Cuộc sống luôn là lời cầu xin Chúa

Tìm hiểu và suy niệm “Kinh sáng soi”

 

 

 

 

 

Từ ngày còn ấu thơ, chúng tôi những trẻ nhỏ Công Giáo được quý Cha, quý Sơ và các anh chị Giáo Lý Viên dạy đọc lời kinh Sáng Soi vào đầu giờ học giáo lý. Chúng tôi cũng được khuyên đọc lời kinh ngắn gọn này trước mỗi việc hằng ngày chúng tôi làm. Khi lớn lên bước vào nhiều môi trường sống khác nhau, chúng tôi đều nghe lời kinh Sáng Soi được cất lên trong nhiều trường hợp: trước khi ca đoàn tập hát, trước khi một nhóm chia sẻ Lời Chúa bắt đầu, trước khi một linh mục bắt đầu gợi ý cầu nguyện cho giờ Linh Thao tĩnh tâm.

Nhiều bậc cha mẹ còn khuyên con mình, trước khi khởi sự bất cứ việc làm nào, như học hành, thi cử, lái xe… nên đọc lời kinh Sáng Soi.

 

Thật đẹp một lời kinh ngắn gọn và được mọi người dễ dàng thuộc làu làu, đến nỗi đọc mà đôi khi môi miệng “vui vẻ” lướt trên từng nét chữ của lời kinh, nhưng tâm hồn vẫn còn “bay” ở nơi đâu ngoài bầu trời xã hội.

 

Dù vậy, lời kinh vang lên từ chính niềm tin của con cái Thiên Chúa, dù ý thức hay chưa ý thức, dù thấu hiểu sâu xa ý nghĩa của lời kinh hay chưa bao giờ tìm hiểu xem lời kinh này có ý nghĩa gì, Thiên Chúa vẫn đoái thương lắng nghe lời cầu bầu của con cái Ngài: “Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

 

Tuy nhiên lời kinh Sáng Soi này có gốc gác ở đâu, được Giáo Hội dùng trong các dịp nào và có ý nghĩa gì cho đời sống tâm linh của người Công Giáo?

 

Nguồn gốc của kinh Sáng Soi và được Giáo Hội dùng trong các dịp nào?

 

Lời kinh Sáng Soi là một lời kinh rất xưa của Ki-tô hữu với bản gốc bằng tiếng La-tinh. Chúng ta có thể tìm thấy lời kinh Sáng Soi được dùng là một đoạn cầu nguyện nằm trong kinh Cầu Các Thánh bản xưa và dài do Thánh Giáo Hoàng Grego Cả (540-604) đề nghị tín hữu thành Rô-ma cầu nguyện trong cuộc rước kiệu, để cầu xin Chúa mau chấm dứt cơn đại dịch đang lan tràn ở Rô-ma thời đó. Dựa trên sử liệu này, lời kinh Sáng Soi có tuổi khá cao. Gần 1400 năm rồi đấy!

 

Gần đây, kinh Cầu Các Thánh này được nhắc đến trong một văn kiện của toà thánh, do Tòa Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh biên soạn “Sắc Lệnh The Enchiridion of Indulgences - sắc lệnh tổng hợp các kinh nguyện và việc làm được ân xá”, được Đức Thánh Cha Phaolô VI phê chuẩn ngày 15.6.1968 và được ban hành ngày 29.6.1968. Trong đó lời kinh Sáng Soi vẫn được nhắc đến là một lời cầu nguyện ngắn nằm trong Kinh Cầu Các Thánh.

 

Ngoài ra, Giáo Hội cũng đưa lời kinh Sáng Soi vào Phụng Vụ. Cụ thể trong sách Lễ Rô-ma hiện nay chúng ta đang dùng, lời kinh Sáng Soi được dùng là lời nguyện nhập lễ của ngày thứ năm sau thứ tư lễ tro. Trong Giờ Kinh Phụng Vụ, Giáo Hội cũng dùng lời kinh Sáng Soi cho giờ kinh sáng của ngày thứ hai tuần thứ nhất mùa thường niên.

Dưới đây là bản văn kinh Sáng Soi trích từ sách Lễ Rô-ma: “Lạy Chúa, xin soi lòng mở trí cho chúng con được biết việc phải làm, và khi làm, xin Chúa thương giúp đỡ để mọi công việc của chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều do ân sủng Chúa. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen”.[1]

 

Ý nghĩa của lời kinh Sáng Soi.

 

Trong một cuộc yết kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô, Đức Benedict XVI đã nhắc đến lời kinh Sáng Soi với tâm tình như sau:

 

“Đoạn sách được trích từ sách Công Vụ (6,1-7)[2] nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng lớn lao của công việc (một công việc phục vụ được thực hiện), cũng như tầm quan trọng lớn lao của sự dấn thân trong các hoạt động hàng ngày phải được thực hiện với trách nhiệm và sự tận tâm.

Đoạn sách Công Vụ cũng nhắc nhở chúng ta nhớ đến nhu cầu của chúng ta luôn cần đến Thiên Chúa,  cần đến sự hướng dẫn của Ngài, cần đến ánh sáng của Ngài, ánh sáng ban tặng cho chúng ta sức mạnh và hy vọng. Nếu không có lời cầu nguyện trung thành hằng ngày, hành động của chúng ta trở nên trống rỗng, và đánh mất đi chiều sâu nhất của tâm hồn. Cuối cùng hành động của chúng ta bị giảm xuống thành hoạt động thuần túy, mà cuối cùng khiến chúng ta không hài lòng.

Có một lời cầu nguyện tuyệt đẹp từ truyền thống Ki-tô giáo có thể được dùng cầu nguyện trước bất kỳ hành động nào. Lời cầu nguyện như sau: ‘Actiones nostras, quaesumus, Domine, Aspirando praeveni et adiuvando prosequere, ut cuncta nostra hay operatio a te semper incipiat, et per te coepta finiatur’. Có nghĩa là: ‘Lạy Chúa, xin soi lòng mở trí cho chúng con được biết việc phải làm, và khi làm, xin Chúa thương giúp đỡ để mọi công việc của chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều do ân sủng Chúa’.

Thật vậy, mọi bước đi trong cuộc đời chúng ta, mọi hành động, kể cả hành động của Giáo hội, phải diễn ra trước mặt Thiên Chúa, dưới ánh sáng của Lời Người”.[3]

Như thế, lời kinh Sáng Soi đưa chúng ta đi về lại với bản chất yếu hèn rất thật của con người chúng ta, nên chúng ta luôn cần có Chúa, luôn cần có sự hoạt động của Thiên Chúa, đặc biệt khi chúng ta đón nhận sứ mạng tông đồ mà Chúa và Giáo Hội trao ban.

 

Đời tông đồ luôn là lời cầu xin.

 

Nếu đã nói là công việc tông đồ, thì đó là công việc của Chúa trước hết và chúng ta chỉ là những người được Chúa cho phép cộng tác vào, thi hành những gì Chúa muốn. Vì thế, công việc tông đồ luôn diễn ra trong sự hướng dẫn, hoạt động của Chúa và của Lời Chúa. Nói khác đi, người tông đồ không bao giờ “đui mù” lăn xả vào công việc với sức riêng của mình, mà không hướng lòng về Chúa, đi tìm ý Chúa, vâng phục ý Chúa.Và khi thực thi, thì luôn làm trong tinh thần tín thác cậy trông hoàn toàn vào Chúa. Vì nếu không có Chúa, thì như cành nho tách rời khỏi cây nho, người làm việc tông đồ sẽ rơi vào tình trạng đánh mất hồn tông đồ, đánh mất Thần Khí của Chúa và ánh sáng của Ngài, để rồi việc tông đồ dù bên ngoài đẹp đẽ đến mấy cũng chỉ là một hoạt động thuần tuý của con người.

 

Hơn nữa, trong tiến trình làm việc tông đồ, chắc chắn luôn có thử thách và khó khăn, luôn gặp những trắc trở và chống đối, rồi không ít lần đứng trước ngõ cụt làm nản chí người tông đồ. Còn cả cám dỗ từ bên ngoài và những đam mê cùng gốc rễ tội lỗi từ bên trong luôn tìm cơ hội để “nổi lên” và điều khiển người tông đồ xa lánh Chúa, để bước theo con đường của sự dữ, con đường thoả mãn những đam mê, con đường đưa người tông đồ rơi vào tội trọng này rồi đến tội trọng khác, như thánh I-nhã nhắc đến trong phân định thần loại, và kết cục là chính người tông đồ đánh mất linh hồn mình, và chắc chắn đi theo hậu quả xấu. Đó là việc tông đồ mất hết mọi ý nghĩa. Vì thế, thật quan trọng để ý thức: đời tông đồ luôn là lời cầu xin.

 

Thánh Phaolô đã có một kinh nghiệm sâu sắc, khi chia sẻ về sự bất lực của chính ngài, một Tông Đồ dân ngoại. Tốt lành như Ngài mà còn phải thốt lên từ chính kinh nghiệm thiêng liêng sâu thẳm: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm(Rm 7,19).

 

Một vị thánh khác, thánh Augustino, cũng nhắc đến tinh thần ý thức luôn sống nhờ Chúa và khiêm tốn cầu xin Chúa, Đấng đi bước trước và đi cả bước sau, để Ngài hướng dẫn, soi sáng, giúp đỡ chúng ta hoàn thành sứ mạng hay công việc tông đồ tốt đẹp nhất. Hơn nữa, quan trọng hơn hết thánh nhân nhấn mạnh rằng: “không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trích lại lời của thánh Augustino: “Khi chúng ta làm việc là chúng ta cộng tác với Đấng đang làm việc, bởi vì lòng thương xót của Ngài đi bước trước đến với chúng ta. Ngài đi bước trước, để chúng ta được chữa lành, và Ngài đã dõi theo sau để sau khi được chữa lành, chúng ta nên cường tráng; Ngài đi bước trước, để chúng ta được kêu mời, Ngài dõi theo sau để chúng ta được vinh quang; Ngài đi bước trước để chúng ta sống cách đạo đức, Ngài dõi theo sau để chúng ta luôn luôn sống với Ngài, bởi vì không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì” (GL HTCG Số 2001).

 

Như thế, xin Chúa sáng soi, giúp đỡ và hoàn thành công việc tông đồ quan trọng biết bao nhiêu. Càng khiêm tốn và ý thức cầu nguyện với lời kinh xin Chúa Sáng Soi, người tông đồ sẽ được Chúa lắng nghe và Thần Khí của Chúa hoạt động đưa lại biết bao nhiêu hoa trái thiêng liêng tốt lành, như bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền lành và tiết độ (x.Gl 5,16-25).

 

Sự hướng dẫn soi sáng của Chúa không chỉ cần thiết cho người tông đồ, mà cũng rất cần thiết cho đời sống thường ngày của mỗi người chúng ta, dù là giáo dân hay linh mục hoặc tu sĩ, vì thế thật phúc cho ai biết ý thức mời Chúa bước vào từng giao động của cuộc sống thường ngày.

 

Mời Chúa bước vào từng giao động của cuộc sống thường ngày.

 

Kinh Sáng Soi trong tiếng La-tinh có tựa đề là “Actiones nostras”, có nghĩa là các hoạt động của chúng ta. Điều đó có nghĩa gì vậy?

 

Con người luôn ở trong giao động, dù là giao động với công việc hay “giao động tĩnh” là nghỉ ngơi thanh thản. Khi con người còn ở trong giao động, con người vẫn sống. Nhưng để cho từng giao động tìm được sự trọn vẹn và ý nghĩa tốt lành của nó, cũng như đối với chúng ta là con cái Chúa, để cho giao động cuộc sống tương hợp với thánh ý của Chúa, thì sự ý thức cầu nguyện mời Chúa cùng đi chung trên đường, mời Chúa bước vào giao động cuộc sống thật quan trọng. Thánh Edith Stein nói một lời rất đẹp: “Tận đáy lòng, tôi chỉ nói về một thực tế đơn giản và nhỏ bé: ta có thể bắt đầu sống bằng cách nắm tay Chúa”.

 

Tay trong tay với Chúa. Chúa nắm tay bạn và nắm tay tôi, hay chúng ta nắm tay Chúa, đều tuyệt cả. Tay trong tay chúng ta đọc lời kinh Sáng Soi với tất cả ý thức của trái tim, của trí hiểu và của ý chí.

 

“Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm”.

 

Cầu xin với một cái đầu “cúi xuống” mới đúng nghĩa cầu xin, vì như vậy phận người ý thức sự hèn mọn của mình, phận người ra khỏi cái mớ bòng bong đầy ảo tưởng của cao ngạo và kiêu hãnh rất nguy hiểm, mà sách Châm Ngôn nói đến:

Đứa kiêu căng làm ĐỨC CHÚA ghê tởm,
hẳn nó không thoát khỏi án phạt đâu”
(Cn 16,5).

“Kiêu căng đưa đến sụp đổ,
ngạo mạn dẫn đến té nhào”
(Cn 16,18).

 

Lời của sách Châm Ngôn rất tương hợp với hình ảnh của người Pha-ri-sêu lên đền thờ cầu nguyện với thân mình đứng thẳng và cái đầu ngẩng cao đầy kiêu hãnh dâng lên lời cầu nguyện tràn đầy khoe khoang và kể công với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12).

 

Lời cầu nguyện mở đầu với việc tạ ơn Thiên Chúa. Đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, ông tạ ơn Thiên Chúa về điều gì? Đọc kỹ, chúng ta thấy ông ta bắt đầu kể về chính bản thân ông, nghĩa là ông ta chỉ hướng về chính mình và những cái hay cái tốt nơi ông: “vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình”. Như thế, ông hãnh diện về lối sống đạo đức của bản thân, một kiểu công chính kể công và tự cao tự đại, luôn coi mình hơn người khác. Đó là một thói tự cao cách biệt mình với người khác.

 

Người Pha-ri-sêu đưa người thu thuế đang đứng ở một chỗ khác trong đền thờ vào trong lời cầu nguyện của ông, để hạ bệ người thu thuế xuống, và qua đó ông tự đưa ông lên cao hơn nữa. Đây là một thái độ sống rất thường hay gặp nơi những người tự cao. Đó cũng là một thái độ của người đạo đức giả, gián tiếp hay trực tiếp hạ bệ người khác qua việc so sánh, để tự nâng cao mình lên cao.

 

Hình ảnh của người Pha-ri-sêu là một bài học thật lớn đối với chúng ta. Đứng trước Chúa không nên kiêu căng tự hào, không nên dựa vào sự đạo đức và công chính của bản thân, không nên so đo với người khác để tự coi mình là tốt hơn người. Vì thế, thái độ “cúi đầu” thật đẹp lòng Chúa biết bao.

 

Đó là thái độ của người thu thuế cũng lên đền thờ cầu nguyện: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Thái độ của người thu thuế này có được Chúa đón nhận không? Luca cho chúng ta thấy kết luận của Chúa Giê-su: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18,14a).

 

Còn người Pha-ri-sêu với thân mình đứng thật thẳng và ngẩng cao đầu cầu nguyện thì sao? Chúa Giê-su nói tiếp trong lời kết luận trên: “còn người kia (người Pha-ri-sêu) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14b).

Tương hợp với dụ ngôn về hai mẫu người cầu nguyện trên, chúng ta đọc được lời của thánh Gia-cô-bê: “Có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em” (Gcb 4,6-7).

“Cúi xin Chúa sáng soi”. Thật đẹp lời cầu nguyện bắt đầu với cái đầu cúi xuống. Thánh Đa-minh để lại cho con cái của ngài 09 cách thức cầu nguyện với thân xác. Cách thức đầu tiên là cúi mình trước bàn thờ như thể trước Đức Kitô với ý nghĩa bàn thờ không chỉ là biểu tượng mà là sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Thánh nhân đã dựa vào hình ảnh cầu nguyện của bà Giu-đi-tha: “Bà Giu-đi-tha sấp mặt xuống đất, rắc tro lên đầu, cởi áo vải thô đang mặc. Tại Đền Thờ của Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem, vào một buổi dâng hương ban chiều, bà Giu-đi-tha lớn tiếng kêu cầu cùng Đức Chúa” (Gđt 9,1), và “Ngài là Thiên Chúa của kẻ khiêm nhu, là Đấng cứu giúp người hèn mọn, Đấng đỡ nâng kẻ cô thế, Đấng bảo vệ người bị bỏ rơi, Đấng Cứu Tinh của những ai thất vọng” (Gđt 9,11).

 

Trong Tin Mừng, chúng ta cũng tìm thấy những hình ảnh sấp mình, cúi mình cầu xin Chúa, như hình ảnh người phong hủi: “Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40), như người phụ nữ Ca-na-an và người con hoang đàng đã nhận được những gì họ muốn. Thật vậy, với cái đầu cúi xuống chúng ta chân nhận và thưa với Chúa rằng: “phần con, con chẳng đáng Ngài ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, thì hồn con, thân xác con sẽ lành mạnh” (x.Mt 8,8).

 

Cúi mình xin Chúa sáng soi cũng là tâm tình của thánh vịnh gia: “Lạy Chúa xin cho con biết hoàn toàn khiêm nhường trước tôn nhan Ngài” (Tv 118,107).

 

Cùng với thái độ cúi mình là lời cầu xin Chúa sáng soi, nghĩa là Chúa giờ đây không chỉ bước vào giao động cuộc sống của bạn và của tôi, mà Ngài trở thành chủ thể của giao động cuộc sống, nói khác đi Ngài trở thành thuyền trưởng chỉ lối soi sáng đường nào chúng ta cần đi, chúng ta cần bắt đầu một công việc như thế nào. Sự soi sáng của Chúa chất chứa sự khôn ngoan và tình yêu thương.

Vì thế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Chúa là mục tử nhân lành  dẫn bước:

“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”
(Tv 23,1-4).

 

Thánh John Henry Newman cũng có lời cầu nguyện thật đẹp với tất cả sự thành thật của trái tim ngài nói với trái tim Chúa:

“Lạy Chúa, trước đây con đã không luôn ý thức cầu xin Chúa,

giờ đây con ý thức và con xin Chúa:

Xin hãy dẫn bước con!

Trước đây con thường hay xem xét đường đi và

chọn đường nào mà con thích.

Nhưng giờ đây lạy Chúa,

xin hãy dẫn bước con!”.

 

Được Chúa bước vào đường đời, được Chúa soi sáng các giao động cuộc sống là từng công việc, từng cuộc gặp gỡ và mọi hoạt động. Đó là phúc lành thật lớn.

Phúc lành Chúa ban càng lớn, lòng người lại càng phải khiêm nhường tiếp tục nguyện cầu với trái tim chân thành.

 

“Cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con”.

 

Với lời cầu nguyện này, chúng ta mời Chúa tham dự vào công việc chúng ta đang thực hiện. Chúa không còn đứng bên ngoài để nhìn, mà Chúa bước vào trong chính chiều sâu của tâm hồn, ánh sáng của Thần Khí Chúa chiếu toả vào trong trí khôn của chúng ta, và với quyền năng Thần Khí Chúa hướng dẫn từng bước chúng ta cần đi, chỉ dẫn từng điều nhỏ bé chúng ta cần làm, với sự khôn ngoan Thần Khí Chúa giúp chúng ta biết nói những lời gì cần nói.

 

“Xin Chúa giúp đỡ” khi đang làm việc và trong chính công việc đang diễn ra, đúng thật là khôn ngoan và khiêm tốn biết bao, vì như vậy chúng ta đang sống nhờ Chúa đấy!

 

Thánh John Henry Newman có lời cầu nguyện rất đẹp khác:

“Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống.

Chúa là sự sống của con,

và sự sống của mọi loài thụ tạo đang sống trên mặt đất này.

Tất cả mọi người mà con quen biết,

Tất cả những ai con gặp gỡ, con nhìn thấy,

và cả những người con lắng nghe,

tất cả đều nhờ Chúa mà được sống”.

 

Nhưng “sống nhờ Chúa” có nghĩa là gì? Sống nhờ Chúa là chân nhận: “sự sống là quà tặng Chúa ban”. Sống nhờ Chúa là ý thức: “mỗi giây phút thức giấc chúng ta còn thở là hồng ân Chúa trao”. Sống nhờ Chúa là mỗi bước đi, mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi suy tư và mỗi nhịp đập của trái tim đều được Chúa thương yêu trao tặng và mọi việc chúng ta làm đều có sự giúp đỡ của Chúa. Sống nhờ Chúa là luôn kín múc năng lượng từ thân cây nho là chính Chúa trao ban cho cành là chính chúng ta.

 

Thật quý biết bao khi bạn và tôi biết “sống nhờ Chúa”. Cuối cùng, người sống nhờ Chúa sẽ được Chúa dẫn lối vượt qua mọi nẻo đường để đến cánh cửa thiên quốc, nơi các thiên thần đang nở nụ cười đón chào, như tâm tình cầu nguyện của thánh Newman:

“Sức mạnh của Chúa đem lại phúc lành theo bước con từ lâu lắm rồi,

chắc chắn Chúa tiếp tục dẫn bước con đi,

qua đầm lầy và ruộng nương,

qua các vách đá và qua những vực thẳm bên thác nước,

cho đến khi đêm đen qua đi, để nhường cho ánh bình minh lại đến.

Lúc đó các Thiên Thần đang nở những nụ cười toả sáng ở cánh cửa,

những nụ cười mà con rất thích, nhưng trên đường đời con đã đánh mất. Chúa ơi!”.

 

Chúa hiện diện soi sáng khi bắt đầu một công việc, một ngày sống, Chúa giúp đỡ khi đang làm việc, nghĩa là Chúa cùng “chèo xuồng” chung. Để rồi khi đến đích, thì chúng ta luôn ý thức rằng:

 

“Từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

 

Trong các lời hay ý đẹp của thánh I-nhã có một câu giúp cho anh em Dòng Tên luôn ý thức trong công việc tông đồ: “Nguyên tắc hành động đầu tiên của bạn là: Hãy tin tưởng vào Chúa như thể thành công hoàn toàn do bạn chứ không phải do Chúa; nhưng hãy dùng hết tài năng của bạn như thể chỉ có Thiên Chúa làm mọi thứ chứ không phải do bạn làm”.

 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2834 có nhắc đến một câu khác tương tự được coi là của thánh I-nhã: “Anh em hãy cầu nguyện như thể tất cả tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, và hãy làm việc như thể tất cả tuỳ thuộc vào anh em”. Câu này có ý nghĩa gì?

 

Cha Pedro de Riba de Neyra đã giải thích câu nói và tư tưởng của thánh I-nhã như sau: “Khi nói về sự phục vụ Thiên Chúa chúng ta, để đạt được thành công thánh I-nhã dùng tất cả mọi phương tiện của con người với sự thận trọng và hiệu quả, như thể sự thành công tuỳ thuộc hoàn toàn vào các phương tiện đó. Kế bên đó, trong cách thức này thánh I-nhã luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, và hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, như thể tất cả mọi phương tiện của con người mà ngài dùng tới đều không đưa lại bất cứ hiệu quả nào”.[4]

 

Như thế, trong công việc chúng ta làm, việc cầu nguyện luôn là điều tiên quyết. Sau khi đã cầu nguyện với Chúa để xin ngài soi sáng hướng dẫn và giúp đỡ, chúng ta nỗ lực và chăm chỉ với mọi khả năng để làm việc hết sức mình (hard work); hết mình đến nỗi luôn chú tâm rằng, thành quả của công việc sẽ tuỳ thuộc vào sức của mình, vào sự chú tâm của toàn bộ con người mình.

 

Nhưng song song, một “năng động ẩn và thiêng liêng” là niềm tín thác và cậy trông hoàn toàn vào Chúa và sự hoạt động cùng ân sủng của Chúa luôn “chạy theo” tiến trình làm việc của chúng ta, để rồi khi hoàn thành công việc, chúng ta trở về vị trí của mình trong khiêm tốn và xác tín rằng: “Công việc này được khởi sự và được hoàn thành mỹ mãn là hoàn toàn do ân sủng của Chúa”.

 

Nói khác đi, sau khi chúng ta đã đọc kinh xin Chúa Sáng Soi xong, chúng ta bắt tay vào công việc, siêng năng chăm chỉ và chú tâm hoàn toàn, dùng mọi khả năng và phương tiện mình có, và chắc chắn Thần Khí Chúa hoạt động ở bên trái và bên phải mình, ở phía trên và ở cả phía dưới mình, để rồi chính Chúa sẽ làm cho công việc được thành toàn theo ý muốn thánh thiện của Ngài.

“Tất cả để vinh danh Thiên Chúa hơn – Ad majorem Dei Gloriam”

chứ không đi tìm vinh danh cho mình.

 

Bài viết này được kết với chính lời kinh Sáng Soi, vì mỗi dòng chữ, mỗi tư tưởng dù là khởi đi từ chính tâm tình đơn sơ của con người, nhưng từ lúc khởi sự ngồi vào bàn giấy cho đến khi hoàn thành bài viết, đều do ân sủng của Chúa mà thôi.

Thật vậy, cuộc sống và đời tông đồ luôn là lời cầu xin Chúa: “Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

 

 

Kỷ niệm 500 năm thánh I-nhã bị thương ở Pamplona.

Nürnberg, ngày 20.5.2021. Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

[1] Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGM. Việt Nam. Sách Lễ Rô-ma. Ấn Bản mẫu thứ Hai, xuất bản năm 1992. Trang 187.

[2] Cv 6,1-7 nói về việc các Tông Đồ lập nhóm bảy người để giúp các Tông Đồ trong việc phục vu.

[3] Benedict XVI, General Audience, Saint Peter’s Square, Wednesday, 25 April 2012.

[4] Pedro de Riba de Neyra, Tractatus de modo gubernandi S.Ignatii – Traktat über den Führungsstil des Hl. Ignatius, Kap.6,14.