Cảm nghĩ khi đọc Xuất Hành (Chia sẻ: Têrêsa Phạm Thị Minh Thanh)          

Sách Xuất hành là sách kể lại việc dân Israel rời khỏi Ai Cập, nhờ sự dẫn dắt của ông Môsê để về đất Canaan, mảnh đất Thiên Chúa đã hứa với ông Abraham.

Hành trình trong xuất hành là hành trình dài 40 năm: đây là hành trình yêu thương, hành trình giúp cho dân nhìn ra những ân huệ của Thiên Chúa ban và hành trình để mọi người nối kết, hiệp thông với nhau.

Hành trình sống của con người cứ theo như chu kỳ của hình trôn ốc đi lên: Thiên Chúa yêu thương – con người lỗi phạm – con người ăn năn – Thiên Chúa lại tha thứ, giải thoát. Cụ thể trong sách Xuất Hành cũng theo tiến trình này:

  1. Thiên Chúa thương Dân Người
  • Sau khi Giuse có được uy tín với vua người Ai Cập, họ được no đủ, đầy dư. Nhưng do lòng ghen tương, đố kỵ, người Ai cập đã tìm cách để loại trừ người Do Thái. Chúa yêu thương, đã cho xuất hiện Môsê (Xh chương 2 đến chương 7, 7).
  • Pharao, vua Ai cập, muốn giữ dân Israel để làm nô lệ, để người Ai cập sai bảo, trong cảnh huốn này Chúa nghe lời thống thiết của dân, đã cho xảy ra tai ương trên người Ai cập. Qua Môsê, Chúa đã đưa dân Ngài ra khỏi đất Ai cập. Cũng trong biến cố này, Lễ Vượt Qua được công bố.
  • Trong hành trình tiến về Đất Hứa, dân lại phản tội phản nghịch lại Thiên Chúa và than trách Môsê chẳng thà để họ bên Ai cập không phải gặp cảnh thê thảm này. Môsê lại nài xin Thiên Chúa, Ngài đã phù trợ cho dân, có những áng mây che phủ khi qua vùng sa mạc khô cằn; Tại marah Ngài đã cho nước ngọt, cho chim cút, cho manna …
  1. Chương trình cứu độ của Chúa

Chương trình đã được Chúa chuẩn bị từ ngàn xưa: sau khi con người phạm tội bất tuân, Chúa hứa ban ơn cứu độ qua một người nữ (St 3, 5). Và rồi, cứ thế chương trình của Chúa được thể hiện. Cụ thể trong sách Xuất Hành, Chúa đã chuẩn bị Môsê trong bối cảnh đặc biệt: cho ông ở trong gia đình hoàng tộc, nhờ đó ông có cơ hội tiếp xúc với những người anh em Do Thái và giúp dân trốn thoát khỏi tay người Ai Cập; ông được Chúa chọn để làm ngôn sứ của Ngài, đưa dân ra khỏi kiếp lầm than, vượt qua gian nan, tiến về Đất Hứa.

Có những lúc chương trình ấy tưởng như mù tối: Môsê bị những người Do Thái trách cứ, ruồng bỏ, lên án và cả cận kề cái chết … nhưng Chúa luôn ở với ông, mở lối cho ông giúp ông bằng những hành động cụ thể: cây gậy biến thành con rắn (Xh 7, 8-13); vượt qua Biển Đỏ an toàn (Xh 14, 15-31) và tiếp tục hành trình về đất Canaan, miền Đất Hứa. Trong mỗi cảnh huống khác nhau là những bài học giá trị cho dân Ngài.

Chúa muốn cho dân đi trong sa mạc 40 năm, để uốn nắn, dạy dỗ họ đi vào chương trình của Ngài, nhất là làm cho họ ngày càng thấm nhuần lề luật yêu thương của Chúa. Bên cạnh đó cũng cho dân thấy Ngài là Chúa duy nhất mà họ phải tôn thờ. Trong những tháng năm này có những điểm đáng lưu ý sau:

  • Ban hành lề luật:
    • Luật của Thiên Chúa đặt ra là cho con người và vì con người và luật đem lại sự công bằng cho con người quyền mà họ đáng được hưởng. Bộ Luật này tập trung vào hai điều là Mến Chúa - Yêu Người.
    • Bộ luật - Giao ước Sinai: 10 điều răn, luật bàn thờ, luật về người nô lệ … luật công lý, luân lý, công bằng (Xh chương 20 đến chương 23). Giúp con người sống xứng đáng với nhân phẩm của họ.
    • Dân bất tuân phục Thiên Chúa, phá vỡ Giao ước Sinai, nhưng Chúa vẫn tái lập lại Giao ước (Xh 34, 10-35). Ngài luôn ở với và ở cùng dân họ nhất là trong Lều Hội Ngộ
  • Ban hành chỉ thị: những lời hứa và chỉ thị liên quan đến biến cố vào xứ Canaan (Xh 23, 20-33). Qua sự kiện này, Chúa cho thấy lời hứa sẽ được tiếp nối và thực thi trong suốt dòng lịch sử cứu độ.

Thay lời kết:

  • Qua sách Xuất hành, cho thấy Thiên Chúa yêu thương và đem lại sức sống cho dân được tuyền chọn là Israel. Bên cạnh đó Ngài cũng giúp họ hiểu được thế nào là bước đi trong đường lối của Đức Chúa.
  • Thiên Chúa đã ký kết với dân Ngài những Giao ước quan trọng được lưu truyền cho đến ngày nay.
  • Nhân vật Môsẽ chính là hình bóng của Đức Kitô: cứu dân khỏi kiếp nô lệ của tội; hóa bánh ra nhiều; ban luật mới trên núi; bữa ăn vượt qua; hiến tế trên núi Sọ…

Chia sẻ sách Xuất Hành (Chia sẻ: Anna Vũ Thị Thuần)

3 Điều ích lợi cho con

- Ngày Sa bát

- Mười Điều Răn

- Những điều phi thường mà ông Môsê đã làm

Ngày Sa Bát:  Thiên Chúa đã lập nên ngày sa bát, để cho loài người có thời gian nghĩ ngơi, hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài.  Ngày sa bát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa. Nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau, sáu ngày làm việc vất vả. Ngày nay chúng ta không giữ ngày sa bát nữa. Nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày Chú Nhật là ngày của Chúa, để con đi tham dự Thánh lể và con học hỏi lời Chúa, đi thăm các bệnh nhân, gọi điện thoại thăm các anh chị em cô đơn, và làm những việc mà anh chị em cần đến bàn tay con giúp đỡ, hoặc việc tông đồ!

Mười Điều Răn:  Đây là bản tóm của Mười Điều Răn, Chúa trao cho ông Môsê trên núi Sinai “Ngươi phải yêu mến” yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận.

Yêu mến, nghe tưởng là chuyện thuần túy tình cảm, nhưng thật ra là một mệnh lệnh con phải làm, con phải yêu Thiên Chúa với tất cả khả năng Ngài ban: với trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực. Yêu đến mức, như thế thì con phải cố ngắn suốt cuộc đời...

Chúa dạy con yêu người thân cận, mà yêu ai cần đến con giúp đỡ. Chúa dạy con yêu Chúa và yêu tha nhân, nhưng chúa không dạy con yêu bản thân mình. Có lẽ vì ai cũng nghĩ yêu bản thân là chuyện tất nhiên. Thật ra “Yêu mến người thân cận, như chính mình” hàm chứa việc phải yêu mến bản thân. Không cần phải ghét bản thân, thì mới yêu tha nhân được. Trái lại, con không biết yêu bản thân, thì khó mà yêu tha nhân.

Xin Chúa, ban cho con qủa tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền, một quả tim dịu dàng và thông cảm, không quên ơn, và cũng không báo oán, xin cho con qủa tim đừng cứng cỏi khép kín và nghi ngờ. Xin dạy, con hiền hậu và biết thông cảm, bao dung và tha thứ với những những trong gia đình và những người chung quanh.  Xin Chúa dạy, con biết yêu thương tất cả mọi người. “Vì, ai không biết yêu mến, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.

Khi con đọc sách “xuất hành”. Con được biết ông Môsê 80 tuổi, làm nghề chăn chiên, ăn nói không dể dàng, ông là người tội lỗi, vì không kiềm chế được cơn nóng giận: ông đã ném   hai tấm Bia, mà Chúa đã trao cho ông, mà ông đã đập vỡ dưới chân núi. Ông Môsê là một người bình thường, mà ông đã biết mở lòng ra với Chúa, và ông đã làm những việc phi thường.

Khi con chưa biết ông Môsê. Con nghĩ, con là người bất toàn, không còn trẻ, con thấy mình thật kém cỏi, không có đức, không có tài, không có khiếu phát ngôn, sợ người nghe sẽ bị dị ứng. Con thường thấy mình không có thời gian cho Chúa và cho tha nhân, nhưng đồng thời cũng thấy mình lãng phí bao thời gian qúy báo. Nhiều khi con tự hỏi, mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày?.

Xin Chúa, cho con qúy trọng từng giây phút, đang trôi qua mà con không sao giữ được...

Vì qúa khứ thì đã trôi qua, và tương lai thì chưa đến, xin Chúa, dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại. Cho con thấy Chúa lúc này, đang ở bên con, và đang mời con đáp lại tiếng của Ngài, bằng những hành động cụ thể.

Thời gian này, con cần hoán cải, bệnh dịch thì đã đi qua, như chưa dứt hẳn, chiến tranh thì lại đến, có thể đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống với con không biết lúc nào. Có khi giữa đêm khuya, hay ngày mai. Có lúc con tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai, nhưng con lại quên rằng, mình đã phạm tội không làm điều tốt, có những điều tốt làm được và phải làm, mà con không làm. Có bao nhiêu nén bạc Chúa giao con không đầu tư, mà con lại đem chôn vùi thật sâu, bao nhiêu người túng thiếu, mà con không giúp đỡ. Khi con không làm điều tốt cho đời, cho người, là con tiếp thêm sức mạnh cho sự dữ tung hoành. Sống đạo không phải chỉ lo tránh tội, mà còn là tích cự gieo rắc phát huy cái tốt. Thế giới hôm nay, cần những ki tô hữu như con để dấn thân phục vụ cho Chúa và cho tha nhân...

Mấy chục thế kỷ đã trôi qua, mà chúng con, còn học ở nơi ông Môsê, biết mở lòng ra với Chúa, để giúp đở tha nhân, “học nơi ông từng là một người bình thường, mà ông đã làm những việc phi thường!!!

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Mùa chay là mùa “sám hối”, xin Chúa cho con từ bỏ con người củ của con, xin Chúa thêm sức để con vượt qua những khó khăn, thử thách, làm cho con chùng bước và xin chúa, đồng hành với con trong mọi nẻo đường trong cuộc sống, để trong mọi việc, con làm, con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa, cùng làm với Chúa và theo Thánh ý Chúa. Amen.

 

Bài học hữu ích rút ra từ sách Xuất Hành (Chia sẻ: Louis Nguyễn Văn Tạ)

Câu chuyện trong sách Xuất Hành đã hé mở cho chúng ta thấy. Thiên Chúa vừa là Đấng Tạo Hóa, vừa là Đấng Cứu Độ. Ngài là Đấng mạnh hơn các vua và các thần Ai Cập, đồng thời cũng là Đấng nhân từ và hay tha thứ. Ngài cưu mang một nhóm dân tộc thiểu số, sống nheo nhóc khổ cực bên Ai-cập, khỏi cảnh áp bức. Vì làm như thế là Người đã giữ trọn lời hứa với tổ tiên của họ. Như Ngài nói với Apraham rằng: Con cháu của ngươi sẽ trở thành đối tượng thù hận của người Ai cập và Ngài hứa sẽ giải cứu họ, khi thời giờ tới.  Một điều mà Ngài đã biết từ lâu lắm rồi!

Đó là lý do tại sao sách Xuất Hành mô tả giai đoạn này. Phải chăng! Đời người là một hành trình không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Đôi khi cuộc sống có quá nhiều những thao thức, bất an, có khi bị lao đao bế tắc, khiến chúng ta cảm thấy đã bị Thiên Chúa lãng quên trong cô đơn tuyệt vọng. Ấy thế Thiên Chúa không luôn đáp ứng ngay lập tức, mọi điều mong đợi chúng ta xin, và vào thời điểm chúng ta muốn, khiến nhiều lần chúng ta phải chịu đựng nỗi bất hạnh của sự dữ và đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần trong một thời gian dài, để có thể củng cố đức tin trước những thách đố nơi Thiên Chúa, hầu nhớ rõ rằng: Ngài không làm việc theo cách thức của con người, cũng như theo lịch trình của chúng ta sắp đặt, nhưng Ngài đang luôn quan tâm và kiểm soát mọi sự. Ngài luôn giải quyết mọi thử thách, khi thời gian và thời điểm gặp nhau, được chính Ngài định vị. Vì Ngài biết hết mọi sự, thậm chí Ngài biết cả chúng ta là ai và đang muốn gì!

Bởi lẽ con người chúng ta đưa viện dẫn đủ thứ, với hàng loạt lý do, để biện minh cho hành động thấp kém của bản thân, rồi than phiền với Chúa rằng: Con không có nhiều tài năng, không có năng lực đủ, để có thể đảm nhận các trách nhiệm sứ mệnh đó. Đây chính là những cái cớ thường trực, viện ra để lảng tránh, trong nỗ lực thoái thác, hầu biện minh cho sự bất tuân phục của chúng ta. Giống như Mô-sê cảm thấy thất vọng về những nỗ lực của mình, cảm thấy không đủ khả năng, thậm chí nghiêm trọng hóa vấn đề, khiến mối quan hệ của ông với Thiên Chúa có chút nghi ngờ. Khi Thiên Chúa không truyền lệnh cho ông lập một đạo quân thiện chiến có quy mô lớn và trang bị quân sự tối tân, để mở một cuộc chiến tranh giải cứu dân Israel. Nhưng Ngài chỉ trao cho ông một sứ mạng và truyền cho ông đến gặp vua Ai Cập, trong nỗ lực thuyết phục Pha-ra-ô, để cho dân Chúa ra đi. Khiến cho sự kiện Mô-sê là kẻ bị tầm nã càng trở nên tệ hại hơn. Ông đau khổ, vì mục tiêu của mình nhiều lần bị từ chối, khi phải đối mặt với Pha-ra-ô, ngay trong cuộc gặp „thượng đỉnh“ đầu tiên, và nhiều lần sau đó nữa. Vì vậy ông đã liệt kê ra hàng loạt lý do, như bất tài, ăn nói ngọng nghệu, quên trước quên sau, đã không thuyết phục được nhà vua, để thoái thách nhiệm, đào ngũ "được ăn thua chạy". Nhưng Thiên Chúa biết rõ ông hơn chính bản thân ông. Ngài biết ông yếu đuối và hay thay đổi ra sao, nên Người không bao giờ chán nản, thất vọng và bỏ cuộc.

Sách Xuất Hành cũng cho chúng ta thêm bài học là Ông Mô-sê đã không nhận ra Thiên Chúa biết rõ điều gì là tốt lành là thiện ích và Ngài không bỏ rơi ông, mà còn luôn bảo vệ ông, cho dù ông đã đôi nhiều lần phạm lỗi. Thậm chí ông còn phạm thượng, như tự cho mình cái quyền "thế thiên hành đạo", rồi tự ý đập vỡ bia chứng ước, tức Mười Điều Răn. Chưa hết, ông còn tự ý tuyên bố thánh chiến, gây ra cuộc tắm máu huynh đệ tương tàn. Sau đó ông tuyên dương công trạng và tấn phong đám người nhiệt thành, mà đa phần là dòng tộc Levi nhà ông. Chỉ vì thoả mãn cơn giận của mình, mà cứ hở ra một chút là ông làm hỏng việc liền! Ấy thế Thiên Chúa vẫn chọn ông là người lãnh đạo, tiếp tục dẫn dắt dân Ngài đi vào xứ Canaan vùng đất hứa. Trong cuộc đời chúng ta cũng thế, có biết bao lần, vì kiêu ngạo đã làm mất lòng Chúa ?. Nhưng hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi và chối bỏ con cái của Người, nếu chúng ta bỏ mình trong Ngài, để Ngài dẫn dắt trong mọi bước đường chúng ta đi, thì chắc chắn rằng Ngài sẽ chấp nhận nỗ lực của chúng ta như một món quà và tha thứ cho tất cả các loại hành vi sai trái, trong nỗ lực đưa chúng ta trở lại đúng hướng, như Chúa đã làm với Đavid một kẻ cướp vợ người khác, với Phêro một kẻ chối Chúa, với Phaolô một kẻ bách hại đạo và với Maria Magdalêna người phụ nữ tội lỗi. Ngài luôn sẵn sàng đưa tay ra, nắm lấy và kéo ta lên, Vì Ngài biết đường nào tốt nhất và phù hợp nhất.

Như trong cuộc di tản từ Ai cập đến Canaan, con đường ngắn nhất, dài chỉ khoảng 400km ven biển Địa Trung Hải.  Ấy thế Ngài không chọn theo con đường tắt này. Mà Ngài dẫn đưa dân Israel vào một hành trình cam go trong sa mạc, với nắng cháy ban ngày giá buốt ban đêm, thiếu thốn lương thực nước uống cũng như những hiểm nguy đe doạ, kéo dài hơn 40 năm, để thử thách cho chính đức tin của họ là “Có Thiên Chúa ở giữa họ hay không?”, qua cột lửa, cột mây và qua nhà tạm; Nói khác đi. Ngài muốn thanh luyện họ một cách tiệm tiến, nghiêm khắc và toàn diện.  Bài học ở đây dạy chúng ta rằng : Con đường Chúa dẫn chúng ta đi không hẳn là con đường ngắn nhất, thoải mái nhất hay thuận tiện nhất. Vì Ngài không viết cong trên những đường thẳng, như chúng ta luôn viết, mà Ngài viết thẳng trên những đường cong. (Trích lời của đức cố HY Nguyễn Văn Thuận)

Tóm lại : Trải qua hành trình lâu năm trong sa mạc của Dân Israel trong sách Xuất Hành cho chúng ta bài học, hầu nhìn lại đời sống Đức Tin của chúng ta, để định hướng cho giai đoạn sống mới, vì trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối diện với rất nhiều cám dỗ cũng như thử thách, gian nan, khiến chúng ta chán nản buông xuôi và muốn bỏ cuộc, để quay về nếp sống cũ tội lỗi của thế gian. Đó lại là những cơ hội tốt nhất, để Thiên Chúa dùng giáo dục và thanh luyện chúng ta, trong nỗ lực giúp chúng ta trưởng thành hơn trong đời sống, để càng trở nên giống Chúa Kitô mỗi ngày nhiều hơn. Cũng như được lớn lên trong đức tin có Thiên Chúa là Cha nhân từ và đầy lòng thương xót.