Ronald Rolheiser, 

 

Khi Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể trong bữa tiệc ly, Ngài cầm bánh và rượu lên, và xem đó là hai yếu tố để Ngài hiện diện đặc biệt với chúng ta. Từ đó đến bây giờ là đã hơn 2000 năm, các tín hữu kitô cử hành Phép Thánh Thể vẫn dùng bánh và rượu để xin Chúa Kitô chúc lành cho thế giới và cho chúng ta sự hiện diện đặc biệt của Ngài. Tại sao lại là hai yếu tố này? Tại sao lại là bánh và rượu? Mỗi thứ đại diện cho điều gì?

Tôi luôn thấy cái nhìn thấu suốt này của Pierre Teilhard de Chardin cực kỳ có ý nghĩa: Khi bàn về lý do tại sao bánh và rượu được dâng lên Phép Thánh Thể, ngài nói: “Thứ thật sự được thánh hiến mỗi ngày chính là sự phát triển của thế giới trong ngày hôm đó, bánh biểu trưng cho những gì được tạo nên, rượu biểu trưng cho những gì mất đi trong lao công và đau khổ trong tiến trình của nỗ lực đó”.

Và điều này đem lại một bài học quan trọng về cách chúng ta được mời dự phần và cầu nguyện trong Phép Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu phán “Này là thịt Ta, là của ăn cho thế gian được sống”, là Ngài có ý như vậy. Ngài muốn nói lời cầu nguyện của chúng ta, nhất là trong Phép Thánh Thể, cần phải bao hàm trọn thế giới với mọi sự và mọi người trong đó. Và điều này đòi hỏi rất nhiều, bởi vì như chúng ta đều biết, thế giới của chúng ta là một nơi phức tạp đến bệnh hoạn, rối rắm, phân cực, phân lập, một nơi có đầy cả tốt và xấu, trẻ và già, lành mạnh và bệnh tật, giàu và nghèo, quyền lực và vô lực, chiến thắng và thất bại, sống và chết. Tạo nên của ăn là thịt của Chúa Kitô cho sự sống của thế giới nghĩa là dâng lên rất nhiều thứ để Thiên Chúa chúc lành, và với chúng ta, không phải khi nào chuyện này cũng tự nhiên.

Được Chúa Giêsu thiết lập, Phép Thánh Thể cần phải là lời kinh ôm trọn thế giới và mọi sự, mọi người trong đó. Phép Thánh Thể cần là lời kinh cho người nghèo, người già, người bệnh, người đau khổ, người vô lực và cho tất cả mọi người bị biến thành nạn nhân (kể cả Mẹ Trái Đất), cũng như đó là lời kinh cho người giàu, người trẻ, người khỏe mạnh và người có quyền lực. Trong Phép Thánh Thể, chúng ta cần cầu nguyện cho những người đang nằm bệnh viện và những người sức khỏe dồi dào. Chúng ta cần cầu nguyện cho những người đang hấp hối cũng như cho những vận động viên sung mãn chuẩn bị tham dự Thế vận hội. Và chúng ta cần cầu nguyện cho người tị nạn nơi biên giới cũng như cho những ai làm luật đóng mở cửa biên giới. Như Teilhard de Chardin nói, trong lời cầu nguyện này, chúng ta phải dâng lên những gì được tạo nên và những gì mất đi trong lao công và đau khổ trong tiến trình của nỗ lực đó.

Là linh mục công giáo la-mã, tôi có đặc ân chủ sự Phép Thánh Thể, và mỗi lần làm thế, tôi luôn cố gắng ý thức về những thực tế tách biệt mà bánh và rượu tượng trưng. Khi nâng tấm bánh lên, tôi luôn cố gắng ý thức về sự thật là tôi đang dâng lên những gì lành mạnh, phát triển trong sự sống và được ăn mừng trong thế giới hôm nay. Khi nâng chén rượu lên, tôi luôn cố gắng ý thức rằng tôi đang dâng lên mọi sự bị chà đạp, bị đau khổ và đang chết dần hôm nay khi sự sống trên trái đất này vẫn tiếp tục đi tới.

Thế giới của chúng ta là một nơi rộng lớn và trong mọi khoảnh khắc đều có một sinh linh mới ra đời, có sự sống non trẻ bén rễ, có người đang ăn mừng cuộc đời, có người tìm thấy tình yêu, có người đang ái ân, và có người đang ăn mừng thành công và chiến thắng. Đồng thời, có những người đang mất sức khỏe, có người đang chết dần, có người bị cưỡng hiếp và xâm hại, có người bị chà đạp bởi đói khát, bởi thất bại, vô vọng và tinh thần tan nát. Trong Phép Thánh Thể, bánh là tượng trưng cho nhóm đầu và rượu tượng trưng cho nhóm sau.

Cách đây mấy ngày, tôi chủ sự Phép Thánh Thể trong tang lễ của một ông cụ hưởng thọ 90 tuổi. Chúng tôi cử hành đức tin của mình, thương tiếc cùng gia đình, nêu bật tặng vật là cuộc đời ông, cố thu nhận lấy tinh thần mà ông để lại, nói lời từ biệt với ông và chôn cất ông vào lòng đất. Rượu mà chúng tôi hiến thánh trong Phép Thánh Thể ngày hôm ấy, là biểu trưng cho mọi điều này, cho cái chết của ông, cho mất mát của chúng ta, cũng như cho cái chết và mất mát của mọi người khắp mọi nơi, có Chúa ở cùng chúng ta trong đau khổ. Không lâu sau đó, tôi đến một gia đình đầy phấn khởi và sinh lực của tuổi trẻ, với ba đứa con, năm tuổi, hai tuổi và tám tháng tuổi. Không mấy điều trên đời đem lại sự tươi mới cho tâm hồn bằng sinh lực tuổi trẻ. Không có thứ thuốc chống trầm cảm nào trên đời có thể cho ta điều mà sinh lực tuổi trẻ đem lại. Và khi tôi cầm tấm bánh lên trong lúc cử hành Phép Thánh Thể, tôi càng ý thức hơn về những gì mà tấm bánh tượng trưng, là sinh lực, sức khỏe, vẻ đẹp, tuổi trẻ, sự sôi động, hay nói theo cách khác là niềm vui và sự rực rỡ của Thiên Chúa trên địa cầu này.

J.B. Thái Hòa dịch