Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

Thin thần truyền tin cho Đức Mẹ (Lc 1,26-38).

 

Trong Tin Mừng thứ ba chúng ta thấy có hai câu truyện truyền tin. Câu truyện thứ nhất nói đến việc Thiên Thần Gáp-ri-en truyền tin cho ông Da-ca-ri-a về việc sinh ra của thánh Gioan tẩy giả. Câu truyện thứ hai nói về việc Thiên Thần Gáp-ri-en truyền tin cho Mẹ Maria về việc Chúa Giê-su sinh ra. Giờ đây chúng ta cùng đọc câu truyện này: 26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà’.29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: ‘Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận’.

34 Bà Maria thưa với sứ thần: ‘Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!’
35 Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được’.

38 Bấy giờ bà Maria nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’. Rồi sứ thần từ biệt ra đi”
.

 

Đây là bài Tin Mừng có những nét rất đẹp diễn tả cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Thiên và Trần. “Bài Tin Mừng này công bố cho thế giới và cho chúng ta ơn cứu độ của Thiên Chúa, loan báo cho chúng ta về Đấng Mê-sia, Đấng Cứu Độ thế giới đang trên đường đến. Đó là Tin Vui lớn lao cho chúng ta và cho tất cả mọi người.

 

Tin Vui này nói với chúng ta rằng: Thế giới này đang bị sự dữ, khổ đau, tuyệt vọng và cái chết bao phủ, nhưng thế giới này không bị lãng quên và không bao giờ bị tận diệt. Một ánh sáng bừng lên trong căn nhà nhỏ ở Na-da-rét, ánh sáng này như tia sáng của ánh sao mai trong đêm tối loan báo về buổi sáng hoàng hôn và mặt trời đang chuẩn bị tỏ rạng, ngày mới đang chuẩn bị bắt đầu”.[1]

 

Vì thế, dù ở trong thời đại nào, dù ở trong hoàn cảnh nào, con người chúng ta không bao giờ thất vọng, vì Thiên Chúa Đấng yêu thương không bao giờ quên chúng ta. Với niềm hy vọng và niềm tin này, chúng ta bước vào hành trình tìm hiểu, chiêm ngắm và suy niệm biến cố gặp gỡ đặc biệt này.

Trong trình thuật Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria, chúng ta thấy có ba phần. Phần đầu Luca giới thiệu khung cảnh câu truyện và các nhân vật (câu 26-27). Tiếp đến là việc Thiên Thần Gáp-ri-en đến với Mẹ Maria và đối thoại với người (câu 28-37). Cuối cùng là lời xin vâng của Mẹ Maria với sứ mạng Chúa trao (câu 38).

 

Theo lịch Phụng Vụ, trước khi Giáo Hội mừng trọng thể mầu nhiệm nhập thể và Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế, chúng ta được mời gọi cùng “bước vào” câu truyện thật đẹp nói về cuộc gặp gỡ giữa thiên sứ của Thiên Chúa với một thiếu nữ thuộc trần thế này. Đó cũng là câu truyện tuyệt vời của Thiên Chúa và do chính Người chủ động.

 

Đức cố hồng y Carlo Maria Martini khi bắt đầu suy niệm câu truyện truyền tin này đã viết: “Khi chúng ta bắt đầu suy niệm về đoạn Tin Mừng Thiên Thần truyền tin, cảm xúc đầu tiên của tôi là muốn giữ thinh lặng. Trong thực tế, tôi sợ phải lên tiếng, như ông Mô-sê sợ nhìn vào bụi gai đang cháy. Lúc đầu, ông đến gần với sự tò mò. Nhưng rồi ông lấy áo che mặt đi vì sợ nhìn thấy Thiên Chúa. Bây giờ tôi cũng cảm thấy như vậy, vì biến cố truyền tin giống như một bụi gai đang cháy. Nó là mầu nhiệm chứa đựng tất cả”.[2]

 

Với tâm tình của Martini, chúng ta cùng “cởi dép” ra, để xứng đáng và cung kính bước vào mảnh đất mầu nhiệm này. 26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria”. Nhân vật Ê-li-sa-bét được nhắc tới với yếu tố thời gian “có thai được sáu tháng” như là một cầu nối đi vào câu truyện truyền tin.

Tiếp đến thánh sử nhắc tới sứ thần có tên là Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mạng Người trao. Trong câu truyện trước đó, sứ thần Gáp-ri-en cũng thi hành sứ mạng truyền tin cho ông Da-ca-ri-a (x.Lc 1,19). Như thế hai câu truyện truyền tin và hai sứ vụ được liên kết với nhau qua hình ảnh của Mẹ Maria và bà Ê-li-sa-bét cùng hai  đứa con của hai phụ nữ này. Hơn nữa, họ là bà con với nhau.

 

Trong biến cố truyền tin thứ hai này do thánh Luca thuật lại, sứ thần Gáp-ri-en được Thiên Chúa sai đến với một phụ nữ đang sống trong một làng bé nhỏ thuộc miền Ga-li-lê, miền bắc của Ít-ra-en. Làng đó có tên là Na-da-rét. Ở đó, Ngài “gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria”. Trong câu này, chúng ta để ý sẽ nhận ra cụm từ “trinh nữ” được nhắc đến hai lần.

 

Michel Hubaut suy tư về điều này: “Thánh Luca dùng từ trinh nữ hai lần. Tại sao người không nói: một thiếu nữ hay một thiếu phụ? Thưa chỉ vì muốn cho nghe vang dội lời các ngôn sứ đã từng khẳng định Thiên Chúa sẽ được trinh nữ Ít-ra-en đón nhận. Trong bao nhiêu thế kỷ, Thiên Chúa đã chịu đựng những tội bất tín bất trung của dân Người và đã tha thứ hết cho họ. Nhưng khi xuống thế làm Đấng Cứu Độ ở giữa chúng ta, thì Người lại muốn được dân Người đón nhận với một tấm lòng trinh trong hoàn toàn thuộc về Người.

 

Thời Chúa Giê-su, khi đọc lời ngôn sứ I-sai-a 7,14, đã có nhiều người nghĩ rằng Đấng Mê-sia sẽ sinh làm con một người mẹ đồng trinh. Và sách Tin Mừng nói cho ta biết: Đức Maria chính là người trinh nữ sinh hạ Đấng Mê-sia. Người nữ đã được Thiên Chúa chọn ngay từ đầu, để đón nhận Con của Người với một Đức Tin hoàn hảo, tất phải là một trinh nữ. Người Mẹ sắp truyền tặng cho con người Giê-su dòng máu huyết quản, những nét di truyền, tính tình, giáo dục thuở còn thơ, tất đã phải núp bóng Đấng Tối Cao mà lớn lên, tựa một đoá hoa ẩn kín chưa hề bị chiếm hữu, biến cả đời mình thành tặng phẩm hoàn toàn hiến dâng lên Thiên Chúa hằng sống”.[3]

 

Ngoài ra, tên Maria được thánh sử Luca chủ ý nhắc đến, để nêu bật vai trò của Mẹ trong câu truyện Giáng Sinh con Mẹ là Chúa Giê-su. Về hình ảnh của Mẹ Maria ở đây, Peter Stuhlmacher giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát: “Mẹ của Chúa Giê-su là Đức Maria (tên tiếng Híp-ri là mirjam hay marjam).

 

Thánh sử Luca đã kể về Maria với một sự kính trọng. Ngay từ đầu Đức Maria là người thuộc về cộng đoàn tiên khởi ở Giê-ru-sa-lem, như sách Công Vụ có nhắc đến: ‘Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su’ (Cv 1,14).

 

Mộ của Người hiện vẫn được gìn giữ ở tại Kidrontal gần Giê-ru-sa-lem. Đối với những Ki-tô hữu tiên khởi, chắc chắn là một diễm phúc lớn, khi họ được quen biết Mẹ của Chúa, giống như bà Ê-li-sa-bét đã thốt lên: ‘Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?’ (Lc 1,43).

 

Trong mắt của các Ki-tô hữu tiên khởi, Đức Maria chính là người phụ nữ sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế mà tiên tri I-sai-a tiên báo: ‘Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en’ (Is 7,14). Là Mẹ của Đấng Mê-sia, của vị Vua đưa lại ơn cứu độ, Mẹ được tôn vinh. Là người phụ nữ Do Thái, Mẹ được ca ngợi là trinh nữ Xi-on của Thiên Chúa, trinh nữ đã sinh hạ Con Thiên Chúa (x. Dc 2,14; Xp 3,14-17 với Kh 12,1-6). Theo Lc 1,26-27, Đức Maria sống trong một làng nhỏ là Na-da-rét thuộc miền Ga-li-lê. Mẹ thành hôn với Giu-se, một người thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Đức Maria có họ hàng với bà Ê-li-sa-bét là mẹ của Gio-an tẩy giả. Điều đó đưa đến một suy đoán, có thể gia đình của Đức Maria cũng có liên hệ với hàng tư tế”.[4]

 

Ngoài Mẹ Maria, thánh sử Luca cũng nhắc đến thánh Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít, là người mà Mẹ Maria đã đính hôn. Như chúng ta biết, đối với Tin Mừng Giáng Sinh của thánh Mát-thêu, thánh Giu-se đóng vai trò rất quan trọng. Ngài xuất hiện như một con người hành động trong biến cố Thiên Thần truyền tin cho ngài, dù cho Đức Maria là một người Mẹ tuyệt hảo.

 

Sau khi khéo léo xây dựng toàn cảnh của câu truyện cùng với các nhân vật, thánh sử Luca đưa người đọc bước vào mầu nhiệm tuyệt vời này qua việc sứ thần vào nhà trinh nữ Maria: “28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Trong khi Thiên Thần Gáp-ri-en truyền tin cho ông Da-ca-ri-a ở trong Đền Thờ, tại nơi cực thánh, thì Thiên Thần Gáp-ri-en lại vào ngôi nhà rất đơn sơ của Maria và chào cô.

 

Như thế, việc sinh ra của Gio-an tẩy giả được loan báo trong nơi cực thánh của Đền Thờ, còn việc sinh ra của Chúa Giê-su lại được loan báo trong ngôi nhà của một trinh nữ. Trong Cựu Ước Thiên Chúa sống trong Đền Thờ, trong Tân Ước Thiên Chúa chọn nơi trú ẩn ở giữa loài người. Điều này tương hợp với lời của thánh sử Gio-an nói về mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).[5]

 

Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Đó là lời sứ thần chào Đức Maria. Đó cũng là lời các ngôn sứ từng ngỏ với “thiếu nữ” Xi-on, tức là cộng đoàn những người khiêm nhu đang trông đợi Vị Cứu Tinh đến. Chúng ta đọc được trong sách tiên tri Xô-phô-nia và sách tiên tri Da-ca-ri-a:

 

“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,
hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi”
(Xp 3,14).

 

“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ”
(Dcr 9,9).

 

Từng bước tìm hiểu và suy niệm lời chào này, chúng ta dừng lại ở cụm từ thiên sứ nói: “Mừng vui lên!”. Theo Ratzinger, “trong lời chào, điều ngạc nhiên là thiên thần không chào Đức Maria theo cách thông thường của người Do Thái là Shalom, có nghĩa là bình an ở với bà, nhưng lại theo công thức chào hỏi của Hy Lạp chaire, có thể dịch là ‘chào bà’, cũng như trong lời cầu với Đức Maria của Giáo Hội được rút từ trình thuật truyền tin (x.Lc 1,28.42).

 

Dù vậy, cũng được phép hiểu ý nghĩa đích thực của từ chaire: Hãy vui lên! Với lời chào này của Thiên Thần, chúng ta có thể nói rằng: Tân Ước đã bắt đầu theo nghĩa chặt của nó…

 

‘Hãy vui lên!’, đầu tiên là một lời chào trong ngôn ngữ Hy Lạp, nhưng trong lời của Thiên Thần, cánh cửa hướng đến muôn dân cũng được mở ra, nói lên tính phổ quát của sứ điệp Ki-tô giáo. Nhưng đồng thời, cũng là một lời rút từ Cựu Ước và như thế nằm trong tính liên tục của lịch sử cứu độ theo Thánh Kinh.

 

Stanislas Lyonnet và René Laurentin cho thấy, lời chào của Thiên Thần với Đức Maria, đã lấy lại lời tiên báo của ngôn xứ Xô-phô-nia 3,14-17 và hiện thực hoá đó như sau: ‘Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en!... Đức Chúa, Thiên Chúa của người đang ngự giữa ngươi’…

 

Hình ảnh ‘Thiên Chúa của người đang ngự giữa ngươi’ được tiên tri Xô-phô-nia lấy từ sách Xuất Hành, nói lên việc Thiên Chúa trú ngụ trong Hòm Bia Giao Ước cũng như là ‘trong lòng Ít-ra-en’ (Xh 33,3; 34,9). Cũng chính lời này trở lại trong sứ điệp của Thiên Thần nói với Đức Maria: ‘Bà sẽ đón nhận vào trong dạ mình’ (Lc 1,31)…

 

Hãy vui lên! Hỡi Đấng đầy ân phúc. Một phương diện khác của lời chào chaire cũng cần được suy nghĩ: sự liên hệ giữa niềm vui và ân sủng. Theo tiếng Hy Lạp, hai thuật ngữ này, niềm vui và ân sủng – chará và cháris, được tạo từ một gốc. Niềm vui và ân sủng gắn chặt vào nhau”.[6] 

 

Về điều này Cantalamessa cũng viết: “Ân sủng là lý do chính yếu niềm vui của chúng ta. Trong tiếng Hy Lạp, thứ tiếng đã được dùng để biên soạn Tân Ước, hai từ ‘ân sủng’ (charis) và niềm vui (chará) hầu như lẫn lộn với nhau: ân sủng là điều đem lại niềm vui.

 

Vui mừng vì ân sủng là muốn nói rằng: ‘Ðặt niềm vui của mình ở nơi Chúa’ (x.Tv 37, 4) chứ không đặt ở nơi ai khác ngoài Ngài hay không có Ngài: không yêu quí điều gì hơn là lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa”.[7]

 

Thiên Thần kêu mời Mẹ Maria vui lên, vì Chúa đến với Mẹ, Chúa chọn Mẹ và ban cho Mẹ ân sủng cao quý nhất. Đó là Mẹ được đón nhận Hài Nhi Giê-su vào lòng mình. Làm sao có thể mường tượng được ân sủng cao quý này? Ân sủng càng cao quý, niềm vui càng dâng cao.

 

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Trong lời mời gọi Mẹ Maria vui lên, Thiên Thần lại không gọi Mẹ với tên của Mẹ, mà gọi Mẹ bằng cụm từ “Đấng đầy ân sủng”. Điều này quá đặc biệt! Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của cụm từ này, cũng như cần chiêm ngắm dung mạo thật đẹp của Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng.

 

“Đấng đầy ân sủng là tên đẹp nhất của Mẹ Maria, tên đó chính Thiên Chúa ban tặng cho Mẹ, để qua đó Chúa muốn chỉ ra rằng, từ giây phút đó và cho đến muôn đời Mẹ là Đấng được yêu thương, Đấng được tuyển chọn. Thật vậy, Mẹ được tuyển chọn để đón nhận một món quà vô giá: Chúa Giê-su, Thiên Chúa yêu thương mặc lấy xác phàm”.[8]

 

“Trong dòng thời gian Giáo Hội luôn hiểu lời ‘đầy ân sủng’ là Mẹ Maria được đầy ân sủng ngay từ lúc khởi đầu cho đến mọi thời điểm của cuộc sống Mẹ. Ở nơi Mẹ, từ ngay những giây phút đầu tiên của đời Mẹ, không vương vấn bất cứ dấu hiệu tội lỗi hay nhơ bẩn nào cả. Như thế, Mẹ chính là tạo vật trong sạch nhất và hoàn thiện nhất của ân sủng Thiên Chúa. Là tạo vật trọn hảo này, Mẹ xứng đáng là Mẹ của Thiên Chúa, là căn phòng và cánh cửa để Thiên Chúa bước vào thế giới này”.[9]

 

Là Đấng đầy ân sủng, Mẹ Maria được Chúa đoái nhìn và sủng ái, “Mẹ được tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa. Như thế, chủ thể làm cho Mẹ được đầy ân phúc là chính Thiên Chúa. Từ trong thân phận bình dị là tạo vật đã được Người tạo nên, Thiên Chúa đã làm ra được một Công Trình kỳ diệu, là Lều Thánh hoàn thiện, là Đền Thờ tuyệt mỹ, là Xi-on mới và thánh thiện”.[10] Đó là Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng.

 

Đấng đầy ân sủng hay Đấng được sủng ái đều là nét rất đẹp trong dung mạo của Đức Maria. Catalamensa trong tác thẩm Maria, tấm gương cho Giáo Hội đã viết những lời thật đẹp về Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng: “Trong lời chào, thiên thần đã không gọi tên Maria, mà chỉ gọi là ‘đầy ân sủng’ hay ‘được đầy ân sủng’ (kêkharitômênê). Thiên thần không nói: ‘Vui lên, hỡi Maria’, mà là ‘Vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng’.

 

Ân sủng, đó là chân tính sâu thẳm nhất của Ðức Maria. Maria là người rất ‘quý giá’ đối với Thiên Chúa (‘cher’ [quý giá] và ‘charité’ [lòng mến, đức ái] đều phát xuất từ một gốc: charis, có nghĩa là ân sủng). Tất nhiên ân sủng nơi Ðức Maria tùy thuộc vào sứ mạng làm Mẹ Ðấng Mê-sia mà Thiên Thần loan báo, nhưng điều đó chưa giải thích hết ân sủng nơi Ðức Maria. Maria không phải chỉ là một chức vị, mà trước hết, là một con người và chính con người Ðức Maria là điều Thiên Chúa quý giá từ muôn thuở.

 

Như thế, Maria là lời công bố sống động và cụ thể rằng, ngay từ khởi thủy đã có ân sủng trong các mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Người. Ân sủng là mảnh đất, là nơi chốn thụ tạo có thể gặp được Ðấng dựng nên mình. Cũng thế, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được trình bày như là Ðấng giàu ân sủng, nghĩa là đầy tràn ân sủng (x.Xh 34,6). Thiên Chúa đầy ân sủng theo nghĩa chủ động (actif) vì là Ðấng ‘đổ đầy’ ân sủng, còn Ðức Maria cũng như với mỗi thụ tạo đầy ân sủng theo nghĩa thụ động (passif), bởi lẽ người được đầy ân sủng…

 

Maria như một icône sống động về ân sủng nhiệm mầu đó của Thiên Chúa. Khi nói về nhân tính Ðức Giê-su, thánh Augustino viết: ‘Con người đó, làm thế nào để xứng đáng được là con độc nhất của Thiên Chúa, được Ngôi Lời đồng vĩnh cửu với Chúa Cha đảm nhận trong sự duy nhất của một Ngôi Vị Thiên Chúa?

 

Phần Ngài, Ngài đã làm được điều gì tốt lành trước khi xảy ra sự kết hợp đó? Trước đó, Ngài đã làm gì, đã tin gì, đã khẩn xin gì để đạt tới phẩm vị cao vời khôn tả như thế?’ Bạn hãy tìm công phúc, tìm sự công chính và hãy suy nghĩ xem hoặc bạn có tìm thấy điều gì khác hơn là ân sủng.

 

Những lời này dọi một tia sáng đặc biệt lên tất cả con người Ðức Maria. Về Ðức Maria, chúng ta càng phải nói mạnh hơn nữa: Maria đã làm gì để xứng đáng được đặc ân để đem lại nhân tính cho Ngôi Lời? Người đã tin, đã cầu xin, cậy trông hay chịu đau khổ như thế nào để được sinh ra thánh thiện và vô nhiễm?

 

Ở đây cũng thế, bạn hãy tìm xem có công phúc, có sự công chính nào, tìm bất cứ điều gì bạn muốn, xem bạn có thấy nơi Người điều gì khác ngoài ân sủng ngay từ giây phút đầu. Ðức Maria có thể lấy lời của thánh Phao-lô áp dụng cho mình cách hết sức đúng nghĩa: Hiện tôi có gì là bởi Ơn Thiên Chúa (1Cr 15,10).

 

Ân sủng, đó là lời giải thích trọn vẹn về Ðức Maria, về sự cao trọng và vẻ đẹp của Người. Một thi sĩ (Cl. Péguy) viết: Sẽ đến lúc người ta không còn có thể bằng lòng với vị thánh quan thầy của mình, của thành phố mình, ngay cả đến những vị thánh quan thầy vĩ đại nhất, mà cần phải lên đến người đẹp lòng Thiên Chúa nhất, gần Chúa nhất. ‘Lên đến Ðức Maria, bởi Người đầy ân sủng’. Những lời thật đơn sơ mà cũng thật sâu thẳm. Ðúng thế, Maria là Maria, bởi lẽ Người đầy ân sủng. Nói Maria đầy ân sủng đã là diễn tả trọn vẹn về Người”.[11]

 

Thật vậy, Đức Mẹ thật là Đấng đầy ân sủng. Nơi Mẹ chúng ta đọc được tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nơi Mẹ chúng ta nhận ra được sự hiện diện thật sống động của Thiên Chúa. Vì thế, tiếp theo cụm từ “Đấng đầy ân sủng”, sứ thần đã nói rằng: “Đức Chúa ở cùng bà”. Đức Chúa ở cùng là một diễm phúc lớn lao biết bao nhiêu! Đức Chúa ở cùng chính là hạnh phúc lớn nhất của đời người.

 

Thánh nữ Elisabeth de la Trinité (Ba Ngôi), đã viết: “Tôi đã tìm thấy trời cao trên trần thế này, vì trời cao đó là Thiên Chúa, và Thiên Chúa đang ngự trong linh hồn tôi. Ngày mà tôi hiểu được điều đó, tất cả đều sáng lên đối với tôi và tôi mong muốn nói ra bí ẩn này cho những người tôi yêu mến”.

 

Trong Cựu Ước, hình ảnh Thiên Chúa ở cùng luôn được nhắc đến. Chúng ta đọc được trong sách bà Rút: “Và kìa ông Bô-át từ Bê-lem đến, nói với thợ gặt: Xin Đức Chúa ở cùng các anh! Họ nói: Xin Đức Chúa giáng phúc cho ông!” (R 2,4). Trong sách Thủ Lãnh có kể lại truyện sứ thần của Thiên Chúa hiện ra với ông Ghít-ôn và sứ thần đã chào ông như sau: “Chào chiến sĩ can trường! Đức Chúa ở với ông” (Tl 6,12). Lời chào này của sứ thần tương hợp với lời chào của sứ thần Gáp-ri-en dành cho Đức Maria.

 

Cantalamessa giúp chúng ta suy tư tiếp về hình ảnh của Mẹ Maria, Đấng đầy ân sủng, Đấng được Thiên Chúa đến ở cùng: “Trở lại với Ðức Maria, lời chào của thiên thần hàm chứa hai nghĩa của ân sủng mà chúng ta vừa làm sáng tỏ. Maria đã đắc sủng nơi Thiên Chúa: Các dòng suối đổ đầy biển khơi như thế nào thì ân sủng cũng đổ đầy tâm hồn của Maria như vậy.

 

Sự đắc sủng của Mô-sê, của các tổ phụ hay các tiên tri nơi Thiên Chúa sánh sao được với sự đắc sủng của Ðức Maria? Có ai được Chúa ‘ở cùng’ đến mức như Ðức Maria? Thiên Chúa ở nơi Người không chỉ bằng quyền năng, bằng sự quan phòng mà còn là sự hiện diện đích thân.

 

Thiên Chúa không chỉ đem lòng sủng ái đối với Ðức Maria mà còn tự trao ban trọn vẹn trong Con của Người. ‘Chúa ở cùng Người’. Lời nói với Ðức Maria ở đây có một ý nghĩa độc nhất vô nhị. Có sự tuyển chọn nào nhắm mục đích cao hơn sự tuyển chọn Ðức Maria, bởi lẽ nó liên hệ đến chính việc nhập thể của Thiên Chúa?

 

Bởi thế, Đức Maria còn đầy ân sủng theo nghĩa thứ hai. Người rất đẹp, một vẻ mà ta gọi là sự thánh thiện. Mẹ ‘tuyệt mỹ’ (Tota pulchra), đó là lời ca ngợi của Giáo Hội, mượn lời sách Diệu Ca (x.Dc 4,1). Bởi được sủng ái (gracié) nên Maria cũng thật yêu kiều (gracieuse). Trong bản văn được trích dẫn ở trên, thi sĩ (Péguy) đã nối kết hai nghĩa của từ ngữ đến mức thật tuyệt vời khi gọi Ðức Maria là ‘Người đầy duyên bởi Người đầy ơn’ (Celle qui est pleine de grâce parce qu’elle est pleine de grâce).

 

Nói khác đi, Người đầy duyên dáng, mỹ miều bởi Người được đầy tràn sự sủng ái, tuyển chọn của Thiên Chúa. Maria đẹp bởi Người được yêu…

 

Ơn Thiên Chúa mà Ðức Maria được đổ đầy là ‘ân sủng Ðức Ki-tô’ (gratia Christi), ‘ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em trong Ðức Ki-tô Giê-su’ (x.1Cr 1,4), là lòng nhân từ và Ơn Cứu Ðộ mà từ nay Thiên Chúa ban cho con người từ cái chết cứu chuộc của Ðức Ki-tô. Ðức Maria ở bên này chứ không ở bên kia chí tuyến. Dòng nước mà Người được nhuần thấm không chảy từ Moriah hay Sinai, nhưng là giòng nuớc chảy xuống từ đồi Golgotha.

 

Ân sủng mà Người lãnh nhận là ân sủng của Giao Ước Mới. Ðức Maria được gìn giữ khỏi tội như Giáo Hội đã công bố trong định tín về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, là ‘do dự kiến những công phúc của Ðức Giê-su Ki-tô Cứu Thế sẽ lập’. Theo nghĩa này, Người quả thực là ‘con của Con mình’ như Dante đã gọi.

 

Nơi Ðức Maria, chúng ta chiêm ngắm sự mới mẻ của ân sủng Tân Ước so với Cựu Ước. Nơi Người, tất cả sự mới mẻ, xét về chất lượng, đã được thực hiện. Thánh Irênê nêu câu hỏi: ‘Ðâu là sự mới mẻ mà Chúa mang tới qua việc Ngài đến trong thế gian?’ Và thánh nhân trả lời: ‘Ngài đã đem đến tất cả sự mới mẻ khi mang đến chính mình Ngài’. Ân sủng của Thiên Chúa không còn là ơn nào đó của Người, nhưng là chính sự hiện diện của Người.

 

Ðây là sự mới mẻ đến mức có thể nói, nay ‘đã hiển linh rồi ân sủng của Thiên Chúa, nguồn cứu độ (x.Tt 2,11), nhờ thế, sánh với ân sủng bây giờ, ân sủng trước kia không đáng được coi là ân sủng mà chỉ như một sự chuẩn bị.

 

Ðể đáp lại ân sủng Thiên Chúa, điều trước tiên tạo vật phải làm đó là dâng lên lời cảm tạ như thánh Phao-lô, kẻ ngợi ca ân sủng, đã dạy: Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho anh em, vì ơn Thiên Chúa đã ban cho anh em (1Cr 1,4). Con người phải tạ ơn để đáp ứng lại Ơn Thiên Chúa. Tạ ơn không phải là hoàn lại ân huệ đã nhận hay dâng một điều gì đó để đền đáp.

 

Ai có thể đền bù lại cho Thiên Chúa? Tạ ơn, đúng hơn, là nhìn nhận ơn Chúa ban và đón nhận nhưng không ân sủng của Ngài, không dám mong ‘tự chuộc mình hay trả giá phục hồi cho Thiên Chúa’ (Tv 49, 8). Tạ ơn là một trong những thái độ tôn giáo căn bản nhất. Tạ ơn có nghĩa nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tùy thuộc và để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa…

 

Việc chiêm ngắm Ðức Maria giúp chúng ta hôm nay tìm lại được đức tin trong tính duy nhất và tổng hợp của nó. Người là bức tranh về ân sủng còn nguyên vẹn, chưa bị chia cắt. Như chúng ta đã thấy, nơi Ðức Maria ân sủng có nghĩa là sự tràn đầy ân huệ của Thiên Chúa đồng thời là sự đầy tràn thánh thiện của bản thân; ân sủng là chính sự hiện diện của Thiên Chúa cách hết sức mạnh mẽ, một sự hiện diện vừa thể lý vừa tâm linh, và cuối cùng ân sủng là hiệu quả của sự hiện diện đó, nhờ nó mà Maria là Maria, xét về hiệu quả do sự hiện diện của Thiên Chúa tạo ra. Không một ai khác được như Ðức Maria, dù người đó có cùng một Thần Khí thánh hóa linh hồn mình”.[12]

 

Hơn nữa, qua dung mạo đầy ân sủng của Mẹ, chúng ta hôm nay cũng chân nhận rằng, “Mẹ Maria là dấu hiệu cho sứ điệp của Thiên Chúa nói. Đó là Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại dù vướng mắc trong bao tội lỗi và bất trung, không bị hư mất, mà Thiên Chúa luôn một lòng tín trung.

Người đã giữ gìn một nơi thánh, một người thánh, một điểm thánh, nơi Người có thể ra tay để ‘đưa nhân loại về’ với Người và về với Nước của Người.

 

Mẹ Maria còn cho chúng ta nhận ra một điều mà chúng ta thường quên, khi chúng ta sống trong một xã hội tục hoá đầy hiểm nguy này. Đó là giá trị cao nhất của ân sủng. Chúng ta không sống từ chính những gì chúng ta có, chúng ta sống dựa hoàn toàn trên ân sủng.

 

Tất cả những gì chúng ta là và chúng ta có đều là ân sủng. Điều cuối cùng được tính đến không phải là những gì chúng ta làm và thực hiện, mà là ân sủng của Thiên Chúa. Sự khô khan và sự dữ có thể lớn mạnh hơn trong thế giới, nhưng tất cả đều được bao phủ bởi ân sủng lớn hơn tất cả”.[13]

 

Trở về với bài Tin Mừng, trước lời thật cao đẹp của sứ thần, Đức Mẹ đã phản ứng như thế nào? Thánh sử Luca viết: “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Mẹ nghe lời Thiên Thần truyền. Điều đó cho chúng ta nhận ra được tinh thần lắng nghe của Mẹ. Thật vậy, “Mẹ Maria luôn là người phụ nữ biết lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ chính là mẫu gương của những người tin, những người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa”.[14]

 

Ngoài ra, Luca cũng diễn tả: Mẹ bối rối, nghĩa là Mẹ có cảm xúc ngạc nhiên và bất ngờ trước những gì Thiên Chúa đang mời gọi Mẹ, đang muốn trao cho Mẹ một sứ mạng. Sự ngạc nhiên là thái độ căn bản của đời sống người Ki-tô hữu. Thật vậy, nếu suy tư về cuộc sống, về chính con người chúng ta, ai lại không ngạc nhiên trước kỳ công Thiên Chúa làm nên là mỗi con người chúng ta. Thánh vịnh gia đã thốt lên:

“Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”
(Tv 8,4-6).

 

Sự ngạc nhiên tiếp tục đi với chúng ta trên hành trình Đức Tin. Mỗi lần chúng ta đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp, mỗi khi chúng ta chứng kiến một biến cố xảy ra với “dấu ấn của lòng thương xót” mà Thiên Chúa ban cho. Mong sao chúng ta đừng bao giờ đánh mất cảm xúc “ngạc nhiên” trước biết bao điều tốt lành Thiên Chúa đã và tiếp tục làm ra cho con người mà Chúa yêu thương.

 

Đi cùng với cảm xúc bối rối và ngạc nhiên, Đức Maria đã tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Như thế, lý trí của Mẹ cũng “làm việc” qua câu hỏi Mẹ tự đặt ra. Nhưng câu hỏi của Mẹ không hàm chứa nghi nghờ, mà là một bước “khám phá” sâu hơn ý nghĩa của điều Thiên Chúa đang muốn thực hiện nơi Mẹ. Đọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta thấy thánh sử Luca “xây dựng” một cuộc đối thoại rất tuyệt vời.

30 Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.

 

Trong câu nói của Thiên Thần, chúng ta thấy ba yếu tố: Thiên Thần trấn an Mẹ trong câu 30. Thiên Thần trình bày cho Mẹ về trách nhiệm Mẹ nhận trong câu 31, cuối cùng về căn tính và tư cách cùng sứ mạng của Chúa Giê-su từ câu 32-33.

 

“Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Đức Maria, Đấng đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng đầy ân sủng được Thiên Chúa tuyển chọn. Ân sủng của Chúa làm cho Mẹ trở nên người phụ nữ tràn đầy phúc lành hơn mọi phụ nữ, và ân sủng của Thiên Chúa làm cho Mẹ không hãi sợ, để rồi Mẹ can đảm đón nhận sứ mạng Chúa trao.

 

“Đừng sợ” là lời trấn an, là sứ điệp của Thiên Chúa đem lại sức mạnh và niềm tin tưởng. Chúng ta thấy trong Cựu Ước, Mô-sê (x.Xh 3,11tt), Ghít-ôn (x.Tl 6,15tt) và Xi-on (x.Xp 3,16tt) cùng Ít-ra-en luôn cần lời trấn an của Thiên Chúa, để họ nhận ra rằng Thiên Chúa luôn muốn cứu giúp họ.

Tiên tri I-sai-a đã diễn tả thật đẹp lời “Đừng sợ!” của Thiên Chúa nói với dân Ngài:

“Đừng sợ, có Ta ở với ngươi!
Từ phương Đông, Ta sẽ đưa con cái ngươi về,
và từ phương Tây, Ta sẽ cho con cháu ngươi đoàn tụ”
(Is 43,5).

 

“Nhưng phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta,
hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta,
Ta đã nắm chặt lấy ngươi, đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất,
kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm.
Ta đã nói với ngươi: Ngươi là tôi tớ Ta,
Ta đã chọn ngươi, Ta đâu ruồng bỏ.
Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.
Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.
Ta cho ngươi vững mạnh,
Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta”
(Is 41,8-10).

 

Trong Tin Mừng Giáng Sinh, Da-ca-ri-a cũng được trấn an bởi sứ thần: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an” (Lc 1,13). Các Mục Đồng cũng được trao ban sứ điệp: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).

 

Tất cả đều sợ hãi trước những trách nhiệm và sứ mạng Thiên Chúa trao phó, vì họ ý thức trước thân phận yếu đuối của họ. Mẹ Maria cũng vậy. Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa đến trên Mẹ. Qua Mẹ Maria Thiên Chúa muốn hoàn thiện lịch sử cứu chuộc nhân loại. “Vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Thiên Chúa là Đấng tạo nên những điều lớn lao từ những gì nhỏ bé, như thánh Phao-lô đã tâm tình: “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).[15] Vì thế, nhân loại được phép vui mừng, vì Chúa ở bên và người hoạt động nơi chính những gì yếu đuối nơi con người.

 

Thật vậy, Tin Mừng Giáng Sinh là tin đem lại niềm vui, chứ không phải sợ hãi. Tin Mừng Giáng Sinh làm cho muôn người ngạc nhiên sững sờ và có chút bối rối, nhưng đó không phải là rào cản và chướng ngại vật “chắn lối” của niềm vui. Có Chúa ở cùng và ân sủng của Chúa tràn đầy, chúng ta luôn can đảm sống trong dòng chảy của cuộc đời với nhiều cam go và thử thách, nhờ đó chúng ta luôn tìm thấy được an bình và niềm vui ở trong Chúa.

 

Cantalamessa suy tư như sau: “Ân sủng cũng là lý do khiến chúng ta can đảm. Trước lời than vãn của thánh Phao-lô vì một cái dằm đâm vào thân xác, Chúa trả lời: Ơn Ta đủ cho ngươi (2Cr 12, 9). Ân sủng hay ân nghĩa của Thiên Chúa quả thực không như ân nghĩa của con người, vì rất nhiều khi ân nghĩa của con người bị mất đi, chính lúc người ta cần đến ân nghĩa đó. Thiên Chúa vừa ‘ân nghĩa vừa tín thành’ (x.Xh 34,6). Sự tín thành của ngài ‘được thiết lập trên trời’ (Tv 89,3). Mọi người có thể từ bỏ chúng ta, ngay cả cha mẹ - lời một Thánh Vịnh - nhưng Thiên Chúa thì luôn luôn tiếp đón chúng ta (x.Tv 27,10). Chính vì vậy mà chúng ta có thể nói: ‘Phúc ân cùng nghĩa tín theo dõi tôi, suốt mọi ngày đời tôi’ (Tv 23,6)”.[16]

 

ĐHY. Walter cũng suy tư thật sâu sắc: “Lời ‘xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúacũng dành cho chúng ta. Hơn nữa, lời này là một lời quan trọng đối với chúng ta hôm nay, vì sự sợ hãi đang vây bủa xung quanh chúng ta. Chúng ta sống trong thời gian của nhiều đổi thay ở mọi phương diện của cuộc sống. Nhiều điều nền tảng bị lung lay. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Dựa vào đâu để tôi còn có thể hy vọng? Nơi đâu còn có thể tin tưởng? Cái gì gìn giữ và nâng đỡ chúng ta đây?

 

Câu trả lời là: ‘xin đừng sợ, vì bạn đẹp lòng Thiên Chúa’. Đừng sợ hãi, ân sủng nói với chúng ta rằng: Kìa có một Đấng đang muốn bạn được sống thật tốt. Đó là Đấng hiện hữu, chứ không phải là một cái bóng nào cả. Đấng đó là Thiên Chúa, là mầu nhiệm sâu nhất và là Chúa của mọi tạo vật. Thiên Chúa mong muốn cho bạn cuộc sống tốt lành.

 

Ngài giữ gìn và nâng đỡ. Ngài yêu thương bạn và đã chọn bạn từ muôn thuở, đã ghi khắc bạn trong lòng bàn tay Ngài, như đã được nói đến nơi ngôn sứ I-sai-a: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,16).

 

Không bao giờ Ngài quên bạn. Không bao giờ đâu bạn ơi! Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ ở bên bạn và với bạn, mà Ngài còn ở trong bạn. Ngài đã tự chia sẻ và tự ban tặng chính Ngài cho bạn. Ngài sống trong bạn và trong trái tim của bạn. Bạn chính là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

 

Thiên Chúa ‘đã chúc phúc cho chúng ta với tất cả phúc lành của Chúa Thánh Thần, qua sự hiệp thông với Đức Ki-tô ở trên thiên quốc. ‘Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu’ (Ep 1,4-6)”.[17]

 

Trở về với bài Tin Mừng, sau lời trấn an Đức Maria, sứ thần nói về nhiệm vụ mà Mẹ đón nhận: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su”. Nếu là Đức Maria, chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi nghe lời này? Sự bối rối và ngạc nhiên Mẹ có trước đó có thể sẽ lớn hơn nữa, dù rằng việc sinh ra đứa con là việc cao quý của người phụ nữ. Mẹ sẽ sinh ra một người con trai và Mẹ cần đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Sinh con và đặt tên cho con là những hành động rất cao quý và thiêng liêng đối với người phụ nữ.

 

Về tên Giê-su được đặt cho Hài Nhi, chúng ta đọc suy tư của Ratzinger: “Danh tính Giê-su mà thiên thần đặt cho em bé, nơi thánh Luca (1,31) cũng như nơi thánh Mát-thêu (1,21), nằm rong văn mạch này. Trong Danh Giê-su, mẫu tự thánh, danh tính mầu nhiệm từ thời trên núi Khô-rép, vẫn còn ẩn kín và sẽ triển khai đến xác quyết: Thiên Chúa cứu độ! Danh tính, đã có từ thời Si-nai, có thể nói chưa hoàn tất, nay được công bố trọn vẹn.

Thiên Chúa, Đấng hiện hữu, là Thiên Chúa hiện diện và là Đấng Cứu Độ. Việc mạc khải danh tính Thiên Chúa, bắt đầu từ nơi bụi gai bốc cháy được hoàn tất nơi Đức Giê-su (x.Ga 17,26)”.[18] Ngoài ra, tên Giê-su với ý nghĩa “Thiên Chúa cứu độ” được nhắc đến trong biến cố Chúa Giê-su sinh ra mà thánh sử Luca kể lại trong chương 2: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11).

 

Sau khi đã đặt tên cho hài nhi là Giê-su, sứ thần nói tiếp về thân phận của hài nhi: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Sứ thần đã nêu bật những tước hiệu của Đấng Mê-sia. Đó là “nên cao cả” và “được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Sứ thần đã hé lộ một chút về căn tính của Hài Nhi Giê-su. Hài Nhi mà Đức Maria sinh ra sẽ đón nhận ngai vàng vua Đa-vít. Và Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.

 

Nếu đọc lại sách thứ hai của Sa-mu-en, chúng ta thấy triều đại của vua Đa-vít đã được hứa ban cho một thời gian vĩnh viễn; ngôn sứ Na-than, theo lệnh Thiên Chúa đã nói lên lời hứa: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,16).

 

Ratzinger đã suy tư như sau: “Nhưng ‘vương quốc của Người sẽ vô cùng vô tận’; vương quốc này không được xây dựng trên một quyền lực trần thế, nhưng được xây dựng chỉ trên đức tin và đức mến. Đó là sức mạnh lớn lao của hy vọng trong một thế giới xem ra bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vương quyền của Con vua Đa-vít là Đức Giê-su, không bao giờ kết thúc, vì người cai trị vương quốc này chính là Thiên Chúa và vì qua đó Nước Chúa đã thấm nhập vào thế giới này. Lời hứa mà thiên thần Gáp-ri-en chuyển đạt đến Đức Maria là sự thật. Lời hứa này sẽ luôn được hoàn tất”.[19]


Đọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta cùng chiêm ngắm thái độ, phản ứng và câu trả lời của Mẹ Maria: Bà Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!Cả ông Da-ca-ri-a (x.Lc 1,18) và Mẹ Maria đều thắc mắc. Da-ca-ri-a tỏ vẻ nghi vấn và đòi hỏi một dấu hiệu là bảo chứng cho sứ điệp Thiên Thần nói với ông, Mẹ Maria thì tin vào sứ điệp của Thiên Thần và Mẹ không đòi hỏi một dấu hiệu nào cả. Da-ca-ri-a chỉ tin, khi câu hỏi của ông tìm thấy câu trả lời thoả đáng, còn Mẹ Maria tin tưởng và sau đó Mẹ tìm hiểu về cách thức xảy ra cho điều mà Thiên Thần đã loan báo, nghĩa là Mẹ muốn biết phải thi hành ý Thiên Chúa như thế nào.

 

Cantalamessa suy tư về điều này như sau: “Maria cũng đặt cho thiên thần một câu hỏi : ‘Việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến người nam’ (Lc 1, 34), nhưng người hỏi như thế hoàn toàn khác với Da-ca-ri-a. Maria không đòi hỏi một lời giải thích để hiểu, nhưng là để biết phải thi hành ý Thiên Chúa như thế nào. Nghĩ mình không biết đến người nam, Maria hỏi để biết phải hành xử thế nào, phải làm gì.

 

Qua điều này, Ðức Maria chỉ cho chúng ta biết, trong một số trường hợp, chúng ta không thể đòi hỏi hiểu cho bằng được ý của Thiên Chúa hay nguyên nhân của các hoàn cảnh xem ra phi lý, nhưng trái lại, ta có thể xin Chúa soi sáng trợ giúp để có thể thực hiện thánh ý Ngài”.[20]

 

Còn Ratzinger thì giải thích: “Phản ứng của Mẹ khác với phản ứng của ông Da-ca-ri-a. Phúc Âm nói ông bối rối và ‘nỗi sợ hãi ập xuống trên ông’ (Lc 1,12). Trong trường hợp của Đức Maria, lúc khởi đầu cũng được sử dụng cùng một lời (Mẹ bối rối), tiếp đến, không phải là nỗi sợ hãi, nhưng là suy tư trong tâm hồn về lời chào của thiên thần. Đức Maria suy nghĩ về ý nghĩa lời chào của sứ thần Thiên Chúa. Ngay ở đây nổi bật một nét đặc thù của hình dáng Mẹ Đức Giê-su, một nét mà chúng ta gặp trong Phúc Âm với hai lần trong hoàn cảnh tương tự: suy niệm lời trong nội tâm (x.Lc 2,19.51)…

 

Chúng ta chú ý đến sự khác biệt với phản ứng của ông Da-ca-ri-a, nghi ngờ khả năng trách nhiệm được giao phó cho ông. Ông cũng như bà Ê-li-sa-bét đều đã già, không còn hy vọng gì về một đứa con trai. Ngược lại, Đức Maria không nghi ngờ gì cả. Mẹ không hỏi về sự việc (das Dass), nhưng hỏi về cách thức thế nào (das Wie) để thực hiện lời hứa, Mẹ không thể nghĩ ra được”.[21]

 

Tiếp lời Đức Maria, sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Hình ảnh của Chúa Thánh Thần xuất hiện ở đây và thánh sử Luca diễn tả sự hoạt động của Ngài: “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”.

 

Hai cụm từ “Thánh Thần” và “quyền năng Đấng Tối Cao” có thể giải thích lẫn nhau: Thần Khí được hiểu theo nghĩa Cựu Ước là quyền lực sáng tạo và năng động của Thiên Chúa hiện diện nơi các con người. Ngoài ra, cụm từ “rợp bóng” liên hệ đến hình ảnh đám mây vinh quang của Thiên Chúa tràn đầy Lều Tạm trong sa mạc được sách Xuất Hành diễn tả: “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm. Ông Mô-sê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34-35).

 

Razinger suy tư về hình ảnh này như sau: “Đám mây thánh là dấu chỉ tỏ tường sự hiện diện của Thiên Chúa. Đám mây bao phủ nơi trú ngụ của Người trong một ngôi nhà. Đám mây rợp bóng trên con người, đã trở lại trong trình thuật Chúa hiển dung trên núi cao (x.Lc 9,34 và Mc 9,7). Cũng vậy, đó là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, nó cho biết Người vừa ẩn kín vừa hiện diện. Chính qua lời nói về sự rợp bóng của Thánh Thần, đã lấy lại thần học Xi-on trong lời chào của sứ thần. Một lần nữa, Đức Maria xuất hiện như Lều sống động của Thiên Chúa, trong lều này, Thiên Chúa muốn trú ngụ nơi con người theo một cách thức mới”.[22]

 

Còn theo ĐHY. Kasper thì: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Thánh Thần ở đây không phải là thần của thế gian, cũng không phải là thần theo kiểu loài người. Qua chính sự hoạt động tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần mà phép lạ của Giáng Sinh đã được thực hiện, và Đấng Cứu Độ thế giới đã đến, cũng như mở ra sự khởi đầu của thế giới mới”.[23]

 

Như thế chúng ta thấy sứ thần xác nhận với Đức Maria, Mẹ sẽ trở thành người Mẹ không theo lối thông thường, nhưng do quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, nghĩa là qua việc Thánh Thần đến. Hình ảnh Thánh Thần Chúa hoạt động trong biến cố Giáng Sinh cũng được nhắc đến trong câu truyện truyền tin cho Giu-se: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,19-20).

 

Chúa Thánh Thần hoạt động âm thầm và huyền nhiệm, nên con người chúng ta thường không để ý đến Người, Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa, ở đó có sự sống. Trong sách Sáng Thế diễn tả rằng: “Thần Khí bay là là trên mặt nước” (St 1,1), nghĩa là Thần Khí đã hiện diện từ lúc tạo dựng và nhờ đó vũ trụ bắt đầu có sự sống.

 

Tiếp đến sách Sáng Thế còn diễn tả Thần Khí ban sự sống cho con người: “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Thổi sinh khí là ban Thần Khí. Như thế, có Thần Khí là có sự sống. Nếu chúng ta đọc tiếp các sách của Cựu Ước, sẽ thấy Thần Khí, Thánh Thần Chúa, hoạt động trong lịch sử cứu độ, và trong đời sống của những người thuộc về Thiên Chúa.

 

Tiên tri I-sai-a đã diễn tả thật đẹp về hình ảnh của Thần Khí trong bài “Vị minh quân dòng dõi vua Đa-vít” sẽ xuất hiện từ gốc tổ Gie-sê. Chúng ta cùng đọc lại bài này:

Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
Thần khí Đức
Chúa sẽ ngự trên vị này:
thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ Đức
Chúa.

Lòng kính sợ Đức
Chúa làm cho Người hứng thú,
Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,
cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói,
nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng,
và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.
Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,
hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.

Đai thắt ngang lưng là đức công chính,
giải buộc bên sườn là đức tín thành.
Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

Bò cái kết thân cùng gấu cái,
con của chúng nằm chung một chỗ,
sư tử cũng ăn rơm như bò.
Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá
trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết Đức
Chúa sẽ tràn ngập đất này,
cũng như nước lấp đầy lòng biển.

Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.
Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,
và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang”
(Is 11,1-10).

 

Trong Tân Ước, Thần Khí Thiên Chúa tiếp tục hoạt động. Mở đầu và rất đặc biệt là hoạt động của Ngài trong biến cố truyền tin cho Đức Maria. Trong bài giảng cho giáo triều Roma dịp áp lễ Giáng Sinh 2016, cha Cantalamessa cũng nhắc đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong biến cố truyền tin cho Đức Maria. Cha nhắc đến các suy tư của các Giáo Phụ. Trước hết, Thánh Ambrôsiô viết: “Việc Chúa sinh ra từ Đức Trinh Nữ là công trình của Chúa Thánh Thần… chúng ta không thể nghi ngờ rằng Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo, Đấng chúng ta nhận biết là Tác Giả của việc Chúa nhập thể… Nếu Đức Trinh Nữ thụ thai nhờ hoạt động và quyền năng của Thánh Thần, ai có thể phủ nhận Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo?”

 

Trong bản văn này, Ambrôsiô giải thích cách tuyệt hảo vai trò mà Tin Mừng gán cho Chúa Thánh Thần trong việc nhập thể, khi ngài không ngừng gọi đó là Chúa Thánh Thần và Quyền Năng Đấng Tối Cao (x. Lc 1,35). Người là ‘Thần Khí Sáng Tạo’, Đấng hoạt động để đưa các hữu thể vào hiện hữu (như ở St 1,2), để sáng tạo một trạng thái sự sống mới mẻ và cao hơn; Người là Thánh Thần ‘là Đức Chúa, Đấng ban sự sống’, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tín Kính.

 

Ở đây cũng vậy, như lúc khởi đầu, Thần Khí, Đấng sáng tạo ‘từ hư không’, nghĩa là từ sự trống rỗng hoàn toàn của những khả thể nhân loại, không cần bất cứ sự trợ giúp hay giúp đỡ nào. Và ‘sự hư không này’, sự trống rỗng này, sự vắng bóng của những giải thích và những nguyên nhân tự nhiên, trong trường hợp này, chúng ta gọi là sự đồng trinh của Đức Maria: ‘Làm sao chuyện ấy xảy ra, khi tôi không biết đến việc vợ chồng? …

 

Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà; vì thế, người con được sinh ra sẽ được gọi là thánh, Con Thiên Chúa’ (Lc 1,34-35). Ở đây sự đồng trinh là một dấu chỉ cao cả không thể nào xóa bỏ hoặc phủ nhận, mà không làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của câu truyện Tin Mừng và ý nghĩa của nó.

 

Như thế, Chúa Thánh Thần ngự trên Đức Maria là Thần Khí Đấng Sáng Tạo, Đấng đã nhào nặn cách nhiệm lạ thân xác của Chúa Ki-tô nơi Đức Trinh Nữ; nhưng có gì đó còn hơn thế; ngoài vai trò là ‘Thần Khí Sáng Tạo’, Người cũng là ‘fons vivus, ignis, carita, et spiritalis unctio -  nguồn sự sống, lửa tình yêu, và sự xức dầu ngọt ngào’ đối với Đức Maria…

Thánh Augustinô có câu nói nổi tiếng: Đức Maria ‘thụ thai Chúa Ki-tô trong lòng trước khi thụ thai trong thân xác’ (prius concepit mente quam corpore), nghĩa là Chúa Thánh Thần hoạt động trong trái tim Đức Maria, khi soi sáng và sưởi ấm lòng Mẹ bằng Chúa Ki-tô trước khi đổ đầy dạ Đức Maria chính Chúa Ki-tô…

 

Thánh Bonaventura viết: Chúa Thánh Thần bất ngờ ngự xuống trên Mẹ như một ngọn lửa đốt lên trong lòng Mẹ và thánh hóa thân xác Mẹ trở nên tinh tuyền tuyệt vời. Nhưng quyền năng Đấng Tối Cao bao trùm Mẹ (Lc 1,35) để Mẹ có thể duy trì ngọn lửa ấy…

 

Ôi, giá như bạn có thể cảm thấy được cách nào đó sự lớn lao và sức mạnh của ngọn lửa từ trời này, sự tươi mát kèm theo, sự ủi an khôn xiết, sự cao trọng của Đức Trinh Nữ Maria, sự cao thượng của loài người, sự hạ mình của vẻ uy nghi thần linh… khi đó, tôi dám chắc rằng bạn có thể hát lên với giọng hát ngọt ngào bài thánh ca này cùng với Đức Trinh Nữ: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”.

 

Đọc tiếp bài Tin Mừng, sau khi đã “làm hiển lộ” sự hoạt động tuyệt vời của Chúa Thánh Thần nơi Đức Maria, sứ thần nhắc đến bà Ê-li-sa-bét và điều mà bà cùng chồng là ông Da-ca-ri-a đã được Thiên Chúa ban cho. Đó là việc bà đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Câu truyện này được thánh sử Luca nhắc đến (x.Lc 1,5-25 và 57-58).

 

Tiếp đến sứ thần Gáp-ri-en xác nhận cách mạnh mẽ sự hoạt động của Thiên Chúa nơi Đức Maria, nơi bà Ê-li-sa-bét: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Câu này nhắc nhớ đến biến cố Thiên Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra ở Mam-rê. Chúng ta cũng biết cả hai ông bà tổ phụ này lúc đó cũng đã cao niên, nên chuyện sinh con cũng là điều không thể. Chúng ta đọc lại giai thoại này. Khi ông Áp-ra-ham đứng dưới gốc cây và tiếp khách dùng bữa, thì “Khách nói với ông: Bà Xa-ra vợ ông đâu? Ông đáp: Thưa nhà tôi ở trong lều. Người nói: Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai. Bà Xa-ra bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau. Ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đã già nua tuổi tác, và bà Xa-ra không còn điều thường xảy đến cho đàn bà. Bà Xa-ra cười thầm tự bảo: Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão! Đức Chúa phán với ông Áp-ra-ham: Tại sao Xa-ra lại cười và nói: Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng? Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai. Bà Xa-ra chối và nói: Con đâu có cười! Vì bà sợ. Nhưng Người bảo: Có, ngươi đã cười!” (St 18,9-15).

 

Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Nhìn lại hành trình cuộc sống của chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng đọc được những trang sách và dòng chữ của Thiên Chúa đã “viết lên” cách tuyệt diệu. Biết bao điều chúng ta là con người không thể giải quyết được. Chúng ta đứng trước ngõ cụt và rơi vào tình trạng bế tắc. Nhưng rồi Thiên Chúa đã hoạt động để tháo cởi, để mở lối cho chúng ta.

 

Hơn nữa, sự hoạt động của Thiên Chúa lại luôn âm thầm và tiệm tiến. Thiên Chúa hiền lành và nhân từ, nên Ngài hoạt động cũng hiền lành và nhân từ trong âm thầm không khoe khoang và không “đánh trống kêu to”. Ôi, nhiệm mầu tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, dành cho nhân loại chúng ta.

 

Trước hoạt động của Thiên Chúa qua lời sứ thần nói, Đức Maria trả lời thế nào? Thánh Luca đã diễn tả thật đẹp lời của Mẹ Maria: “Bấy giờ bà Maria nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’. Rồi sứ thần từ biệt ra đi”.

 

Trong câu này, chúng ta thấy cụm từ “nữ tỳ của Chúa” diễn tã tâm tình thật đẹp của Mẹ Maria, như Walter Kasper viết: “Như thế, Mẹ đã trở nên vầng sáng ban mai là dấu hiệu báo trước của hoàng hôn, Mẹ đã trở nên người Mẹ của niềm hy vọng và Mẹ đã ban tặng cho chúng ta niềm hy vọng và sức mạnh chiếu toả trong hành trình lớn lên của chúng ta”.[24]

 

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”. Đức Maria với xác tín là “nữ tỳ của Chúa”, Người đã nói lời “Xin vâng” với sứ mạng Chúa trao. Đó là một lời đáp trả thật đẹp, thật tuyệt vời và thật ý nghĩa. Lời xin vâng của Mẹ thật tương hợp với “lời xin vâng” của Thiên Chúa dành cho Mẹ, đoái nhìn và chọn Mẹ.

 

“Lời xin vâng của Thiên Chúa nói với Mẹ Maria đã làm cho Mẹ có khả năng để hoàn toàn nói lời xin vâng thực sự với Thiên Chúa và thánh ý của Thiên Chúa. Trong sức mạnh của Thiên Chúa, Mẹ đã thưa lên rằng: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.[25]

 

Trong truyền thống, chúng ta vẫn thường sử dụng từ ngữ La Tinh để nói về sự “xin vâng” của Mẹ. Đó là fiat. Ngoài ra, trong bản văn Hy Lạp, Luca dùng từ ngữ génoito diễn tả một nguyện ước có thể đạt được. Nhưng thực sự thì Đức Maria nói lời “xin vâng” này với từ ngữ nguyên thuỷ nào?

 

Cha Cantalamessa chia sẻ như sau: “Hẳn nhiên, Ðức Maria không nói ‘fiat’ vốn là một từ La Tinh, cũng không nói ‘génoito’, một từ Hy Lạp. Vậy lúc ấy Người nói điều gì? Từ ngữ nào, trong ngôn ngữ nói của Ðức Maria, phù hợp nhất để diễn tả? Một người Do Thái sẽ nói gì khi anh ta muốn diễn tả ‘ước gì là như thế’. Hẳn người đó sẽ nói: ‘Amen!’.

 

Nếu được phép thử tìm lại, theo lối suy tư đạo đức, ‘ipsissima vox’, tìm lại chính lời miệng Ðức Maria thốt ra, hay ít là từ ngữ lúc bấy giờ nằm trong nguồn tiếng Sêmít mà thánh Luca đã sử dụng thì hẳn phải là từ ‘amen’. ‘Amen’ là một từ Do Thái, gốc của từ đó có nghĩa là sự vững chắc, chắc chắn. Từ này được sử dụng trong phụng vụ như là lời đáp của lòng tin đối với Lời Chúa. Mỗi khi chúng ta đọc thấy, ở cuối một số Thánh Vịnh, từ fiat, fiat trong bản Vulgata (trong bản Bảy Mươi là génoito, génoito) thì trong nguyên bản Do Thái, bản mà Ðức Maria biết đến, là “amen, amen!’.

 

Qua tiếng ‘Amen’, người ta nhìn nhận rằng điều vừa được phán dạy là một lời chắc chắn, vững vàng, vững chắc, kiên quyết. Khi được dùng như lời đáp lại Lời Chúa thì ‘Amen’ dịch cách chính xác là: ‘Thực là như thế và ước mong là như thế’. Nó vừa biểu thị niềm tin vừa biểu thị lòng vâng phục, nhìn nhận điều Chúa phán là thật và vâng theo. Ðó là nói ‘xin vâng’ với Chúa.

 

Chúng ta thấy tiếng Amen mà chính Ðức Giê-su thốt ra cũng mang ý nghĩa này: ‘Vâng, amen, lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha’ (x. Mt 11, 26). Thậm chí Ngài là chính Amen hiện thân: ‘Này lời phán dạy của Amen’ (Kh 3, 14) và chính nhờ Ngài mà mọi tiếng ‘Amen’ khác thốt lên trên trần thế này, từ nay, sẽ vươn lên đến tận Thiên Chúa (x.2Cr 1,20), cũng như lời ‘fiat’ của Ðức Maria đi trước lời fiat của Ðức Giê-su trong Vườn Dầu, lời ‘amen’ của Người đi tước lời ‘amen’ của Con mình. Maria quả thực là một ‘amen’ hiện thân, ‘amen’ với Thiên Chúa”.[26] Đó là một vài suy tư về từ ngữ “xin vâng, fiat, génoito, Amen”. Giờ đây, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa lời của Đức Maria nói.

 

Khi đọc và suy gẫm lời của Đức Maria, chúng ta nhận ra rằng, Đức Maria nói lời này với tất cả con người của Mẹ và đặc biệt với sự tự do ưng thuận của Mẹ kết hiệp với ân sủng Chúa ban: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

 

Ratzinger suy tư về ý nghĩa tiếng fiat này luôn đi đôi với sự tự do của Mẹ: “Câu trả lời chính yếu của Đức Maria: tiếng thưa ‘xin vâng’ thật đơn sơ. Mẹ tự nhận là nữ tỳ của Chúa: ‘xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’ (Lc 1,38).

 

Thánh Bê-na-đô thành Clairvaux, trong một bài giảng mùa Vọng, đã diễn tả sự căng thẳng giây phút này thật gay cấn. Sau thất bại của tổ tiên, thế giới chìm trong bóng tối, dưới sự thống trị của cái chết. Bấy giờ, Thiên Chúa tìm một lối đi mới mẻ để vào trần gian. Người gõ cửa của Đức Maria. Thiên Chúa cần sự tự do của con người. Người không thể cứu con người, được tạo dựng cách tự do, mà không có tiếng thưa ‘xin vâng’ thật tự do của ý chí họ. Khi tạo dựng sự tự do, Thiên Chúa, một cách nào đó, tự xem mình lệ thuộc vào con người. Sức mạnh của Người bị liên kết vào tiếng thưa ‘xin vâng’ không bị ép buộc của một con người. Như thế thánh Bê-na-đô thấy, trời đất như nín thở ngay giây phút câu hỏi được đặt ra cho Đức Maria.

 

Mẹ có thể trả lời thưa ‘vâng’ hay không? Mẹ lưỡng lự…Có lẽ sự khiêm tốn ngăn cản Mẹ? Đối với cơ hội duy nhất này - thánh Bê-na-đô nói với Mẹ - đừng quá khiêm tốn, nhưng hãy can đảm lên. Hãy ban cho chúng con tiếng thưa ‘xin vâng’ của Mẹ! Ngay giây phút quyết định từ môi miệng Mẹ, từ trái tim của Mẹ, phát lên câu trả lời: ‘Xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói’. Đây là giây phút của sự vâng phục tự do khiêm tốn, đồng thời cũng quảng đại, giây phút quyết định cao độ nhất của tự do con người”.[27]

 

Ở phần cuối suy niệm của bài Tin Mừng, chúng ta sẽ cùng cầu nguyện với lời thật đẹp của thánh viện phụ Bê-na-đô mà Ratzinger nhắc tới ở trên.

 

“Đức Maria trở thành Mẹ qua tiếng ‘xin vâng’ của mình. Các Giáo Phụ đôi khi giải thích điều này khi cho rằng, Đức Maria thụ thai do tai của mình - có nghĩa là: do sự lắng nghe. Qua sự vâng phục của Mẹ, Lời đã đi vào trong Mẹ và Mẹ đã thụ thai. Trong mạch văn này, các Giáo Phụ triển khai tư tưởng, việc Thiên Chúa sinh ra trong chúng ta qua Đức Tin và Phép Rửa, qua đó Logos bước vào chúng ta thật mới mẻ, biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa.

 

Tỉ như, chúng ta nhớ lại lời của thánh Irene: Làm thế nào con người có thể đến với Thiên Chúa, nếu như Thiên Chúa không trở thành con người? Làm thế nào con người tránh được việc đi vào cái chết, nếu không được tái sinh nhờ phương tiện đức tin, trong một cuộc sinh ra mới do chính Thiên Chúa ban tặng, từ dấu chứng tuyệt vời và bất ngờ của Thiên Chúa để trở thành dấu chứng cứu độ từ Đức Trinh Nữ?”[28]

 

Cha Cantalamessa cũng suy tư về sự tự do của Mẹ nhưng kết hiệp với ân sủng của Thiên Chúa: “Lời fiat của Ðức Maria đã là một hành vi tự do, thậm chí là hành vi tự do thật sự đầu tiên trong cả nhân loại, vì tự do thực sự không hệ tại ở chỗ làm hay không làm điều lành, nhưng là làm điều lành một cách tự do…

 

Ðiều này tương tự như linh hứng Kinh Thánh: ‘Có những người do tự Thiên Chúa và được Thánh Thần thúc đẩy đã nói ra’ (2P 1,21). Đó là lời Kinh Thánh nói về những người biên soạn các sách trong Kinh Thánh.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, việc họ nói ra là một hành vi tự do, một hành vi vừa thần linh vừa nhân linh. Ðiều này càng đúng cho Ðức Maria hơn nữa. Ðược Thánh Thần thúc đẩy, Maria đã nói, đã thưa ‘xin vâng’ với Thiên Chúa. Lời ‘xin vâng’ của Người là một hành vi vừa là thần linh vừa nhân linh; nhân linh bởi bản tính, thần linh bởi ân sủng.

 

Niềm tin của Ðức Maria quả thực là một hành vi của lòng mến, của sự ngoan hiền, một hành vi tự do dù nó được Thiên Chúa khơi dậy, một hành vi nhiệm mầu, như sự gặp gỡ giữa ân sủng và tự do vẫn luôn là mầu nhiệm. Ðây mới là sự cao cả, lớn lao thật sự của riêng Ðức Maria và là phúc thật của Người, như chính Ðức Ki-tô đã xác nhận. ‘Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú’ (Lc 11, 27), lời của một phụ nữ trong Tin Mừng. Người phụ nữ xưng tụng Ðức Maria là có phúc bởi Người đã mang (bastásasa) Ðức Giê-su. Ê-li-sa-bét xưng tụng Maria diễm phúc, bởi Người đã tin (pisteusasa).

 

Lời xin vâng là do ân sủng và chắc chắn là do chính Chúa Thánh Thần ngự đến và hoạt động trong Mẹ, để Mẹ có thể thốt lên được như vậy. Cha Cantalamessa diễn tả tiếp về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần: “Lời ‘xin vâng’ của Ðức Maria không phải là một hành vi nhân linh đơn thuần. Nó được chính Chúa Thánh Thần khơi lên từ trong thẳm sâu tâm hồn Maria. Về Ðức Giê-su, Kinh Thánh viết rằng ‘nhờ Thần Khí hằng có mà Ngài hiến mình làm của lễ hy sinh vô tỳ tích dâng lên Thiên Chúa’ (x.Dt 9, 14).

 

Ðức Maria cũng thế, Người tự hiến mình cho Thiên Chúa trong Thánh Thần, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Thánh Thần được hứa ban, như lời Thiên Thần: ‘Thánh Thần sẽ đến trên người’. Không phải chỉ để Người thụ thai Ðức Ki-tô trong thân xác, mà còn để cưu mang Ngài trong tâm hồn, nhờ lòng tin.

 

Nếu Maria đã được ‘đầy ân sủng’ thì trước tiên là để Người có thể đón nhận sứ điệp dành cho mình trong lòng tin. Nếu không có Thánh Thần thì ngay cả nói: ‘Giê-su là Chúa!’ cũng không thể được (x.1Cr 12,3). Vậy phải nghĩ thế nào về tiếng ‘fiat’ của Ðức Maria mà, theo một nghĩa nào đó, việc Nhập Thể của Ngôi Lời cũng như cuộc sống làm người của Chúa tùy thuộc vào?

 

Mọi thái độ vâng phục lớn lao đều khởi đi từ sự vâng phục của Ðức Ki-tô: nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa đổ tràn lòng mến trong tâm hồn thụ tạo để rồi lòng mến lôi kéo thụ tạo thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Lòng mến trở thành luật, luật của Thần Khí. Thiên Chúa không áp đặt ý muốn của Người, Người ban lòng mến. Tình yêu không cho phép kẻ được yêu, đến lượt mình, lại không biết yêu. Chính như thế mà ta hiểu được sự dâng hiến của Ðức Maria; Người cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và tình yêu đó đưa Người đến chỗ tự hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa”.[29]

 

Trong Tông Huấn “Christus Vivit – Đức Ki-tô đang sống”, ĐTC. Phanxicô nhắc đến Cô Trinh Nữ Trẻ Trung là gương mẫu đối với các người trẻ, cụ thể qua lời xin vâng của Mẹ như sau:

“Sức mạnh của lời ‘Xin Vâng’ của người trẻ Maria luôn luôn ấn tượng, sức mạnh của những lời, ‘xin cứ làm cho tôi’ mà Mẹ thưa cùng sứ thần. Đây không chỉ là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu, hay một lời ‘Xin Vâng’ yếu ớt, như thể muốn nói, ‘Chà, hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra’. Đức Mẹ không biết cụm từ ‘Hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra’. Mẹ đã quyết tâm; Mẹ biết rõ điều gì sẽ đến và Mẹ thưa ‘Xin Vâng’ mà không do dự. Lời của Mẹ là lời ‘Xin Vâng’ của một người đã chuẩn bị cam kết dấn thân, một người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đánh đổi mọi sự mình có, mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào khác ngoài sự chắc chắn khi biết rằng Mẹ là người mang lời hứa.

Vì vậy, Cha hỏi mỗi người trong các con: các con có thấy mình là người mang lời hứa không? Lời hứa nào hiện diện trong tâm hồn tôi mà tôi có thể nhận lấy? Sứ vụ của Đức Mẹ chắc chắn là sẽ khó khăn, nhưng những khó khăn không phải là lý do gì để thưa ‘Không’. Đương nhiên mọi sự sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như cách xảy ra khi sự hèn nhát khiến chúng ta tê liệt vì mọi sự không rõ ràng hoặc không chắc chắn từ trước.

 

Đức Mẹ đã không mua một bảo hiểm nào! Mẹ đã mạo hiểm, và vì lý do này, Mẹ mạnh mẽ, Mẹ là một người có ảnh hưởng, người có ảnh hưởng của Thiên Chúa. Lời ‘Xin Vâng’ và ước muốn phục vụ của Mẹ mạnh hơn bất cứ nghi ngờ hay khó khăn nào.

Không chịu khuất phục trước sự lẩn tránh hay ảo tưởng, Mẹ đã đồng hành với sự đau khổ của Con Mẹ; Mẹ đã nâng đỡ Chúa bằng ánh mắt và bảo vệ Người bằng con tim. Mẹ đã chia sẻ nỗi khổ của Người, nhưng không bị nó áp đảo. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt ra lời ‘Xin Vâng’, người nâng đỡ và đồng hành, bảo vệ và ôm ấp. Mẹ là người bảo vệ cao cả của niềm hy vọng... Từ Mẹ, chúng ta học cách thưa ‘Xin Vâng’ với lòng kiên nhẫn bền bỉ và sáng tạo của những người, không bị khuất phục, sẵn sàng làm lại một từ đầu” (số 44-45).

Thật vậy, Đức Maria không chỉ là người Mẹ tuyệt vời của chúng ta, mà Mẹ luôn luôn là mẫu gương chúng ta cần phải soi vào và bắt chước để sống. “Điều xảy ra nơi trinh nữ Maria, cũng xảy ra với chúng ta. Qua lời xin vâng của Mẹ với tiếng gọi của Thiên Chúa, Mẹ đại diện cho nhân loại và trở nên mẫu gương cho chúng ta. Như thế, Mẹ trở nên mẫu gương nguyên thuỷ của mỗi Ki-tô hữu và của toàn thể Giáo Hội”.[30]

 

Vậy giờ đây, là những Ki-tô hữu, chúng ta tự hỏi mình theo gương Mẹ Maria như thế nào, để có thể nói lên lời xin vâng với Thiên Chúa và tiếng gọi của Người.

 

Nhìn lại cuộc sống, biết bao lần chúng ta nói lời xin vâng của mình với thái độ đành chịu, miễn cưỡng như kẻ cúi đầu, cắn răng nói: “Nếu không thể làm khác hơn, xin cho con biết vâng theo thánh ý Chúa”. Ngắm nhìn Đức Maria, Mẹ dạy chúng ta biết nói lời xin vâng với một tâm tình và thái độ khác. Tin tưởng vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót và luôn trung tín, cùng Mẹ Maria chúng ta xin Chúa giúp chúng ta biết ý thức đón nhận chính Chúa, Đấng yêu thương.

 

Cũng xin Chúa giúp chúng ta biết nói xin vâng với Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội và cùng đích của cuộc sống vì, khi nói tiếng “xin vâng”, “amen” với Thiên Chúa là tôn phẩm giá con người lên chứ không phải là hạ thấp như ngày nay chúng ta thỉnh thoảng nghe nói. Vả lại, liệu có lựa chọn nào khác có thể thay lời “amen” nói với Thiên Chúa. Nếu không nói lời đó với Thiên Chúa là tình yêu thì người ta sẽ nói với một điều gì khác, mà điều đó lại là thứ tất yếu lạnh lùng, làm tê liệt cuộc sống, làm tê liệt con người.

 

Con người không thể sống và thể hiện mình mà lại không nói lời “xin vâng” với ai đó, với điều gì đó. Lời “amen” của dân ngoại khác xa biết bao, nghiệt ngã biết bao sánh với lời “amen” của Ki-tô hữu nói lên với Đấng tạo dựng nên mình, và Ðấng đó không phải là một tất yếu lạnh lùng mù quáng, nhưng Ngài là tình yêu. Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta, như Ngài đã đến trên Mẹ Maria, để chúng ta có được sức mạnh, khôn ngoan, khiêm tốn và một tâm hồn quảng đại mở ra cho Thiên Chúa và tiếng gọi của Thiên Chúa, để nhờ đó chúng ta có thể theo gương Mẹ chu toàn bổn phận và trách nhiệm Chúa trao.

 

ĐHY. Walter Kasper tâm tình về điều này như sau: “Hôm nay chúng ta có một sứ mạng, là trở nên ánh sao mai nhỏ bé, ánh sao rao giảng về Mặt Trời Công Chính và tình yêu, bằng cách chúng ta trở nên chứng nhân cho Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta”.[31]

 

Kết thúc bài Tin Mừng, thánh sử Luca viết: “Rồi sứ thần từ biệt ra đi”. Cuộc gặp gỡ tuyệt vời và vĩ đại của Thiên và Trần qua đi, Đức Maria ở lại với trách nhiệm Mẹ đón nhận và mang vác.

 

Chắc chắn, nếu chúng ta chiêm ngắm đoạn đường tiếp theo của Mẹ, sẽ nhận ra biết bao chông gai và thử thách, như sự nghi ngờ của thánh Giu-se, như việc sinh hạ Chúa Giê-su trong nghèo khó, cùng với thánh Giu-se Mẹ đã vất vả hành trình đưa Con Thơ của mình tránh hiểm hoạ ác độc của vị vua trần thế, rồi mẹ cũng đau lòng biết bao khi nghe người ta nói chẳng tốt gì về con của mình, như họ coi Chúa Giê-su là người điên loạn: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21).

 

Cuối cùng, Mẹ đã phải chứng kiến Con dấu yêu của mình bước vào con đường khổ nạn và chịu chết đau thương trên Thánh Giá.

Nhưng tất cả Mẹ đều đón nhận với lời “xin vâng – fiat – génoito & Amen”.

 

Đoạn Tin Mừng Thiên Thần truyền tin cho Mẹ Maria “vẽ lên một bức tranh” rất đẹp về cuộc gặp gỡ giữa Thiên với Trần. Trong đó mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa được thực hiện với lời “xin vâng” của Cô Trinh Nữ Maria. Trước khi kết thúc phần suy niệm đoạn Tin Mừng này, chúng ta cùng cầu nguyện với các suy tư và gợi ý sau: 

 

  • Trong biến cố truyền tin, Thiên Thần Gáp-ri-en đã chào Mẹ với lời thật đặc biệt: “Mừng vui lên!”. Niềm vui là điều Thiên Chúa mong muốn cho con người. Niềm vui là điều Thiên Chúa mang đến cho Mẹ Maria và cho mọi người qua chính biến cố vĩ đại và lạ lùng: Thiên Chúa trở thành người như chúng ta. Vì thế, niềm vui này chính là hương hoa của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Đời sống người Ki-tô hữu là đời sống tràn đầy hương hoa của niềm vui, vì từ ngày được Thiên Chúa cho vào đời, từ ngày được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu đã vui mừng vì được là con yêu dấu của Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa luôn ở bên và trao ban ân sủng.

Vì thế, dù phải bươn chải trong cuộc đời với biết bao nỗi niềm và khắc khoải khác nhau, nhất là khi rơi vào trong thung lũng vất vả và khổ đau, chúng ta với căn tính là con cái của Thiên Chúa, cần bám chặt vào Chúa, cần phải luôn hướng về Chúa, cần ý thức luôn sống trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, để nhờ đó niềm vui vẫn luôn hiện diện sống động và toả hương. “Mừng vui lên!” Đó là sứ điệp thật đẹp mà Mẹ Maria và nhân loại chúng ta được đón nhận. Đừng bao giờ đánh mất niềm vui này, dù cuộc đời thế nào đi nữa! Để niềm vui này không bao giờ “lìa xa” chúng ta, thì chúng ta đừng bao giờ lìa xa Thiên Chúa. Nào chúng ta cùng thờ lạy Chúa, Đấng Yêu Thương và Đấng trao ban niềm vui sống!

 

  • “Mừng vui lên! Hỡi Đấng đầy ân sủng”. Tiếp với lời kêu gọi vui mừng lên, Mẹ Maria được Thiên Thần ca ngợi là Đấng đầy ân sủng. “Mẹ Maria được đầy ân sủng ngay từ lúc khởi đầu cho đến mọi thời điểm của cuộc sống Mẹ. Ở nơi Mẹ, từ ngay những giây phút đầu tiên của đời Mẹ, không vương vấn bất cứ dấu hiệu tội lỗi hay nhơ bẩn nào cả. Như thế, Mẹ chính là tạo vật trong sạch nhất và hoàn thiện nhất của ân sủng Thiên Chúa. Là tạo vật trọn hảo này, Mẹ xứng đáng là Mẹ của Thiên Chúa, là căn phòng và cánh cửa để Thiên Chúa bước vào thế giới này”. Đó là lời của nhà thần học Walter Kasper.

Còn Cantalamessa thì viết như sau: “Ân sủng, đó là chân tính sâu thẳm nhất của Ðức Maria. Maria là người rất ‘quý giá’ đối với Thiên Chúa… Ân sủng, đó là lời giải thích trọn vẹn về Ðức Maria, về sự cao trọng và vẻ đẹp của Người. Nói Maria đầy ân sủng đã là diễn tả trọn vẹn về Người”.

Tâm tình của hai nhà thần học giúp chúng ta chiêm ngắm dung nhan mỹ miều của Mẹ Maria, Cô Trinh Nữ không vương vấn bất cứ hạt bụi phàm trần nào, Cô Trinh Nữ rất quý giá đối với Thiên Chúa. Chúng ta chạy đến với tôn nhan Mẹ, và tri ân cảm tạ Thiên Chúa đã chọn Mẹ, đã làm cho Mẹ trở nên trinh trong hoàn toàn, cũng như đã ban cho Mẹ tràn đầy ân sủng hơn mọi tạo vật khác. “Phúc cho ai có lòng trong sạch”. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta cũng được Chúa đoái thương ban cho những ân sủng, làm cho chúng ta trở nên tạo vật xứng đáng của Chúa, và mỗi ngày tâm hồn chúng ta trở nên trong sạch hơn, hầu xứng đáng được Chúa ngự vào qua mỗi lần chúng ta đón nhận Thánh Thể Chúa.

 

  • Maria đẹp bởi Người được yêu. Chúng ta cũng cầu xin Mẹ cho chúng ta khám phá được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, để qua đó chúng ta khám phá được nét đẹp của mình trong tình yêu của Thiên Chúa, dù cho bóng đêm và sự dữ vẫn đang bao phủ cuộc đời chúng ta. Thật vậy, “trong đôi mắt Chúa tôi thật là quý giá!”.

 

  • Thiên Chúa không chỉ đem lòng sủng ái đối với Ðức Maria mà còn tự trao ban trọn vẹn trong Con của Người. “Chúa ở cùng Người”. Được Chúa ở cùng chính là hạnh phúc tuyệt vời nhất đối với mỗi người tín hữu, vì được ở cùng Chúa và có Chúa ở cùng chính là thiên đàng. Cùng Mẹ Maria, chúng ta xin Chúa cho chúng ta có được ơn khám phá những khoảnh khắc đặc biệt “được Chúa ở cùng”, để chúng ta luôn sống trong lòng biết ơn, ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa. Cụ thể, trong cầu nguyện chúng ta âm thầm xin ơn trên, và cũng tự hỏi xem: “Khoảnh khắc nào, sự kiện nào và biến cố nào trong đời, tôi đã nhận ra và cảm nghiệm được sự hiện diện gần bên của Thiên Chúa? Khi Chúa ở cùng tôi trong lúc đó, tôi đã cảm thấy ra sao?”. “Có Chúa là có tất cả”. Đó là tâm tình của thánh Tê-rê-sa Avila.

 

  • “Mẹ Maria là dấu hiệu cho sứ điệp của Thiên Chúa nói. Đó là Thiên Chúa không để cho thế giới và nhân loại dù vướng mắc trong bao tội lỗi và bất trung, không bị hư mất, mà Thiên Chúa luôn một lòng tín trung. Người đã giữ gìn một nơi thánh, một người thánh, một điểm thánh, nơi Người có thể ra tay để ‘đưa nhân loại về’ với Người và về với Nước của Người”. Suy tư của Walter Kasper cho chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi và sự bất trung của chúng ta đối với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta chạy đến với Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ. Với lòng khiêm tốn và sám hối, chúng ta xin Chúa thứ tha và chúng ta cũng tri ân Thiên Chúa về lòng thương xót vô bờ bến của Người. Lòng thương xót của Thiên Chúa đang hiện diện sống động trong Hài Nhi Giê-su. Nào chúng ta cùng thờ lạy Chúa!

 

  • “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Mẹ bối rối, nghĩa là Mẹ có cảm xúc ngạc nhiên và bất ngờ trước những gì Thiên Chúa đang mời gọi Mẹ, đang muốn trao cho Mẹ một sứ mạng. Sự ngạc nhiên là thái độ căn bản của đời sống người Ki-tô hữu. Xin Chúa giúp cho chúng ta luôn có khả năng “ngạc nhiên trước kỳ công Thiên Chúa làm nên” trong cuộc đời chúng ta và của anh chị em. Xin cho sự ngạc nhiên tiếp tục đi với chúng ta trên hành trình Đức Tin: mỗi lần chúng ta đứng trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tuyệt đẹp, mỗi khi chúng ta chứng kiến một biến cố xảy ra với “dấu ấn của lòng thương xót” mà Thiên Chúa ban cho. Mong sao chúng ta đừng bao giờ đánh mất cảm xúc “ngạc nhiên” trước biết bao điều tốt lành Thiên Chúa đã và tiếp tục làm ra cho con người mà Chúa yêu thương. Xin Chúa đừng để cho sự nông cạn, sự vô ơn và đời sống nhàn hạ đơn điệu của thế giới làm cho trái tim của chúng ta bị “tê cứng” trước những hoạt động tuyệt vời của Thiên Chúa.

 

  • Trong biến cố Thiên Thần truyền tin cho Mẹ, chúng ta nhận ra được tinh thần lắng nghe của Mẹ. Thật vậy, Mẹ Maria luôn là người phụ nữ biết lắng nghe và thực thi thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ chính là mẫu gương của những người tin, những người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa. Lắng nghe Lời Chúa chính là khả năng cần thiết làm cho người Ki-tô hữu lớn lên trên hành trình sống Đức Tin. Xin Chúa giúp chúng ta biết tập sống mở lòng ra với Thiên Chúa và với Lời của Thiên Chúa, để qua đó cuộc sống và con người của chúng ta tràn ngập “hồn sống của Lời Chúa, của Tin Mừng”. Một giáo phụ đã nói rằng: “Khi Lời Chúa càng lớn lên trong chúng ta, thì lời của con người chúng ta càng nhỏ lại”. Ôi mong thay, vì như vậy cuộc sống sẽ đỡ được biết bao phiền toái!

 

  • “Lời ‘xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúacũng dành cho chúng ta. Hơn nữa, lời này là một lời quan trọng đối với chúng ta hôm nay, vì sự sợ hãi đang vây bủa xung quanh chúng ta. Chúng ta sống trong thời gian của nhiều đổi thay ở mọi phương diện của cuộc sống. Nhiều điều nền tảng bị lung lay. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Dựa vào đâu để tôi còn có thể hy vọng? Nơi đâu còn có thể tin tưởng? Cái gì gìn giữ và nâng đỡ chúng ta đây?” Tâm tình của Walter Kasper đưa lại cho chúng ta niềm hy vọng mạnh mẽ, bởi vì chúng ta có Chúa Giê-su là trung tâm điểm, là đường, là sự thật và là sự sống của chúng ta, bởi vì Chúa Giê-su mong muốn cho chúng ta có cuộc sống tốt lành. Người giữ gìn và nâng đỡ. Người yêu thương mỗi người trong chúng ta, và đã chọn chúng ta từ muôn thuở. Người đã ghi khắc mỗi người trong lòng bàn tay Người, như đã được nói đến nơi ngôn sứ I-sai-a: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,16). Dù chúng ta có rơi vào bất cứ khủng hoảng nào hay đau khổ nào đi nữa, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: “Không bao giờ Thiên Chúa quên tôi. Không bao giờ đâu! Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ ở bên tôi và với tôi, mà Ngài còn ở trong tôi. Ngài sống trong tôi và trong trái tim của tôi”.

 

  • Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Lời của Thiên Thần thúc đẩy chúng ta nhìn lại hành trình cuộc sống. Chắc chắn chúng ta cũng đọc được những trang sách và dòng chữ của Thiên Chúa đã “viết lên” cách tuyệt diệu. Biết bao điều chúng ta là con người không thể giải quyết được. Chúng ta đứng trước ngõ cụt và rơi vào tình trạng bế tắc. Nhưng rồi Thiên Chúa đã hoạt động để tháo cởi, để mở lối cho chúng ta. Hơn nữa, sự hoạt động của Thiên Chúa lại luôn âm thầm và tiệm tiến. Thiên Chúa hiền lành và nhân từ, nên Ngài hoạt động cũng hiền lành và nhân từ trong âm thầm không khoe khoang và không “đánh trống kêu to”. Ôi, nhiệm mầu tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, dành cho nhân loại chúng ta. Cùng đến với Hài Nhi Giê-su đang hiện diện sống động trong máng cỏ, nào chúng ta cùng thờ lạy Chúa!

 

  • “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đức Maria nói lời này với tất cả con người của Mẹ và đặc biệt với sự tự do ưng thuận của Mẹ kết hiệp với ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong chúng ta, đặc biệt trong những khoảnh khắc, sự kiện và biến cố trong cuộc đời chúng ta mà Thiên Chúa đang “viết lên thánh ý của Ngài”, nhờ đó chúng ta theo gương Mẹ Maria thưa với Chúa: “Xin vâng Chúa ơi! Xin Chúa thực hiện điều Chúa muốn nơi con, một tạo vật đơn hèn nhỏ bé của Chúa”. Cuối cùng, chúng ta cùng dâng lên lời cầu nguyện của thánh viện phụ Bê-na-đô với Đức Trinh Nữ Maria.

 

 

“Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ đã nghe báo tin Mẹ sẽ thụ thai và sinh một con trai: không phải do con người nhưng do Chúa Thánh Thần. Sứ thần đang chờ câu trả lời của Mẹ vì đã đến lúc người phải trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đã sai người. Cả chúng con nữa, lạy Mẹ là bà chúa, chúng con cũng chờ đợi câu trả lời của lòng Chúa xót thương, vì chúng con là những kẻ đang phải khốn khổ bởi mang án tội tình.

 

Này đây, giá phải trả cho ơn cứu chuộc chúng con được trao vào tay Mẹ. Mẹ mà chấp thuận là chúng con được cứu thoát. Nhờ Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa, tất cả chúng con đã được tạo thành. Nhưng này sự chết đang hoành hành nơi chúng con: chỉ có một câu trả lời vắn tắt của Mẹ thôi là chúng con được tái tạo, để lại được kêu gọi đón nhận sự sống.

 

Ôi, lạy Trinh Nữ dịu hiền, nguyên tổ A-đam đang khóc lóc cùng với dòng dõi đáng thương của mình, vì bị đuổi ra khỏi địa đàng. Này tổ phụ Áp-ra-ham, vua Đa-vít cũng khóc than. Này cả các thánh tổ phụ khác, nghĩa là tổ tiên của Mẹ, cũng đang khẩn khoản nài van, chính các ngài đang phải chìm ngập trong bóng tối tử thần. Này toàn thể thế giới đang sấp mình dưới chân Mẹ mà đợi chờ.

 

Và như thế không phải là không có lý do chính đáng, vì niềm an ủi của những kẻ khốn nạn, ơn cứu chuộc của những kẻ bị tù đày, sự giải phóng của những kẻ bị kết án, và cuối cùng ơn cứu độ của con cháu A-đam, tức của toàn thể dòng giống Mẹ, đều tuỳ thuộc câu trả lời từ miệng Mẹ thốt ra.

 

Lạy Đức Trinh Nữ, xin mau trà lời. Xin mau mau trả lời cho thần sứ, hay nói đúng hơn, trả lời cho Thiên Chúa qua thần sứ. Xin Mẹ đáp lời và đón nhận Ngôi Lời: xin nói lên lời của Mẹ và cưu mang Lời của Thiên Chúa. Xin nói lên lời chóng qua và ôm ấp Lời vĩnh cửu.

 

Mẹ lưỡng lự làm gì, run sợ làm chi? Mẹ cứ việc tin, cứ tuyên xưng và đón nhận. Mẹ khiêm tốn, nhưng xin Mẹ cứ can đảm. Mẹ e ngại nhưng xin Mẹ cứ tin tưởng. Lúc này đơn sơ trong trắng mà quên lãng khôn ngoan thì chẳng xứng hợp chút nào. Lạy Đức Trinh Nữ khôn ngoan, trong sự việc có một không hai, xin Mẹ đừng sợ phải liều. Mẹ làm thinh vì e ngại, đó là điều đẹp lòng Chúa, nhưng bây giờ Mẹ nói ra vì hiếu thảo thì lại là điều cần thiết hơn.

 

Lạy Đức Trinh Nữ diễm phúc, xin Mẹ mở tâm hồn để tin, mở miệng nói lên lời ưng thuận và mở lòng để đón nhận Đấng tạo thành ra Mẹ. Này Đấng mọi dân tộc khao khát đang đứng bên ngoài và gõ cửa. Ôi, nếu như vì Mẹ chần chừ mà Người đi qua mất, thì Mẹ lại phải khổ công tìm kiếm Đấng lòng Mẹ mến yêu!

 

Xin Mẹ chỗi dậy, chạy ra mở cửa. Xin Mẹ chỗi dậy với lòng tin. chạy ra với lòng mến và mở cửa bằng sự ưng thuận. Đây Mẹ đã nói: Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa. xin Chúa làm cho tôi như lời thần sứ nói”.[32]

 

 

 

 

[1] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. Meditation zu Advent und Weihnachten. Kbw. Verlag. Stuttgart 2015. S.30.

[2] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyến chuyển ngữ. NXB. Tôn Giáo 2015. T.9.

[3] Chú thích của Michel Hubaut trong Nhóm Phiên Dịch các giờ kinh Phụng Vụ. Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước. Lời Chúa Cho Mọi Người. NXB. Tôn Giáo. Hà Nội 2009. S.1737.

[4] Stulhmacher P., Die Geburt des Christus Kindes. S.30.

[5] X.Stoeger A., Das Evangelium nach Lukas. 1.Teil. S.40.

[6] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. T.43-46.

[7] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”. Bản dịch của một nhóm Linh Mục Đà-lạt. Nguồn: http://www.simonhoadalat.com

[8] Benedikt XVI., Maria voll der Gnade, Meditation zum Rosenkranz. Herder Verlag. Freiburg 2008. S.25.

[9] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis.S.36.

[10] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.232-233.

[11] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”.

[12] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”.

[13] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.37.

[14] Benedikt XVI., Maria voll der Gnade, Meditation zum Rosenkranz. S.25.

[15] X.Stoeger A., Das Evangelium nach Lukas. 1.Teil. S.43.

[16] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 1. “Đầy ân sủng”.

[17] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.37-39.

[18] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.48.

[19] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.51.

[20] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 2. “Phúc cho Người là kẻ đã tin”.

[21] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.52-53.

[22] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.46-47.

[23] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.43.

[24] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.31.

[25] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.39.

[26] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 2. “Phúc cho Người là kẻ đã tin”.

[27] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.55.

[28] Ratzinger J., Đức Giê-su thành Nazareth, phần III Thời thơ ấu của Đức Giê-su. S.5

[29] Cantalamessa R., Maria, Tấm gương cho Giáo Hội. Trích từ Phần I. Đức Maria, một tấm gương cho Giáo Hội trong Nhập Thể, số 2. “Phúc cho Người là kẻ đã tin”.

[30] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.32.

[31] Kasper W., Bedenke dein Geheimnis. S.35.

[32] Trích từ Giờ Kinh Sách ngày 20.12.