Ronald Rolheiser, 2024-08-12

 

Tôi dạy môn linh đạo ở Trường Thần học Hiến sĩ ở San Antonio, Texas. Mười lăm năm trước, chúng tôi bắt đầu chương trình Tiến sĩ về Tâm linh. Trong 15 năm này chúng tôi có các nghiên cứu sinh tiến sĩ từ nhiều giáo phái kitô giáo khác nhau – tin lành, tin lành chính thống, tân giáo, anh giáo và công giáo la-mã đến học. Trong 15 năm này không có ai đổi đạo của mình sang đạo khác. Nhưng khi rời trường, các sinh viên dấn thân sâu đậm hơn trong tôn giáo của mình và hiểu sâu sắc hơn tôn giáo bạn. Chúng tôi tự hào về điểm này. Đó là một trong những mục tiêu của chúng tôi.

Kể từ thời Cải cách Tin lành, các tín hữu kitô đã trải qua năm trăm năm hiểu lầm và nghi ngờ nhau. Khi đó ai cũng có khuynh hướng làm việc với giả định mình thuộc về một giáo phái chân thực (hoặc ít nhất là chân chính nhất) của kitô giáo và tìm cách hoán cải người khác bỏ giáo phái của họ theo giáo phái của mình. Đáng mừng thay, mọi thứ đang thay đổi, dù có người vẫn còn cho rằng kitô giáo mới thực sự là kitô giáo, bảo vệ cho một ranh giới nhiều người vẫn còn bám vào. Một tầm nhìn mới đang dần dần hình thành và chúng tôi bắt đầu nhìn nhau dưới một góc nhìn khác.

Chúng tôi bắt đầu nhận ra con đường dẫn đến hiệp nhất không phải là con đường cho rằng: ‘Bạn sai, tôi đúng’, cả khi chúng tôi ý thức được những vấn đề gây chia rẽ giữa nhau. Đúng hơn, chúng tôi đang nhìn vào những gì chúng tôi chia sẻ chung trong tư cách là tín hữu kitô, là con người, và nhận ra những gì chúng tôi chia sẻ trong những điểm chung nhỏ bé lại là những điều làm chúng tôi ngăn cách.

Chúng tôi có điểm chung nào đã làm lu mờ giáo điều, giáo hội học, cơ cấu quyền lực hoặc sự hiểu lầm lịch sử nào đã chia rẽ chúng tôi?

Chúng tôi chia sẻ điểm chung này: một khởi đầu, một bản chất, một trái đất, một bầu trời, một định luật hấp dẫn, một mong manh, một cái chết trần thế, một ước muốn, một mục tiêu, một số phận, một con đường, một Thiên Chúa, một Chúa Giêsu, một Chúa Kitô, một Chúa Thánh Thần. Tất cả những điều này mang theo một mệnh lệnh tối thượng: yêu Giáo hội của mình và của anh em mình.

Nhưng chúng ta có thể phản đối, còn tất cả những điều sai trái ở Giáo hội anh em của tôi thì sao? Phải công nhận đây là cả một vấn đề. Tuy nhiên, cũng phải công nhận, Giáo hội chúng ta cũng có những điều sai trái, dù chúng ta ở giáo phái nào. Hơn nữa, như học giả nổi tiếng về tôn giáo Huston Smith khẳng định, chúng ta đánh giá một tôn giáo khác hay một giáo phái kitô không qua những sai lầm hay những biểu hiệu xấu nhưng qua những biểu hiệu tốt nhất, qua những thánh của họ.

Nếu điều này đúng thì tất cả chúng ta có thể hướng về các Giáo hội khác, các thánh, các phong phú đặc biệt của họ để làm phong phú thêm vai trò môn đệ của chúng ta trong Chúa Kitô. Trong quyển sách sâu sắc Yêu Giáo hội của người anh em như Giáo hội mình (To Love Your Neighbor’s Church as Your Own) tác giả tin lành chính thống Thụy Điển Peter Halldorf đặt câu hỏi: “Yêu Giáo hội của người anh em như Giáo hội mình có nghĩa là gì? Liệu tín hữu đạo Ngũ Tuần có thể xem người công giáo có thể làm phong phú thêm cho kinh nghiệm đức tin của họ không? Liệu người công giáo la-mã có thể nhìn người tín hữu Ngũ Tuần như vậy được không?”

Nếu chúng ta trung thực, chúng ta phải nhận chúng ta có nhiều điều để học lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta không nên xa cách nhau, chúng ta phải bắt đầu nói về những điểm “hội tụ” hơn là “hoán cải”. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta đến với nhau trong tôn trọng, chia sẻ, khiêm nhường, không có thái độ nghi ngờ hay đắc thắng. Ở đó, ngờ vực có thể được khắc phục.

Làm sao chúng ta có thể đến với nhau theo cách đó? Cách đây một thế hệ, thần học gia nổi tiếng Avery Dulles cho rằng con đường đại kết không phải là con đường hoán cải. Sự hiệp nhất giữa các giáo hội kitô giáo sẽ không xảy ra vì tất cả các giáo phái trở lại và theo một giáo phái. Ông khẳng định, điều này không những không thực tế mà còn không lý tưởng vì không một giáo phái nào nắm giữ toàn bộ chân lý. Đúng hơn, tất cả chúng ta vẫn đang hành trình, với tất cả tấm lòng chân thành chúng ta hướng đến sự thật trọn vẹn, hướng đến vai trò môn đệ trọn vẹn và hướng tới việc thể hiện đầy đủ hơn Nhiệm thể Chúa Kitô trên trái đất này. Tất cả chúng ta vẫn đang trên con đường đi đến điều này.

Vì thế, con đường dẫn đến chủ nghĩa đại kết, đến sự hiệp nhất kitô giáo, đến sự hiệp nhất tại bàn tiệc Thánh Thể nằm ở mỗi chúng ta, mỗi giáo phái, từ hoán cải bên trong, ngày càng trung thành hơn trong vai trò môn đệ của mình, trong việc bày tỏ một cách chân thực hơn về Nhiệm thể Chúa Kitô, để khi trung thành hơn với Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy mình ngày càng đến với nhau, hội tụ với nhau, cùng nhau lớn lên như một gia đình.

Cố Tổng giám mục anh giáo Kenneth Cragg (1913-2012) từng đề nghị tương tự với vấn đề liên tôn giữa các tôn giáo trên thế giới. Sau khi làm việc với tư cách là nhà truyền giáo kitô giáo với người hồi giáo, ngài cho rằng tất cả các tôn giáo trên thế giới sẽ phải thể hiện nơi Chúa Kitô trọn vẹn.

Đã đến lúc vượt quá năm trăm năm hiểu lầm, chúng ta đến gần nhau ôm nhau, cùng hành hương, cùng phấn đấu trên một hành trình chung. Yêu Giáo hội của mình và yêu Giáo hội của người anh em.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch