Trên một diễn đàn về tôn giáo, một nhóm bạn trẻ- gen Z thảo luận việc chọn cách sống tu trì theo kiểu Việt Nam hay theo cách Châu Âu. Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi và nóng dần khi tranh biện đến việc các nhà thờ, nhà dòng bên Châu Âu phải bán bớt hoặc đóng cửa và có những giáo xứ chỉ có vài người dân tham dự thánh lễ. Bổng lễ không có, đứng trên cung thánh nhìn xuống gian nhà thờ lộng lẫy nhưng lại không có đông đủ giáo hữu, vậy có nên dấn bước vào con đường đầy gian nan và gai góc của đời sống tu trì hay không? Ơn thiên triệu như tôi biết là từ Trời, Thiên Chúa có những kế đồ lạ lùng và luôn luôn khiến tôi kinh ngạc nhưng cũng không dấu được sự xót xa khi nghe các em trẻ ấy thảo luận. Vì đâu nên nỗi?

Những bài học trong Phúc âm là tiếng vọng động về đời sống của mỗi cá nhân khi nhận lãnh ấn tích thiêng liêng. Tại thời điểm đó, chúng ta đã là con của Cha-Abba và là dân của Chúa. Trách nhiệm vương đế, tư tế và ngôn sứ không chỉ dành riêng cho giới tu trì mà còn là bổn phận của từng người con của Cha nhưng không ít mục tử giả sống nhờ đàn chiên thay vì nên sống vì đàn chiên đã tiêu diệt và làm tan rã ước muốn mãnh liệt được dấn thân, tận hiến và mục vụ của giới trẻ. Một bài vè ngắn mà các bạn trẻ ấy chia sẽ khiến tôi có rất nhiều suy nghĩ, liệu việc giảng dạy và duy trì một đời sống đạo lành mạnh trong gia đình của tôi đã đủ tốt?

“Linh mục thánh thiện, giáo dân sốt sắng.

Linh mục sốt sắng, giáo dân bình thường.

Linh mục bình thường, giáo dân tầm thường.

Linh mục tầm thường, giáo dân bỏ đạo.

Giáo dân bỏ đạo, nhà thờ đóng cửa.”

Như đã đọc trong Phúc âm, cành và lá phải tháp nhập vào thân cây nho để được sinh trưởng tốt và lúc lỉu trái ngon. Việc sống đời tận hiến là một hồng ân, thật đẹp và thật quý khi đón nhận ân sủng này. Do vậy, không có sự cộng tác những người con của Cha thì chúng ta sẽ không có một cộng đồng hợp nhất tràn đầy sự bác ái và tình yêu thương. Nước Trời không chỉ ở trên cao mà nội tại bên trong tâm hồn của mỗi người dân của Chúa.

 

Kim Pham