Pieter de Grebber, Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy, Budapest, Szépmüveszeti Múzeum

 

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy chỉ có thánh sử Luca thuật lại. Có ít họa sĩ chú ý diễn tả lại trên hội họa về dụ ngônnày. Pieter de Grebber (1600-1652), người Hà Lan, là một trong số ít họa sĩ người Công Giáo vẽ bức tranh về dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy (Lc 18,1-8).

 

Bức tranh được vẽ vào năm 1628 và hiện được trưng bày trong một viện bảo tàng ở thủ đô Budapest, Hungary – Szépmüveszeti Múzeum.

 

Nhìn ngắm bức tranh lần đầu, ta thấy họa sĩ phối với hai màu sáng tối cách hài hòa, nhẹ nhàng và thanh thoát, theo kiểu của họa sĩ Caravaggio. Nét hội họa các nhân vật trong tranh mang sắc thái tự nhiên và mạnh mẽ, diễn tả sống động dụ ngôn Luca viết lại.

 

Tuy nhiên câu chuyện về dụ ngôn này như thế nào?

 

Luca bắt đầu như sau: “Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

Chúa dạy các môn đệ phải cầu nguyện không ngừng và không được nản chí. Nhất là khi gặp thử thách và gian nan hoặc rơi vào trong đau khổ và lo sợ, thì càng phải kiên trì cầu nguyện. Nói khác đi, trong mọi tình huống, bất kể hoàn cảnh thế nào, người tín hữu và con cái Chúa luôn phải cầu nguyện.

Trên bức tranh phía bên trái, họa sĩ diễn tả sống động dung mạo của quan tòa bất chính.

Quan toà bất chính là người có quyền và tự phụ, thích nhàn hạ và thoải mái cho bản thân, không muốn bị quấy rầy.

Dù là người bất chính và xấu xa như thế, nhưng ông ta có nhượng bộ cho người phụ nữ góa bụa đang kêu cứu không?

Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. Lời cầu cứu khẩn thiết của người phụ nữ người cô thế cô thân và đang bị hãm hại.

Bà bị người khác hại và bà xin được bênh vực, bà xin lẽ công bằng, bà không xin quan toà trừng phạt người hại bà. Lời kêu cầu vang lên luôn mãi, dù cho hồi đáp có đến ngay hay cần phải đợi chờ. Kêu xin cách kiên nhẫn, không nản chí, không bỏ cuộc chính là điều bà ôm ấp trong lòng. Thật vậy, bà không còn chỗ nào dựa nữa, bà chỉ còn biết gõ cửa đúng nơi đúng chỗ, để mong được bênh vực.

 

Vì thế, không chỉ một lần mà rất nhiều lần bà đã đến gõ cánh cửa “công lý”, gõ cánh cửa trái tim của quan tòa bất chính.

Cuối cùng thì quan tòa bất chính kia cũng phải chào thua. Ông nhượng bộ, dù trong lòng ông chẳng muốn. Luca viết như sau: “Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”.

Phía bên trái bức tranh là hình ảnh ông quan tòa đang đứng đàng sau tầm màn đang được mở rộng ra. “Màn mở rộng” là dấu hiệu “tòa án công lý” được mở, quan tòa bất chính đã phải nhượng bộ lời cầu xin kiên trì của người phụ nữ góa. Quan tòa với bộ râu dài, vầng trán cao, đôi mắt mở to đang nhìn đến người phụ nữ, đôi môi mở ra như là đang đáp lời người phụ nữ là ông sẽ minh xét cho chị,  dù trong lòng ông không muốn. Toàn bộ khuôn mặt của ông có màu sáng làm nền cho người phụ nữ tỏa sáng. Ngoài ra, mái tóc tương đối dài nhưng được cắt tỉa cẩn thận và hòa với màu áo tối để làm nổi bật hơn nữa màu sáng tỏa ra từ người phụ nữ. Tay phải ông đang cầm cuốn sách. Có lẽ đó là cuốn sách luật lệ và tay trái với ngón trỏ đang chỉ vào cuốn sách được mở ra. Tất cả những cử chỉ và thái độ của ông quan tòa diễn tả sự nhượng bộ và sẵn sàng minh xét cho người phụ nữ góa bụa kêu xin: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.

Nhìn đến người phụ nữ góa trong bức tranh, ta thấy họa sĩ “đội” cho bà một chiếc khăn voan màu đen mỏng. Khăn không chỉ được đội trên đầu, mà còn phủ dài xuống hai vai, che hầu như toàn thân người. Tấm khăn voan màu đen diễn tả thân phận góa phụ của bà. Bà mặc chiếc áo trắng diễn tả sự trong sạch và vô tội của bà trong cuộc minh xét do quan tòa thi hành.

 

Ngắm nhìn dung nhan người phụ nữ góa, ta nhận ra họa sĩ đã diễn tả bà là người phụ nữ trẻ trung. Đôi tay hồng hào của bà đang cầm chắc một cuốn sách trên đùi, và sách chỉ mở ra nhẹ và úp xuống phía dưới. Đó là tư thế diễn tả bà đang chờ đợi quan tòa cần phải minh xét cho minh bạch sự vô tội và trong sạch của bà. Khuôn mặt trẻ trung của bà tỏ lộ sự bình tĩnh, cương nghị và mạnh mẽ. Bà không tỏ lộ niềm vui ra ngoài quá nhiều, khi được quan tòa bất chính nhượng bộ và đón tiếp cùng minh xét cho bà. Đôi mắt bà hướng nhẹ về phía quan tòa. Đôi tai mở ra để lắng nghe lời minh xét. Đôi môi đóng lại trong thinh lặng để nhường lời cho quan tòa.

 

Tất cả những nét trên khuôn mặt của người phụ nữ góa diễn tả sự kiên trì, niềm hy vọng chắc chắn của bà, là quan tòa dù bất chính sẽ minh xét công bằng cho bà, một người vô tội bị hại.

Cuối cùng, người phụ nữ góa, một kẻ yếu đuối, vô tội và đang bị hại sẽ chiến thắng đối phương. Hơn nữa, sự kiên nhẫn không nản chí và không buông xuôi đã giúp bà đạt được điều bà ao ước, đã chiến thắng được kẻ mạnh là chính quan toà bất chính ươn lười, chỉ thích nhàn hạ, không kính sợ Thiên Chúa và chẳng vị nể ai cả.

Như thế, qua bức tranh của Grebber, ta nhận ra việc kêu nài của bà goá cuối cùng được chính quan toà bất chính đón nhận, dù ông ta chỉ muốn làm cho xong và “không muốn bị quấy rầy” nữa, nêu lên một sứ điệp sâu xa: Việc cầu nguyện phải được thực hiện liên tục với sự kiên nhẫn, bền chí và không bỏ cuộc.

 

Tuy nhiên, cũng cần ý thức trong cầu nguyện, là điều chúng ta xin cần phải tương hợp với thánh ý của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Thánh Edith Stein có nói: “Chúng ta sẽ nhận được từ Thiên Chúa mọi điều Chúng ta cầu xin, nếu chúng ta xin những điều tương hợp với thánh ý Chúa. Nếu chúng ta chỉ đi tìm lợi ích của riêng mình, thì lời cầu xin của chúng ta trở thành vô ích”.

 

Tóm lại, cầu nguyện và lòng tin luôn đi đôi với nhau. Lòng tin sẽ giúp và nâng đỡ cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ làm cho lòng tin được tăng triển hơn. Bền bỉ cầu nguyện là sống Đức Tin cách vững vàng và không thất vọng. Chúng ta cũng nhớ lại Lời Chúa nhắc nhớ:

 

“Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi” (Mt 24,13)

“Tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

 

Cuối cùng chúng ta dâng lên Chúa tâm tình đơn sơ xin ơn kiên trì cầu nguyện:

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất:

Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.

Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.

(Gợi hứng từ Madeleine Delbrel, trong 20 lời nguyện của bản trẻ Việt Nam).

 

 

  • Tham khảo:
  • Pierre Cardon de Lichtbuer SJ., Các dụ ngôn về Nước Trời.
  • Wolfgang Vogl. Meisterwerke der christlichen Kunst. Lesejahr C.