Linh mục Nnamdi Moneme OMV
WHĐ - Giữa cơn hấp hối trên thập giá, Chúa Giêsu đã thốt ra những lời nguyện đầy thống khổ hướng về Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Tội lỗi nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại – tội giết Con Thiên Chúa làm người – là một tội xuất phát từ hành động vì thiếu hiểu biết. Những kẻ kết án Chúa Giêsu, kể cả Do Thái và Dân ngoại, đều không nhận biết về rất nhiều điều như: những hệ quả nghiêm trọng của hành vi kinh khủng của họ; tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho nhân loại; chương trình của Thiên Chúa để cứu độ nhân loại thông qua cái chết của Con Một Ngài; và trên tất cả, đó là căn tính đích thực của Đấng đang bị treo trên thập giá.
Thánh Phêrô nhắc cho những thính giả Do Thái của mình biết rằng chính họ là những kẻ đồng lõa với Dân ngoại trong việc kết án Chúa Giêsu Kitô bởi vì họ đã không biết Người là Đấng nào, “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em” (Cv 3:17). Trong sự thiếu hiểu biết của mình, họ đã không nhận ra Chúa Giêsu đang ở giữa họ chính là Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Họ cũng ngu muội “chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính” và xử tử “Đấng khơi nguồn sự sống”. Sự thiếu hiểu biết trầm trọng này chính là lầm lỗi của họ! Đáng buồn thay, bởi vì ngày nay chúng ta cũng không hiểu biết đủ về Chúa Giêsu và quyền năng ân sủng của Người nên chúng ta cũng phạm tội một cách nặng nề và vô vọng.
Bằng việc nâng Con Một của mình trỗi dậy từ cõi chết, Thiên Chúa đáp lại lời nguyện trong cơn hấp hối của Chúa Giêsu đồng thời tha thứ cho nhân loại vì tội không hay biết gì về Con Thiên Chúa. Hơn nữa, cũng nhờ vào sự Phục sinh, Thiên Chúa đã đặt dấu chấm hết cho thời đại vô tri của con người về Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô. Lễ Phục sinh đã mở ra một thời kỳ để chúng ta biết Chúa và mang Chúa đến cho nhiều người được biết. Chúng ta cũng nên lặp lại tâm tình của Thánh Phêrô, “nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết; về điều này, chúng tôi xin làm chứng”(Cv 3:15).
Sự hiểu biết về Chúa Kitô Phục sinh bắt đầu bằng sự thống hối tội lỗi của chúng ta, “vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em”(Cv 3:19). Sự Phục sinh mở ra thời gian cho sự sám hối chân thành sẽ dẫn dắt để chúng ta nhận biết, yêu mến và vâng phục Chúa Kitô cách trung thành hơn, cũng như làm chứng cho Người trong thế giới hôm nay.
Chúa Kitô Phục sinh tiếp tục đồng hành với các môn đệ bất trung của Người đến Giêrusalem bởi vì Người muốn họ hiểu biết nhiều hơn về Người. Người không hề hài lòng với việc chỉ tỏ hiện thoáng qua cho hai môn đệ trong lúc bẻ bánh tại Emmaus. Người theo họ đến Giêrusalem và làm nhiều điều cốt để khiến họ biết thêm về Người. Người chuyện trò với họ và yêu cầu họ đụng chạm đến mình để họ yên tâm rằng Người đang thực sự hiện diện cùng họ, “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24:39-40). Thậm chí, Người còn ăn cá nướng trước mặt các môn đệ để đảm bảo với họ rằng Đấng bị đóng đinh trên thập giá đang hiện diện rõ ràng trước mắt họ.
Chúa Kitô Phục sinh thực hiện tất cả những điều đó để chúng ta biết Người nhiều hơn, cũng như kinh qua quyền năng Phục sinh của Người trong đời sống và trở nên nhân chứng cho Người, “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (Lc 24:47-48)
Tuy vậy, một câu hỏi được đặt ra, chúng ta có đang thực sự biết Chúa Giêsu nhiều hơn? Có vài dấu hiệu chỉ ra rằng chúng ta thiếu đi sự hiểu biết về Chúa Giêsu mặc cho Người đã làm nhiều điều để khiến chúng ta biết về Người hơn.
Trước hết, khi chúng ta không biết Chúa Giêsu cách đúng đắn, tâm hồn chúng ta dễ rơi vào tình trạng băn khoăn, lo lắng. Người hỏi các môn đệ rằng: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?”(Lc 24:38) Khi không hiểu biết đủ về Chúa Giêsu, chúng ta dễ dàng bị lấn át bởi những băn khoăn và lo lắng trong đời sống. Chỉ có sự hiểu biết đích thực về Chúa Giêsu mới mang đến bình an cho những tâm hồn hay lo sợ của chúng ta.
Thứ hai, khi chúng ta không biết đủ về Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cố gắng che đậy tội lỗi của mình một cách vô vọng hoặc giả vờ như chúng ta không lỗi phạm đến chúng. Việc không biết Chúa Kitô cũng khiến chúng ta gặp khó khăn khi tha thứ cho chính mình và tha nhân. Thánh Gioan cho rằng, “nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2:1-2). Người cứu chuộc tội lỗi chúng ta và ban muôn ơn lành để chúng ta có một khởi đầu lại, cũng như tiếp tục tuân giữ các giới răn của Người và vượt qua tội lỗi.
Thứ ba, khi chúng ta không hiểu biết về Chúa Giêsu và quyền năng ân sủng của Người, chúng ta lạc mất niềm cậy trông vào việc tuân giữ các giới răn của Chúa và chịu thất bại vô vọng trong tội lỗi. Thánh Gioan đã nói. “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người , ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy” (1Ga 2: 3-4). Việc hiểu biết Chúa Giêsu cách mật thiết thôi thúc chúng ta vâng nghe Lời Người và đẩy lùi tất cả tội lỗi ra khỏi tình yêu dành cho Chúa, “Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo”(1Ga 2:5).
Các bạn thân mến trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy cùng tiến vào mùa Phục sinh năm nay với một niềm xác tín rằng thời gian cho sự thiếu hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô đã chấm dứt. Đây là thời gian để biết Người và làm cho Người được nhiều người biết đến. Có rất nhiều cách thế để chúng ta có thể gia tăng sự hiểu biết về Người.
Chúng ta bắt đầu hiểu biết Người nhiều hơn qua một sự thống hối đích thực và chân thành. Không ăn năn tội khiến chúng ta trở nên mù lòa trước sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Chúng ta tự lên án một đời sống thiếu hiểu biết về Chúa Giêsu khi chúng ta cố gắng biện hộ cho tội lỗi của mình hoặc gọi những điều xấu xa là tốt lành.
Nhờ vào việc dành thời gian đọc Kinh Thánh, chúng ta đào sâu sự hiểu biết về Người. Hãy suy niệm Lời Chúa và ý thức sự hiện diện miên trường của Người ở giữa chúng ta. Điều này giúp cho Chúa Giêsu có thể “mở trí cho chúng ta hiểu Kinh Thánh”(Lc 25:45). Như thánh Giêrônimô nói, “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.
Chúng ta biết Chúa Giêsu hơn khi chúng ta để tình yêu của Người tiến vào và ngự trị mãi mãi trong trái tim chúng ta. Tình yêu ấy cũng chính là ánh sáng giúp chúng ta thấy được Chúa Giêsu đang hiện diện và hoạt động trong mọi biến cố của đời sống chúng ta. Một khi còn nghi ngờ tình yêu của Chúa Giêsu dù với bất cứ lý do nào, thì khi ấy chúng ta không thể biết đủ tốt về Chúa.
Chúng ta thăng tiến sự hiểu biết mật thiết về Chúa Giêsu bằng cách làm theo Lời Chúa và thi hành thánh ý Người. Chính Chúa Giêsu đã đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta sẽ liên kết mật thiết với Người nhờ vào lòng trung thành với thánh ý của Chúa Cha, “phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”(Mt 12:50).
Chúng ta hiểu biết Chúa Kitô hơn khi chúng ta để cho Người đụng chạm đến chính mình trong bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa Giải. Người mời gọi chúng ta đến với kinh nghiệm được khai sáng về sự hiện diện đầy yêu thương của Người ở giữa chúng ta qua lời nói, “Hãy chạm Ta và hãy xem”.
Chúng ta càng biết nhiều về Đấng cứu độ, chúng ta càng nỗ lực trở nên giống Người hơn trong thế giới này. Việc sống như một chứng tá của Chúa Kitô và chối từ tuân theo thế gian chuẩn bị cho chúng ta một sự hiểu biết đủ đầy về Chúa Kitô Phục sinh, Đấng luôn đồng hành cùng chúng ta. Hai môn đệ trên đường Emmaus biết Chúa nhiều hơn bởi họ đã trở lại Giêrusalem và làm chứng cho Người, “các ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”. (Lc 24:35)
Cuối cùng, chúng ta không thể biết Chúa Giêsu cách mật thiết nếu không có một tình yêu sâu thẳm dành cho người biết và yêu mến Chúa Giêsu nhất – đó là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Việc yêu mến Đức Mẹ cho phép chúng ta cũng yêu mến Chúa Giêsu với một tình yêu nồng nàn của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội. Theo cách này, chúng ta chia sẻ sự hiểu biết đầy yêu thương của Đức Mẹ về Chúa Giêsu, đây là đã dẫn Mẹ lên đồi Calvê với tư cách là một chứng tá can đảm của tình yêu thiêng liêng chiến thắng tội lỗi, sự chết và ma quỷ. Không hề có một chút xíu sự vô tri nào về Chúa Giêsu trong trái tim Mẹ Maria.
Ngày nay, Chúa Kitô Phục sinh vẫn đang đi đến với mỗi người chúng ta để chạm chúng ta trong bí tích Thánh Thể, nhờ đó, chúng ta có thể biết Người nhiều hơn. Đã không còn thời gian cho sự vô tri về Chúa Kitô. Đây là thời điểm để biết Chúa và làm cho Người được mọi người hiểu biết nhiều hơn. Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể hy vọng thắng vượt được tội lỗi, cùng tuân giữ các giới răn của Người và đảm bảo cho tâm hồn mình sẽ không bao giờ ở trong tình trạng băn khoăn lo lắng.
Vinh danh Chúa Giêsu! Tôn vinh Mẹ Maria!
Quang Sáng
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (20.4.2021)
WHĐ (17.4.2022)