Ronald Rolheiser, 

Thật bi hài khi Thiên Chúa luôn làm tiêu tan biết bao kỳ vọng của chúng ta. Chúng ta có quan niệm nhất định về cách thức hành động của Thiên Chúa, nhưng cuối cùng Ngài lại hành động theo những cách khiến biết bao kỳ vọng của ta tiêu tan và đồng thời lại thành toàn cho những kỳ vọng của chúng ta theo một cách sâu sắc hơn. Điều này đặc biệt đúng trong câu chuyện ở Bê-lem trong ngày Chúa Giáng Sinh.

Suốt hàng thế kỷ, biết bao nhiêu tín hữu ý thức sự vô lực của mình trước những chuyện sai trái trên đời, đã cầu nguyện xin Thiên Chúa xuống dương trần làm Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh, tẩy uế dương trần và chỉnh đốn mọi sự. Có lẽ nó là một khát khao mơ hồ mong mỏi công lý, một hy vọng cháy bỏng, thay vì một viễn cảnh rõ ràng, ít nhất là trước thời các ngôn sứ Do Thái vĩ đại. Dần dà, các ngôn sứ như Isaiah bắt đầu trình bày rõ viễn cảnh khi Đấng Thiên Sai đến. Trong viễn cảnh họ mô tả, Đấng Thiên Sai sẽ mở ra “Thời đại Thiên Sai”, một thời đại mới khi mọi sự được chỉnh đốn đúng đắn tốt đẹp. Người nghèo được sung túc, người bệnh được chữa lành, mọi người bị giam cầm nô lệ được giải phóng, và tất cả được hưởng công lý (bao gồm cả sự trừng phạt dành cho kẻ ác). Người nghèo và người hiền lành sẽ thừa kế địa cầu vì Đấng Thiên Sai mà họ tìm kiếm từ lâu sẽ khuất phục mọi sự dữ, xua đuổi ác nhân khỏi mặt địa cầu và chấn chỉnh mọi sự.

Và sau hàng thế kỷ đợi chờ, khát khao, họ được gì? Họ đã được gì? Một hài nhi sơ sinh trần trần truồng, vô lực, còn chẳng tự ăn được. Chẳng một ai ngờ chuyện sẽ như thế. Họ kỳ vọng có một Siêu nhân, một Siêu sao,một người cường tráng, thông minh, đường bệ, bất khả xâm phạm và bất khả chiến bại, áp đảo hoàn toàn mọi thế lực trên địa cầu đến mức không một ai dám tranh biện, chống đối hay đương cự gì cả.

Và chúng ta thời nay, hầu hết, vẫn hình dung về cách quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trên trần gian như thế. Nhưng như câu chuyện Giáng Sinh, chúng ta đã biết rằng thường thì Thiên Chúa không hoạt động như thế. Câu chuyện Bê-lem bày tỏ cho chúng ta rằng thường chúng ta gặp được sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trên trần gian trong hình hài một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ, yếu ớt, vô lực, mà đi vào lòng chúng ta một cách tiềm thức.

Tại sao lại thế? Tại sao Đấng Tạo Hóa toàn năng của vũ trụ lại không mang lấy thêm cơ bắp cường tráng? Tại sao Thiên Chúa thường tỏ lộ trong hình hài trẻ bé hơn là trong hình hài siêu sao? Tại sao lại thế? Bởi vì quyền năng của Thiên Chúa hoạt động để làm tan chảy hơn là phá vỡ trái tim con người, và đấy chính là tác động của sự yếu đuối và vô lực. Đấy chính là điều mà một trẻ bé làm được. Quyền năng của Thiên Chúa, ít nhất là quyền năng của Thiên Chúa để kéo chúng ta lại gần nhau, thường không hoạt động qua sự uy nghi, cường tráng và bất khả xâm phạm. Quyền năng của Thiên Chúa hoạt động qua rất nhiều điều, nhưng khi hoạt động qua sự yếu đuối và vô lực, quyền năng đó thật đặc biệt. Sự thân mật dựa trên sự yếu đuối. Chúng ta không thể áp chế người khác để khiến người đó yêu bạn, trừ khi chúng ta áp chế người đó bằng cách làm của một trẻ bé. Chúng ta có thể quyến dụ nhau bằng sự hấp dẫn, khiến người ta ngưỡng mộ bằng tài năng, và áp đảo người khác bằng sức mạnh thượng đẳng, nhưng chúng không thể nào đem lại nền tảng cho một cộng đồng chia sẻ cuộc sống với nhau lâu dài…. Thế mà sự vô lực và ngây thơ của một đứa trẻ lại có thể làm được.

Quyền năng của Thiên Chúa, cũng như trẻ bé ngủ trong nôi, nằm đó trong thế giới của chúng ta với lời mời gọi lặng lẽ chứ không phải lời đe dọa áp chế. Đức Kitô mặc lấy xác phàm ở Bê-lem cách đây hai ngàn năm, rồi ba mươi năm sau, chết trong vô lực trên cây thập giá ở Jerusalem, điều này tỏ lộ cho chúng ta rằng: Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô đi vào đau khổ của con người thay vì bàng quan đứng nhìn, đồng hiệp với chúng ta thay vì tách biệt khỏi chúng ta, thể hiện rõ rằng con đường đến vinh quang là con đường đi xuống thay vì đi lên, chung vai với người nghèo và người vô lực thay vì với người giàu và quyền lực, mời gọi thay vì cưỡng ép, và biểu lộ rõ nơi một trẻ bé hơn là nơi một siêu sao.

Nhưng chuyện này không phải lúc nào cũng dễ để chúng ta hiểu hoặc chấp nhận. Chúng ta thường chán nản và nóng vội khi Thiên Chúa có vẻ hành động quá chậm. Chúa Giêsu đã hứa rằng người nghèo và người hiền lành sẽ thừa kế địa cầu, thế mà hiện thực thế giới thì lại trái ngược hẳn. Người giàu ngày càng giàu lên, còn người nghèo có vẻ chẳng được thừa kế bao nhiêu. Một trẻ bé vô lực thì làm được gì trong chuyện này chứ? Chúng ta phải tìm đâu để thấy quyền năng của Đấng Thiên Sai?

Vâng, lại một lần nữa, biết bao kỳ vọng của chúng ta cần bị đập tan. Mà “thừa kế địa cầu” nghĩa là gì? Là làm siêu sao? Là giàu có và nổi tiếng? Là có quyền trên người khác? Là một yếu nhân đến đâu cũng được nhận ra và ngưỡng mộ? Đấy là cách chúng ta “thừa kế địa cầu” sao? Hay “thừa kế địa cầu” là khi sự lạnh lẽo tan chảy dần trong tim và chúng ta được tái hồi sự thiện ban sơ, nhờ nụ cười của một trẻ bé?

J.B. Thái Hòa dịch