dỗ và vướng bận của tôi với đời sống trần gian này hay không?

Chúa đã dẫn đầu các môn đệ khi tiến bước vào Jerusalem, tôi có tín thác và để Chúa dẫn dắt tôi đi qua các thử thách của đời mình không?

Lời cầu nguyện (Chị Mai Phương – Hoa Kỳ).

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con reo hò, đón chào, tung hô Người vì chúng con mong đợi Người đến để cứu chúng con thoát khỏi sự đau khổ, lưu đày.  Chúng con đâu hiểu rằng, Chúa tuyệt đối trung thành với con đường Thập Giá, để vâng phục ý của Chúa Cha, và sẵn sàng chấp nhận khổ đau.  Phần chúng con thì dễ dàng thất vọng buông xuôi, khi gặp gian nan thử thách.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con thêm Đức Tin, can đảm tiến về phía trước, dù cuộc đời gặp bao sóng gió, nhưng luôn một lòng trung kiên theo Chúa đến cùng.

Bức tranh “ người đàn bà ngoại tình” là tác phẩm tranh sơn dầu được vẽ vào năm 1653 do hoạ sĩ người Pháp tên là Nicolas Poussin sanh năm 1594 tại Normandy, nước Pháp.

Và bức tranh này hiện nay được trưng bày trong Musée du Louvre thành phố Paris, nước Pháp.

 

Mời bạn hãy nhìn xem bầu trời xanh biếc trong sáng với vài cụm mây trắng bao quanh ngôi Đền Thờ, đưa lòng người thật thanh thản an bình của một buổi sáng sớm là nơi Chúa Giê-su đang giảng dạy cho toàn dân. Hoà khí này bị tan biến đi vì tiếng la hét của đám đông, họ bắt được một tội nhân cần nghe lời Chúa Giê-su phán quyết.

 

Phía tay phải của Chúa Giê-su có năm người đàn ông là các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Chúa Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình, trong sách Luật, ông Môi-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá người đàn bà đó. Còn Thầy,Thầy nghĩ sao? (Ga 8, 3-5)

 

Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu bắt gặp được người phụ nữ đang ngoại tình thì không biết người đàn ông dang díu với chị ta đang ở đâu? vì việc này chỉ xảy ra được khi có hai người, hành động của các kinh sư và Pha-ri-sêu không đủ bằng cớ để buộc tội người phụ nữ, nhưng họ nhất quyết bắt chị này đến hội đường để xem cách xét đoán của Chúa Giê-su và tìm cớ để hãm hại Ngài, vì nơi họ không chỉ đơn thuần nhằm tố cáo người phụ nữ nhưng chủ yếu là gài bẫy bắt Chúa Giê-su.

 

Phía sau lưng Chúa Giê-su có một người phụ nữ bồng một em bé đứng xa xa nơi nhóm người tố cáo người phụ nữ ngoại tình, có phải chăng đây là người chị, là người em của bà hay người láng giềng đang xót thương cho thân phận người phụ nữ này sẽ phải bị ném đá cho đến chết, còn đứa con nhỏ bé này có thể là con của chị thì sẽ ra sao? Chị ta vừa lo lắng sợ hãi nhưng tấm lòng chị quảng đại thương cảm cho số phận của người phụ nữ này. 

 

Phía tay trái của Chúa Giê-su cũng có năm người đàn ông, ba người trong nhóm họ cũng đang tranh cải, họ hỏi nhau xem Chúa Giê-su viết gì trên mặt đất, vì từ khi họ đem người phụ nữ đến, Chúa vẫn lặng thinh viết trên đất những gì mà họ không hiểu, vì thế họ tranh cải càng lúc càng to tiếng hơn về lề luật của người Do Thái, chữ viết của Chúa Giê-su khiến bầu không khí trở nên hổn loạn tranh chấp và họ chỉ muốn dùng lề luật để kết án người phụ nữ này.

 

Chúa Giê-su mặc chiếc áo màu xanh dương trông thật điềm đạm thanh tĩnh với áo khoát màu đỏ là sắc thái của tình yêu, Ngài đứng dậy nhìn mọi người với đôi mắt tràn đầy thương cảm, tay trái Ngài chỉ vào người phụ nữ và tay phải Chúa chỉ xuống đất những dòng chữ đã viết, đôi môi Ngài mở ra và nói cùng mọi người: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7)

 

Lời nói vừa rồi và thái độ bình tĩnh thinh lặng của Chúa Giê-su làm cho đám đông thức tỉnh vì không ai trong họ hay chúng ta không phạm tội, và họ không còn lên tiếng nữa trả lại bầu không khí thật im lặng và từ từ lần lượt bỏ đi hết, kẻ trước người sau bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất. Ở hai bên bức tranh hai người đàn ông đã ở trong tư thế bỏ đi.

 

Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Đức Giê-su và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (Ga 8, 9)

 

Chị phụ nữ bị bắt quỳ gối trước hội đường và công chúng với mảnh áo không đủ che tấm thân, gương mặt chị diển tả một sự ăn năn hối lỗi, chị cuối gầm mặt xuống xấu hổ với tội mình đã lỗi phạm, đôi mắt như muốn nhắm chặt lại không dám nhìn lên trời cao vì chẳng còn gì để hy vọng, đôi môi mở ra lấp bấp lời van xin: hãy tha thứ cho tôi vì đã trót nghe lời ngon ngọt của ma quỷ xúi dục…xin xin xin hãy tha thứ cho tôi.

 

Sự thinh lặng của Chúa Giê-su là một nhịp cầu của lòng thương xót tràn đến tâm tư của người phụ nữ khiến tâm hồn chị cũng hối lỗi và đang mong chờ lời nói của Ngài cho số phận của mình. Chúa Giê-su ngẫng lên mà nói : họ đâu cả rồi ? không ai lên án chị sao? Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về nhà đi và từ nay đừng phạm tội nữa! (Ga 8,10-11)

 

Thôi chị cứ về nhà đi và từ nay đừng phạm tội nữa!

Lời của Chúa Giê-su đã tác động vào tấm lòng người phụ nữ lúc bấy giờ mang nhiều cảm xúc pha lẫn niềm vui, vì bà tưởng chừng mình sẽ phải bị chết đi, nhưng lại được cứu sống.

Lời Chúa nói đã chạm đến trái tim người phụ nữ khi bà rơi vào hoàn cảnh nguy khốn này.

Và ngang qua tình yêu của Đức Giê-su, bà như được trải nghiệm ơn tha thứ lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa dành cho bà.

 

Qua câu chuyện này con nhìn lại đời sống của chính mình cũng đã bao phen nguy nan khốn khó vì tội lỗi, đã lỗi phạm đến tình yêu nhân hậu lòng thương xót của Thiên Chúa, xin Ngài tha thứ để con được sống trong ân tình của Ngài ban cho con qua lời Thánh Vịnh

 

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương.

chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi.

Như đông đoài cách xa ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta (Tv 103, 8-9.12).

 

 

Maria Nguyễn Thị Thương.

Ottawa ngày 28.03.2022

Chiêm ngắm bức tranh về Thiên Chúa Ba Ngôi của hoạ sĩ El Greco, bạn và tôi thấy gì vậy?

 

Cung đàn các thiên thần đang cất cao lời tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Vì yêu thương nhân loại dưới thế,

Ba Ngôi sẵn lòng hiến dâng Ngôi Hai là Đức Giê-su.

Ngài đến mặc lấy thân phận loài người.

Ngoại trừ tội lỗi của thế trần,

Ngài chia sẻ mọi nỗi niềm của phận người dưới thế.

Ngài đến để yêu và yêu cho đến cùng.

 

Mọi sự hoàn tất trên Thánh Giá,

nhờ đó ÂN SỦNG tuyệt vời từ trời cao

trở nên trọn vẹn giữa muôn người.

 

Ôi CUNG ĐÀN ÂN SỦNG CỦA THIÊN THẦN

nâng niu thân xác CON MỘT YÊU DẤU,

Ngài đang nằm trong đôi tay dịu dàng của Cha trên trời, và Thánh Thần Chúa đang hiện diện ở bên.

 

Ôi, CUNG ĐÀN ÂN SỦNG CỦA THIÊN THẦN

cùng chắp tay tôn vinh tình yêu của Chúa Ba Ngôi

đang toả vinh quang rạng ngời trên thiên quốc.

 

Ôi, CUNG ĐÀN ÂN SỦNG CỦA THIÊN THẦN

xin cất cao lời tri ân cảm tạ

Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương chúng con dưới thế,

ban ân sủng cứu độ kiếp người thấp hèn chúng con đây.

 

Ôi, CUNG ĐÀN ÂN SỦNG CỦA THIÊN THẦN

Xin cùng chúng con hôm nay

tôn vinh và chiêm ngắm Chúa Giê-su trên con đường thương khó.

 

 Ngọc Thế SJ.

Biến cố truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en là một trong những chủ đề trong nghệ thuật thánh được các hoạ sĩ chú ý đến nhiều nhất. Hans Memling (ca.1435-1494) đã vẽ một bức tranh sơn dầu về truyền tin và nhà sử học về nghệ thuật người Đức, Max Friedlaender (1867-1958) đã đánh giá rằng, bức tranh truyền tin này là một khám phá lớn nhất của hoạ sĩ Memling. Hans Memling xuất thân từ thành phố Seligenstadt bên bờ sông Main, nước Đức. Tuy nhiên, sự nghiệp hoạ sĩ của ông thì ở bên Hà-lan.  

 

Chiêm ngắm bức tranh của Memling, chúng ta thấy khung cảnh truyền tin diễn ra trong phòng ngủ của Đức trinh nữ thành Na-da-rét. Ở bên trái bức tranh là thiên thần Gáp-ri-en qua cánh cửa bước vào căn phòng và bái gối trước Đức Maria. Trên mái tóc vàng, thiên thần mang một vòng đội đầu đơn sơ và thiên thần nói lời chào mừng trinh nữ: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Tay trái của thiên thần nâng nhẹ áo choàng và cầm một cây trượng như là biểu tượng cho sứ mạng được Thiên Chúa sai đi làm sứ thần của Ngài. Như trong truyền thống các hình vẽ trên bàn thờ ở Hà-lan, thiên thần mặc chiếc áo choàng mang tính cách phụng vụ. Chiếc áo choàng với khăn viền choàng lên chiếc áo dài trắng (áo alba) như là áo choàng của các Linh Mục. Áo choàng được phối giữa màu đỏ và các đường hoa văn màu mạ vàng. Trên áo choàng có thể nhìn thấy hình thiên thần và bánh xe.

 

Hoạ sĩ diễn tả hình ảnh các thiên thần Xê-ra-phim được viết trong tiên tri I-sai-a quây quần xung quanh Thiên Chúa: “Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay” (Is 6,2.6), cũng như hình ảnh các thiên thần Kê-ru-bim đang hiện diện bên Thiên Chúa, như trong sách các Vua thứ hai diễn tả: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, Đấng ngự trên các Kê-ru-bim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài đã làm nên trời đất” (2V 19,15). Thánh Vịnh gia cũng nói đến: “Chúa là Vua hiển trị: chư dân phải rụng rời; Người ngự trên các thần hộ giá: địa cầu phải chuyển rung” (Tv 99,1).

 

Về các bánh xe thì được tiên tri Ê-dê-ki-en nhắc đến: “Tôi nhìn, thì kìa có bốn bánh xe ở bên cạnh các thần hộ giá, mỗi bánh xe ở bên cạnh một thần hộ giá, các bánh xe ấy trông lấp lánh như ngọc mã não” (Ed 10,9).

 

Hình ảnh của các thiên thần Xê-ra-phim và Kê-ru-bim nói lên một ý nghĩa, Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần với sứ mạng để thờ lạy và phục vụ Ngài. Trong các thiên thần có sự phân biệt giữa các tổng lãnh thiên thần và các thiên thần khác. Họ cũng mang sứ mạng góp phần vào công trình cứu rỗi các linh hồn. Vì thế, tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en được sai đến với Đức Maria để loan báo việc Chúa Giê-su xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Đó là trung tâm điểm của bức hoạ.

 

Chúa Thánh Thần mang hình ảnh chim bồ câu đã được nhắc đến trong các Tin Mừng (x.Mc 1,10). Nếu quan sát kỹ, chúng ta nhận ra rằng, Chúa Thánh Thần – Chim Bồ Câu đang đậu trên đầu Đức Trinh Nữ và qua đó diễn tả rằng: Mẹ Maria là nữ tỳ của Thiên Chúa và Mẹ đã nói lời xin vâng với sứ mạng Chúa trao.

 

Vòng sáng xung quanh Chúa Thánh Thần cũng hướng về cầu vồng đã xuất hiện trong biến cố Thiên Chúa lập giao ước với ông Nô-ê: “Thiên Chúa phán: ‘Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau:13 Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.14 Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây,15 Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.16 Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất’. 17 Thiên Chúa phán với ông Nô-ê: Đó là dấu của giao ước Ta đã lập giữa Ta với mọi xác phàm ở trên mặt đất” (St 9,12-17). Giao ước của Thiên Chúa giờ đây được ký kết trọn vẹn với nhân loại qua biến cố Giáng Sinh làm người của Chúa Giê-su.

 

Trong bức tranh còn có hình ảnh hai thiên thần ở hai bên Đức Maria, như đang phụ giúp Đức Trinh Nữ trong việc giới thiệu Đấng Cứu Thế cho muôn dân.

 

Chúng ta cũng thấy một số đồ vật trong bức tranh. Trước hết là một giá sách với cuốn Thánh Kinh ở trên. Bàn tay trái của Mẹ đang chỉ vào cuốn sách đang được mở ra. Hình ảnh này theo truyền thống nói về tinh thần chiêm niệm Lời Chúa mà Mẹ Maria luôn thực hiện trong đời mình. Cuốn Thánh Kinh được mở ra, khả năng lớn là ngay đoạn tiên tri I-sai-a nói:

“Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en”
(Is 7,14).

 

Ở bên phải giá sách là một bình bông với hai hai bông trắng nở đang hướng về Đức Maria và cũng nhắc nhớ người xem chú ý đến thời gian của Lễ truyền tin được mừng vào ngày 25.3 mỗi năm. Đó là thời gian mùa Xuân bắt đầu và các loài hoa cũng bắt đầu đua nhau nở rộ, như thánh Bernard Claivaux đã chú ý tới.

Hai bông hoa đang nở là hai hoa huệ đã được sách Diễm Ca nhắc tới (hoa huệ giữa bụi gai) chỉ về Đức Maria:

“Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ
có khác gì cánh huệ giữa bụi gai”
(Dc 2,2).

 

Màu trắng của hoa huệ hướng về sự thụ thai của Đức Maria đồng trinh và Đấng Vô Nhiễm tội tổ tông. Ngoài ra, có một bông huệ tím đang nở nhắc đến lời của Si-mê-ôn nói với Đức Maria: ”Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

 

Kế bên giường ngủ, có một tủ nhỏ và trên đó có ba vật diễn tả sự đồng trinh của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đầy ân sủng. Đế nến đứng thẳng ở bên phía phải hướng về việc Đức Maria sẽ sinh ra Chúa Giê-su, Đấng là Ánh Sáng cho trần gian (x.Ga 1,4-5-9; 8,12; 9,5; Lc 2,32). Hơn nữa, chân nến đó cũng hướng về trụ đèn được sách Xuất Hành nhắc tới (Xh. 25,31-38; 37,17-24) với bảy ngọn đèn được đốt sáng trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Giá nến đứng nhưng nến chưa được đặt lên để đốt diễn tả rằng, trong biến cố truyền tin Đức Maria đã đón nhận Ánh Sáng của Đức Ki-tô, nhưng Mẹ cần cưu mang Ánh Sáng đó trong lòng cho đến ngày sinh hạ.

 

Ý nghĩa này cũng tương hợp với cây nến ở bên cạnh cũng chưa được đốt lên. Bên phía trái chúng ta thấy một bình nước là biểu tượng về sự đồng trinh của Đức Maria mà vào thế kỷ thứ 9 thường được dùng tới. Để ý kỹ hơn, chúng ta thấy bình nước được ánh sáng chiếu vào và nhận ra rằng, bình nước không bị lỗi gì cả. Điều đó diễn tả sự rợp bóng của Chúa Thánh Thần vẫn giữ cho Mẹ được đồng trinh. Ngoài ra, trong bình có một chút nước diễn tả Đức Maria đang cưu mang Hài Nhi trong lòng.

Đặc biệt, trong khi nguồn nước sạch ở trong bình diễn tả sự đồng trinh của Mẹ, thì Ánh Sáng chiếu trên lòng của Mẹ diễn tả rằng: Ánh Sáng cho thế gian (x.Ga 8,12; 9,5) là Chúa Giê-su Ki-tô đang ở trong lòng Mẹ.  Ngoài ra, chúng ta thấy hoạ sĩ đã diễn tả nền nhà rất sạch sẽ diễn tả Đức Maria là người phụ nữ đảm đang trong công việc gia đình. Điều đó cũng hướng về sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ.

 

Cuối cùng, chúng ta chú ý đến căn phòng ngủ của Đức Maria mà hoạ sĩ cố ý diễn tả.

Hình ảnh căn phòng tân hôn được các hoạ sĩ ở miền bắc Châu Âu dùng thường xuyên trong khoảng từ năm 1400. Rogier van der Weyden là hoạ sĩ người Bỉ đầu tiên vẽ hình ảnh câu truyện truyền tin xảy ra trong phòng ngủ của Đức Trinh Nữ. Bức tranh của hoạ sĩ Weyden được vẽ khoảng năm 1435, hiện được giữ tại viện bảo tảng Louvre.

 

Màu đỏ của giường ngủ cùng tấm ràm che giường màu đỏ hướng về màu của tình yêu và hướng về chính Chúa Thánh Thần (trong tranh của Memling và của Rogier van der Weyden). Mô-típ (motiv) của phòng tân hôn được gợi hứng từ Thánh Vịnh 19:

“Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Chúa căng lều cho thái dương tại đó, 

thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.
Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng”
(Tv 19,4-7).

 

Ngoài ra, phòng tân hôn còn liên hệ đến sách Diễm Ca:

"Hãy kéo em theo anh, đôi ta cùng mau bước!
Quân vương đã vời thiếp vào cung nội,
ngài sẽ là nguồn hoan lạc vui sướng của chúng em.
Ân ái của ngài, chúng em quý hơn rượu.
Thương yêu ngài phải lẽ biết bao nhiêu!”
(Dc 1,4)

 

Như thế, các hoạ sĩ như muốn diễn tả cuộc thành hôn giữa Thiên với Trần, giữa Trời và Đất. Mẹ Maria là đại diện cho Trần và Đất trong cuộc thành hôn đặc biệt này. Cuộc thành hôn diễn ra vào ngày đầu tiên của mùa Xuân đưa lại sức sống mới.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.