Những người có niềm tin và vô thần từ lâu đã bất đồng quan điểm về câu hỏi về sự tồn tại của Chúa. Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta đặt lại câu hỏi này. Có lẽ chúng ta nên tự hỏi bản thân, không phải liệu Chúa có tồn tại hay không, nhưng liệu tác động của ý tưởng này là có lợi hay có hại. Một mặt, tin vào Chúa giúp chúng ta tìm được an ủi khi đối diện với thử thách như khi gặp tang tóc và cái chết, chúng ta thấy được ranh giới giữa thiện và ác, khuyến khích chúng ta phát huy các giá trị khác ngoài việc chỉ chăm chú làm giàu. Nhưng ý tưởng về Chúa rất dễ bị lạm dụng. Trong lãnh vực chính trị, chúng ta đã thấy chủ nghĩa hồi giáo đã làm tiêu mòn đà dân chủ của Mùa xuân Ả Rập. Ở các trường đại học, chúng ta có nên lo cho sự trở lại của các nhà sáng tạo và thần học gia, dưới chiêu bài lập luận hợp lý, họ đã dự vào một cuộc đối thoại sai lầm với khoa học đó sao? Và từ quan điểm hiện sinh hơn, có phải người tuân theo Chúa bị chủ nghĩa giáo điều đe dọa đó sao? Nếu thực dụng hơn là siêu hình, chúng ta có thể cá rằng câu hỏi về tác động cụ thể của ý tưởng về Chúa cũng gây tranh cãi như câu hỏi về sự tồn tại của Chúa.

Nếu Chúa không tồn tại, chúng ta sẽ phải phát minh ra Ngài.

Chính triết gia Pháp Voltaire đã nói câu này, như thể ông muốn có một giải pháp cho một vấn đề rất cũ. Trên thực tế, trong nhiều thế kỷ, các tư tưởng gia, các thần học gia đã nỗ lực chứng minh sự tồn tại của Chúa. Họ mơ khám phá ra một công thức dứt khoát có khả năng hoán cải những người hoài nghi. Vô ích. Giác quan và lý trí vẫn không thể tiếp cận được với Thiên Chúa. Hơn nữa, theo quan điểm của chính tín hữu, nếu chúng ta chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa thì việc có đức tin sẽ mất ý nghĩa. Biết là đủ. Vì không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn và phổ quát về sự hiện hữu của Thiên Chúa, tại sao chúng ta không thay đổi quan điểm của mình?

Đó là những gì Voltaire đề xuất. Cuối cùng, việc Chúa có thực sự tồn tại hay không không quan trọng nếu con người cần Ngài để sống. Người theo chủ nghĩa thần giáo kết luận rằng, với điều kiện là các giáo điều, văn bản thiêng liêng, hàng linh mục và những điều mê tín là nguồn gốc của sự không khoan dung và bạo lực phải bị loại bỏ, “hệ thống cao siêu này dành cho con người là cần thiết”. Một thế kỷ sau, chúng ta thậm chí có thể khẳng định với triết gia người Mỹ William James (1842-1910) rằng chúng ta phải (lại) đặt câu hỏi về Chúa từ một quan điểm hoàn toàn thực dụng. Chúng ta hãy ngừng hành hạ bản thân vì câu hỏi không thể quyết định được về sự tồn tại của Thiên Chúa  và xem liệu Thiên Chúa có thể được sử dụng để làm cho chúng ta tốt hơn, hạnh phúc hơn, hữu ích hơn cho người khác hay không. Triết gia James đề cao đức tin, không phải vì đức tin đặt chúng ta liên quan đến “một giáo điều tôn giáo thoát khỏi bằng chứng bên ngoài”, mà như một trạng thái tinh thần “mà chúng ta bị cám dỗ để đặt ra vì lợi ích tình cảm của mình” (The Will to Believe, p. 114) . Giả thuyết về Chúa có giá trị nếu đức tin của chúng ta mang lại cho chúng ta lợi ích và góp phần cải thiện nhân loại. Ngoài ra, chẳng phải chúng ta dành thì giờ để tin tưởng một cách khá hợp lý vào những hiện tượng mà chúng ta không chắc chắn đó sao? Mọi người, kể cả những người hoài nghi nhất trong chúng ta, đều tin rằng mọi nguyên nhân đều có kết quả, rằng ngày mai mặt trời sẽ mọc hoặc hành động của chúng ta đều có ý nghĩa. Tác giả William James viết tiếp: “Chúng ta không thể sống hay suy nghĩ nếu không có một mức độ đức tin nào đó. Đức tin đồng nghĩa với một giả thuyết hiệu quả. Sự khác biệt duy nhất tôi nhận thấy là có một số giả thuyết bị bác bỏ ngay trong năm phút và những giả thuyết khác thách thức được với thời gian.” Chỉ có sự khác biệt về mức độ chứ không về bản chất giữa việc tin người phụ nữ bạn yêu sẽ yêu bạn và việc Chúa đã tạo ra chúng ta và tồn tại từ muôn đời. Chúng ta đừng kịch tính hóa mối quan hệ với đức tin và xem đức tin hướng tới ý tưởng về Chúa có thể mang lại cho chúng ta điều gì hữu ích.

Đầu tiên, ý tưởng về Chúa cho phép chúng ta giải tỏa cơn khát siêu hình của mình. Trả lời những câu hỏi không thể quyết định như câu hỏi về sự khởi đầu vạn vật, tính nhất quán và đích đến của chúng. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng chuyển động của các sinh vật tự nhiên tồn tại mà không có động cơ đầu tiên, bản thân nó bất động sao? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn không mơ về sự tồn tại của mình và thế giới xung quanh nếu không có người bảo đảm tối cao về tính thực tế và sự gắn kết của nó? Chúng ta có thể gán ý nghĩa gì cho sự hỗn loạn của lịch sử? Vào những thời điểm khác nhau, các triết gia đưa ra những định nghĩa không đồng nhất về nó, viện dẫn ý tưởng về Chúa để trả lời những câu hỏi này và giúp chúng ta ngủ yên.

Có người để nói chuyện

Thứ hai, Chúa có thể giúp ích rất nhiều trong lãnh vực đạo đức. Việc đề cập đến một quy luật có nguồn gốc siêu việt sẽ tránh việc đặt câu hỏi không ngừng về định nghĩa thiện và ác. Nhưng trên hết, đời sống đạo đức, trong sự phức tạp của nó, đã trở nên dễ dàng hơn. Vì ý tưởng về Chúa không chỉ tương ứng với một tập hợp các quy tắc vô hình. Khi được hình thành như một con người, một đối thoại được thiết lập giữa con người và Ngài. Như William James viết: “Nhờ Ngài, đại từ chung chung nhường chỗ cho đại từ Ngài, đại từ đầu tiên trống rỗng và trơ lì, đại từ thứ hai sống động.” Chúng ta cần có một người nào đó để chúng ta hướng những nghi ngờ, lời cầu nguyện, lời cám ơn và ngay cả những hối tiếc giận dữ của chúng ta. Dù chúng ta trải qua hoàn cảnh nào, hạnh phúc, hay bi thảm, chúng ta có Chúa là người đối thoại lý tưởng. Tang tóc, gần chết, ghê tởm, ngạc nhiên, vui mừng trong cuộc sống đều có thể báo cáo, kể cho người mang đến cho chúng một ý nghĩa.

Thứ ba, ý tưởng về Chúa có thể cho thấy đó là hướng dẫn có giá trị để hành động thành công. Tác giả William James đưa ra ví dụ một người bị buộc phải thực hiện cú nhảy nguy hiểm giữa hai ngọn núi. Chỉ có hy vọng và tự tin “sẽ truyền sức mạnh cần thiết để hoàn thành điều mà nếu không có những cảm xúc chủ quan này, có lẽ là không thể thực hiện được.” Ông kết luận “niềm tin là điều kiện căn bản thiết yếu để hiện thực hóa đối tượng của nó”. Đức tin thường tạo ra xác nhận riêng của nó. Ngược lại, “trong một vũ trụ thuần túy của người không có Thiên Chúa, lời kêu gọi năng lượng đạo đức của chúng ta thiếu động lực cần thiết”. Cuối cùng, “khuynh hướng sử dụng năng lượng này là một phần sâu sắc trong các khả năng của bản chất con người, đến nỗi ngay cả khi chúng ta không có lý do siêu hình hay truyền thống nào để tin vào sự tồn tại của Chúa, chúng ta sẽ chỉ đơn giản đưa ra lý do để chúng ta có can đảm sống.”

“Chúng ta không thể sống hay suy nghĩ nếu không có một mức độ đức tin nhất định” William James

Có lẽ vấn đề nằm ở đó. Điều gì xảy ra nếu chúng ta dùng ý tưởng về Chúa theo cách này? Trong lãnh vực siêu hình, nó có thể trở thành yếu tố bảo đảm cho chủ nghĩa giáo điều toàn diện nhất. Chỉ cần nghĩ đến sự tấn công của những người theo chủ nghĩa sáng tạo, kẻ thù của thuyết tiến hóa, là đủ để hiểu chúng ta có thể biến ý tưởng về Chúa thành vũ khí tư tưởng chống lại tính hiện đại và nghiên cứu khoa học. Trong lĩnh vực đạo đức, chúng ta có nguy cơ lớn khi sử dụng ý tưởng về Chúa một cách riêng tư và huyền ảo.

Khi chúng ta gán cho Ngài vai trò người bạn tâm giao riêng tư và người an ủi tối cao, cuộc đối thoại với Thiên Chúa có nguy cơ thay thế cuộc đối thoại với người khác và đối diện với thực tế. Cuối cùng, cảm giác nhiệt tình mà ý tưởng về Chúa mang lại có thể biến thành chủ nghĩa bè phái. Về cơ bản, giải pháp Voltaire là việc trừu tượng hóa ý tưởng về Chúa khỏi nền tảng văn hóa – đó là những câu chuyện sáng lập, tranh chấp thần học, nghi lễ và giáo điều – không loại bỏ bất kỳ rủi ro cố hữu nào theo truyền thống gắn liền với đời sống tôn giáo. Ngược lại, nó mở ra cho họ một lãnh vực vô tận. Bạn có thể là người theo chủ nghĩa thần linh ảo tưởng hoặc người theo chủ nghĩa cuồng tín.

Ý tưởng về Chúa thực sự đóng vai trò như thuốc bổ. Kéo chúng ta ra khỏi lối giải thích hạn chế và theo chiều ngang về các hiện tượng, buộc những ai dự vào phải vượt ra ngoài nó. Điều này có thể mang lại niềm vui, sức mạnh và sự quan tâm đến người khác. Nó cũng có thể dẫn đến việc người khác từ chối và đánh mất thực tại. Chính vì lý do này mà các tôn giáo, khi bản thân không rơi vào tình trạng không khoan dung, đã bao quanh ý tưởng về Chúa qua những sắp xếp, giải thích, nghi lễ, vốn có rất nhiều bộ lọc giữa ý tưởng về Chúa và chúng ta. Trong mọi trường hợp, ý tưởng hay này – đôi khi có thể trở nên rất tệ – cần được xử lý một cách thận trọng.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

https://phanxico.vn/