Tâm hồn là gì?

Vì sao phải cứu tâm hồn?

Mẹ tôi bảo tâm hồn là một cái gì rất nhẹ và cứu tâm hồn là cứu một cái gì rất nhẹ đã có trong lòng, đừng để nó bị chao động mạnh, đừng làm chuyện gì thô bạo để nó phải chai cứng.

Vì sao phải cứu – vì đã là cái gì rất nhẹ thì mong manh dễ bể, vậy phải giữ gìn cẩn thận kẻo nó bể.

Và để cứu tâm hồn thì phải làm gì?

Phải nói rất nhẹ và… đi rất nhẹ!

Mẹ tôi rất kiên nhẫn với tôi, bà nói rất nhẹ với tôi, đi vào tâm hồn tôi cũng rất nhẹ.

Gần như bà đoán biết hết trạng thái tâm hồn tôi, chẳng có gì làm bà bất ngờ, thế thì làm sao bà hoảng hốt khi tôi làm chuyện động trời? Không, trong mọi trường hợp, bà nói rất nhẹ với tôi.

Đi vào tâm hồn tôi? Dường như bà lót bông gòn để đệm gót chân, tôi chẳng nghe tiếng động bàn chân dù với đứa thiên lôi như tôi, bà có mang giày săng-đá đi vào tâm hồn, tôi cũng không để ý.

Tuổi thanh xuân, mẹ tôi để cho tôi nếm hết tất cả những gì cuộc đời mời mọc, dù bà rất lo. Mấy năm chọc trời phá nước của tôi là mấy năm mẹ tôi trợn tròn mắt nhìn cuộc đời. Bà không muốn la mắng, dọa nạt. Bà sợ cái gì rất nhẹ trong tâm hồn tôi hoặc sẽ bị vỡ hoặc sẽ bị chai. Làm sao tôi ý thức được chuyện này khi tôi chưa biết tâm hồn tôi là gì, thế mà mẹ tôi vẫn lờ đi, bà cứ xem như tôi đã biết.

Và rồi cứ từng chuyện, từng chuyện xảy đến: lái xe quá tốc độ, không tôn trọng luật lệ giao thông, chén chú chén anh với bạn, bê trễ học hành, không trả tiền các giấy phạt, không trả tiền các biên lai đến hẹn, không tái hạn bằng lái… Tôi nếm đủ mùi vị cuộc đời. Nhưng lạ một chuyện, khi tôi gặp khó khăn, lương tâm cắn rứt không dám đối diện với bà, nhưng bước chân tôi vẫn hiên ngang mạnh mẽ đi lên lầu, nói những lời nói cộc lốc; lúc nào bà cũng bình tĩnh nhẹ nhàng gỡ rối các khó khăn tưởng như không thể vượt qua được của tôi.

Vì sao tôi vẫn tiếp tục lợi dụng bà?

Vì sao bà vẫn tiếp tục dịu dàng yêu thương tôi?

Mẹ tôi ngồi đó, tôi trực tiếp hỏi bà, bà trả lời tôi:

– Mẹ chỉ muốn con nhẹ nhàng nói chuyện với mẹ và khi con đi lên thang lầu, bước chân con cũng nên nhẹ nhàng.

Chỉ chừng đó!

Nhẹ nhàng gỡ rối hết tất cả khó khăn của tôi, nhẹ nhàng trả hết tất cả các biên lai của tôi. Đổi lại, bà chỉ xin tôi nói năng, đi đứng nhẹ nhàng, ít nhất là với bà!

Tôi thấy ngay giải pháp cho việc đòi hỏi này: chỉ cần nhìn các cụ già đi đứng nói năng là thấy ngay: họ nói nhỏ nhẹ, họ đi đứng cẩn thận! Vậy chỉ cần thời gian là giải quyết được việc này!

Nhưng! Đừng để quá trễ! Đừng để thời gian làm chủ, bởi vì rồi ra cũng chỉ có thời gian là bá chủ, mẹ tôi dặn vậy.

Chỉ chừng đó chuyện, tôi phải bắt đầu từ bây giờ: nói năng nhẹ nhàng, một câu phải đầy đủ chủ từ, động từ, túc từ. Đi đứng phải nhẹ nhàng, đếm từng bước chân của tôi.

Cũng chỉ để cứu tâm hồn tôi!

Marta An Nguyễn