Sr. Maria Trần Vân

 

Ngày xưa, có một người ăn xin đến gặp vị vua của cùng đất Indrapstha (Ấn Độ cổ đại), tên là Yudhisthira, cầu xin được giúp đỡ. Vua Yudhisthira đang bận nên bảo người ăn xin rằng “ngày mai hãy đến”.
Nghe thấy vậy, người ăn xin đành lầm lũi bỏ đi.
Ngay sau đó, Bheema, em trai của vua Yudhisthira đã cầm một chiếc trống lớn và đánh trống một cách điên cuồng. Với mỗi một lần gõ, anh lại bước một bước về phía trước.
Vua Yudhisthira chứng kiến cảnh này lấy làm ngạc nhiên lắm, nên đã đi tới hỏi Bheema nguyên do. Bheema đáp lại: “Anh trai, em vừa phát hiện ra anh là một nhà tiên tri, nên em muốn nói cho cả vương quốc biết về chuyện này.”
Vua Yudhisthira vô cùng sửng sốt trước câu trả lời, ông nhìn cậu em trai một cách hồ nghi và hỏi lại: “ý em là gì?”
Bheema mỉm cười, đáp lời: “Chẳng phải anh vừa bảo người ăn xin ngày mai hãy quay lại hay sao? Làm sao anh biết ngày mai anh ta vẫn còn sống? Làm sao anh biết ngày mai anh vẫn ở đây? Mà cho dù cả hai ngưỡi vẫn còn sống đi, làm sao anh dám chắc được rằng anh vẫn còn ở vị thế có thể ban phát thứ gì đó cho anh ta? Anh làm sao biết anh ta có cần thứ gì đó của anh nữa hay không? Làm sao anh có thể biết hai người chắc chắn có thể gặp nhau vào ngày mai? Đó là lý do em nói anh là nhà tiên tri, và em muốn mọi người ở vương quốc này đều biết điều đó.
Đến lúc này, vua Yudhisthira mới vỡ lẽ ngụ ý đằng sau lời nói của em trai. Ông vội vàng gọi người ăn xin lúc này vẫn chưa đi xa quay lại, và cho anh ta sự trợ giúp đỡ mà anh ta cần.[1]

*************

Cách hành xử của vua Yudhisthira và câu trả lời của Bheema trong câu chuyện trên đã đánh thức con tim còn đầy vị kỷ của tôi: thì ra bấy lâu nay, một cách vô tình hay hữu ý tôi đã và đang tự biến mình thành một “tiên tri giả” mà tôi không hề hay biết.  Bước vào mùa Chay thánh trong tâm tình sám hối, trở về giúp tôi nhận ra: đã không ít lần cụm từ “ngày mai” được thốt ra từ môi miệng tôi mỗi khi tôi chưa đặt ưu tiên, chưa sẵn sàng quảng đại chia sẻ thời gian, sức khỏe, khả năng, những lời yêu thương, động viện, khích lệ… cho tha nhân khi họ cần. Quả thật, tôi đã lãng quên chân lý: duy chỉ có giây phút hiện tại là chắc chắn, để nó trôi qua một cách vô ích có thể tôi sẽ phải hối hận vì lời hứa hẹn “ngày mai” của mình, mất đi cơ hội sống tình huynh đệ và thực thi đức bác ái Kitô giáo. Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để tôi có thể sống thật đẹp, thật ý nghĩa giây phút hiện tại bằng cách thực thi đức bác ái huynh đệ chân thành với anh chị em xung quanh – những người mà Chúa đã gửi đến cho tôi ngay khi họ cần như người Samari nhân hậu trong Tin mừng theo Thánh Luca 10, 25-37: giúp đỡ người gặp nạn theo nhu cầu của người gặp nạn cần chứ không theo khả năng mình có thể[2].

Không chỉ trong tương quan với tha nhân, câu chuyện còn là lời nhắc nhớ tôi hãy vượt ra khỏi sự chần chừ, lần nữa trên hành trình huấn luyện thăng tiến bản thân, đừng để đến “ngày mai” mới sửa đổi những khiếm khuyết, những tính hư, tật xấu vì ngày mai cũng chỉ là vô định. Đừng trông chờ vào kết quả của ngày mai nếu hôm nay tôi không bắt đầu từ giây phút hiện tại.

Tạ ơn Chúa, Người đã nhắc nhở để bước vào mùa Chay thánh này tôi không đợi đến “ngày mai” mới bắt tay vào việc nỗ lực canh tân con người yếu đuối, bất toàn của mình, mới thực thi tình bác ái huynh đệ với tha nhân hay “ngày mai” mới tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống, nhưng tôi phải bắt đầu từ hôm nay, ngay giây phút hiện tại này vì tôi không muốn tiếp tục là một “tiên tri giả”, còn bạn, bạn thì sao?……….

________________________________

[1] Bộ sách: Cùng hạnh Phúc – quyển 3: Buông, tác giả: Thanh Giải, trang 22, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

[2] ĐGM Giuse Đỗ Quang Khang Giám Mục phó Giáo phận Bắc Ninh, bài giảng về dụ ngôn Người Samari nhân hậu Lc 10, 25-37 – khóa tĩnh huấn tại Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, tháng 7/2021.