Ronald Rolheiser,

Vài năm trước, tôi có dự tang lễ của một ông cụ thọ 90 tuổi. Ở mọi khía cạnh, ông là người tốt, kiên trung giữ đạo, con cái đông đúc, người đáng trọng trong cộng đồng và là người có lòng quảng đại. Ông mạnh khỏe, có tài, có tư chất lãnh đạo, là người mà chúng ta sẽ chọn để quản trị và dẫn dắt. Vì thế ông có một địa vị uy tín trong cộng đồng. Ông là kiểu người nắm quyền.

Ông có người con trai là linh mục công giáo, và người con giảng trong tang lễ. Cha mở đầu bài giảng như sau: Kinh Thánh viết, đời người chỉ đến bảy mươi, mạnh giỏi lắm thì được tám mươi. Bây giờ cha của chúng tôi qua đời năm 90 tuổi. Tại sao lại có thêm 20 năm này? Đây không phải là một bí ẩn gì. Ông quá mạnh mẽ, ông có nhiều trách vụ phải làm để phải chết ở tuổi 70 hay 80. Chúa cho ông thêm 20 năm để ông dịu lại. Và nó hiệu quả. Mười năm cuối của ông là những năm ông suy giảm rất nhiều. Vợ mất, và cha tôi không bao giờ qua được thử thách này. Ông bị trụy tim và phải cần người giúp hỗ trợ sinh hoạt, đây là một đòn nặng giáng lên ông. Rồi những năm cuối đời, ông phải cần có người giúp trong các công việc vệ sinh tối thiểu. Với một người như ông, đó là cả một hạ mình.

Nhưng tất cả những chuyện này có tác động. Nó làm ông dịu đi. Trong những năm cuối này, mỗi khi có ai đến thăm, ông sẽ cầm tay họ và nói “xin giúp tôi”. Từ lúc lên năm và khi có thể tự thắt dây giày, ông đã không thể nói ba chữ này. Đến lúc qua đời, ông đã sẵn sàng để ra đi. Khi gặp Chúa Giêsu và thánh Phêrô ở thiên đàng, tôi chắc cha tôi sẽ đưa tay ra và nói, “xin giúp con”. Tôi chắc chắn, nếu là 10 hay 20 năm trước, hẳn ông đã cho Chúa Giêsu và Thánh Phêrô lời khuyên làm sao để cổng thiên đàng mở ra mở vào hiệu quả hơn.

Đây là dụ ngôn nói một cách trực tiếp và sâu sắc về một vị thế mà chúng ta cuối cùng đều phải đứng ở đó, dù bằng chọn lựa chủ động hay phải quy phục hoàn cảnh, nhưng cuối cùng tất cả chúng ta đều đứng vào một vị thế chấp nhận, chúng ta không tự đủ, chúng ta cần giúp đỡ, cần người khác, cần cộng đồng, cần ân sủng và cần Thiên Chúa.

Tại sao điều này lại quan trọng đến như thế? Vì chúng ta không phải là Chúa, và khi nhận ra, chấp nhận như thế thì chúng ta khôn ngoan hơn và biết yêu thương hơn. Các thần học gia kinh điển của kitô giáo định nghĩa Thiên Chúa là hiện hữu tự đủ, và nhấn mạnh rằng chỉ có Thiên Chúa mới tự đủ. Chỉ có Thiên Chúa mới không cần điều gì ngoài chính Ngài. Còn mọi sự khác, tất cả mọi sự không phải là Thiên Chúa, thì được định nghĩa là phụ thuộc các yếu tố, là không tự đủ, là cần điều gì đó ngoài bản thân mình để tồn tại và duy trì sự tồn tại đó mỗi giây mỗi phút trong đời.

Nói như vậy nghe có vẻ là thần học trừu tượng, nhưng mỉa mai thay, chính các em bé lại hiểu chuyện này, ý thức được chuyện này. Chúng biết rằng chúng không thể tự chu cấp cho mình, và mọi sự đến với chúng đều là món quà. Chúng biết chúng cần giúp đỡ. Tuy nhiên, không lâu sau khi đã biết thắt dây giày, thì ý thức này bắt đầu phai mờ khi chúng bước vào tuổi dậy thì, rồi tuổi trưởng thành, nhất là khi chúng khỏe mạnh, cường tráng và thành công thì chúng bắt đầu sống với ảo tưởng tự đủ. Tôi tự chu cấp cho bản thân tôi!

Thật sự là điều này đã tạo điều kiện cho chúng tự tin bước vào đời. Nhưng nó lại không tạo điều kiện cho sự thật, cộng đồng, tình yêu hay linh hồn. Nó là một ảo tưởng, là ảo tưởng lớn nhất. Không ai trong chúng ta đi sâu vào cộng đồng trong khi đang nuôi dưỡng ảo tưởng tự đủ, khi chúng ta vẫn còn nói, mình không cần đến người khác! Tôi chọn mình sẽ là ai, là gì trong đời này!

G.K. Chesterton từng nói rằng sự quen thuộc là thứ ảo tưởng lớn nhất. Ông nói đúng, và điều chúng ta quen thuộc nhất, đó là tự chăm sóc bản thân và nghĩ rằng mình lo cho mình được. Như chúng ta biết, nó giúp cho chúng ta vượt lên trong đời. Tuy nhiên, may cho chúng ta, thông qua đau đớn, Thiên Chúa và tự nhiên luôn hợp sức để dạy chúng ta rằng chúng ta không tự đủ. Tiến trình trưởng thành, già đi, và cuối cùng là chết được sắp đặt để dạy cho chúng ta (bất kể chúng ta có tiếp thu bài học này hay không) rằng chúng ta không nắm quyền và sự tự đủ chỉ là một ảo tưởng. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đến một ngày mà chúng ta, như thời chưa biết thắt dây giày, sẽ đưa tay ra mà nói, “xin giúp tôi”.

Triết gia Eric Mascall có một câu nói, bao lâu chúng ta còn xem cuộc đời là chuyện đương nhiên thì chúng ta không khôn ngoan cũng không trưởng thành. Chúng ta thực sự khôn ngoan và trưởng thành khi nào chúng ta xem nó là món quà nhưng không, từ Thiên Chúa, từ tha nhân, từ tình yêu.

J.B. Thái Hòa dịch