365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Tiếng chuông mời gọi

Với thời lượng chỉ hơn 10 phút, phim Tiếng chuông phát trên kênh “Phim truyện mục vụ” của Ủy ban Truyền thông, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khơi gợi trong lòng người xem niềm cảm thông với những mảnh đời cơ nhỡ, sự thức tỉnh trở về của những con người lầm lạc khi nhận được sự đỡ nâng kịp thời. Có lẽ, đó cũng chính là thông điệp ý nghĩa mà những người thực hiện phim muốn gởi gắm tới khán giả Công giáo trong Mùa Chay thánh. 

Lấy bối cảnh mở đầu trên một bãi biển, phim kể về những đứa trẻ đi lượm vỏ sò để bán kiếm tiền; ở đó nhân vật An được khắc họa với vẻ bề ngoài ngáo ngổ, trong lúc làm việc chung đã nghĩ cách lừa bạn để lấy trộm vỏ sò… Người xem cũng thấy được đôi nét gia cảnh khó khăn của An, cha mẹ làm lụng vất vả mà không lo nổi học phí cho con. Sự khó nghèo đã đẩy một đứa trẻ mới lớn vào con đường trộm cắp, và đỉnh điểm là móc cả tiền ở thùng dâng cúng Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ. 

Trong phim, xuất hiện hình ảnh một nữ tu với ánh mắt nghiêm nghị nhưng không vội xét đoán khi nghe những đứa trẻ “méc” về hành vi trộm cắp của An. Chỉ khi nhìn thấy tận mắt, bàn tay của sơ mới nắm chặt lấy tay “kẻ trộm”, dắt vào bên trong nhà thờ để “nói chuyện”. Đứa trẻ ngáo ngổ chờ đợi sự trừng phạt hay la mắng của người nữ tu. Nhưng không, trái với dự cảm ấy, sơ đặt vào tay nó một gói tiền khiến An bất giác ngạc nhiên, nghẹn ngào, không hiểu sao sơ lại giúp đỡ mình. Và “sứ mạng” của người nữ tu được lộ rõ hơn khi chị từ tốn nói với An:“Sơ biết gia đình con đang rất khó khăn nên con mới phải làm như vậy”. Rồi câu nói kế theo của sơ, có lẽ cũng là điểm nhấn trong các lời thoại mà phim muốn chuyển tải, không chỉ mang ý nghĩa giáo dục trẻ mà còn như lời nhắn gởi tới tất cả những ai khi rơi vào cảnh túng thiếu: “Con phải biết điều này, là mặc dù tiền rất cần thiết nhưng không thể vì nó mà đánh mất tất cả!”. Câu nói này được lặp lại một lần nữa với một đứa trẻ khác, khi sơ bắt gặp em đang “móc túi” người đi dạo trên bờ biển.

Đọng lại trong người xem có lẽ là ánh mắt người nữ tu luôn dõi theo những đứa trẻ có hành vi phạm tội và xuất hiện để kịp thời ngăn chặn bằng sự giúp đỡ, an ủi, động viên để các em quay về với bản chất thiện lương vốn có. Đây đó giữa các đoạn trong phim, tiếng chuông nhà thờ vang lên từng hồi, như tiếng gọi thức tỉnh, gọi những người con Chúa quay về nẻo chính đường ngay và gọi những bàn tay đỡ nâng, đón nhận kẻ trở về bằng sự cảm thông, tha thứ… Phim cho thấy tình thương, lòng nhân ái, sự đồng cảm của người tu sĩ có sức mạnh lớn lao trong việc kéo những “con chiên lạc” trở về.

Bên cạnh những diễn viên là giáo dân, phim “Tiếng chuông” có sự góp mặt của hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết: sơ Vân Uyên (trong vai nữ tu) và sơ Lâm Sang (vai người bán hàng). Được biết, phim ngắn này là thành quả chung của anh chị em học viên lớp Mục vụ phóng sự và phim truyện tại Học viện Mục vụ Tổng giáo phận TPHCM, trong đó có sự khơi gợi sáng kiến của các thầy cô, nhất là việc biên tập, điều chỉnh kịch bản của cô giáo - nhà biên kịch Hoài Hương. Mặc dù thời lượng của phim khá ngắn nhưng ý tưởng về kịch bản đã được góp nhặt từng chút và xây dựng trong hơn nửa năm… Người tham gia đóng phim là các diễn viên nghiệp dư, có thể kỹ năng diễn xuất chưa hoàn hảo, nhưng tất cả đều chung ý muốn được đóng góp một chút công sức vào việc truyền thông để chuyển tải giá trị Tin Mừng đến mọi người… Linh mục P.X Bảo Lộc, Giám đốc Trung tâm mục vụ TGP TPHCM, trong một cuộc tọa đàm về phim ảnh Công giáo, khi nói đến phim “Tiếng chuông”, đã ước mong: “Mong cho các mảnh đời cơ nhỡ nhận được những bàn tay cảm thông đúng lúc và những cánh tay đưa ra ngày càng nhiều hơn. Và xin Chúa cũng giúp các Kitô hữu biết nhìn sâu hơn vào những hành vi không tốt đẹp của người khác để thông cảm và chậm xét đoán họ…”.

 

LIÊN GIANG