Sébastien Antoni
Bảy mối tội đầu. Triệu chứng và chữa trị.
Bảy mỗi tội đầu tập trung và nuôi dưỡng tất cả các hình thức khác của tội và muôn vàn cách sa chước để cho tội lỗi hoành hành. Chúng là các căn bệnh của tâm hồn. Linh mục Sébastien Antoni kê các triệu chứng và cách chữa trị.
Khi nói tới Bảy mối tội đầu là có ý nói tới sự việc “tội lỗi có xu hướng sinh ra tội lỗi”: Những tội lỗi trở thành nết xấu do sự lặp đi lặp lại nhiều lần. Những nết xấu ấy có thể được qui tụ vào bảy nết xấu chính, nguy hại và có ảnh hưởng nhất mà ta theo truyền thống Công giáo gọi là Bảy Mối Tội Đầu: Kiêu ngạo, Tham lam, Ganh tị, Giận ghét, Mê dâm dục, Tham ăn, Lười biếng.
“Tác giả” học thuyết về Bảy Tội Đầu: Các nhà tu đức và thần học đã suy tư về vấn đề nhân đức và nết xấu và đã cố gắng để xếp thành hệ thống. Từ Thế kỷ thứ Bốn, vị ẩn tu Evagrius đã liệt kê 8 nết xấu như Tội Đầu. Sau đó, môn sinh của Evagrius là Thánh Gioan Cassian (360-435) đã suy diễn và liệt kê ra cả những “con, cháu” của những tội này. Sau này, Thánh Gregory Cả (540-604) đã nêu lên sự phân biệt như chúng ta thấy ngày nay (xem GLCG 1866).
“Tác giả” của chính những tội đầu này có thể là bất kỳ ai trong chúng ta. Nếu ta để cho mình rơi vào những tật xấu đầu này thì chính ta là tác giả “tội đầu” ấy. Khi biết một nết xấu nào là “đầu” ta phải nỗ lực tầy trừ ngay đừng để nó trở thành nguyên cớ gây ra nhiều tội lỗi khác.
Chúa Giêsu có nói về “bảy quỉ khác dữ tợn hơn” (Lk 11: 26) chiếm đóng linh hồn, và Ngài đã trừ cho Maria Magdalena khỏi bảy quỉ (Lc 8:2) một số tác giả đạo đức nghĩ rằng Chúa nói tới bảy mối tội đầu.
Nghĩ rằng có một danh sách đầy đủ các tội là bất cẩn. Làm sao biết hết tất cả tội? Thay vì gom lại, Giáo hội đề nghị nên nhận diện các khuynh hướng, các xung năng, các cội rễ của mọi hình thức tội, vì nếu không sẽ có nguy cơ chú ý đến hành vi mà không chú ý đến tội nhân trong bối cảnh của nó: con người, lịch sử, tâm lý…
Thánh sử Mátthêu viết danh sách do chính Chúa Giêsu đưa ra: “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó là những cái làm cho con người ra ô uế” (Mt 15, 19). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát đưa ra danh sách của mình: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5, 19-21).
Trong Tổng luận Thần học, Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) trích lời Thánh Gregoria, ngài đưa ra danh sách những gì ngài gọi là tệ nạn. Có 7 tệ nạn biểu tượng cho toàn thể, tóm tắt tất cả những gì dẫn đến tội. Chúng tập trung và nuôi dưỡng tất cả các hình thức khác của tội và muôn vàn cách sa chước để tội lỗi hoành hành. Chúng là các căn bệnh của tâm hồn. Đó là bảy mối tội đầu.
1) Kiêu ngạo
Triệu chứng: Xác quyết mình tự đủ để có hạnh phúc. Tội này là tội muốn vượt lên Chúa và các người khác. Nó thúc giục người phạm tội “chèn người khác”, tìm cách chiếm đoạt để thành công, không bao giờ đi tìm sự giúp đỡ của người khác. “Tôi trước hết!” là châm ngôn của người kiêu ngạo. Kiêu ngạo là đầu mối của các tội khác.
Chữa trị: Tinh thần hài hước! Cười chính mình, cười các lỗi lầm của mình, cuối các quá độ của mình. Trau dồi lòng khiêm nhường chân thật, nhận thức mình luôn lệ thuộc vào Chúa và vào người khác.
2) Hà tiện
Triệu chứng: Đánh mất tự do khi chiếm hữu của cải và tiền bạc. Muốn có, và lúc nào cũng muốn có nhiều hơn, cho đến khi không còn biết phải làm gì với nó, và làm bằng mọi giá, bạo lực, phản bội, kể cả ăn cắp. “Luôn luôn thêm!” là châm ngôn của người hà tiện.
Chữa trị: Mở lòng ra với thế giới chung quanh và nhất là với những người nghèo nhất. Chia sẻ, cho đi. Khuyến khích sự tin tưởng vào ngày mai, phó thác mình trong bàn tay Chúa.
3) Dâm dục
Triệu chứng: Rối loạn trong quan hệ với cơ thể của mình và với người khác. Chỉ có lạc thú cho riêng mình mới quan trọng, trong khi cần phải chia sẻ một tình dục triển nở. Tình dục không phải là chuyện xấu, nó dự vào hành động sáng tạo và tăng trưởng của tình yêu, và đừng lẫn lộn với dâm dục. “Lạc thú của tôi trên hết!” là châm ngôn của người đồi bại về tình dục.
Chữa trị: Khiết tịnh. Có nghĩa là cân nhắc đúng đắn cơ thể mình và cơ thể người khác, nhớ rằng lạc thú của cơ thể không có ý nghĩa nếu nó không liên kết với quả tim.
4) Giận dữ
Triệu chứng: Tật xấu phá hủy mọi ngăn chặn để làm tổn thương người khác, không tự chủ, không kiềm chế bản thân. Đôi khi nó trào ra bằng bạo lực. Nó không chấp nhận bất cứ một kháng cự nào. “Tôi có lý!” là châm ngôn của người tức giận.
Chữa trị: Từ độ cao lùi lại một bước. Học kiên nhẫn, từ bỏ khao khát cầu toàn và làm hòa với quá khứ của mình bằng cách tha thứ.
5) Tham ăn
Triệu chứng: Vấn đề ở đây là trong chừng mực, phải biết các rối loạn nào dẫn đến chứng cuồng ăn hoặc chán ăn. “Sống để ăn!” là châm ngôn của người tham ăn.
Chữa trị: Tự chủ, cố gắng ăn chay. Lắng nghe cơ thể của mình, để ý đến nhu cầu cần thiết để sống của mình.
6) Ghen ghét
Triệu chứng: Tật xấu có họ hàng với tham lam, ghen ghét là nói đến con người, tham lam là nói đến của cải. Cả hai đều đưa đến việc không có khả năng bằng lòng và vui hưởng. Người ghen tương không những chỉ muốn mình được yêu mà còn muốn mình là người được yêu nhất. Để được như vậy, đối với họ, mọi phương tiện đều tốt! “Không có ai ngoài tôi!” là châm ngôn của người ghen tương.
Chữa trị: Nhận thức giới hạn cũng như đức tính của mình. Không được so sánh. Học để cùng vui với điều tốt đẹp người khác làm, với của cải người khác có.
7) Lười biếng
Triệu chứng: Lười biếng là hai thái quá của hành động. Trước hết là thiếu sáng kiến, từ chối trách nhiệm và phục vụ. Sau đó là nghịch lý, buông mình theo tất cả xung năng của mình, từ chối kiên trì. Tính hay thay đổi là anh em họ với tính lười biếng. Nó làm cho người lười biếng không “ở lâu” cầu nguyện, không dấn thân lâu dài, không có quan hệ với ai lâu dài. “Tôi không thích!” là châm ngôn của người lười biếng.
Chữa trị: Không làm những chuyện chỉ vì “thích”, giữ vững mục đích, bám trụ, đừng để sự việc quyết định giùm cho mình. Phải dấn thân!
Marta An Nguyễn chuyển ngữ