"Chúng ta không thoát ra khủng hoảng một mình:

chúng ta phải chấp nhận rủi ro và nắm lấy nó trong tay”

 

Cuộc phỏng vấn của hãng tin Télam với Đức Phanxicô

vaticannews.va, Bernarda Llorente, 2022-07-01

 

Bên ngoài, cái nắng chói chang của Rôma dường như không làm nản lòng hàng ngàn du khách đang kiên nhẫn xếp hàng để vào Vatican. Chỉ cách đó vài bước, tại Nhà Thánh Marta lịch làm việc bận rộn của Đức Phanxicô vẫn tiến từng bước. Một vài tiếng động kỳ lạ như cho biết ngài sắp đến. Đức Phanxicô, Đức Thánh Cha, Đức Giáo Hoàng người Argentina, một trong những nhà lãnh đạo đặt chương trình chính trị và xã hội cho thế giới đi về phía tôi, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Trông ngài đã hoàn toàn bình phục. Ý thức được tất cả những thay đổi đã diễn ra trong suốt 9 năm làm giáo hoàng và với một cái nhìn dài hạn về tương lai nhân loại, đức tin, và nhu cầu cho những đáp ứng mới. Khi chúng tôi cùng nhau đi vào hội trường, nơi sẽ quay cuộc phỏng vấn độc quyền với Télam (hãng thông tấn quốc gia của Argentina), trong một tiếng rưỡi, tôi biết ngày 20 tháng 6 này là ngày đặc biệt và duy nhất của tôi.

Télam: Cha đã là một trong những tiếng nói quan trọng nhất trong thời điểm cô đơn và sợ hãi tột độ của thế giới khi đại dịch. Cha đã định nghĩa đó là những hạn chế của một thế giới khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị. Và sau đó cha nói: “Chúng ta không thoát ra khỏi khủng hoảng để giống như trước đây. Chúng ta thoát ra hoặc tốt hơn, hoặc xấu hơn.” Cha nghĩ chúng ta đang thoát ra khỏi khủng hoảng này theo cách nào? Chúng ta đang đi về đâu?

 Đức Phanxicô: Tôi không hoàn toàn thích nó. Chúng ta đã phát triển ở một số khía cạnh, nhưng nói chung, tôi không thích vì nó đã trở nên chọn lọc.

Chúng ta nhìn vào thực tế, đúng là châu Phi đã không có nhiều hoặc chỉ có một số vắc-xin tối thiểu, tiện ích để thoát được căn bệnh này đã bị phân chia bởi các lợi ích khác. Thực tế là châu Phi đang cần vắc-xin cho thấy có điều gì đó đã không tiến hành tốt. Khi tôi nói chúng ta không bao giờ thoát khỏi khủng hoảng giống như trước đây, khủng hoảng nhất thiết phải thay đổi chúng ta.

Hơn nữa, khủng hoảng là những khoảnh khắc trong cuộc sống để chúng ta tiến thêm một bước. Có khủng hoảng tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì, tuổi trung niên. Một khủng hoảng làm cho mình phải nhúc nhích. Chúng ta phải học cách chịu trách nhiệm, bởi vì nếu không, chúng sẽ trở thành xung đột. Và xung đột là một thứ khép kín, xung đột tìm kiếm câu trả lời bên trong chính nó, nó tự hủy hoại chính mình. Ngược lại, một khủng hoảng nhất thiết phải mở ra, nó làm cho chúng ta phát triển.

Một trong những điều nghiêm túc nhất cuộc đời là biết cách vượt lên khủng hoảng, không ở trong tâm trạng cay đắng. Vậy chúng ta đã trải qua cuộc khủng hoảng này như thế nào? Mỗi người đã làm những gì họ có thể. Đã có những anh hùng. Tôi có thể nói những gì gần nhất với tôi: bác sĩ, y tá, linh mục, nữ tu, giáo dân đã hy sinh mạng sống của mình. Một số đã chết. Tôi nghĩ có hơn 60 người trong số họ đã chết ở Ý. Một trong những điều chúng ta thấy trong cuộc khủng hoảng là mọi người đã hy sinh cuộc sống của họ. Nói chung, các linh mục đã làm rất tốt trong thời gian nhà thờ bị đóng cửa, họ hỏi thăm giáo dân qua điện thoại. Các linh mục trẻ hỏi người già cần gì họ sẽ đi mua giùm.

Tôi muốn nói. khủng hoảng làm chúng ta thực hiện tinh thần  đoàn kết, vì mọi người đều trải qua khủng hoảng giống nhau. Và chúng ta phát triển từ đó.

Nhiều người nghĩ đại dịch đặt ra một số giới hạn: đến bất bình đẳng cực độ, coi thường khí hậu nóng lên toàn cầu, làm nặng thêm chủ nghĩa cá nhân, rối loạn các hệ thống đại diện và chính trị. Nhưng lại có một số ngành dứt khoát muốn tái tạo lại các điều kiện đã có trước khi xảy ra đại dịch…

Chúng ta không thể quay trở lại an toàn giả tạo của các cấu trúc kinh tế và chính trị mà chúng ta đã có trước đây. Như tôi đã nói, chúng ta không thoát ra khỏi khủng hoảng giống như trước đây, chúng ta đi ra khỏi khủng hoảng hoặc tốt hơn hoặc xấu hơn, tôi cũng nói, chúng ta không thể tự mình thoát ra khỏi khủng hoảng. Hoặc là tất cả, hoặc không có ai trong chúng ta.

Chỉ mong chờ có một nhóm thoát ra khỏi khủng hoảng, đó có thể là một ân phúc, nhưng chỉ ân phúc một phần, kinh tế, chính trị, cho một số lãnh vực quyền lực. Nhưng chúng ta không để khủng hoảng qua một bên. Chúng ta sẽ bị ảnh hưởng do chọn lựa quyền lực chúng ta đã thực hiện. Chẳng hạn, chúng ta biến thành một việc kinh doanh, hoặc phát triển mạnh hơn về mặt văn hóa sau khủng hoảng. Lợi dụng khủng hoảng cho lợi ích riêng của mình, đó là ra khỏi khủng hoảng một cách xấu xa và nhất là khi thoát ra một mình. Chúng ta không thể tự mình thoát ra khỏi khủng hoảng, chúng ta cần chấp nhận rủi ro và cùng nắm tay nhau. Nếu chúng ta không làm được, chúng ta không thể thoát ra khỏi khủng hoảng. Vì vậy, đó là khía cạnh xã hội của cuộc khủng hoảng. Đây là một cuộc khủng hoảng của văn minh.

Và thiên nhiên cũng bị khủng hoảng. Tôi nhớ cách đây vài năm, tôi tiếp một số Nguyên thủ quốc gia từ các nước ở Polynesia. Một trong số họ nói: “Đất nước chúng tôi đang định mua đất ở Samoa, vì có thể chúng tôi không còn tồn tại trong 25 năm nữa, mực nước biển đã dâng rất cao”.

Chúng ta có thể không biết, nhưng có một ngạn ngữ tiếng Tây Ban Nha có thể làm chúng ta suy nghĩ: Chúa luôn tha thứ. Chúng ta có thể yên tâm. Còn loài người chúng ta, thỉnh thoảng chúng ta tha thứ. Nhưng thiên nhiên không bao giờ tha thứ. Chúng ta phải trả giá. Nếu chúng ta sử dụng thiên nhiên vì lợi nhuận cho riêng mình, nó sẽ giáng xuống chúng ta. Một khí hậu toàn cầu ấm lên ngăn cản việc xây dựng một xã hội huynh đệ và công bằng.

Chúng ta bị khủng hoảng, bị đại dịch, bị Covid. Vào thời kỳ tôi còn là sinh viên, vi rút “corona” chỉ là vi-rút cảm. Nhưng sau đó chúng bắt đầu đột biến và chúng ta đã thấy những gì đã xảy ra. Thật là lạ lùng cho những đột biến vi-rút này, vì chúng ta đang đối diện với khủng hoảng vi-rút, một khủng hoảng của toàn thế giới. Một khủng hoảng thế giới về mối quan hệ của chúng ta với hành tinh. Chúng ta đang sống không hòa hợp với tạo vật, với vũ trụ. Chúng ta thường xuyên tát nó. Chúng ta sử dụng sức mạnh của mình một cách sai lầm. Một số người không thể tưởng tượng được mối nguy hiểm mà nhân loại đang phải đối diện ngay bây giờ với khí hậu nóng lên toàn cầu và sự lạm dụng thiên nhiên này.

Tôi xin đưa ra đây một kinh nghiệm cá nhân: năm 2007, tôi là thành viên của ủy ban soạn thảo Văn kiện Aparecida và người Brazil sẽ đưa ra các đề xuất liên quan đến việc bảo vệ thiên nhiên. Hồi đó tôi tự hỏi vì tôi không hiểu gì về vấn đề này: “Những người Brazil này đang nghĩ gì vậy?”. Nhưng từng chút một, tôi đã thức tỉnh và sau đó tôi cảm thấy mình phải viết một cái gì đó.

Nhiều năm sau, khi tôi đến Strasbourg, Tổng thống Pháp François Hollande đã cử Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Phát triển Bền vững của ông là bà Ségolène Royale đến đón tôi. Bà nói với tôi: “Có đúng là cha đang viết một cái gì đó về môi trường phải không?” Tôi nói có, bà nói: “Xin cha công bố trước khi Hội nghị Khí hậu họp ở Paris”. Vì thế tôi gặp lại các nhà khoa học và họ đưa cho tôi bản thảo. Sau đó, tôi họp với các nhà thần học, họ đưa cho tôi một bản thảo khác. Và tôi viết Laudato si’. Đó là một nhu cầu để làm cho thế giới biết chúng ta đang tát vào thiên nhiên. Và thiên nhiên sẽ tát lại chúng ta…

Thông điệp Laudato si ‘cảnh báo, chúng ta thường nói đến sinh thái, nhưng lại tách nó ra khỏi các điều kiện phát triển và xã hội. Những quy tắc mới đó sẽ như thế nào, về mặt kinh tế, xã hội và chính trị, những gì cha định nghĩa là khủng hoảng văn minh và với một Trái đất, nhưng trên hết mọi thứ, lại nói “Tôi đã làm xong”?

Tất cả mọi thứ đều được kết nối, đó là hài hòa. Không thể nghĩ về con người mà không có thiên nhiên và không thể nghĩ về thiên nhiên mà không có con người. Giống như đoạn văn trong Sáng thế ký: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Làm cho đầy mặt đất là  hòa hợp với nó, làm cho nó phong phú. Chúng ta phải có ơn gọi này.

Những người bản địa rừng nhiệt đới Amazon có thành ngữ mà tôi rất thích: “Sống tốt”. Họ có một triết lý sống tốt, không giống gì với khái niệm “vui đùa” của người Argentina hay “đời sống nhẹ nhàng, dolce vita” của người Ý. Với họ, sống tốt là sống hài hòa với thiên nhiên. Chúng ta cần một cái nhìn bên trong cho con người và cho nơi chốn. Như một cuộc trò chuyện.

Khi mọi người nói với tôi rằng Laudato si’ là thông điệp tốt đẹp về môi trường, tôi trả lời: “Không, đó là thông điệp xã hội”. Chúng ta không thể tách rời khía cạnh xã hội và khía cạnh môi trường. Cuộc sống của con người là ở trong môi trường.

Tôi nghĩ đến một câu nói của người Tây Ban Nha, tôi hy vọng nó không quá thô tục: “Ai nhổ nước bọt lên trời là tự nhổ vào mặt mình”. Và đó là điều xảy ra khi chúng ta lạm dụng thiên nhiên. Thiên nhiên sẽ trả lại cho chúng ta.

Một lần nữa: thiên nhiên không bao giờ tha thứ, không phải vì thiên nhiên thù hận, nhưng vì trong những quá trình chuyển động thoái hóa, chúng ta không hài hòa với bản thể của mình.

Cách đây vài năm, tôi đã vô cùng sửng sốt khi lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh chụp một con tàu đi qua Bắc Cực. Một Bắc Cực có thể đi qua được! Điều đó có nghĩa là gì? Băng đang tan vì trái đất nóng lên. Khi nhìn thấy những điều này, có nghĩa là chúng ta phải dừng lại. Và những người trẻ cảm nhận chuyện này nhiều nhất. Người già chúng ta có những thói quen tệ hơn. Chúng ta nói “đó không phải là một vấn đề lớn”, hoặc đơn giản chúng ta không hiểu.

 

Giới trẻ, chính trị và lời lẽ kích động thù địch

 

Như cha đưa ra, những người trẻ dường như có nhận thức về sinh thái nhiều hơn, nhưng cũng có vẻ như họ bị phân khúc. Chúng ta thấy họ ít dấn thân chính trị hơn và tỷ lệ cử tri đi bầu rất thấp ở những người dưới 35 tuổi. Cha sẽ nói gì với những người trẻ này? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ xây dựng lại hy vọng?

Bà đưa ra một câu hỏi khó khăn: người trẻ thiếu dấn thân chính trị. Tại sao họ không tham gia vào chính trị? Tại sao họ không nắm cơ hội? Vì họ chán nản. Họ thấy – tất nhiên là tôi không muốn nói là tất cả – các thương vụ mafia, tham nhũng. Khi người trẻ thấy ngay tại quốc gia của họ, như câu nói, “ngay cả mẹ cũng bị bán” vì lợi ích kinh doanh, thì văn hóa chính trị bị suy thoái. Và đó là lý do vì sao họ không muốn dính líu đến chính trị.

Tuy nhiên, chúng ta cần họ vì họ là những người phải cứu nền chính trị phổ quát. Tại sao phải cứu? Vì nếu chúng ta không thay đổi cách đối xử với môi trường, chúng ta sẽ bị tiêu.

Tháng 12 năm ngoái, chúng tôi có cuộc gặp với các chuyên gia khoa học kỹ thuật và thần học về tình trạng môi trường. Tôi nhớ người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Ý đã nói, “Nếu điều này không thay đổi, cháu gái tôi vừa mới sinh hôm qua, sau 30 năm, cháu tôi sẽ sống trong một thế giới không thể sống được”. Đó là lý do vì sao tôi nói với những người trẻ, phản đối là chưa đủ. Họ cần tìm cách nhận trách nhiệm về các quy trình có thể giúp chúng ta tồn tại.

Cha có nghĩ sự thất vọng này ở người trẻ nguyên do một phần là họ bị chủ nghĩa cực đoan chính trị và lời lẽ kích động thù địch lôi cuốn không?

Quá trình của một quốc gia, quá trình phát triển xã hội, kinh tế và chính trị, cần được đánh giá lại và chạm trán liên tục với những quốc gia khác. Thế giới chính trị là sự xung đột của các ý tưởng và các quan điểm, thanh lọc và làm cho chúng ta cùng nhau tiến lên. Những người trẻ phải hiểu về khoa học chính trị, về chung sống và về cuộc đấu tranh chính trị giúp chúng ta thoát ra khỏi thói ích kỷ và đưa chúng ta tiến lên phía trước. Điều quan trọng là phải giúp những người trẻ để họ dấn thân vào xã hội và chính trị, và cũng để bảo vệ họ khỏi bị lừa.

Nhưng ngày nay, tôi nghĩ tuổi trẻ sắc sảo hơn. Vào thời chúng tôi, chúng tôi rất dễ bị lừa. Bây giờ họ ý thức hơn, họ xuất sắc hơn. Tôi rất tin tưởng người trẻ. Một linh mục có thể nói: “Dĩ nhiên, nhưng họ không đi lễ.” Tôi trả lời, chúng ta phải giúp họ phát triển và ở bên cạnh họ. Sau đó, Chúa sẽ nói chuyện với mỗi người. Nhưng chúng ta phải để họ lớn lên.

Nếu người trẻ không là nhân vật chính của Lịch sử, chúng ta sẽ bị tiêu. Vì người trẻ là hiện tại và tương lai.

Cách đây vài ngày, cha đã nói về tầm quan trọng của đối thoại giữa các thế hệ.

Về chủ đề này, tôi muốn nhấn mạnh một chuyện mà tôi luôn nói: chúng ta cần khôi phục lại đối thoại giữa người trẻ và người lớn tuổi. Người trẻ cần đối thoại với cội nguồn của họ và người già cần cảm thấy họ để lại một di sản đàng sau. Khi còn trẻ ở bên ông bà, họ nhận được nhựa sống, họ nhận được những thứ để hướng về phía trước. Và khi người già dành thì giờ cho cháu, họ sẽ có lại hy vọng.

Một trong các bài thơ của Bernárdez có câu, tôi quên trong bài nào: “Cây nở hoa được nuôi dưỡng bởi những gì được chôn vùi trong lòng đất”. Hoa không nở trong lòng đất, hoa nở trên cao. Nhưng cuộc đối thoại giữa họ, những gì chúng ta lấy từ cội nguồn của mình và tiến lên, đó là ý nghĩa thực sự của truyền thống.

Có một câu nói của nhà soạn nhạc Gustav Mahler đã tác động đến tôi: “Truyền thống là bảo đảm cho tương lai”. Đó không phải là một phòng trong viện bảo tàng. Nó mang lại cho chúng ta sự sống khi nó làm cho chúng ta lớn lên.

Đi lui đàng sau lại là một chuyện khác: đó là chủ nghĩa bảo thủ không lành mạnh. Họ nói: “Nó luôn được thực hiện theo cách này, vì vậy tôi sẽ không tiến thêm một bước nào.” Chủ đề này cần giải thích thêm, nhưng tôi bám vào điều cốt yếu: cuộc đối thoại giữa người trẻ và người già là ý nghĩa thực sự của truyền thống. Nó không phải là chủ nghĩa truyền thống. Chính truyền thống làm chúng ta lớn lên, là đảm bảo cho tương lai.

 

Những tệ nạn của thời đại chúng ta

 

Cha thường mô tả ba tệ nạn của thời đại chúng ta: thói tự mê, chán nản và bi quan. Làm thế nào để chống lại chúng?

Ba điều bà nêu ra – thói tự mê, chán nản và bi quan – nằm trong cái gọi là “tâm lý học chiếc gương”. Rõ ràng là Narcissus đang soi mình trong gương. Và cách nhìn đó không phải là hướng về phía trước, mà hướng về bản thân và tự băng bó vết thương cho mình. Trên thực tế, điều làm chúng ta phát triển là triết lý về sự khác biệt. Chúng ta không thể trưởng thành trong cuộc sống nếu không có đối đầu.

Ba điều mà bà nêu ra đều liên quan đến chiếc gương: Tôi soi gương để thấy mình và thấy tội nghiệp cho mình. Tôi nhớ một nữ tu luôn phàn nàn. Mọi người ở tu viện gọi sơ là “Sơ Phàn nàn”. Đúng, có một số người không ngừng phàn nàn về những tệ nạn của thời đại chúng ta.

Nhưng có một thứ thực sự giúp chống lại thói tự mê, chán nản và bi quan, đó là tính hài hước. Thật là nhân văn. Chúng ta biết có lời cầu nguyện tuyệt vời của Thánh Thomas More mà mỗi ngày tôi vẫn đọc từ hơn 40 năm nay: “Lạy Chúa, xin ban cho con tiêu hóa tốt và có cái gì để tiêu hóa. Xin cho con có khiếu hài hước và cho con ơn có chuyện hài hước để kể…” Một khiếu hài hước giúp đưa mọi thứ vào đúng chỗ và làm cho chúng ta được dễ chịu. Nó đi ngược lại với tinh thần bi quan, than van. Đó là Narcissus, phải không? Chúng ta trở lại với chiếc gương. Thói tự mê điển hình.

Năm 2014, cha đã khẳng định thế giới đang bước vào Thế chiến thứ ba. Hôm nay, thực tế dường như xác nhận dự đoán của cha. Việc thiếu đối thoại và lắng nghe có phải là một yếu tố làm trầm trọng thêm cho tình hình hiện nay?

Câu tôi nói hồi đó là “Chiến tranh thế giới từng mảnh”. Xung đột ở Ukraine là rất gần, vì vậy chúng ta lo lắng, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến Rwanda cách đây 25 năm, Syria cách đây 10 năm qua, hoặc Lebanon với cuộc nội chiến, hoặc Myanmar lúc này. Những gì chúng ta đang thấy ngày nay thực sự đã xảy ra trong một thời gian dài. Thật không may, chiến tranh là sự tàn ác mỗi ngày. Chiến tranh không phải là khiêu vũ, nhưng là giết chóc. Và cả một hệ thống bán vũ khí hỗ trợ nó. Một người am tường thống kê từng nói với tôi, tôi không thể nhớ con số chính xác, nếu không sản xuất vũ khí trong một năm, chúng ta có thể chấm dứt nạn đói trên thế giới.

Tôi nghĩ đã đến lúc phải suy nghĩ lại về khái niệm “chiến tranh chính nghĩa”. Một cuộc chiến có thể chính nghĩa, họ có quyền tự vệ. Nhưng chúng ta cần suy nghĩ lại về cách mà khái niệm này được sử dụng ngày nay. Tôi đã nói việc sử dụng và giữ vũ khí hạt nhân là trái đạo đức. Giải quyết xung đột bằng chiến tranh, là không không đối thoại bằng lý lẽ, không xây dựng. Lý luận bằng lời nói là rất quan trọng. Bây giờ tôi nói đến hành vi hàng ngày của chúng ta. Khi mình nói chuyện với ai, họ ngắt lời trước khi mình nói xong. Chúng ta không biết lắng nghe nhau. Chúng ta không để người kia nói hết những gì họ đang nói. Chúng ta phải lắng nghe. Nhận những gì người kia nói. Chúng ta tuyên chiến trước, có nghĩa chúng ta ngừng đối thoại. Chiến tranh về bản chất là thiếu đối thoại.

Về chuyện này, tôi nhớ lại chuyến thăm nghĩa trang Redipuglia (Friuli-Venezia Giulia, miền bắc nước Ý) tháng 9 năm 2014 nhân kỷ niệm một trăm năm cuộc chiến năm 1914, tôi đã không cầm được nước mắt. Một cảm xúc tương tự cũng đã đến với tôi ở nghĩa trang Anzio, trong vùng Rôma: “Thật tàn nhẫn!” Nghĩ đến cuộc đổ bộ Normandy và 30.000 thanh niên bị Đức quốc xã giết trên bãi biển, tôi đặt câu hỏi: “Điều này có chính đáng không?”. Vì thế tôi xin mọi người đến thăm các nghĩa trang quân sự ở châu Âu để có một nhận thức cá nhân hơn về thảm kịch chiến tranh.

 

Cuộc khủng hoảng của các thể chế

 

Các tổ chức đa phương có thất bại trong các cuộc chiến tranh này không? Có thể đạt được hòa bình thông qua họ không? Tìm kiếm các giải pháp chung có khả thi không?

Sau Thế chiến thứ hai, mọi người tin vào Liên Hiệp Quốc. Tôi không có ý định xúc phạm ai, tôi biết có những người rất giỏi làm việc ở đó, nhưng vào thời điểm này, Liên Hiệp Quốc không có một quyền lực nào để khẳng định thẩm quyền của mình. Liên Hiệp Quốc thực sự giúp ngăn chặn chiến tranh và tôi nghĩ đến Sýp, nơi quân đội Argentina hợp tác. Nhưng để ngăn chặn một chiến tranh, để giải quyết xung đột như xung đột chúng ta đang thấy ở châu Âu hiện nay hoặc các xung đột khác trên thế giới, Liên Hiệp Quốc không có sức mạnh. Tôi không có ý xúc phạm. Chỉ là hiến pháp của Liên Hiệp Quốc không cho Liên Hiệp Quốc tổ chức loại quyền này.

Các cường quốc trên thế giới đã thay đổi chưa? Trọng lực của một số thể chế có được sửa đổi không?

Tôi không muốn phổ cập hóa. Tôi sẽ nói theo cách này: một số thể chế đặc biệt đang gặp khủng hoảng hoặc tệ hơn, họ đang xung đột. Những thể chế đang gặp khủng hoảng cho tôi hy vọng về một tiến bộ có thể. Nhưng những thể chế đang có xung đột, họ bận giải quyết các vấn đề nội bộ. Lúc này, chúng ta cần dũng cảm và sáng tạo. Nếu không có hai điều đó, chúng ta sẽ không có các tổ chức quốc tế có thể giúp khắc phục những xung đột rất nghiêm trọng, những tình huống chết chóc này.

 

Đã đến lúc tổng kết

 

Năm 2023 sẽ là năm kỷ niệm 10 năm cha được bầu làm giáo hoàng, một thời điểm lý tưởng để làm tổng kết. Cha có đạt được tất cả các mục tiêu của cha không? Những dự án nào của cha vẫn còn phải chờ?

Tất cả những gì tôi đã làm không phải là phát minh của tôi cũng không phải là giấc mơ mà tôi có được sau một đêm khó tiêu. Tôi thu thập tất cả những gì các hồng y chúng tôi họp trước mật nghị, những điều mà chúng tôi nghĩ rằng tân giáo hoàng nên làm. Sau đó, chúng tôi nói về những điều cần thay đổi, những vấn đề cần giải quyết. Và tôi thực hiện những điều đã được các hồng y yêu cầu. Tôi không nghĩ có bất cứ gì là của riêng tôi. Tôi thực hiện những gì tất cả hồng y chúng tôi yêu cầu.

Ví dụ, cuộc cải cách Giáo triều đã kết thúc với tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate evangelium, sau tám năm rưỡi làm việc và tìm hiểu – gồm những gì các hồng y đã yêu cầu, những thay đổi đã có hiệu lực.

Ngày nay, đó là một kinh nghiệm kiểu truyền giáo. “Praedicate evangelium” nghĩa là “hãy trở thành nhà truyền giáo”. Hãy rao giảng lời Chúa. Có nghĩa là điều thiết yếu phải được đem ra ngoài.

Có một điểm rất hay: tại các cuộc họp đó, một trong các hồng y dẫn một câu trong sách Khải Huyền, Chúa Giêsu nói: “Ta đang ở ngoài cửa và gõ cửa; nếu có ai mở, Ta sẽ vào”. Và hồng y nói: “Chúa Giêsu đang gọi, nhưng lần này Ngài xin chúng ta mở cửa cho Ngài ra vì chúng ta đang giam Ngài”. Đó là những gì đã được xin tại các cuộc gặp với các hồng y.

Khi tôi được bầu chọn, tôi đặt mọi thứ vào chuyển động. Vài tháng sau, có các cuộc thăm dò và chúng tôi đã công bố bản Hiến pháp mới. Cùng lúc đó, cũng đã có những thay đổi đã làm. Ý tôi là, đây không phải là những ý tưởng của riêng tôi. Tôi muốn điều đó được rõ ràng. Đây là những ý tưởng phát sinh từ Hồng y đoàn.

Nhưng cha để lại dấu ấn của cha. Chúng ta có thể thấy con dấu của Giáo hội Châu Mỹ La-tinh…

Điều đó đúng.

Làm thế nào quan điểm này có thể thực hiện được những thay đổi mà chúng ta đang thấy?

Giáo hội Châu Mỹ La-tinh có lịch sử lâu đời và gần gũi với người dân. Nếu chúng ta xem qua các hội đồng giám mục – hội đồng giám mục đầu tiên ở Medellín, rồi đến Puebla, Santo Domingo, và Aparecida – họ luôn đối thoại với dân Chúa. Và thực tế này đã giúp. Đó là một Giáo hội bình dân, theo nghĩa đen của từ này. Là Giáo hội của Dân Chúa.

Điều đó đã thay đổi khi giáo dân không thể biểu hiệu và cuối cùng trở thành một Giáo hội của những người cầm đầu, với những thừa tác viên chỉ huy. Mọi người bắt đầu nói lên càng ngày càng nhiều về tôn giáo của mình và cuối cùng họ thành nhân vật chính trong câu chuyện của chính họ.

Rodolfo Kusch, một triết gia người Argentina, là người hiểu rõ nhất dân tộc là gì. Tôi khuyên nên đọc Kusch. Ông là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của Argentina. Ông viết sách về triết lý của con người.

Theo một cách nào đó, đây là kinh nghiệm của Giáo hội Châu Mỹ La-tinh dù đã có những nỗ lực tư tưởng hóa, chẳng hạn như việc sử dụng các khái niệm của Mác trong phân tích thực tại của Thần học Giải phóng. Đó là một công cụ tư tưởng hóa, một con đường giải phóng của Giáo hội bình dân Mỹ Latinh. Nhưng dân tộc là một chuyện, chủ nghĩa dân túy là một chuyện khác.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch