7. Khi còn nhỏ, con nhận được một nền giáo dục Kitô-giáo. Bây giờ, hai mươi tám tuổi, con không tin vào Thiên Chúa nữa. Làm cách nào để tìm lại đức tin?

 

Ta không mất đức tin như mất địa chỉ của một người bạn. Còn hơn thế nữa, ta mất đức tin như mất đi một người bạn. Niềm tin vào Thiên Chúa không thâu tóm trong một mớ hiểu biết. Đức tin là một quan hệ cá nhân, giống như mọi liên hệ bằng hữu hay vợ chồng, cần được không ngừng nuôi dưỡng bởi những khoảng khắc gặp gỡ nhau. Đọc Sách Thánh, lãnh nhận các Bí Tích, cầu nguyện, đó chính là những cuộc gặp gỡ Thiên Chúa.

Để vun đắp mối quan hệ này, người Kitô hữu không nên dựa vào sức riêng mình. Chính với cộng đoàn Kitô-giáo và nhờ qua các Bí Tích của Giáo Hội mà ta có thể sống một Đức Tin chân thật.

Nếu bạn có thể gặp gỡ các tín hữu và đối thoại với họ, học sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của sự chia sẻ, sự thông hiệp trong kinh nguyện và trong việc dấn thân hằng ngày. Họ cũng sẽ nói cho bạn về niềm vui mời gọi tham dự Thánh Thể, nơi gặp gỡ than mật với Thiên Chúa, nhờ qua Chúa Giêsu, Con Ngài. Bạn hỏi tôi “Làm cách nào tìm lại đức tin?” Tôi xin thưa, bằng cách gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu bạn mở rộng tâm hồn mình cho Tình yêu Thiên Chúa, bạn sẽ nhận được tình yêu Thiên Chúa, bạn sẽ nhận được tình yêu đó tràn trề.

 

8. Thưa cha, làm sao con có thể giải thích cho bạn con rằng, dù có Đức Tin mạnh, đôi khi con cũng nghi ngờ, và sự nghi ngờ này cho phép con vững tiến trong việc tìm kiếm Thiên Chúa không?

 

Là Kitô hữu, không phải là yên vị trong mọi điều rõ ràng chắc chắn. Đó là liều thân cho tình yêu sung mãn mà Thiên Chúa dành cho mọi người. Vì vậy, chúng ta cần phải dám liều, dám chấp nhận để cho tình yêu Thiên Chúa biến hóa, chấp nhận mà không cần biết tình yêu ấy đưa ta đến đâu: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, người ta có thể lắng nghe thấy tiếng, nhưng chẳng biết nó từ đâu đến, cũng chẳng rõ nó sẽ đi về đâu” (Tin mừng Gioan, chương 3, câu 8).

Tôi thấy chị suy nghĩ đúng về những nghi ngờ hiện hữu trong đức tin của chúng ta. Đúng vậy, những nghi ngờ đó cho phép chúng ta tiến tới, thúc đẩy chúng ta tiến lên trước để tìm được những lý lẽ cho đức tin. Chúng mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng lòng tin. Chị có thể nói điều đó với bạn mình. Nên nhắc lại cho anh ấy nhớ rằng chính Chúa Kitô, là người như mọi người chúng ta, Chúa đã biết một cách tường tận nhất, tình yêu của Chúa Cha, đã phải van xin trên thập giá: “Cha ơi, sao Cha bỏ con?” Nhưng mà những lời cuối cùng của Ngài lại là những lời đầy tin tưởng: “Con giao phó linh hồn con trong tay Cha”.

 

Còn tiếp...