Cách để đối diện với nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta được trình bày rõ ràng trong Thánh Kinh.

“Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,6-7).

Ai cũng có nỗi sợ hãi, ai cũng trở nên lo lắng và ai cũng trải qua những giây phút rất căng thẳng trong cuộc sống. Ngay cả một Kitô hữu cũng không được miễn trừ khỏi những sự kiện căng thẳng hoặc những tác động mà nỗi sợ hãi và lo lắng có thể gây ra trong cuộc sống của họ. Chẳng hạn, khoa học y tế đã nói từ lâu rằng căng thẳng, sợ hãi và lo lắng rất có hại cho cơ thể vì chúng phá hủy hệ thống miễn dịch của một người. Do đó, người ta càng lo lắng về những điều mà họ thường không thể thay đổi, thì những tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ sẽ càng lớn hơn. Các sự kiện căng thẳng làm cho một người không còn tập trung vào Chúa và cũng không cậy dựa vào Người trong những hoàn cảnh khó khăn của họ. Do vậy, những gì chúng ta muốn làm là xem Lời Thiên Chúa nói gì về cách một tín hữu thực sự có thể chiến thắng cuộc chiến của họ trước nỗi sợ hãi và lo lắng.

“Lo lắng” thực sự có nghĩa là gì?

Từ ngữ “lo lắng (băn khoăn), có nghĩa là trở nên bồn chồn (không yên), bất ổn và quan tâm sâu sắc đến điều gì đó. Điều đó có nghĩa là liên tục lo lắng về điều gì đó trong thời gian lâu dài mà hầu như chúng ta không thể thay đổi. Nó đề cập đến những người dường như luôn lo lắng về tất cả mọi sự. Một điều gì đó xảy ra trong cuộc sống của họ và họ bắt đầu lo lắng về nó đến mức nó làm tiêu hao cả cuộc sống của họ vì cứ hoài suy nghĩ, lo âu. Họ không thể nghỉ ngơi vì luôn lo lắng về điều gì đó. Nó ảnh hưởng đến giấc ngủ và việc ăn uống của họ, và nỗi sợ hãi về điều tiêu cực nào đó có thể đưa đến tình trạng là nó bắt đầu điều khiển cuộc sống của họ.

Vài năm trước đây, con trai cả của tôi đang làm việc ở một nơi rất nguy hiểm trên thế giới. Con trai tôi đã di chuyển mỗi ngày trên những gì được coi là tại thời điểm đó là nguy hiểm nhất 10 dặm đường trên thế giới. Rõ ràng, đó là điều khiến gia đình chúng tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, chính trong thời gian đó, Thiên Chúa bắt đầu dạy tôi về đoạn thư Philípphê 4,6-7 và đoạn Lời Chúa đó đã trở thành một trong hai câu nền tảng của cuộc đời tôi. Điều tôi học được là cách xử lý những gì khiến tôi lo lắng.

Vậy, đâu là giải pháp của Thiên Chúa trước nỗi sợ hãi và lo lắng trong cuộc sống của chúng ta?

Giải pháp của Thiên Chúa rất đơn giản. Đó là thưa với Chúa những mối quan tâm của chúng ta trong cầu nguyện và Chúa sẽ ban bình an của Người cho chúng ta trong cuộc sống – điều mà Chúa đã làm cho tôi về sự an toàn hàng ngày của con trai tôi. Những câu này không nói rằng Thiên Chúa sẽ thay đổi hoàn cảnh khó khăn và căng thẳng của chúng ta, mà thay vào đó, Chúa sẽ ban cho chúng ta một sự bình an siêu nhiên và nội tâm để “gìn giữ” và bảo vệ trái tim và tâm trí của chúng ta hầu những hoàn cảnh khó khăn của chúng ta không làm hao mòn cuộc sống của chúng ta nữa. Thay vì luôn lo lắng về sự an toàn của con trai tôi, tôi chỉ đơn giản là bắt đầu cầu nguyện mỗi sáng để Chúa bảo vệ cháu. Thay vì lo lắng về điều gì đó mà tôi không thể thay đổi hoặc kiểm soát, tôi bắt đầu dâng con trai tôi cho Chúa chăm sóc mỗi ngày. Một khi điều đó xảy ra, sự bình an siêu nhiên của Thiên Chúa bắt đầu ảnh hưởng sâu sắc trong tâm hồn và tâm trí tôi và giúp tôi nghỉ ngơi trong sự điều hướng của Người đối với tất cả mọi sự.

“Gìn giữ” tâm hồn (trái tim) và tâm trí của chúng ta nghĩa là gì?

Từ “guard” có nghĩa là giữ an toàn cho ai đó bằng một lực lượng quân đội (người bảo vệ). Bất cứ nơi nào mà Tổng thống Hoa Kỳ đi đến, ông luôn có những người bảo vệ ông. Đó là ý tưởng với từ “guard (gìn giữ, canh chừng, bảo vệ)”. Người ta biết rằng Thiên Chúa sẽ luôn bảo vệ tâm hồn và tâm trí của người tin Chúa để việc lo lắng và sợ hãi sẽ không làm hao mòn cuộc sống của họ. Một số người dường như lo lắng về mọi thứ trong cuộc sống. Hầu như bất cứ điều gì cũng có thể làm cho họ lo lắng, và ngay khi sự cố xảy ra, họ bắt đầu lo lắng. Điều mà sự lo lắng gây ra là ngay lập nó đưa trái tim và tâm trí của họ ra khỏi Thiên Chúa. Trong thực tế, Thiên Chúa luôn là giải pháp cho người biết tin tưởng để đối phó với nỗi lo lắng và sợ hãi. Chúa Giêsu đã cho những lời khích lệ tuyệt vời trong Mt 6,25-26:

 “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo lắng cho mạng sống của anh em: lấy gì mà ăn hoặc lấy gì mà uống; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”

Như thế, những gì Thiên Chúa làm khi người tín hữu đến với Người trong cầu nguyện là để “gìn giữ”, bảo vệ và che chở trái tim của họ khỏi những điều mà Người biết có thể làm tổn thương họ. Thiên Chúa luôn muốn chúng ta tin cậy vào Người trong mọi hoàn cảnh khó khăn của cuộc đời chúng ta.

Sợ hãi hoặc lo lắng có thể là một điều tốt?

Điều quan trọng là phải hiểu rằng ở mức độ nào đó sợ hãi và lo lắng thường có thể là một điều tốt bởi vì nó buộc chúng ta phải cẩn thận và thận trọng hơn nhiều. Tôi thích làm việc với gỗ và đã làm mọi thứ trong hơn 40 năm. Cách đây vài năm, tôi đang làm việc bên cạnh một chiếc máy gỗ, bàn tay của tôi quá gần cái máy cưa và một phần ngón tay cái của tôi đã bị cắt đứt. Hôm nay, tôi rất tôn trọng điều đó để thấy rằng tôi sẽ không bao giờ mắc lại sai lầm đó nữa. Trên thực tế, tôi đã thực hiện một sự đề phòng (bảo vệ) và tôi dùng nó mỗi khi tôi phải sử dụng máy gỗ. Vì thế, trong trường hợp của tôi, có một nỗi sợ lành mạnh là một điều rất tốt. Chính nỗi sợ về những gì cái máy cưa có thể gây ra cho tôi mà thực sự giữ cho tôi an toàn. Do vậy, những gì chúng ta muốn thấy trong loạt bài này là cách thức Thiên Chúa thực sự sử dụng những thứ khiến chúng ta sợ hãi như những công cụ siêu nhiên của Người nhằm củng cố cuộc sống của chúng ta để chúng ta tin cậy vào Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Đến với Chúa giữa những tình huống rắc rối và căng thẳng luôn là giải pháp của Chúa trước nỗi sợ hãi và lo lắng.

Hãy cầu nguyện trong tuần này:

Lạy cha, xin vui lòng giúp con nhận ra Cha có thể sử dụng những giây phút căng thẳng trong cuộc đời của con như thế nào để kéo con tiến gần hơn vào sự bình an siêu nhiên của Cha?

 


Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

https://giaophanvinhlong.net/