Lm. Nnamdi Moneme, OMV

 

WHĐ (15.11.2022) - Vào những ngày cuối năm Phụng vụ, Giáo hội nhắc nhớ tín hữu về sự tái lâm của Đức Kitô. Liệu điều này có ý nghĩa gì?

Trên thực tế, lời tuyên xưng về niềm tin vào sự trở lại của Đức Kitô: “Chúa sắp đến rồi! chắc chắn khiến nhiều người, một đàng, cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thậm chí, dửng dưng, vì chờ đợi, đã hơn 2000 năm trôi qua, mà Người vẫn chưa tái xuất! Đàng khác, lời hứa này có thể gieo rắc nỗi sợ hãi, hoặc cảm giác hối tiếc về quá khứ đối với những người thấy mình chưa sẵn sàng để đối diện với Đức Kitô.

Mẹ Giáo hội không muốn con cái của mình có bất kỳ phản ứng tiêu cực nào như vậy đối với sự trở lại vinh quang của Đức Kitô. Trái lại, Giáo hội muốn chúng ta chuẩn bị chu đáo để có thể đón gặp Người với niềm vui, bình an, và hạnh phúc sâu sa.

Chúa Giêsu dạy rằng để sẵn sàng đón gặp Người trong niềm hân hoan, chúng ta phải kiên trì làm chứng cho Người ngay trong thế giới này. Đức Giêsu cho thấy rằng những bi kịch của con người và thiên nhiên chẳng hạn như: dối trá, chiến tranh, thiên tai, bách hại,… đều là lời mời gọi và chuẩn bị chúng ta trở thành chứng nhân trung thành của Người. Thật thế, những bi kịch không chỉ là dấu chỉ của sự kết thúc, mà còn là “cơ hội để các con làm chứng cho Thầy” (Lc 21, 13) ngay trong thế giới hỗn loạn và gian ác này.

Đức Giêsu đảm bảo rằng Ngài chắc chắn sẽ cung cấp tất cả những gì chúng ta cần miễn là chúng ta có ý định trung thành làm chứng cho Ngài mọi lúc, “chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc 21, 16). Chúng ta sẽ chiến thắng sự hỗn loạn nghiêm trọng và thời kỳ cuối cùng chỉ khi chúng ta không ngừng làm chứng cho Ngài, "Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình" (c. 19)

Trở thành chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô có nghĩa là nhận biết, yêu mến và đi theo Đức Giêsu cũng như trung thành giữ giáo huấn của Người. Một cách cụ thể, trong bất cứ hoàn cảnh nào, và bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng truyền cảm hứng và giúp người khác nhận biết, yêu mến và trung thành bước theo theo Đức Giêsu. Nói cách khác, bằng lời nói và hành động, chúng ta không chỉ cố gắng trở thành những người tốt mà còn là những người giống như Đức Kitô, những người làm cho Đức Kitô và giáo huấn của Người hiện diện và ban sự sống trong thế giới của chúng ta. Nói tóm lại, trở thành chứng nhân là nên giống như Thánh Gioan Tẩy Giả, người mà toàn bộ cuộc đời và sứ mạng là một lời chứng cho Chúa Giêsu Kitô. “Gioan đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1, 7).

Để chúng ta kiên trì làm chứng cho Chúa Giêsu cho đến cùng, chúng ta cần ý thức về ba chữ D, có khả năng thách đố và thậm chí có thể phá hủy chứng tá của chúng ta.

  1. Sựsao lãng (Distraction)

Chúng ta không được để bất cứ điều gì khiến chúng ta sao lãng việc bước theo Chúa Giêsu Kitô một cách chặt chẽ hơn. Trong bài Tin Mừng của Thánh Luca, Chúa Giêsu thậm chí không cho phép các môn đệ bị phân tâm bởi sự hùng vĩ của Đền thờ mà họ đang trầm trồ chiêm ngưỡng: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào" (Lc 21, 6). Chính bản thân Đức Giêsu “còn lớn hơn Ðền Thờ nữa” (Mt 12, 6). Thật thế, chỉ mình Đức Giêsu có quyền đòi chúng ta sự tập trung, chú ý, và ngưỡng mộ cách trọn vẹn và liên tục.

Chúng ta phải tập trung vào duy một mình Đức Giêsu và ý muốn của Ngài qua các bổn phận và tình trạng cuộc sống thường ngày của chúng ta. Thánh Phaolô cảnh báo về việc trở nên lười biếng và hỗn loạn trong khi chờ đợi Đức Giêsu trở lại, đến độ sao nhãng phận vụ của mình, "chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân" (2Tx 3, 12).

Những lời của Đức Giêsu phải hướng dẫn hành vi, giúp chúng ta chu toàn bổn phận, và trung thành giữ các cam kết của mình.

  1. Sựlừa dối (Deception)

Chúng ta không để mình bị lừa dối trong đời sống đức tin và luân lý. Đây là điều đầu tiên Chúa Giêsu nói với các môn đệ như là chứng nhân của Người, “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ” (21, 8).

Những Kitô giả ngày nay là những người nói với chúng ta rằng:

- chúng ta không cần phải hy sinh hay chịu đựng bất cứ điều gì để theo Đức Giêsu;

- chúng ta không cần phải giữ đức khiết tịnh mà hãy tận hưởng mọi đam mê không có giới hạn;

- chẳng có sự khác biệt sự khác biệt nào giữa ý định không thay đổi của Thiên Chúa về hôn nhân giữa nam và nữ và điều mà  trào lưu văn hóa ngày  gọi là "sự kết hợp đồng tính";

- chẳng có sự khác biệt nào giữa việc tàn sát thai nhi trong bụng mẹ và biến đổi khí hậu;

- chúng ta cần phải suy nghĩ lại tất cả những gì chúng ta tin bởi vì Giáo hội phải trở nên dung nạp hơn ngay cả khi điều đó đi ngược lại với Kinh Thánh và Truyền thống.

Bất kể những Kitô giả này có thể là ai, ở vị trí cao như thế nào, họ chẳng đáng gì ngoài việc bị chúng ta phớt lờ và tránh né như bệnh dịch. Chúng ta không thể là chứng nhân trung thành của Đức Giêsu nếu chúng ta tin vào những lời xuyên tạc sự thật cách độc hại của họ. Hãy nhớ rằng, “Một chút men làm cả khối bột dậy men” (Gl 5, 9). Chỉ một lời nói dối có thể phá hủy chứng tá của chúng ta đối với Đức Kitô.

  1. Sựngã lòng (Discouragement)

Chúng ta không được ngã lòng trước bất cứ điều gì mà chúng ta phải đối diện với tư cách là chứng nhân của Đức Giêsu.

Thật dễ nản lòng khi không thấy việc chúng ta làm chứng cho Đức Giêsu sinh hoa trái, hoặc cảm thấy thiếu sự hỗ trợ từ người khác. Thậm chí, chúng ta có thể cảm thấy chán nản vì những cuộc đấu tranh nội tâm khiến chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng để là chứng nhân của Đức Kitô.

Ngoài ra, Đức Giêsu thậm chí còn liệt kê một loạt những điều có thể khiến chúng ta ngã lòng khi chờ đợi sự trở lại vinh quang của Người: chiến tranh; xung đột; thiên tai; những tín hữu chân chính bị bách hại, bị ghét bỏ, và bị phản bội bởi những người thân yêu, và sự thù hận của người khác.

Trước những thách đố này, chúng ta không ngã lòng vì Đấng mà chúng ta làm chứng đang ở với chúng ta. Người nhìn thấy tất cả những gì chúng ta đang trải qua, và Người đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bị hủy diệt, "Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu" (c. 17). Nhờ sự hiện diện thường xuyên của Đức Giêsu, chúng ta có thể làm chứng cho Người ngay cả khi đang có quá nhiều điều khiến chúng ta bị sao nhãng, bị lừa dối, và bị ngã lòng.

Chúa Giêsu Kitô là chứng nhân trung thành của Chúa Cha nên chính Người cũng làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân trung thành trong thế giới tối tăm và đau thương này. Đức Giêsu có thể không ban cho chúng ta quyền năng để né tránh hoặc vượt thắng mọi vấn đề nhưng Người chắc chắn ban nguồn sức mạnh, qua Bí tích Thánh Thể, để chúng ta làm chứng cho Người,

Chỉ những chứng nhân đích thực của Đức Giêsu Kitô mới đón tiếp Người với niềm hân hoan vui mừng khi Người trở lại.

Nhờ ân sủng tuyệt vời mỗi khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, xin cho chúng ta trở nên và luôn là những chứng nhân trung thành của Đức Giêsu từng ngày, trong suốt hành trình cuộc đời.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (14. 11. 2022)