7 ơn và 12 hoa quả của Chúa Thánh Thần.

 

  1. Ơn Khôn Ngoan. Nhưng nó không chỉ là sự khôn ngoan của loài người, là kết quả của kiến thức và kinh nghiệm. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng vua Solomon, khi đăng quang làm vua dân Israel, đã xin ơn khôn ngoan (x. 1 V 3:9). Và ơn khôn ngoan chính là thế này: đó là ân sủng đểcó thể nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Nó chỉ đơn thuần thế này: nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh, các tình thế, các vấn đề, tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là khôn ngoan. Đôi khi chúng ta nhìn sự vật theo sở thích của mình, hoặc theo tình trạng tâm hồn mình, với yêu hay ghét, với ghanh tị… Không, đó không phải là cặp mắt của Thiên Chúa. Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta ngõ hầu chúng ta nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là ơn khôn ngoan…

Chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần và ơn khôn ngoan, ơn khôn ngoan của Thiên Chúa dạy chúng ta nhìn với cặp mắt của Thiên Chúa, cảm nhận bằng con tim của Thiên Chúa, nói những lời của Thiên Chúa và như vậy, với ơn khôn ngoan này, chúng ta tiến bước, chúng ta xây dựng gia đình, chúng ta xây dựng Hội Thánh, và tất cả chúng ta được thánh hóa.

 

  1. Ơn Hiểu Biết. Khi nói đến hiểu biết, người ta nghĩ ngay đến khả năng của con người để hiểu biết thêm về thực tại chung quanh mình và để khám phá ra các định luật chi phối thiên nhiên và vũ trụ.  Tuy nhiên, ơn hiểu biết đến từ Chúa Thánh Thần, không bị giới hạn ở kiến thức của con người: đó là một ơn đặc biệt, giúp chúng ta hiểu biết, qua tạo vật, sự cao cả và tình yêu của Thiên Chúa cùng mối liên hệ sâu xa của Ngài với mọi tạo vật.

Khi đôi mắt của chúng ta được Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng mở ra để chiêm ngắm Thiên Chúa trong vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ hùng vĩ của vũ trụ, cùng dẫn chúng ta đến việc khám phá ra rằng tất cả mọi sự nói với chúng ta về Ngài và tình yêu của Ngài như thế nào.  Tất cả điều này gợi lên trong chúng ta sự kinh ngạc và ý thức biết ơn sâu xa!  Đó là cảm giác chúng ta kinh nghiệm khi chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật hoặc bất kỳ ngạc nhiên nào là kết quả của sự tài khéo và sáng tạo của con người: trước tất cả những điều này, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến ngợi khen Chúa từ tận đáy lòng của mình và nhận ra, trong tất cả những gì chúng ta có và là, một hồng ân vô giá từ Thiên Chúa và là dấu chỉ của tình yêu vô biên của Ngài dành cho chúng ta.

Ơn hiểu biết giúp chúng ta hòa hợp cách sâu xa với Đấng Tạo Hóa và làm cho chúng ta được tham dự vào sự trong sáng của cái nhìn và phán đoán của Ngài.  Và chính theo quan điểm này mà chúng ta có thể hiểu được tại sao người nam và người nữ là tột đỉnh của việc Tạo Dựng, như việc thể hiện kế hoạch yêu thương được in dấu trong mỗi người chúng ta và làm cho chúng ta nhận ra nhau như anh chị em…

Có một lần tôi đã ở vùng quê và đã nghe được một câu nói từ một người chất phác, là người thích nhiều hoa và chăm sóc cho chúng.  Bà nói với tôi: “Chúng ta cần phải gìn giữ những vật đẹp đẽ này mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta; tạo vật là dành cho chúng ta để xử dụng tốt; đừng khai thác nó, nhưng giữ gìn nó, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn tha thứ,còn chúng ta, những con người, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng tạo vật không bao giờ tha thứ và nếu chúng ta không bảo vệ nó, nó sẽ tiêu diệt chúng ta.”

 

  1. Ơn Biết Lo Liệu. Trong bài đọc từ sách Thánh Vịnh chúng ta nghe thấy đoạn, trong đó nói rằng: “Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con” (Tv 16: 7). Và đây là một ơn của Chúa Thánh Thần, ơn biết lo liệu.  Chúng ta biết ơn này quan trọng thế nào, đặc biệt là trong những giây phút khó xử nhất, để có thể tin cậy vào lời khuyên của những người khôn ngoan và những người yêu thương chúng ta.  Giờ đây, qua ơn biết lo liệu, chính Thiên Chúa, với Chúa Thánh Thần, là Đấng soi sáng tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta hiểu một cách hợp l‎ý để nói năng, cư xử và biết con đường để đi theo…

Ơn biết lo liệu là hồng ân mà Chúa Thánh Thần làm cho lương tâm của chúng ta có khả năng thực hiện một sự lựa chọn cụ thể trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, theo luận l‎ý của Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người.  Bằng cách này, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên về nội tâm, làm cho chúng ta lớn lên cách tích cực, làm cho chúng ta lớn lên trong cộng đồng và giúp chúng ta không rơi vào sự ích kỷ và cách nhìn riêng tư về mọi sự…

Điều kiện cần thiết để giữ gìn ơn này là cầu nguyện.  Luôn luôn trở lại cùng một chủ đề: cầu nguyện! Nhưng cầu nguyện rất quan trọng.  Cầu nguyện với những kinh nguyện mà tất cả chúng ta đều biết từ nhỏ, nhưng cũng cầu nguyện bằng lời lẽ riêng của mình.  Cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con, xin chỉ bảo con, con nên làm gì bây giờ?”  Và với cầu nguyện chúng ta dọn chỗ cho Chúa Thánh Thần đến và giúp chúng ta vào lúc đó, để khuyên nhủ chúng ta tất cả phải làm gì.  Hãy cầu nguyện!  Đừng bao giờ quên cầu nguyện.

 

  1. Ơn Sức Mạnh. Với ơn sức mạnh, Chúa Thánh Thần vun xới thửa đất tâm hồn chúng ta, giải thoát nó khỏi tình trạng tê liệt, thiếu quả quyết và tất cả sợ hãi có thể ngăn chặn nó, để Lời Chúa được đưa ra thực hành một cách đích thực và vui vẻ. Ơn sức mạnh này là một ơn trợ giúp thực sự, nó ban cho chúng ta sức mạnh và cũng giải thoát chúng ta khỏi rất nhiều trở ngại…

Chúng ta đừng nên nghĩ rằng ơn sức mạnh chỉ cần thiết trong một số trường hoặc tình cảnh đặc biệt. Ơn này phải là một ghi nhận cơ bản về bản thể Kitô hữu của chúng ta, trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Như tôi đã nói, chúng ta phải mạnh mẽ trong tất cả mọi ngày của cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần sức mạnh này, để thăng tiến cuộc sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, đức tin của chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô đã nói một câu làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu, “tôi có thể làm tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Phil 4:13). Khi chúng ta phải đối đầu với cuộc sống hàng ngày, khi gặp khó khăn, hãy nhớ điều này: “Tôi có thể làm tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.” Chúa ban sức mạnh, luôn luôn, không sai trật. Chúa không thử thách chúng ta quá sức chịu đựng chúng ta. Người luôn luôn ở với chúng ta. “Tôi có thể làm tất cả mọi thứ trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.”

 

  1. Ơn Thông Minh. Không phải về sự hiểu biết của loài người, về khả năng thông minh mà chúng ta có thể có được nhiều hay ít.  Trái lại, đó là một ân sủng mà chỉ có Chúa Thánh Thần có thể đổ vào, và nó khơi dậy trong Kitô hữu khả năng vượt qua khía cạnh bề ngoài của thực tại cùngdò xét kỹ lưỡng chiều sâu của tư tưởng của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài

Chúa Giêsu nói với các môn đệ:  Thầy sẽ sai Chúa Thánh Thần xuống và Ngài sẽ làm cho các con hiểu tất cả những gì Thầy đã truyền dạy cho các con.  Hiểu giáo huấn của Chúa Giêsu, hiểu Lời Người, hiểu Tin Mừng, hiểu Lời Chúa.  Một người có thể đọc Tin Mừng và hiểu một điều gì đó, nhưng nếu chúng ta đọc Tin Mừng với ơn này của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể hiểu được chiều sâu của Lời Chúa.  Và đây là một hồng ân tuyệt vời, một ơn tuyệt vời mà tất cả chúng ta phải cùng nhau cầu nguyện và cầu xin: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn thông hiểu.

Có một tình tiết từ Tin Mừng Thánh Luca, trong đó diễn tả rất rõ ràng chiều sâu và sức mạnh của ơn này. Sau khi đã chứng kiến ​​cái chết trên thập giá và cuộc an táng của Chúa Giêsu, hai môn đệ của Người, thất vọng và đau khổ, đã rời Giêrusalem để trở về làng của họ gọi là Emmau.  Trong khi đang đi đường thì Chúa Giêsu Phục Sinh đến gần và bắt đầu trò truyện với họ, nhưng mắt họ bị nỗi buồn và tuyệt vọng che khuất nên không thể nhận ra Người.  Chúa Giêsu đi với họ, nhưng họ quá buồn, quá tuyệt vọng, nên họ không nhận ra Người.  Nhưng khi Chúa giải thích Kinh Thánh cho họ, để họ hiểu rằng Người phải chịu đau khổ và chết và sau đó sống lại, tâm trí họ mở ra và hy vọng được nhóm lại trong họ (x.  Lc 24:13-27).  Và đây là điều mà Chúa Thánh Thần làm với chúng ta: Ngài mở trí khôn chúng ta, Ngài mở lòng chúng ta ra để chúng ta hiểu rõ hơn, hiểu rõ hơn những điều về Thiên Chúa, về con người, hoàn cảnh và tất cả mọi sự.

 

  1. Ơn Đạo Đức. Cần phải nói rõ rằng ơn này không phải là có lòng từ bi đối với một người nào đó, có lòng thương xót người khác, nhưng nó chứng tỏ rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa và cho thấy mối liên hệ sâu xa của chúng ta với Thiên Chúa, một mối liên hệ mang lại ý nghĩa cho toàn thể cuộc đời chúng ta và giữ cho chúng ta được vững mạnh và hiệp thông với Ngài, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.

Mối liên hệ này với Chúa không chủ ý là một nhiệm vụ hay một sự áp đặt.  Nó là một mối liên hệ phát xuất từ bên trong.  Đó là một mối liên hệ được sống bằng con tim: đó là tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa, được Chúa Giêsu ban cho chúng ta, một tình bằng hữu thay đổi đời sống chúng ta cùng đổ đầy nhiệt tình và niềm vui trên chúng ta…

Nếu ơn đạo đức làm cho chúng ta lớn lên trong mối liên hệ và hiệp thông với Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến việc sống như những con cái của Ngài, thì đồng thời cũng giúp chúng ta đổ tình yêu này trên những người khác và nhận ra họ là anh em. Và sau đó, vâng, chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi những tình cảm đạo đức – chứ không phải chủ nghĩa đạo đức! – trong việc đối xử với những người chung quanh chúng ta và những người chúng ta gặp hằng ngày…

Ơn đạo đức thực sự có nghĩa là có thể vui với người vui, khóc với người khóc, gần gũi những người cô đơn hoặc lo lắng, sửa sai những người lầm lạc, an ủi những người đau khổ, chào đón và giúp đỡ những người thiếu thốn.  Có một liên hệ rất chặt chẽ giữa ơn đạo đức và sự hiền lành. Ơn đạo đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta làm cho chúng ta trở nên hiền lành, làm cho chúng ta trở nên  bình tĩnh, kiên nhẫn, trong bình an với Thiên Chúa và phục vụ người khác với sự hiền lành.

 

  1. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa. Ơn kính sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta ý thức được rằng tất cả mọi sự đến từ ân sủng, và rằng sức mạnh thực sự của chúng ta là chỉ đi theo Chúa Giêsu và để cho Chúa Cha có thể đổ trên chúng ta sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài.  Hãy mở tâm hồn ra, bởi vì lòng nhân lành và lòng thương xót của Thiên Chúa đến với chúng ta.  Đó là điều Chúa Thánh Thần làm với ơn kính sợ Thiên Chúa: mở các tâm hồn. Mở lòng ra để ơn tha thứ, lòng thương xót, lòng nhân lành, sự vuốt ve của Chúa Cha đến với chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con đang được Ngài yêu thương vô cùng... Khi chúng ta được thấm nhuần bởi ơn kính sợ Thiên Chúa, thì chúng ta có khuynh hướng đi theo Chúa với lòng khiêm nhường, ngoan ngoãn và vâng lời…

 

Ơn kính sợ Thiên Chúa cũng là một “lời cảnh báo” trước sự ngoan cố trong tội lỗi.  Khi một người sống trong sự dữ, khi phạm thượng chống lại Thiên Chúa, khi khai thác những người khác, khi áp chế họ, khi chỉ sống vì tiền tài, vì hư danh, hay quyền lực, hoặc kiêu căng, thì khi đó sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa cảnh báo chúng ta: hãy cẩn thận!  Với tất cả quyền lực này, với tất cả tiền bạc này, với tất cả kiêu hãnh này của mi, với tất cả hư danh này của mi, mi sẽ không có hạnh phúc đâu.  Không ai có thể mang với họ sang (đời sống) bên kia dù là tiền bạc, dù là quyền lực, dù là hư danh, dù là kiêu hãnh.  Không mang được gì cả!  Chúng ta chỉ có thể mang theo tình yêu mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta, những vuốt ve của Thiên Chúa, được chúng ta chấp nhận và đón nhận với tình yêu.