Bốn phụ nữ kể lại vòng xoáy bạo lực họ bị mắc kẹt, một quá trình phá hủy xảo quyệt để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn.

philomag.com, Tạp chí Triết học số 177 ngày 15 tháng 2-2024, Alexandre Lacroix

 

Bà Laure tự hỏi: “Tôi không biết các phụ nữ khác có rơi vào trường hợp như tôi không…” Thật ra bề ngoài trông bà không phải là phụ nữ bị tổn thương, khuôn mặt bà bình thản, giọng nói tự tin rõ ràng. Bà nói: “Nhìn lại tôi nghĩ tôi là con mồi lý tưởng, vì tôi quá ngây thơ.” Nhưng ai lại không cả tin khi bắt đầu yêu? Bà gặp Anthony trong câu lạc bộ điền kinh khi bà 27 tuổi. Có sự bất cân xứng trên hành trình của họ: bà đã học ở Úc, làm công việc nhân đạo ở châu Phi, xong thạc sĩ và giám đốc điều hành một công ty đa quốc gia; Anthony xuất thân gia đình khá giả, chưa học xong, lại bị ngồi tù vì tội ma túy. Anh bán sách ở Paris. Họ ở bên nhau mười một năm và có ba đứa con. “Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu một cách thuận lợi, yêu đương nồng nàn nhưng đầy sóng gió. Sau một năm rưỡi, tôi cảm thấy không ổn. Anh đùa với cảm xúc của tôi và hạ giá tôi ở nơi công cộng. Những cú sốc đầu tiên ập đến khi chúng tôi đã ở với nhau 5 năm.”

Bà bị đánh đập như thế nào? “Những cú đấm làm người tôi bị bầm tím. Anh làm suy yếu tâm lý của tôi đến mức tôi nghĩ đó là lỗi của tôi. Tôi sinh đứa con đầu lòng năm 2013 và phát hiện anh lừa dối tôi sau khi tôi sinh con. Tôi cứ tưởng mình ở bên hoàng tử quyến rũ, nhưng bây giờ tôi suy sụp, tôi không còn tự tin, tự trọng.” Bạo lực thể xác có tái diễn không? “Có, tính ra tôi đã bị sáu lần.” Và người thân không can thiệp? “Tôi xấu hổ không nói ra để bảo vệ anh. Sau đó anh khóc lóc xin tha thứ, tôi không thể để anh hạ thấp như thế…”

Làm thế nào bà thoát khỏi tình trạng này? “Tháng 6 năm 2022, tôi bị tai nạn xe đạp rất nặng, tôi phải nằm bất động vài tuần. Sau đó, tôi nhận ra mạng sống của tôi rất quan trọng, tôi gọi số 3919, cơ quan giúp đỡ các nạn nhân bạo lực gia đình. Họ giải thích tôi phải ra khỏi nhà, đến nơi an toàn, thuê luật sư và nộp đơn khiếu nại. Và tôi đã làm. Từ đó trở đi, tôi thấy dễ chịu hơn nhiều, lời nói của tôi rõ ràng hơn, người thân có thể giúp tôi. Những bước phải làm là rất lớn, tôi phải nhận tôi là nạn nhân.” Nhưng bà còn thất vọng về kết quả của tiến trình, thẩm phán các vấn đề gia đình vẫn duy trì quyền giám hộ của Anthony, mặc dù ông tiếp tục hành hạ con cái. Hiện tại ông được miễn trừ hoàn toàn. Nhưng bà sẽ kháng cáo.

Sức mạnh của truyền thống

Vài ngày sautôi gặp Meryem, đạo diễn bộ phim ngắn đáng chú ý. Cô lớn lên ở làng Vaucluse có cộng đồng hồi giáo mạnh. Cha mẹ cô từ Marốc qua Pháp trong những 1960 với hy vọng hòa nhập. Nhưng gia đình không hòa nhập được, mẹ cô không nói tiếng Pháp và Meryem lớn lên trong bầu khí khép kín. Cô cho biết: “Tôi thấy khó chịu khi nói về gia đình như vậy, những gì tôi trải qua không liên quan gì đến hồi giáo: tôi nghĩ vấn đề gia đình tôi là sức nặng của truyền thống, khi còn nhỏ tôi không được đi ăn sinh nhật bạn. Đôi khi mẹ che chở tôi, giả vờ đưa tôi đi mua sắm và chờ tôi ngoài xe với cái bụng quặn thắt. Thỉnh thoảng cha tôi đánh mẹ tôi, mọi chuyện đã đi rất xa… Có lần khi tôi 4 tuổi, ông đã rút dao ra. Một lần khác, tôi trộm kẹo M&M ở siêu thị, ngay bãi đậu xe, cha tôi đánh tôi 20 phát trong xe… Nhưng tôi nghĩ đó là chuyện bình thường vì tôi đã làm chuyện ngu ngốc.” Làm sao để giải thích bạo lực ông mang trong mình? “Chìa khóa của một kịch bản điện ảnh là phải hiểu tất cả nhân vật. Nếu tôi áp dụng phương pháp này cho cha tôi, tôi sẽ nói cha tôi lớn lên ở vùng núi Marốc với 14 anh chị em chăn cừu, ông không bao giờ biết dịu dàng hay tình yêu là gì. Qua Pháp ông làm việc một ngày 10 giờ trong vườn nho, bị chủ ngược đãi trả lương 1.100 âu kim mỗi tháng. Ông bị căng thẳng rất nặng.”

Còn với Meryem, vấn đề bắt đầu ở tuổi dậy thì. Bị kiểm soát cay nghiệt thắt chặt.  Khoảng cách của cô với các cô gái khác ngày càng lớn. Ở trường học, cô không được để tóc trần, không có điện thoại di động, không lên mạng xã hội. “Cho đến buổi tối định mệnh khi có bữa tiệc MJC ở làng. Tôi tạo một bức tường. Tôi mua một chai rượu nhỏ không mạnh. Khi đến nơi, tôi choáng người khi thấy một trong các anh tôi đang phá bữa tiệc. Anh không nói gì với tôi mà chỉ cảnh cáo các người khác. Khi tôi kiệt sức, tôi đi về. Về nhà, tôi thấy cha tôi và các anh hùng hổ nhất đứng trước nhà, tôi đái trong quần. Tôi luôn cố tỏ tôi là cô gái ngoan ngoãn, học giỏi, họ cho tôi là cô gái không còn trinh, tôi là con điếm… Thế là anh tôi đánh tôi, dộng đầu tôi vào tường khoảng 30 lần, anh làm mặt mũi tôi méo xẹo, anh nói: “Mày làm gia đình xấu hổ.” Cha tôi để anh tôi đánh. Cuối cùng, cha tôi nhổ nước bọt vào tôi. Tôi không thể đi học ngày mai vì sẽ có báo cáo. Meryem ở nhà ba tháng, đó là may mắn cho cô. Trong thời gian hồi phục, cô đã nghĩ đến việc “bỏ đi.” Nhưng cô nghĩ mình phải đậu tú tài và phải học để có thể sống tự lập. Sau đó, cô được người anh trai giúp đỡ, anh sống cách nhà 5 giờ xe. Anh đi xe đến đón tôi, cho tôi ba mươi giây để chào mẹ rồi đưa tôi đi. Sau đó anh gọi cho cha tôi, cho ông biết kể từ bây giờ tôi sống với anh. Cha tôi trả lời: “Được, đó không phải là vấn đề của cha nữa mà là của con.” Cô chưa bao giờ nghĩ đến việc nộp đơn khiếu nại sao? “Thật buồn cười, đó là chủ đề của bộ phim đầu tiên của tôi. Một nạn nhân ngần ngại nộp đơn khiếu nại, và một trong những người anh của cô nói với cô: “Không thể áp dụng giải pháp của châu Âu cho vấn đề Địa Trung Hải.” Vì ở quê tôi, không ai tống gia đình vào tù. Không trông cậy vào công lý, Meryem làm sao thoát khỏi tình trạng này? “Lúc đầu thì rất tốt. Dưới sự bảo vệ của anh tôi, tôi cảm thấy như được sống lại. Tôi đi dạo phố cả ngày để tận hưởng tự do. Sau đó tôi tiếp tục học ở Paris và rơi vào những quan hệ đồi trụy, độc hại, tôi đã phải chịu đựng những điều không thể chấp nhận. Vì vậy, tôi phải chữa trị phân tâm học để xây dựng lại bản thân. Và còn có điện ảnh: Tôi đưa những trải nghiệm của tôi vào phim, nó có tác dụng thanh tẩy.”

Rơi vào điên rồ. Chúng tôi xấu hổ quá nên không nói ra, chúng tôi cố gắng bảo vệ chồng”. Laure

Dimitra, phụ nữ Pháp gốc Hy lạp, giải thích: “Nghịch lý thay, chính lúc tôi cảm thấy hạnh phúc trong đời thì tôi lại rơi vào bẫy. 26 tuổi, tôi đang nghiên cứu ở Athens về quyền của những người tị nạn có liên hệ với phiến quân. Tôi gặp một người đàn ông tôi đã có mối quan hệ thân thiện. Elias sống lưu vong, anh chia sẻ quan điểm chính trị và điện ảnh của tôi. Một mở đầu của anh.” Sau bốn tháng, chúng tôi sống dưới một mái nhà như một cặp. Mọi chuyện tốt đẹp dù Elias nghi ngờ lòng tốt của bạn bè Dimitra, chỉ trích họ, tạo một khoảng cách chung quanh Dimitra. “Anh bắt đầu nhắm vào tôi, giận dữ, buồn bã, tự hủy… Anh cảm thấy không được công nhận đủ, không được yêu thương đủ, rồi bắt đầu trách móc tôi vì những ưu điểm của tôi: phụ nữ châu Âu da trắng. Và tôi thường có xu hướng biện minh cho anh về mặt xã hội học, nhưng tôi xem việc tôi chịu đựng những cơn thịnh nộ của anh là bất công vì tôi không làm gì anh cả.” Khi bầu khí quá căng thẳng, cô đến nhà bạn bè trong hai hoặc ba ngày. Cho đến buổi tối định mệnh khi Elias bùng giận. “Khuôn mặt của anh biến đổi. Có vẻ như anh đang ở trong cơn mê sảng bộc phát hoặc trong tình trạng mất thăng bằng cực độ. Anh hét the thé. Anh ném bàn vào gương vỡ tan tành. Anh đẫm máu. Anh đập vỡ tất cả các cửa sổ. Sức mạnh của anh gấp mười.” Hoảng sợ, Dimitra trốn trong góc, không biết làm sao ra khỏi phòng, Elias dọa giết cô. Cô nhặt những mảnh thủy tinh để tự vệ nếu anh tấn công. “Vì vậy không cần suy nghĩ, tôi quyết định đi theo con đường của anh: tôi nói anh đúng, tôi không xứng đáng, tôi xin anh đừng bỏ tôi. Tôi hứa với anh từ giờ trở đi tôi sẽ làm bất cứ điều gì anh muốn. Anh bình tĩnh lại ngay lập tức. Anh nói: “Tốt, em đã nhận sai lầm. Từ giờ trở đi em sẽ không đi trốn nữa, em sẽ không cần điện thoại.” Elias ăn thẻ SIM ngay trước mắt. Và để ăn mừng, anh đi mua bia và thuốc lá. Cô chờ năm phút trước khi trốn. Nhưng trước sự khó hiểu của người thân, cô về lại.

Elias xin lỗi. Anh giải thích tối hôm đó anh đang cai ma túy và anh đã kiềm chế được bản thân vì anh không đánh cô. “Vì vậy, chúng tôi trở lại đời sống vợ chồng, nhưng tôi bị tổn thương. Anh không cần phải đe dọa tôi, tôi vâng lời anh.” Một ngày nọ, họ đi dạo trong khu phố tồi tàn ở Athens, Elias hung hãn. Dimitra đẩy anh ra. Anh đánh cô chảy máu. Một chiếc xe dừng lại để giúp cô, nhưng Elias nhặt được một cây cột và người lái xe phải bỏ đi. Dimitra chạy đến một khách sạn bốn sao, Elias bị các nhân viên an ninh chận lại, họ gọi cảnh sát. “Tại đồn cảnh sát, họ không khuyên tôi nên khiếu nại. Một cảnh sát còn nói với tôi: “Cô đáng bị đánh như vậy, chúng tôi biết!” Họ chỉ giữ Elias ba hoặc bốn giờ để tôi có thì giờ lấy đồ đạc ra đi.” Vài ngày sau, Elias tấn công một người trên đường và phải vào tù. Dimitra đến thăm ở phòng thăm. “Đó chính là cú quyết định. Trong ba giờ, chúng tôi nói chuyện rất hợp với nhau. Đó là lúc tôi nhận ra vấn đề. Tôi trở về Pháp vĩnh viễn, tôi được theo dõi tâm lý ở bệnh viện Saint-Anne để hồi phục.”

Khả năng chịu va chạm hay khả năng sống sót

Bạo lực không chỉ được che giấu sau cánh cửa đóng kín giữa nạn nhân và kẻ hành hạ, nó còn ảnh hưởng đến người xung quanh và kêu gọi người khác cũng làm.

Bằng chứng là câu chuyện của Charlotte, lớn lên trong hoàn cảnh cha cô ngược đãi mẹ cô. “Chúng tôi sống ở Halles trong những năm 1990, cha tôi là giám đốc quảng cáo, hơi đẹp trai. Mẹ tôi là nhân viên văn phòng bình thường. Cha tôi xuất thân từ một gia đình người Malta, sinh ra ở Cairo, lớn lên có tài xế, có người hầu. Mẹ tôi không học cao, bà bị thống trị về mặt xã hội và kinh tế. Cha tôi cực kỳ bạo lực, thường xuyên cãi vã ở nhà hàng hoặc trên đường phố. Nếu mẹ tôi nấu ăn và cha tôi ngửi thấy mùi đồ ăn trên áo quần của ông, ông sẽ trút giận lên bà, túm tóc, bứt tóc bà, đánh bà, máu chảy khắp nơi. Mẹ tôi phải nghỉ làm cho đến khi dấu vết biến mất.” Không ai can thiệp ư?” “Không, không ai muốn dính đến chuyện vợ chồng. Đó là điều cấm kỵ. Thỉnh thoảng hai vợ chồng dì tôi đến xoa dịu. Nhưng họ bỏ mặc chúng tôi. Bây giờ tôi hiểu họ đã không giúp đỡ trẻ vị thành niên đang gặp nguy hiểm.” Có ba trẻ vị thành niên, Charlotte có hai anh. Charlotte ở gần phòng cha mẹ và nghe cha cô hành hạ mẹ cô, sau đó là im lặng, cô sợ mẹ cô chết. Thử thách này kéo dài 25 năm. “Rồi mọi chuyện trở nên cân bằng hơn, mẹ tôi đi học lại, đi thi, cha tôi hơn mẹ tôi 13 tuổi, ông suy yếu vì trầm cảm. Cuối cùng mẹ tôi ly dị được với cha tôi.” Ông vô cùng đau khổ, ông điện thoại quấy rầy mẹ tôi, đợi mẹ tôi ngoài nhà. “Mẹ tôi làm lại cuộc đời với người đàn ông trẻ hơn bà nhiều tuổi nhưng rất lạ lùng và đáng lo ngại. Có lúc tôi nghĩ mẹ tôi được giải thoát, nhưng mẹ tôi lại mắc bệnh thoái hóa thần kinh. Mẹ bị tê liệt và không nói được. Mẹ tôi đi trị liệu ngôn ngữ, và tôi được biết mẹ tôi thường bị bầm tím. Mẹ ở với tên đao phủ mới, mẹ không có khả năng tự vệ nhưng tỉnh táo.” Charlotte cầm cự cho đến lúc đó, cuối cùng cô phải vào bệnh viện tâm thần trong bảy tuần. Kể từ đó, cô vẽ tranh để xua đuổi câu chuyện của mình. Và các anh trai của cô một người bị tâm thần phân liệt, một người nghiện rượu. Họ chưa bao giờ có mối quan hệ tình cảm và có con. Câu chuyện của cô không có ngã thoát. Tôi nghĩ đến khả năng bền va để phục hồi. Trước khi trở thành thuật ngữ tâm lý học, thuật ngữ bền va mô tả đặc tính của một số kim loại như thép, xoắn nhưng không bị gãy, sau đó trở lại hình dạng ban đầu. Nhưng khoa học vật liệu cung cấp một từ khác, với tôi phù hợp hơn với câu chuyện của Charlotte, cũng như của Laure, Myriem hay Dimitra: sự tồn dư, biến đổi kim loại bằng nam châm, bền bỉ nhưng không vĩnh viễn. Vì vậy, dù cú sốc không làm gục ngã, nhưng nó vẫn thấm nhuần và biến đổi con người từ bên trong, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tình cảm. Đây chính là toàn bộ vấn đề của bạo lực: một cú đánh tắt đi nhanh chóng nhưng hiệu ứng của nó kéo dài vô tận.

 

Marta An Nguyễn dịch

https://phanxico.vn/