Rời bỏ Giáo hội

 

Ronald Rolheiser, 2021-11-29

Vì sao có quá nhiều người đang rời bỏ các nhà thờ của họ? Chúng ta không có câu trả lời chung nào cho câu hỏi này. Con người thì phức tạp. Đức tin thì phức tạp. Các vấn đề thì phức tạp.

Trước câu hỏi này, có lẽ chúng ta chia thành từng nhóm thì sẽ hợp lý hơn. Nhóm Không, nhóm Bỏ, nhóm sống Tâm linh mà không Tôn giáo, nhóm Lãnh đạm, nhóm Nổi giận, và nhóm Ngoài lề. Các nhóm này có thể chồng chéo nhau, nhưng mỗi nhóm đều có tập hợp vấn đề riêng của họ đối với Giáo hội.

Nhóm Không là những người từ chối xác định bản thân dù với bất cứ đức tin hay tôn giáo nào. Khi điền vào ô “tôn giáo hay tín ngưỡng của bạn?” họ sẽ trả lời “không”. Lập trường của họ là lập trường bất khả tri. Họ không hẳn là người vô thần hay thù địch với tôn giáo, tín ngưỡng và các Giáo hội. Đúng hơn là, vào thời điểm đó trong đời, họ từ chối xác định bản thân bằng bất kỳ đức tin cụ thể hay bất kỳ giáo hội nào. Một số thì khiêm tốn về chuyện này, một số thì huyênh hoang, nhưng xét cho cùng, lập trường của họ đều như nhau, là chủ nghĩa bất khả tri về tôn giáo và đức tin.

Nhóm Bỏ, là những người nói rằng họ chịu hết nổi tôn giáo và thường cũng chịu hết nổi một đức tin cụ thể rõ ràng. Họ từ bỏ! Họ có nhiều lý do, từ việc khi còn nhỏ họ có một vài kinh nghiệm xấu với tôn giáo, đến việc họ giận giáo hội, hay sức mạnh độc hại của một nền văn hóa tự cho mình là đủ để thay thế tôn giáo. Họ đã bước vào, đã muốn theo tôn giáo, rồi từ bỏ.

Nhóm sống Tâm linh mà không Tôn giáo là những người tin vào giá trị tâm linh nhưng không tin vào bất kỳ giáo hội nào. Họ đã chọn theo đuổi con đường tâm linh bên ngoài cộng đồng giáo hội, tin rằng (ít nhất đối với họ) tốt nhất nên đi hành trình tâm linh ngoài khuôn khổ của một tôn giáo có tổ chức. Có nhiều lý do dẫn đến thái độ này, trong đó không thể không kể đến tâm thức áp đảo của chủ nghĩa cá nhân và tự do cá nhân đang chi phối nền văn hóa chúng ta. Trong hành trình đức tin thời nay, người ta có xu hướng chỉ tin tưởng những mưu cầu và trải nghiệm riêng của chính mình.

Nhóm Lãnh đạm đúng như tên gọi, họ lãnh đạm với tôn giáo (dù có thể họ vẫn giữ đức tin ở một chừng mực nào đó). Có vô số lý do làm cho người ta lãnh đạm với tôn giáo hoặc có thể là lãnh đạm với cả đức tin. Nền văn hóa chúng ta, giữa biết bao nhiêu điều tốt, tự nó cũng là một chất ma túy hạng nặng, gây mê bản năng tôn giáo của chúng ta và làm cho chúng ta tin vào điều mà triết gia Charles Taylor gọi là chủ nghĩa nhân văn tự đủ. Trong nhiều phần đời của chúng ta, dường như thế giới tự nó là đủ, và khi nghĩ như thế thì lãnh đạm với tôn giáo là một lựa chọn khá rõ ràng cho những người này.

Nhóm Nổi giận là những người vì những lý do họ biết rõ, họ không còn đến với Giáo hội nữa. Và lý do có thể rất nhiều – như xâm hại tình dục của giáo sĩ, các đối xử của Giáo hội với phụ nữ, kỳ thị chủng tộc, việc Giáo hội không sống trọn ý nghĩa phúc âm, việc Giáo hội của họ can dự hoặc không can dự đến chính trị, những xung đột từng có với Giáo hội của họ, gặp phải một mục tử tồi hay một bất công trong chuyện mục vụ. Những người thuộc nhóm này có lúc tìm kiếm một giáo hội mới nơi một giáo phái khác, nhưng nhiều người đơn giản là không còn dính dáng gì đến Giáo hội nói chung nữa.

Nhóm Ngoài lề là những người cảm thấy mình nằm ngoài phạm vi thông hiểu, cảm thương và linh đạo của Giáo hội. Như thế là bao gồm cả những người thuộc cộng đồng LGBTQ, những người vô gia cư trên đường phố, hàng vạn người cảm thấy (dù ý thức hay vô thức) rằng sự rối ren trong cuộc đời họ đã đẩy họ ra khỏi cộng đồng Giáo hội. Họ cảm thấy mình là kẻ lạc loài với tôn giáo và các Giáo hội.

Người ta rời bỏ Giáo hội vì nhiều lý do và điều này đặt cho chúng ta những câu hỏi sâu xa hơn nữa. Khi nào người ta rời bỏ Giáo hội và khi đó thật sự là họ rời bỏ điều gì? Sau đó, họ đi đâu, hay rơi vào ngõ cụt?

Trong một quyển sách mới phát hành gần đây, Sau Phúc âm hóa, Con đường đến với Kitô giáo Mới [After Evangelicalism, The Path to a New Christianity], tác giả David Gushee đã đặt câu hỏi này về những người rời bỏ Giáo hội. Họ có hiểu rõ mình thật sự đang rời bỏ điều gì không? Họ có biết liệu họ đang rời bỏ Giáo hội, rời bỏ giáo phái, rời bỏ đức tin, rời bỏ Chúa Giêsu, hay đơn giản chỉ là rời bỏ? 

Quan trọng hơn nữa, rồi họ sẽ thế nào? Họ sẽ gia nhập một giáo phái khác, hay là sống kiểu Tâm linh mà không Tôn giáo, bất khả tri, hay vỡ mộng?

Có lẽ câu hỏi này không quan trọng lắm đối với nhóm Không, nhóm Bỏ, nhóm sống Tâm linh mà không Tôn giáo, nhóm Lãnh đạm và phần nhiều ở nhóm Ngoài lề, nhưng đối với nhóm Nổi giận, với những người cảm thấy ghẻ lạnh Hội thánh của mình, thì vấn đề này quan trọng. Mình sẽ đi đâu, khi cơn giận làm mình tránh xa bàn ăn gia đình? Mình tìm một gia đình cùng tâm thức hơn sao? Mình có từ bỏ tìm kiếm một bàn ăn gia đình không? Mình cứ ở nhà sáng chúa nhật ư? Có ổn không nếu mình vẫn giận dữ trong giờ lâm chung? Mình có hài lòng không nếu cứ ở trong tình trạng vỡ mộng?

Đối với việc rời bỏ Giáo hội, có hai câu hỏi rõ ràng mà chúng ta phải chất vấn. Tại sao ngày càng nhiều người rời bỏ Giáo hội hay đơn giản là không tìm đến với Giáo hội nữa? Và tương lai tôn giáo của những người không còn đến với Giáo hội sẽ ra sao? Câu hỏi đầu tiên là dành cho các Giáo hội, câu hỏi thứ hai là để những người không còn đến với Giáo hội suy ngẫm.

J.B. Thái Hòa dịch