365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Vinh Sơn Liêm Trần Văn Hòa

Tình yêu, một khái niệm rất gần gũi với bất kỳ ai, dù là người lớn hay trẻ nhỏ, dù ở đâu hay bất cứ thời đại nào, cho dù người ta có ý thức, có hiểu biết hay không về tình yêu. Đó cũng là hạn từ được nói đến nhiều trong đời sống con người. Tuy nhiên, tình yêu cũng là một khái niệm không dễ nhận thức một cách chính xác. Quả vậy, không phải cứ nói nhiều về tình yêu là dấu chỉ chắc chắn của một ai đó biết yêu và yêu nhiều. Cũng không hẳn người nói nhiều về tình yêu là người có tình yêu chân thật, vì yêu nhiều hay yêu ít, tình yêu chân thật hay giả dối, nhiều khi không tỉ lệ với những lời nói hoa mỹ về tình yêu. Để nhận biết một tình yêu chân thật hay giả dối, yêu nhiều hay yêu ít thì cách chắc chắn cần phải đối chiếu với đời sống và hành động của người đó. Một tình yêu chân thật là một tình yêu được thể hiện qua việc làm cụ thể, như thánh Gioan nói: Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18; x. Gc 2,15-16). Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận nói: “Muốn biết chúng tôi có kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có thương yêu anh em không. Nếu chúng ta có, ấy là dấu chúng ta có lòng kính mến Chúa. Vì sự kính mến Chúa có lẽ lầm được, còn sự thương yêu anh em thì không lm được. Sự chúng tôi kính mến Chúa không biết có chắc hay không, còn sự yêu thương anh em là dấu chắc chắn chúng tôi có lòng kính mến Chúa” (DN 112).

Như thế, tình yêu đích thực, nhất định phải được tỏ lộ qua hành động, do đó, càng hành động trong thầm lặng thì tình yêu càng được hiện thực và biểu lộ. Chỉ có tình yêu mới là động lực giúp người ta dám dấn thân và hy sinh, thể hiện qua hành động cụ thể như Chúa Giêsu đã sống và chết cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Tình yêu mãnh liệt và chân thật là tình yêu “nói ít làm nhiều”. Một tình yêu như thế không phải dễ dàng gặp thấy trong xã hội hôm nay- một xã hội chủ trương thực dụng và chủ nghĩa cá nhân- nhưng không phải là không có hay không thực hiện được. Chẳng hạn ít nhiều chúng ta cũng nhận thấy nơi các vị thánh đã âm thầm sống cho Chúa và cho người khác như Mẹ Têrêxa Calcutta, thánh Maximiliano M. Kolbe… hay các bậc cha mẹ luôn âm thầm hy sinh cho con cái mình được lớn lên… Một cách đặc biệt, những đặc tính của một tình yêu chân thật và mãnh liệt như thế chúng ta gặp thấy rất rõ nơi Thánh Giuse.

Có thể nói thánh Giuse như là mẫu gương cho chúng ta bắt chước noi theo về một tình yêu thầm lặng. Nơi ngài chúng ta thấy được chân dung rõ nét của một người chỉ sống cho Chúa và cho người khác trong âm thầm lặng lẽ một cách tuyệt đối, đến nỗi nói đến thánh Giuse, ai cũng nghĩ ngay đến sự thầm lặng của ngài. Có thể nói, thầm lặng chính là bản chất con người của thánh Giuse. Nhưng sự âm thầm lặng lẽ của ngài không phải là một sự âm thầm thụ động, bi quan yếm thế, muốn trốn tránh trách nhiệm hay ẩn mình để tận hưởng thú vui cho riêng mình. Nhưng là sự âm thầm ẩn chứa một tình yêu mãnh liệt trong đó, nên mặc dầu không nói ra, tình thầm lặng đó được biểu lộ cách sống động đối với Thiên Chúa cũng như đối với mọi người, qua các biến cố cũng như trong thái độ sống thường ngày.

Vậy trong bài này chúng ta tìm hiểu xem con người thánh Giuse như thế nào? Ngài đã sống tình thầm lặng với Thiên Chúa và với mọi người ra sao? Cũng như trong thái độ sống của ngài qua các biến cố và trong đời sống thường nhật của ngài như thế nào?

  1. Thánh Giuse – con người thầm lặng

Nói đến thánh Giuse người ta thường nghĩ ngay đến một con người âm thầm. Âm thầm trong lời nói, lặng lẽ qua việc làm trong cuộc sống. Âm thầm đến nỗi Kinh Thánh không cho chúng ta thấy ngài nói bất cứ một lời nào, nhưng chỉ là nói về ngài mà thôi. Ngay cả nói về ngài đi nữa thì Kinh Thánh cũng nói rất ít. Ngài giữ im lặng trước những biến cố khó khăn và khó hiểu xảy đến với ngài như việc Đức Mẹ mang thai, biến cố Giáng Sinh.

Hơn nữa, ngài là con cháu vua David, là hôn phu của Đức Maria, nhưng với địa vị cao quí như thế ngài cũng không bày tỏ với ai về đặc ân này. Tất cả những điều đó cho thấy thánh Giuse là một con người thầm lặng, bản chất của ngài là thầm lặng, ngài thích được sống trong sự thầm lặng. Sự thầm lặng của thánh Giuse không chỉ thể hiện qua việc ngài không nói, mà còn thể hiện qua những gì viết về ngài. Quả vậy, là người cộng tác một cách trực tiếp vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa với tư cách là cha nuôi của Chúa Giêsu, một chương trình vĩ đại liên quan đến cả Thiên Chúa và vận mạng toàn thể nhân loại như thế thì đáng ra – theo lẽ thường- các sách vở, nhất là các sách Tin Mừng cũng phải nói nhiều về ngài mới đúng. Thế nhưng ngài đã không nói lời nào và các sách Tin Mừng cũng chỉ nói rất ít về ngài, đến nỗi ngài sống ra sao, chết khi nào, ở đâu… đã không được nhắc đến. Có thể nói, những điều được nói, được nhắc đến thánh Giuse trong Tin Mừng là quá ít, hoàn toàn không tương xứng với một con người và địa vị cũng như chỗ đứng quan trọng như thánh Giuse. Thế nhưng tất cả những điều xem ra không bình thường ấy, tất cả những thắc mắc ấy cuối cùng đã phác họa nên một chân dung rõ nét, một hình ảnh trung thực nhất về con người Giuse: Giuse, con người thầm lặng. Một con người thầm lặng tuyệt đối có một không hai trên đời này.

Tân Ước để lại cho chúng ta bức chân dung về thánh Giuse như một người âm thầm phục vụ Chúa Giêsu và Đức Maria, chứ không cho thấy ngài nói bất cứ một lời nào. Có thể nói thánh Giuse là biểu tượng cho sự thầm lặng. Một sự thầm lặng không chỉ xảy ra nhất thời hay trong những biến cố nhất định nào đó, nhưng đúng hơn, cả cuộc đời của ngài là một sự thầm lặng.

Tuy nhiên, sự thầm lặng của thánh Giuse không biến ngài thành một ốc đảo, trái lại chính trong đời sống thầm lặng đó mà tình yêu của ngài lại càng được tỏ lộ với Thiên Chúa và mọi người. Đó là sự thầm lặng đầy ắp tình yêu nội tâm, được thúc đẩy bởi sự tìm kiếm và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Vậy tình thầm lặng của ngài đã thể hiện như thế nào đối với Thiên Chúa và mọi người?

  1. Tình thầm lặng của thánh Giuse đối với Thiên Chúa

Để thấy được tình yêu của thánh Giuse đối với Thiên Chúa, tuy thầm lặng nhưng mãnh liệt thế nào, thiết tưởng phải nhìn vào cuộc sống của ngài để thấy ngài đã âm thầm vâng phục và sống theo thánh ý Thiên Chúa một cách tuyệt đối ra sao. Chúng ta biết, điều làm cho thánh Giuse trở nên cao trọng và được gọi là người công chính không phải vì ngài là một trong các tổ phụ được Thiên Chúa kêu gọi đích danh như Abraham và Giacop… hoặc vì ngài đã lãnh đạo dân Chúa và làm những việc vĩ đại như Môsê và Aaron… nhưng là vì ngài đã tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa một cách âm thầm lặng lẽ. Nói đúng hơn, thánh Giuse trở nên công chính là vì ngài đã kín đáo để cho Thiên Chúa sử dụng như một khí cụ trong chương trình của Người. Phải nói rằng, động lực lớn nhất làm cho thánh Giuse trở nên khí cụ của Thiên Chúa chính là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có khả năng thúc đẩy thánh Giuse trở thành khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Đó cũng là thứ tình yêu như thánh Phaolô quả quyết: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2Cr 5,14). Chính vì được tình yêu như thế thúc đẩy nên thánh Phaolô đã không sống tinh thần vâng phục Thiên Chúa một cách máy móc hay trong tâm thế của một người thụ động; trái lại ngài thể hiện sự vâng phục Thiên Chúa cách ‘chủ động’ như một nhân vị đầy đủ tự do và trách nhiệm. Do đó, sự vâng phục của thánh Giuse là một sự vâng phục của một người “cộng tác” hay “đối tác” của Thiên Chúa. Quả vậy, trong cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta thấy có ba lần Thiên Chúa -qua thiên sứ- truyền lệnh cho ngài trong giấc mơ. Đó là biến cố truyền tin (x. Mt 1,18-25; Lc 2,1-17); biến cố Sứ thần hiện ra báo cho ngài biết phải đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-18); và lần cuối cùng, cũng trong giấc mộng, sứ thần Chúa truyền cho ngài đưa Hài Nhi và Mẹ Người từ Ai-Cập về Ítraen (x. Mt 2,19-23). Thế nhưng, những gì ngài sống và thực hiện trong tương quan với Đức Mẹ và Chúa Giêsu, nhất là qua những biến cố khó khăn nhất của cuộc sống gia đình Thánh Gia, thánh Giuse luôn chủ động, chịu đựng và kiên nhẫn thi hành phận vụ của ngài trong tư cách là một người cha, một người chồng, đặc biệt trong tư cách là người con thảo hiếu đối với Thiên Chúa. Những điều đó cho thấy rằng thánh Giuse luôn có một tình yêu, một mối tương quan sâu đậm và mãnh liệt với Thiên Chúa như thế nào, để rồi phát xuất từ tình yêu mãnh liệt ấy, ngài đã luôn chủ động thi hành phận vụ của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, như một người cha và người chồng trong gia đình Thánh Gia tại Nazareth, cũng như trong toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, khi nói về thánh Giuse người ta thường nghĩ về một con người tuân phục mà không nói hay ít khi nói đến ngài như một con người của tình yêu. Sở dĩ như thế là vì người ta thường nhận ra sự vâng phục của ngài theo kiểu ‘hoa lá cành’, mà ít ai nghĩ tới hay khám phá ra được cái tình, cái tâm của thánh Giuse vốn là nguồn mạch, là nguyên nhân của đức tuân phục phát xuất từ tình yêu. Tất cả chỉ vì tình yêu, một tình yêu mãnh liệt nhưng thầm lặng. Cách ngài thể hiện tình yêu của mình với Thiên Chúa và với mọi người, ngay cả đối với những người thân cận nhất là Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì hầu như chúng ta cũng chỉ được thấy qua hành động hơn là lời nói. Nơi thánh Giuse, tất cả chỉ diễn ra bằng hành động, mà hơn nữa hành động trong âm thầm, để chỉ có Thiên Chúa biết đến mà thôi. Chúa Giêsu nói, khi làm phúc “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Nhưng chính trong cái ‘tình thầm lặng’ này, một ‘cái tình’ như là thuộc về bản chất của con người thánh Giuse, đã làm cho ngài trở nên một con người tuân phục, dễ bảo, nhờ đó mà ngài đã trở nên một khí cụ hoàn hảo để Thiên Chúa dùng vào công trình cứu độ nhân loại.

Như thế phải nói rằng, sự vâng phục mau mắn của thánh Giuse trước các mệnh lệnh của Thiên Chúa chỉ là mặt nổi bên ngoài và bên trên, tất cả chỉ là biểu hiện cho sức mạnh của một tình yêu nội tâm và âm thầm, một động lực mãnh liệt ẩn chứa bên dưới và bên trong sâu thẳm nơi con người của thánh Giuse. Chính tình yêu mãnh liệt nhưng âm thầm ấy -chứ không phải tài năng hay sự khôn ngoan- đã giúp cho thánh nhân trở thành khí cụ của Thiên Chúa, luôn tìm kiếm và vâng nghe thánh ý Người. Cũng trong chiều hướng đó, cụ Nguyễn Du luôn xem trọng tình yêu khi nói: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Thánh Gioan khẳng định Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8). Một trong những điều chính yếu để trở nên khí cụ của Thiên Chúa chính là tình yêu, vì: tình yêu đáp trả tình yêu. Và ngược lại, chỉ có tình yêu thúc đẩy mới có thể giúp con người sống và chu toàn thánh ý Thiên Chúa.

Một trong những đặc điểm nữa của tình thầm lặng nhưng mãnh liệt của thánh Giuse đối với Thiên Chúa chính là thái độ sống của ngài. Chúng ta thấy, trước những mầu nhiệm khó hiểu và trong những hoàn cảnh khó khăn, thánh Giuse luôn thao thức một điều là phải làm thế nào để thi hành ý muốn của Thiên Chúa một cách mau mắn nhất. Quả vậy, lý do làm nên thái độ sống của thánh Giuse như thế là vì, ngài xác tín rằng: thứ  nhất, tất cả những sự kiện hay biến cố xảy ra trong cuộc đời của ngài là những mầu nhiệm mà ngài không thể hiểu được. Cho nên, ngài không bao giờ đặt vấn đề tại sao, nhưng chỉ mong tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa muốn ngài làm gì và ngài ra sức làm theo hơn là tìm kiếm một sự hiểu biết về các mầu nhiệm của Thiên Chúa, hay suy tư để tìm hiểu thấu đáo về các sự kiện xảy ra cho ngài. Trước những sự kiện khó khăn và khó hiểu như việc truyền tin hay những biến cố khó hiểu như việc Đức Mẹ mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,18-25; Lc 2,1-7); rồi những khó khăn trong hoàn cảnh Giáng Sinh (x. Mt. 1,18-25; Lc 2,1-20); hay phải đưa Hài Nhi trốn sang Ai-Cập vào ban đêm (x. Mt 2,13-18), thánh Giuse không bao giờ đặt câu hỏi: tại sao Thiên Chúa lại phải như vậy? Tại sao Thiên Chúa lại thua quyền lực thế gian? Tại sao phải ra đi trong đêm tối? Phải làm gì để sinh sống nơi đất khách quê người? Trái lại, một khi đã hiểu được điều Thiên Chúa muốn thì ngài đã thực hiện một cách mau chóng không chút do dự hay ngại ngùng, cho dẫu không hiểu phía trước là gì, khó khăn ra sao (x. Mt 1,18-25), cho dẫu đó là ban đêm (x. Mt 2,13-15).

Ngay cả Mẹ Maria và Chúa Giêsu là những người đồng hành với ngài, đồng lao cộng khổ với ngài, cũng là những mầu nhiệm mà ngài không thể hiểu hết được, nhưng ngài cũng không bao giờ đặt vấn đề ‘tại sao’. Thánh Giuse đã không thắc mắc, không tra hỏi hay đòi Đức Mẹ phải giải thích lý do mang thai. Trong tất cả những trường hợp ấy, thánh nhân chỉ âm thầm lặng lẽ một mình, vì biết rằng Đức Mẹ có nói, có giải thích thế nào thì ngài cũng chẳng hiểu được. Và cùng với Đức Mẹ, thánh Giuse cũng đã ngạc nhiên trước những lời nói tiên tri đau thương của cụ già Simeon về trẻ Hài Nhi (x. Lc 2,33), nhưng ngài cũng chỉ biết cúi đầu chấp nhận mà không tranh luận hay chất vấn ông Simeon tại sao hay hỏi ông phải làm gì. Hay khi Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ Giêrusalem, theo thánh sử Luca thì thánh Giuse và Đức Mẹ thực sự không hiểu gì về con người của Chúa Giêsu: “Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt” (Lc 2,48). Tất cả những biến cố đó ngài đều không đòi hỏi bất cứ một lời giải thích nào từ bất cứ ai, vì có hỏi thì ngài cũng không thể hiểu được, cho nên cũng giống như thái độ của Đức Mẹ là: ghi nhớ và suy niệm trong lòng (x. Lc 2,19.51).

Có thể nói, lý do thánh Giuse sống với Thiên Chúa bằng tình yêu mãnh liệt nhưng thầm lặng thể hiện qua thái độ sống một cách tuyệt đối tuân phục như thế là vì, ngài muốn cho mọi ý định và chương trình của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách trung thực nhất. Chúng ta có thể mượn tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả, để diễn tả thái độ khiêm tốn của thánh Giuse trước chương trình cứu độ là công trình của Thiên Chúa: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

  1. Sống tình thầm lặng đối với mọi người

Thông thường khi chọn lựa và xếp đặt ai cho một công việc nào đó, người ta phải xem người đó có khả năng và có thể làm được việc đó không. Và công việc càng lớn, càng quan trọng thì người ta càng phải cẩn thận tìm kiếm và chọn lựa những con người có đủ phẩm chất, có đủ tài đức cho công việc đó. Hiểu như thế mới thấy rằng, một khi được Thiên Chúa chọn để làm cha nuôi Chúa Giêsu trong chương trình cứu độ thì ắt hẳn rằng thánh Giuse phải là một người trổi vượt thực sự. Vì việc cứu độ nhân loại không không giống như một công việc trần thế, nhưng là một công trình vĩ đại và quan trọng bậc nhất trong mọi công trình của Thiên Chúa đối với nhân loại. Quả vậy, phụng vụ trong đêm Vọng Phục Sinh cho chúng ta thấy rằng việc tạo dựng thế giới này là một công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, nhưng việc tái tạo con người và thế giới này qua công trình cứu độ còn kỳ diệu hơn rất nhiều. Như thế có thể nói, thánh Giuse có một vai trò hết sức quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ này thì thánh Giuse phải có một con tim rất lớn, một tình yêu lớn lao mới có thể đón nhận thánh ý Thiên Chúa và thực hiện những điều Thiên Chúa trao phó cho ngài. Vì chỉ có tình yêu, một tình yêu mãnh liệt mới là điều kiện tiên quyết để có thể chu toàn công việc cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ này trong tư cách là một người cha của Chúa Giêsu. Cũng giống như khi chọn và trao phó Giáo hội cho thánh Phêrô lãnh đạo, Chúa Giêsu cũng chỉ kiểm tra và đòi hỏi một điều duy nhất là tình yêu: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15). Sứ mệnh được chọn làm cha của Chúa Giêsu như thế thật là một vinh dự vô cùng lớn lao mà bao nhiêu người thầm mơ ước. Xét theo sự thường, đây là một ân huệ đáng tự hào nhất. Thế nhưng thánh Giuse cũng không vì thế mà khẳng định chỗ đứng của mình với mọi người; trái lại ngài luôn giữ thái độ khiêm tốn và im lặng trước mọi người, vì ngài coi đó như là ân huệ hoàn toàn nhưng không do Thiên Chúa ban tặng, như tâm tình của thánh Phaolô: Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10).

Theo cách của người đời, có thể nói thánh Giuse là người có uy tín, ‘có tiếng nói’ và là người có nhiều lý do để được biết đến, để được ca ngợi trước mắt mọi người, nếu không nói là ngài có lý do để khoe khoang và hãnh diện về bản thân mình. Chúng ta biết ngài là một người thuộc dòng tộc vua David (x. Mt 1,20), nghĩa là ngài không phải thuộc về một dòng tộc tầm thường, nhưng được sinh ra trong một dòng dõi vua chúa danh giá trâm anh bậc nhất, dòng dõi được tuyển chọn. Theo Bernard Martelet:Thánh Giuse thực sự thuộc dòng tộc David, ngài là con cháu thực của dòng dõi vua chúa, ngài là người thuộc hàng quí tộc, còn quí tộc hơn nữa do bởi con tim! Ngài hoàn toàn là con vua David và tuyệt đối không làm thoái hoá cho nhà David cha của ngài. Đúng vậy ngài là con cháu David theo hàng dọc, chẳng những do xác thịt mà còn do đức tin, do sự thánh thiện và do sự tận tâm”[1]. Tức là thánh Giuse được sinh ra và lớn lên trong một địa vị cao trọng và với địa vị này ngài có quyền “ăn nói”, có quyền “hãnh diện” chứ không phải sống âm thầm như những người “vô danh tiểu tốt”.

Không những thế, theo Bernard Martelet, trong các biến cố quan trọng cũng như trong sinh hoạt đời thường “Thánh Giuse đã không để các cảm tình của mình lộ ra đối với Đức Mẹ. Đây là một sự kiện thầm kín và không thể giải thích được. Ngay cả việc thầm kín trong những tâm sự của thánh Giuse tỏ bày cho chúng ta. Ngài không nói gì về tình cảm sâu kín của ngài hướng về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, ngài cũng không để lộ ra sự gì mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria làm cho ngài. Đây là điều ngài biết và đó là điều buộc ngài có bổn phận phải nói, đó là ngài không có chút gì trong việc thụ thai của Con Thiên Chúa. Chỉ mình ngài mới có thể nói về sự lo lắng của ngài trước tình trạng khó xử khi nhìn thấy Hiền Thê của mình có thai”[2].

Như vậy, không những thánh Giuse có một thái độ sống thầm lặng trước mặt Thiên Chúa nhưng còn âm thầm trong tương quan với mọi người, ngay cả với những người mà theo lẽ thường ngài có quyền được ‘ăn nói’. Sở dĩ như vậy là vì, trước mặt người đời ngài luôn chân nhận như thánh Phaolo rằng: tất cả ân huệ mình có, đều được nhận lãnh từ Thiên Chúa, nên chẳng có lý do gì để vênh vang hay lên mặt với người khác (x. 1Cr 4,7). Trái lại, ngài càng thể hiện sự khiêm tốn hơn người khác qua thái độ sống thầm lặng. Từ đó, thánh phụ Biển Đức có lý để quả quyết: “Người cần nhiều, hãy tự hạ vì mình yếu đuối, chứ đừng tự cao vì được thương xót” (TL chương 34). Với Thiên Chúa, thánh Giuse luôn chân nhận mình thuần tuý chỉ là một đầy tớ, một người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và do đó, chỉ mong thể hiện sự trung thành với Thiên Chúa qua việc chu toàn bổn phận được giao mà thôi (x. 1Cr 4,1-2). Cho nên, cũng giống như người đầy tớ trung thành, sau tất cả, chỉ tâm niệm một điều là mình chỉ làm những gì thuộc bổn phận của một đầy tớ phải làm mà thôi (x. Lc 17,10).

  1. Tình thầm lặng của thánh Giuse trong cuộc sống thường nhật

Thông thường, người ta yêu thích sự sung túc giàu có, sự dễ dãi và một cuộc sống được mọi người biết đến tại những nơi phố phường thay vì một cảnh đời ẩn dật tại miền quê hẻo lánh. Nhưng với thánh Giuse, một người không sống cho mình nhưng tất cả cho Thiên Chúa. Ngài chỉ lo tìm kiếm và thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Sự ẩn dật, nghèo khó, là nơi lý tưởng để ngài thể hiện tình yêu thầm lặng một cách sống động qua nếp sống thường nhật trong gia đình Thánh Gia tại làng quê Nazareth. Quả vậy, thánh Giuse biết rõ hơn ai hết Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là một vị Thiên Chúa quyền năng. Ngài có quyền được hưởng một cuộc sống vương giả trong một cung điện sang trọng. Hay ít ra, ngài cũng có cuộc sống sung túc, với một nghề nghiệp được tôn trọng hơn là nghề thợ mộc. Tuy vậy, thánh Giuse vẫn chọn làm bác thợ mộc, cho dù phải vất vả và bị coi thường (x. Lc 13,55). Quả vậy, với nghề thợ mộc, gia đình Nazareth chỉ có thể đủ sống qua ngày như bao người nghèo khác đương thời nơi làng quê Nazareth chẳng có gì hay ho (x. Ga 1,46).

Dẫu biết rằng thánh Giuse là người chỉ tìm kiếm và làm những gì Thiên Chúa muốn, nhưng chúng ta có thể tự hỏi rằng điều gì, hay động lực nào đã giúp thánh nhân sống trong sự ẩn dật, nghèo khó và vất vả như vậy? Thiết tưởng câu trả lời chính xác nhất cho trường hợp này chính là tình yêu. Vì chỉ có tình yêu mới là chìa khóa giúp chúng ta hiểu được sự chọn lựa của thánh Giuse. Kinh nghiệm cho thấy rằng trong sự khó khăn, trong sự hy sinh mà tình yêu mới được tỏ lộ cách toàn vẹn và chân thực nhất. Chính cuộc sống khó khăn vất vả mà thánh Giuse biểu lộ tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa và với gia đình Thánh Gia. Có thể nói, vì tình yêu và chỉ có tình yêu mãnh liệt mới thúc đẩy thánh Giuse sống âm thầm trong trách nhiệm và phục vụ. Càng yêu nhiều người ta càng hy sinh nhiều, càng phục vụ nhiều. Thánh Gioan từng quả quyết rằng Thiên Chúa đã yêu thế gian quá đỗi nên đã ban tặng Con Một của Người cho thế gian (x. Ga 3,16). Đức Giêsu cũng đã thể hiện tình yêu ấy cách triệt để cho đến tận cùng trên thập giá (x. Ga 15,13). Trong Tông huấn Redemptoris Custos, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng cho thấy ý nghĩa lao động như là biểu hiện của tình yêu và phương tiện để nên thánh, và ngài cho thấy thánh Giuse như là mẫu gương cho những người làm môn đệ Chúa qua công việc thầm lặng thường nhật[3].

Kết luận

Thánh Augustinô nói: Hãy yêu rồi muốn làm gì thì làm”. Với quan điểm Kitô giáo, mọi hành động chỉ có giá trị thực sự, giá trị cứu độ khi mang trong đó dáng dấp của tình yêu. Tất cả mọi hoạt động không phát xuất từ tình yêu, từ con tim thì chẳng có ý nghĩa gì. Cho dẫu đó là những công việc vĩ đại lớn lao- dưới con mắt người đời- những điều lạ lùng, bí nhiệm hay cao siêu đến đâu đi nữa mà không có đức mến, không có tình yêu thì cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Thánh Phaolô cũng đã cảnh báo các tín hữu Corinto rằng mọi công việc được thực hiện mà không có tình yêu thì chỉ là tiếng kêu ồn ào của thanh la phèng phèng inh ỏi mà thôi (x. 1Cr 13,1). Và tình yêu cũng là động lực để chúng ta dám sống, dám dấn thân và hy sinh cho Thiên Chúa và cho mọi người. Nói cách khác, sẽ không thể có một sự dấn thân đến cùng nếu không có tình yêu thúc đẩy. Có thể có nhiều lý do hay nhiều lý tưởng để người ta dấn thân và hy sinh như vì tổ quốc, vì gia đình. Nhưng phải nói rằng, để đi đến tận cùng thì chính tình yêu và chỉ có tình yêu là động lực duy nhất và mạnh mẽ, thúc đẩy người ta dám sống và chết cho nhau và cho Thiên Chúa như Chúa Kitô đã yêu và chết cho người mình yêu. Và cũng chính tình yêu này làm cho những hy sinh, những dấn thân của mỗi người chúng ta có ý nghĩa thực sự cho mình và cho người khác. 

Nhìn vào con người và cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta thấy ngài đã được trở nên người công chính, một vị thánh lớn mà chúng ta thường gọi là “thánh cả Giuse”, không phải vì ngài đã nói hay, nói nhiều, ngay cả nói về tình yêu, nhưng vì ngài đã làm nhiều, làm trong âm thần và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Hơn nữa, ngài chỉ làm những gì Thiên Chúa muốn ngài thi hành. Những gì thánh Giuse đã trải qua, từ những biến cố đặc biệt cũng như trong cuộc sống âm thầm thường nhật, tất cả đều được thể hiện bằng một thái độ tin tưởng và phó thác cách tuyệt đối vào Thiên Chúa, thể hiện một cách sống động qua hành động mau mắn và tuân phục trong âm thầm. Vậy điều gì đã giúp ngài có một nghị lực phi thường trước những biến cố lạ lùng, vượt quá sự hiểu biết, cũng như vượt quá trí tưởng tượng của nhân loại như thế? Câu trả lời đã rõ: đó là tình yêu. Một tình yêu thầm lặng nhưng mãnh liệt đã giúp ngài không ngã quỵ trước bất kỳ khó khăn nào. Vì chỉ có tình yêu chúng ta mới hiểu được tại sao ngài âm thầm chịu đựng đến lạ lùng như vậy. Cũng chỉ có tình yêu mới giúp ta giải thích được tại sao thánh Giuse sống thái độ vâng phục thánh ý Thiên Chúa một cách tuyệt đối và bền bỉ. Với sức mạnh của tình yêu, một sức mạnh mà đến như nước lũ cũng không thể dập tắt, sóng dữ cũng không thể nhấn chìm (x. Dc 8,7), thì người ta có thể làm được tất cả, ngay cả những điều vượt lên trên khả năng tự nhiên của con người. Với một tình yêu như vậy, không còn là con người tự nhiên chúng ta hành động nữa mà là Thiên Chúa, một Thiên Chúa tình yêu hành động trong chúng ta và chính ngài hành động thay cho chúng ta, như thánh Phaolo nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Chúng ta đang sống trong thời đại mà người ta thường gọi là thời đại chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, ở đó người ta ngại hy sinh và nhiều khi vô cảm với người khác. Như thế, con người và cuộc đời thầm lặng của thánh Giuse thật là mẫu gương sáng ngời cho con người trong thế giới hôm nay, nhất là các đan sĩ, những con người tìm kiếm và phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và tĩnh lặng, những con người sống và thể hiện tình yêu với Thiên Chúa và nhân loại không phải bằng lời nói nhưng là bằng việc làm, không phải trong những nơi phố phường ồn ào náo nhiệt mà là trong âm thầm và cô tịch của bầu khí đan viện. Như thế, cũng giống như thánh Giuse, phải chăng đan sĩ cũng phải là những ngọn hải đăng cho con người và thế giới hôm nay trong việc phục vụ trong thầm lặng theo gương của thánh Cả Giuse?

[1] Bernard Martelet, Giuse Nazareth Người Tín Thác, p. 45.

[2] Bernard Martelet, Giuse Nazareth Người Tín Thác, p. 29.

[3] x. Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemtoris Custos, 15.08.1989, số 22-24.

 

https://xitothienphuoc.net