Với cấu trúc “vòng tròn 3 hồi – 8 điểm”, phim “Bức Tượng” đã đưa ra hành trình dẫn đến niềm tin như sau:
HỒI 1
1. (You) Cô gái ngoại đạo đến trọ tại một xóm đạo, thấy sợ hãi vì một số dấu hiệu lạ xuất hiện trong phòng mình.
2. (Need) Cô gái tâm sự với bạn và tìm cách trấn an bản thân.
HỒI 2
3. (Go) Cô gái đi mua một bức tượng Đức Mẹ mang về phòng để tôn kính.
4. (Search) Cô gái một mặt tìm cách tôn kính bức tượng, một mặt tìm cách giấu giếm người mẹ thường xuyên đến thăm, vì người mẹ có ác cảm với Công giáo.
5. (Find) Cô gái thấy an tâm trong căn phòng, và giấu được mẹ mình.
6. (Take) Bà mẹ phát hiện ra bức tượng; bà không muốn cô theo đạo Công giáo và yêu cầu cô, trong vòng một tuần, phải đưa bức tượng Đức Mẹ đi nơi khác.
HỒI 3
7. (Return) Cô gái đối diện với sự tức giận, không đồng tình của bà mẹ. Cô tìm cách để thuyết phục mẹ.
8. (Change) Sau khi mời những người của xóm đạo đến nhà đọc kinh, cô gái đã thuyết phục được người mẹ chấp nhận niềm tin của mình.
Hành trình đức tin này khởi sự từ nỗi lo âu, cuối cùng đã dẫn đến niềm an bình nội tâm, nhờ sự đồng hành của thân hữu và hàng xóm láng giềng.
Biểu tượng của niềm tin khởi đầu là bức tượng Đức Mẹ, dẫn đến hình ảnh Thánh giá của Đức Kitô nơi nóc giáo đường.
Đức tin này khởi sự có vẻ vụ lợi, nhằm giải quyết nỗi sợ hãi và cảnh bơ vơ, nhưng được bao trùm trong tình thương yêu giữa hai mẹ con, giữa hàng xóm láng giềng với nhau, giữa con cháu còn sống với ông bà cha mẹ đã khuất bóng, giữa những người phụ nữ trải lòng ra với nhau, và dưới sự phù hộ của Đức Mẹ.
Công cuộc loan báo Tin Mừng như vậy phải chăng cũng đã diễn ra ở đây, bằng việc đồng hành rất đơn sơ, trong tình người, buồn vui thắm thiết bên nhau?
Kênh Phim truyện Mục vụ
của Ủy ban Truyền thông / HĐGMVN