Trong Kinh Thánh, biết bao nhiêu lần nói về sự tĩnh mịch, thánh vắng là nơi mà Chúa thường hiện diện. Con thiết nghĩ, trong thời đại hôm nay, để tìm được sự vắng lặng nội tâm quả thật là một vấn đề nan giải, vì chúng ta phải đối diện với biết bao nhiêu xáo trộn, lo toan của cuộc sống. Chỉ cố gắng làm sao tránh được sự phiền hà của điện thoại di động thì đó đã là cả một thách đố lớn.
Tĩnh lặng là yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống. Trong một đợt tĩnh tâm của cha Anthony de Mello, Dòng Tên, ngài đã giảng về các chủ đề: thinh lặng, tình yêu, hạnh phúc, bình an, vui tươi và ngài chọn bắt đầu cuộc tĩnh tâm bằng đề tài “thing lặng”. Ngài nói rằng “thinh lặng” là một trong những phương cách hữu hiệu để kết hợp mật thiết với Chúa.
Ngài kể câu chuyện rằng: có một vị vua nọ muốn có được mối tương quan mật thiết vơi Chúa, vua tìm đến một nhà linh hướng để xin lời khuyên.
Vua nói: tôi là một người rất bận rộn, xin ngài cho tôi một lời khuyên ngắn gọn để giúp tôi kết hợp mật thiết với Chúa. Vị linh hướng liền nói, tôi sẽ cho vua một từ thôi.
Vua liền hỏi: Từ đó là gì?
Linh hướng: Thinh lặng
Vua: Làm sao tôi có được sự thinh lặng?.
Linh hướng: Chiêm niệm.
Vua: Chiệm niệm là gi?
Linh hướng: Thinh lặng.
Vua: Làm sao tôi kết hợp được với Chúa?
Linh hướng: Thinh lặng.
Quả thật, chỉ trong thinh lặng thì chúng ta mới có thể nghe được tiếng Chúa. Vài cách thức cụ thể để để quy chiếu tâm hồn về với Chúa trong cuộc sống hằng ngày mà con thường thực tập. Dành vài khoảnh khắc không sử dụng điện thoại, lắng nghe những tiếng động xung quanh, từ những tiếng xa xăm như tiếng động cơ của xe, tiếng còi, tiếng nhạc, tiếng chim hót, hay tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng bước chân của ai đó. Khi tập trung lắng nghe những tiếng động này, con cảm thấy mình tập trung vào giây phút hiện tại và có được sự thinh lặng nội tâm. Con để Lời Chúa dẫn dắt con vào sự thanh thản tâm hồn bằng cách lặp đi lặp lại một câu Kinh Thánh mà con tâm đắc: “Chúa là Tinh Yêu”; “ách của Ta thì êm ái, gánh của ta thì nhẹ nhàng”; “ai khát hãy đến với tôi”; “hãy trút bỏ những lo âu cho Người, vì Người chăm sóc anh em” v.v.
Lạy Chúa: Chúa ban cho mỗi người chúng con 2 tai để lắng nghe, và chỉ có một cái miệng với bao nhiêu nhiệm vụ khác nhau: để ăn, để nói, để cười v.v. Nhưng thường thì con nói nhiều hơn nghe. Xin cho con có được đôi tai rộng mở để lắng nghe tiếng Chúa trong thinh lặng của cõi lòng.
Sr. Thủy Tiên