Ronald Rolheiser,
Đặc tính giáo phái ăn sâu trong tôi. Sinh ra, được rửa tội và được nuôi dạy theo truyền thống công giáo la-mã, đạo đã thành bản tính thứ hai của tôi, như con dấu đã đóng lên tôi. Tôi không có gì hối tiếc về việc giữ chặt bẩm tại của Công giáo La-mã trên tôi, dù tôi nghĩ về đạo như nền tảng hơn là đích để đến trên hành trình đức tin.
Đạo Công giáo La-mã tôi được nuôi dạy đã đưa tôi vào mầu nhiệm Chúa Kitô: Chúa Giêsu, hội thánh, các bí tích, Bài giảng trên núi. Tôi quá đỗi biết ơn vì điều này. Đạo còn dạy tôi đừng nóng vội phán xét. Tuy nhiên, đạo công giáo lại dạy tôi chỉ có người Công giáo La-mã (và một ít ỏi người tin lành) được lên thiên đàng, rằng chỉ Phép Thánh Thể của Công giáo La-mã mới đem lại “sự hiện diện thực sự” trọn vẹn, và chỉ công giáo la-mã mới là con đường đích thực của người tín hữu kitô. Hơn nữa, những người không theo kitô giáo (những người không rửa tội) thì không được lên thiên đàng, trừ những ngoại lệ do ân sủng. Chỉ sau này, tôi mới biết một số các giao phái kitô khác và thế giới tôn giáo cũng đáp trả như thế, họ xem đạo Công giáo La-mã là lầm lạc.
Với tôi và với nhiều người, mọi chuyện đã có thay đổi. Tôi vẫn là người Công giáo La-mã vững tin, nhưng bây giờ tôi sống đức tin và sống đạo trong sự tương giao với các tín hữu anh giáo, tân giáo, tin lành, phái phúc âm, do thái giáo và hồi giáo, tất cả đều là bạn đồng hành đức tin đáng trân quý của tôi. Đến giai đoạn này trong đời, tôi trân trọng sâu sắc chân lý (vốn được xác nhận trong thư gửi tín hữu Êphêsô) rằng xét tận cùng, chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa và một Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, nhất là tôi ngày càng nhận thức rằng tất cả chúng ta cùng chia sẻ một Thiên Chúa thì cũng cùng chia sẻ những khắc khoải như nhau.
Vài năm trước, tôi gặp một nhóm sinh viên thần học ở Đại học Yale. Họ xuất thân từ những cơ sở và giáo phái kitô giáo khác nhau, nhưng họ đều có một mục đích chung, tất cả đều được đào tạo để làm một mục vụ nào đó, dù là giáo dân hay giáo sĩ, trong giáo phái của mình. Trong một thảo luận mở, họ đặt nhiều câu hỏi với tôi. Trong đó, có hai câu nổi bật nhất. Câu đầu tiên rất thực tế: “Làm sao để có được công việc trong giáo hội?” Câu hỏi thứ hai liên quan đến chủ đề chúng ta đang nói đến. Nhiều sinh viên hỏi: “Con có thể theo nhiều giáo phái cùng lúc không? Con có thể vừa theo anh giáo vừa theo Công giáo La-mã được không? Nếu con trân trọng những khía cạnh trong cả ba truyền thống tôn giáo tin lành, phái phúc âm và Công giáo La-mã, con có thể theo cả ba được không?”
Tôi không có câu trả lời vững chắc, và những câu hỏi của họ làm tôi phải tự vấn về những điều tôi gặp hằng ngày ở trường đại học nơi tôi dạy. Trường Thần học Dòng Hiến sĩ có chương trình tiến sĩ về linh đạo thu hút nhiều sinh viên từ nhiều giáo phái kitô khác nhau. Các sinh viên này gặp nhau trong một lớp, ăn cùng một phòng ăn, và kết giao với nhau trong nhiều năm học ở đây, ở một cơ sở Công giáo La-mã. Rất nhanh, chỉ cần vài tháng chứ không cần phải vài năm, khi họ nghiên cứu, cầu nguyện, giao tiếp và chia sẻ với nhau những lý tưởng và đấu tranh chung, các vấn đề giáo phái về căn bản đã biến mất. Chẳng ai quan tâm người kia thuộc về giáo phái nào nữa. Không phải họ xem nhẹ chuyện đó, hay những đặc tính giáo phái khác nhau đã tan rã. Không phải thế. Ngược lại thì có, trong mười năm tổ chức chương trình này, không một sinh viên nào cải đạo sang giáo phái khác.
Tuy nhiên, quan điểm của họ về các giáo phái khác và về giáo phái của mình đã thay đổi, về bản chất là được mở rộng. Có một sự tôn trọng chung cho mỗi giáo phái, và không chỉ có thế. Khi các sinh viên tập trung vào linh đạo, họ thấy rằng nó có thể đưa họ đến một mức độ mà mỗi người có thể hỗ trợ hiệu quả cho các giáo phái khác trong khi vẫn trân trọng sâu sắc giáo phái của mình.
Bài học sâu sắc trong chuyện này là: có một sự thông công và sự mật thiết trong đức tin mà chúng ta có thể có với nhau, có một sự nâng đỡ hiệu quả chúng ta có thể trao cho nhau bất chấp những khác biệt về giáo phái. Khi cùng nhau nghiên cứu và chia sẻ một đức tin chung (một đức tin vượt trên những khác biệt giáo phái), chúng ta nhận ra điểm chung của mình lớn hơn và quan trọng hơn hẳn những gì chia rẽ chúng ta. Chúng ta còn nhận ra mình mang những khắc khoải như nhau.
Hơn nữa, đây không chỉ là một trải nghiệm hiếm hoi chỉ có ở trường thần học. Mà càng ngày càng được trải nghiệm chung giữa các kitô hữu.
Tại sao cứ tiếp tục nghi ngờ nhau? Tại sao chúng ta phòng thủ bảo vệ đặc thù của giáo phái mình thay vì chủ động vươn đến để đến với các giáo phái khác trong một đức tin chung, nhất là khi có thể làm được thế mà không đe dọa giáo phái của mình và tách rời khỏi giáo hội học?
Điều chúng ta được mời gọi ở đây là đừng hướng đến một thuyết hổ lốn thiếu phê phán, tự bịt mắt không muốn thấy những khác biệt về giáo phái, nhưng đúng hơn là hãy bắt đầu ngày càng đón nhận những anh chị em chúng ta trong đức tin, chứ không chỉ đón nhận những người cùng giáo phái với mình.
J.B. Thái Hòa dịch