Khi chọn tên hiệu Lêô XIV, Tân Giáo hoàng theo đuổi hai con đường: con đường của người bảo vệ đức tin trước các cuộc khủng hoảng, như Thánh Lêô Cả, và con đường của người sáng tạo đối thoại xã hội và tâm linh trong một thế giới đang thay đổi, như Đức Lêô XIII. Sự lựa chọn mang tính biểu tượng đã làm sáng tỏ hướng đi của một triều giáo hoàng được đánh dấu bằng di sản của Đức Phanxicô.
Vào lúc 7:13 tối, một giờ sáu phút sau khi làn khói trắng xuất hiện trên nóc Nhà nguyện Sistine, từ ban-công Đền Thánh Phêrô, Hồng y Phó tế người Pháp Dominique Mamberti công bố danh hiệu của Tân Giáo hoàng: Đức Lêô XIV. Xuất phát từ tiếng la-tinh Lêô nghĩa đen là “sư tử”, biểu hiệu truyền thống của thánh sử Marko – danh hiệu Lêô là một trong những danh hiệu giáo hoàng lâu đời nhất và bây giờ là lần thứ 14 trong lịch sử giáo hoàng. Lêô và Clement là hai danh hiệu đứng thứ tư trong số các danh hiệu được các giáo hoàng chọn nhiều nhất, sau “Gioan, Gregory và Bênêđictô”.
Thánh Lêô: Người gìn giữ hòa bình và bảo vệ đức tin
Danh hiệu Lêô nhắc đến Thánh Lêô Cả (440–461) là giáo hoàng đầu tiên chọn danh hiệu này, ngài là giáo hoàng gìn giữ hòa bình trước cuộc xâm lược của những kẻ man rợ tấn công Rôma vào thế kỷ thứ 5; ngài là người bảo vệ đức tin tại Công đồng Chalcedon năm 451, công đồng này khẳng định sự hiệp nhất của Chúa Kitô trong hai bản tính: nhân tính và thiên tính. Sự can thiệp nổi tiếng của Thánh Lêô trong công đồng này thực hiện qua Thư gởi Flavian, được đọc công khai cho 350 Nghị phụ Công đồng, khẳng định “Phêrô đã nói qua miệng của Lêô”. Một cam kết bảo vệ đức tin, phản ảnh chân dung của Hồng y Robert Francis Prevost, ngài cũng là tiến sĩ giáo luật.
Lêô XIII: Giáo hoàng của công nhân
Mặc dù hình ảnh Thánh Lêô Cả vẫn là trọng tâm, nhưng khi Hồng y Prevost chọn danh hiệu Lêô XIV là ngài muốn nhắc đến Giáo hoàng Lêô XIII (1878-1903), giáo hoàng cuối cùng mang tên này và là kiến trúc sư của một Giáo hội cởi mở với những thách thức của thế giới hiện đại. Một quyết định chắc chắn phù hợp với những cải cách của Đức Phanxicô, người mà tân giáo hoàng đã tỏ lòng tôn kính trong lần xuất hiện đầu tiên.
Khi dùng danh hiệu này, Tân Giáo hoàng muốn đi theo bước chân của Đức Lêô XIII, ngài được biết đến vì đã thiết lập nền tảng học thuyết xã hội của Giáo hội. Đối diện với những căng thẳng xã hội của những năm 1880, khi phản đối chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giai cấp (Quod Apostolici, 1878), Đức Lêô XIII đã lên án sự lạm dụng của chủ nghĩa tư bản, ngài bảo vệ quyền của người lao động. Năm 1891, ngài công bố thông điệp Tân Sự, Rerum Novarum, một văn bản sáng lập học thuyết Xã hội công giáo, vì thế ngài có biệt danh là “giáo hoàng của công nhân”. Thông điệp này là thông điệp nổi tiếng nhất triều của ngài, cho đến ngày nay vẫn là nền tảng cho học thuyết xã hội của Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch