Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Chúng ta nuôi hy vọng mình là người khác biệt, độc đáo, phi thường. Chúng ta muốn được đảm bảo sự kiện mình sinh ra không phải do tình cờ, có bàn tay vị thần tác động vào việc mình ra đời, chúng ta hiện hữu do ý trời. Chúng ta hy vọng có thuốc trường sinh. Cơn điên cuồng dấy lên khi áp lực trở nên quá mạnh, chúng ta soạn thảo công phu lời nói dối về cuộc đời này để che đậy sự thật là chúng ta tầm thường, bấp bênh, hữu hạn. Chúng ta không còn nhận ra vinh quang của Tin Mừng. Vậy mà lời dối trá về cuộc đời này thật ra không cần thiết, bởi vì tất cả những cái chúng ta thật sự ao ước đã được trao nhưng không rồi. (Alan Jones, Hành trình vào Đức Ki-tô, SPCK, 1978)
Tôi chắc chắn, tất cả chúng ta đều biết những lời trên đây muốn nói gì. Một mặt chúng ta cảm nhận mình là người phi thường, là tạo vật của đấng quan phòng, là người có giá trị, có ý nghĩa, có tầm quan trọng, dù cho số phận dành cho chúng ta có như thế nào.
Chúng ta nhận thức rằng mình không phải là tạo vật của ngẫu nhiên tiến hóa, là nạn nhân bình thường của số phận, của may rủi, của tình cờ hay ngẫu nhiên, phải chịu số phận biến mất vào thiên thu. Trong thâm tâm, chúng ta cảm nhận mình là con Thiên Chúa, được Chúa quan phòng, yêu thương, được mời gọi sinh ra, đến với cuộc sống, có ý nghĩa, có tầm quan trọng duy nhất, vô cùng quý giá. Chúng ta cũng nhận thức chúng ta có giá trị, không phải vì chức vụ, vì những gì chúng ta thực hiện, thành tựu trong cuộc sống, nhưng đơn giản vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương.
Tuy nhiên trực giác này, dù được cảm nhận một cách sâu xa, lại thường héo úa dưới áp lực của những cố gắng để có một cuộc sống độc đáo, đặc biệt trong thế giới mà hàng tỉ người khác cũng đang gắng sức để làm như vậy. Liệu hàng tỉ người khác đều có thể vô cùng quý giá và tuyệt đối độc đáo không?
Rốt cùng sự tầm thường, vô danh, hữu hạn thắng thế. Chúng ta bắt đầu lo sợ rằng mình không có giá trị hoặc không được quan phòng. Thay vào đó chúng ta thấy mình tầm thường, cố gắng làm cho thế gian tin rằng mình là người khác biệt. Một giữa hàng tỉ người khác, cố gắng đeo đuổi, bám vào một mãnh nhỏ của ý nghĩa, của đồng nhất, của bất tử!
Khi chúng ta cảm nhận theo cách này, chúng ta bắt đầu tin rằng chúng ta chỉ có giá trị, chỉ độc đáo với điều kiện chúng ta sẽ đạt được một thành tích nào đó, thành tích nâng chúng ta lên, làm chúng ta nổi tiếng. Đa số chúng ta, bổn phận của người lớn là bảo đảm mình có giá trị, được yêu thương, được tôn trọng, được bất tử và thánh thiện.
Rốt cuộc, chúng ta không tin mình được như vậy vì mình không thành tựu được những gì mình mong muốn. Vì thế chúng ta không có khả năng sống cuộc sống bình thường, vô danh, ẩn mình trong Đức Ki-tô.
Có ít chuyện làm chúng ta dằn vặt và hủy hoại bình an hạnh phúc cho bằng chuyện này: chúng ta tự đặt cho mình một công việc bất mãn thậm chí là không thể làm được, một công việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được cho chúng ta.
Vì thế cuộc sống bình thường này có vẻ như không đủ cho chúng ta, và vì chúng ta sống day dứt, ganh đua, o ép nên chúng ta ngụy tạo ra một sự dối trá để che đậy cái tầm thường của mình.
Tại sao cuộc sống bình thường không đủ cho chúng ta? Tại sao lúc nào chúng ta cũng cảm thấy cuộc sống của mình nhỏ bé, hạn hẹp, vô nghĩa, nhàm chán? Tại sao lúc nào chúng ta cũng cảm thấy mình tầm thường, bất mãn, không hạnh phúc như những người khác?
Tại sao chúng ta có nhu cần để lại dấu ấn? Tại sao tình trạng không đạt được những gì mình mong muốn làm chúng ta quay cuồng như vậy? Tại sao khi nào chúng ta cũng cảm thấy ngột ngạt trong vị thế nhỏ hẹp của mình?
Tại sao, như hải âu Jonathan Livingston, chúng ta muốn bay lên trên tất cả, muốn tách ra bầy đàn, muốn đặc biệt hơn người khác? Tại sao chúng ta không thể ôm lấy nhau như anh chị em và, khiêm tốn biết ơn, vui với quà tặng và sự hiện hữu của người khác? Tại sao lúc nào cũng nhìn người khác như địch thủ?
Tại sao có nhu cầu lưu danh, giả bộ, thổi phồng, nói dối đủ loại để phóng chiếu một vài hình ảnh nào đó về cái tôi của mình?
Bởi vì chúng ta đang cố gắng cho bản thân mình những điều mà chỉ Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta, tính đồng nhất tối thượng, ý nghĩa và bất tử.
Giáo hội Tin Lành luôn khẳng định tâm điểm thông điệp của Đức Ki-tô là «Chỉ có đức tin mới cứu rỗi.» Chỉ có đức tin mới xác định chúng ta là ai. Họ đúng. Lời khẳng định này tỏ lộ điều bí mật tối hậu: Chỉ có Chúa mới cho sự sống đời đời. Giá trị, ý nghĩa và bất tử là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta tin như vậy, chúng ta sẽ thanh thản, bình an, khiêm tốn, ít ganh đua, biết ơn và hạnh phúc hơn. Chúng ta sẽ không bỏ mồi bắt bóng. Cuộc sống bình thường, với tất cả công việc hàng ngày, chia sẻ với hàng tỉ người khác không thôi, cũng đủ để bảo đảm cho cuộc sống chúng ta có giá trị, có ý nghĩa rồi.
Cuộc sống bình thường là đủ. Giá trị và tầm quan trọng đến từ tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải đến do những gì chúng ta thực hiện được. Rốt cùng, chúng ta không tầm thường, và chúng ta không cần phải ngụy tạo cuộc đời chúng ta.
Nguyễn Kim An dịch