Vào ngày Giáng sinh năm 1914, tại tiền tuyến của chiến hào giữa lực lượng Đồng minh và quân Đức, một cuộc hưu chiến ngắn đã diễn ra. Theo lời kể lại, sáng kiến này khởi đi từ phía quân Đức, bắt đầu bằng những tiếng kêu vang xuyên qua giữa khoảng cách chừng 30 thước ngăn cách hai đội quân: “Các anh không bắn, chúng tôi không bắn!”.

 

Dù chỉ xảy ra ở một khu vực nhỏ trên tiền tuyến, nhưng những bằng chứng hình ảnh đã chứng minh sự kiện này là thật, không phải là một “sự thêu dệt”như lời các lãnh đạo quân đội từng tuyên bố. Có thể đã không nhiều binh sĩ tham gia, và có lẽ họ đã không cùng chơi chung trận bóng giao hữu như một số người đã nói. Nhưng họ đã cùng đứng ở khu trung lập và trao đổi quà, hút chung với nhau vài điếu thuốc, cố gắng nói chuyện trước khi trở lại chiến hào và tiếp tục cuộc chiến.

 

Có lẽ ở một vài nơi khác và ở một số thời điểm sau đó trong cuộc chiến đã diễn ra những điều tương tự, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho điều này. Chắc hẳn các tướng lĩnh hai bên đã ra lệnh không cho phép điều này lặp lại lần nữa. Chắc chắn không. Vì một sự kiện như vậy sẽ phản ánh điều gì?

 

Năm mươi năm sau khi Thế chiến I kết thúc, Jan Patocka, triết gia lỗi lạc người Séc, đã gọi những điều mà chúng tôi vừa kể trên đây là “sự chung lòng của những người bị xao động.” Patocka cũng là thành viên khởi xướng của phong trào nhân quyền Hiến chương 77 diễn ra tại Prague [Praha] vào thời kì chiếm đóng của quân Liên Xô, cùng với Vaclav Havel, người về sau trở thành tổng thống của Czechoslovakia [Tiệp Khắc] vào năm 1989. Hiến chương này được xúc tiển bởi một sự liên kết đơn giản của những người có chung mục tiêu cải thiện quyền công dân và quyền con người, mặc dù họ có sự khác biệt đáng kể trên nhiều phương diện khác. Khi nhận ra rằng sự đấu tranh cho phẩm giá con người làm thu hẹp những khác biệt về ý thức hệ, họ đã cùng đứng lên để phản đối sự chiếm đóng của Liên Xô.

 

Sự chung lòng chớp nhoáng

 

Nhận thấy những điểm tương đồng với sự kiện ở chiến hào hồi nửa thế kỉ trước, Patocka đã nhận xét rằng các lực lượng đối lập trong Thế chiến I là tập hợp những cá nhân “bị xao động” bởi cảm giác mất đi ý nghĩa, nhưng họ dù khác biệt về quốc gia và và lập trường trong cuộc xung đột, về cơ bản đều có chung những trải nghiệm giống nhau. Bởi lẽ đó, Patocka đã tự hỏi rằng những hành động nào là cần thiết để bảo vệ và duy trì sự tự do tư tưởng mới mà sự xao động đã làm nảy sinh nơi những người ủng hộ hiến chương? Đến lượt mình, tinh thần phản kháng phát xuất từ sự chung lòng phải tiếp tục đối đầu với xu hướng bình thường hóa, để vượt lên trên những cái vốn đã bình thường. (Và để tránh việc quý độc giả nghĩ rằng điều này có phần hơi trừu tượng, chúng ta cần nhắc lại rằng vào cùng năm đó, Patocka đã qua đời do hệ quả từ những vết thương của một cuộc “thẩm vấn kéo dài” của lực lượng an ninh.)

 

Một vấn đề mà Patocka nhận ra được từ thế hệ những người trải qua sự kiện chiến hào là sự chung lòng này không kéo dài lâu khi sự xao động này dần phai nhạt theo thời gian. Điều này sẽ một lần nữa được chứng minh trong thời kì hậu Hiến Chương 77, nhưng Patocka đã chết trước khi ông thấy điều đó. Giả sử đã có một sự trung thành nào đó vượt qua được ranh giới quốc gia giữa các binh sĩ trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, thì không bao lâu sau những mối hận thù cố hữu lại nổi lên báo hiệu sự khởi đầu của Thế chiến II. Vả giả như những khác biệt ý thức hệ giữa các đảng phái chống Xô Viết ở Tiệp Khắc hồi giữa thập niên 1970 có thể được tạm gác sang một bên để vì mục tiêu chung của một mặt trận hiệp nhất, thì sự đồng lòng này hay thậm chí là sự thống nhất của trạng thái này cũng không thể tồn tại lâu, bất chấp mọi nỗ lực của Vaclav Havel nhằm đảm bảo điều đó.

 

Dường như việc “bình thường hóa” hoặc trở lại với “trạng thái vốn dĩ của sự vật” có sức mạnh quá lớn, bởi nó khuyến khích chủ nghĩa cá nhân và làm giảm đi sự chú ý đến nhu cầu của cộng đồng. Patocka gọi áp lực bình thường hóa này là “The Force” [Sức Ép]. Ngày nay, chúng ta có thể liên tưởng đến tác động của chủ nghĩa tư bản thị trường tân tự do lên toàn cầu, và cách mà sự kết hợp không lành mạnh giữa nó với mạng xã hội đang tạo ra một nền văn hóa tư hữu cá nhân.

 

Những suy ngẫm của Patocka đã dẫn nhà thần học Anh giáo Andrew Shanks đưa ra đề xuất rằng thần học Kitô giáo có thể là một công cụ hữu ích để tiến về tương lai, và câu chuyện của các Kitô hữu hàm chứa những nguồn lực để củng cố sự chung lòng giữa những cá nhân đang bị xao động, đủ mạnh để kháng lại sức ép của quá trình bình thường hóa. Shanks nghĩ, nếu ta muốn tìm một hình mẫu của sự xao động, thì còn ai phù hợp hơn Đức Giêsu, Đấng đã trả giá cho sự kháng cự của mình với vương triều La Mã bằng cuộc tử nạn của Ngài trên thập giá?

 

Nếu Đức Giêsu thật sự là hình mẫu của những người bị xao động, vậy đời sống môn đệ Kitô giáo sẽ trông như thế nào, và hiểu biết về điều này có thể giúp giải quyết tình trạng phân cực gay gắt đang ảnh hưởng đến Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ như thế nào? Cụ thể hơn, làm thế nào để trải nghiệm đức tin có thể cải thiện sự phù thuộc thuần túy vào thẩm quyền của giáo thuyết?

 

Một ví dụ hoàn hảo của cơn xao động

 

Nhưng nếu tập trung ít hơn vào khía cạnh chính trị và thay vào đó chú ý đến tiếng kêu đau đớn trên thập giá của Đức Giêsu thì sao: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).

 

Qua lời kêu này, Chúa Giêsu tỏ ra như một ví dụ sống động của cơn xao động. Mọi thứ Ngài từng rao giảng giờ đều trở nên vô nghĩa. Treo mình trần trụi trên thập giá và bị ruồng bỏ bởi chính các môn đệ, Ngài bị bao phủ bởi một cảm giác vô nghĩa sâu xa hơn nhiều so với việc La Mã không ưa các vị ngôn sứ bất trị. Cái chết của Ngài khiến các môn đệ thân cận nhất cũng rơi vào tuyệt vọng khi họ lẩn trốn trong sợ hãi và mọi hi vọng của họ vào Đức Giêsu cũng sụp đổ. Sự xao động của họ là điều mà mọi người đều thấy rõ, nhưng ngay cả tin tức về sự sống lại của Chúa Giêsu vẫn không làm vơi đi sự hoang mang của họ, và cũng không thể thúc đẩy họ phối hợp hành động để đạt được sự đoàn kết thật sự. Điều đó chỉ xảy đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trong lễ Ngũ Tuần, để rồi sau đó các môn đệ mạnh dạn đi rao truyền thông điệp của Đức Giêsu cho những ai muốn lắng nghe.

 

Như những môn đệ trên đường Emmaus, chỉ khi họ hiểu được bản chất của sự xao động mà Đấng Chịu Xao Động đã trải qua thì công việc mà Ngài giao phó cho họ mới sinh ra sự chung lòng đích thực. Nếu tim họ vốn đang bừng cháy lên vì sức mạnh từ lời giải thích của vị khách lạ, thì hành động bẻ bánh của Ngài cho phép họ nhận ra và đồng tâm với Ngài.

 

Làm dấu Thánh giá trong đời sống

 

Sự xao động không phải chỉ là một cảm xúc cần vượt qua, cũng không phải là thứ ít giá trị để loại bỏ trong cuộc sống thường ngày, mà nó là một trạng thái mà ta phải sống cùng trong cuộc đời. Sự xao động này cũng có thể được diễn tả như là làm dấu thánh giá trong đời sống. Điều căn bản nhất của dấu thánh giá không phải là về những đau đớn thể lý của Đức Kitô, dù nó thường được xem là một phần trong đó, mà chính là sự phấn đấu để tin và xác tín đến cùng trong đức tin ấy. Chúa Giêsu đã làm dấu thánh giá từ lúc Ngài xin để được cất khỏi chén đắng này trong vườn Cây Dầu; và khi Ngài phó thác chính mình cho thánh ý của Chúa Cha, Ngài đã chấp nhận cơn xao động, đến tận lúc trút hơi cuối cùng trên thánh giá.

 

Giáo hội Công giáo La Mã đã thay đổi một cách đáng kể trong hơn 60 năm qua, đến mức hẳn nhiều tín hữu đã từng ít nhiều cảm thấy xao động ở một số thời điểm. Sự thay đổi mạnh mẽ thường làm dấy lên nhiều loại cảm xúc mãnh liệt, và dù các nhóm cánh hữu và cánh tả trải nghiệm sự xao động theo những cách khác nhau, họ đều có điểm chung là cảm giác lung lay trong đức tin. Sự bất định là cảm giác chung của cả hai nhóm quan điểm, nhưng cả hai đều gắn bó mật thiết với Giáo hội trong tình yêu, dù họ có hình dung Giáo hội theo những cách khác nhau.

 

Điều nhiều người thiếu ở đây — mà đồng thời cũng là nguyên nhân chính yếu cho sự phân cực trong Giáo hội — là sự nên một với cơn xao động của Đức Giêsu. Thập giá không phải giải pháp, nhưng phải nói rằng chỉ có qua thập giá mới có thể nghĩ đến một giải pháp nào đó. Cả hai nhóm cần tập trung vào Đức Kitô hủy mình, Đấng đã chịu thương tích và trải qua cơn xao động trên thập giá, và từ bỏ sự vô ích đến từ việc tự hài lòng và an phận trong các chiến hào của riêng mình. Vậy, chúng ta có thể đưa ra đề xuất tích cực gì để vượt qua sự phân cực mà không bỏ qua những khác biệt đáng kể trong cách mà các nhóm này nhìn nhận về Giáo hội mà họ yêu mến?

 

Mầu nhiệm tự hủy

 

Đây có thể là lúc để tập trung kĩ hơn vào Kitô học thượng xuất hay giáng trình về mầu nhiệm tự hủy: Chúa Kitô đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang để nhập thể làm người. Dù mầu nhiệm tự hủy này một lần nữa có vẻ như đang nhấn mạnh vào nhân tính của Đức Kitô, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng “tự hủy” mặc lấy thân phận phàm nhân. Và đây chính là nơi mà khả năng xuất hiện một sự chung lòng thực sự giữa những người đang xao động, vì trong khi các thuyết Kitô học hạ khởi hoặc thăng trình thường được các tín hữu Công Giáo cấp tiến ủng hộ, mầu nhiệm tự hủy có khả năng dung hòa giữa chú trọng của phái cấp tiến vào nhân tính của Đức Giêsu với các thuyết Kitô học truyền thống hơn vốn nhấn mạnh đến khởi xướng thần linh trong mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng cũng đồng thời nhìn nhận sự cao cả của hành động Thiên Chúa thật sự trở nên con người mà điều đó kéo theo.

 

Đây cũng là lúc mà lý tưởng tự hủy của Kitô giáo có thể trở nên sự trợ lực cho thế giới thế tục. Tự hủy là sự từ bỏ cách tuyệt đối của Thiên Chúa, và sự chuyển tiếp đến kiếp phàm nhân xa ngã với trách nhiệm đón lấy những điều còn mơ hồ trong nỗ lực tìm kiếm những phương thế để phấn đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới mà người Kitô hữu xem là sự báo trước về sự ngự trị của Thiên Chúa.

 

Vì sao một đề xuất như vậy lại có vẻ như một thực hành trong vô ích? Có lẽ quá nhiều người trong chúng ta đã quên rằng khởi điểm đức tin của chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà nơi Ngài Thiên Chúa trở nên yếu đuối chứ không phải toàn năng, hoặc ví như lời của học giả Kinh Thánh Hans Frei, là “sự bất lực đầy uy lực.” Đức Giêsu Kitô là chính Thiên Chúa đã hủy mình ra không, Đấng chia sẻ trọn vẹn thân phận phàm nhân: bị vùi dập bởi dòng lịch sử, bị bủa vây bởi hoài nghi và mơ hồ, chịu lấy sự chết và được mời gọi để hy vọng ngay cả – mà cũng là bởi vì – sự mỏng giòn không thể tránh khỏi của đời sống. Khi cùng chia sẻ thân phận con người này, hy vọng của chúng ta không phải đặt để ở một vị Thiên Chúa sẽ từ trời cao hiện xuống và giải thoát chúng ta khỏi cảnh này. Đúng hơn, chúng ta đặt hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, nơi Người Thiên Chúa mời gọi chúng ta bước vào mối tình bạn hữu với Ngài được xác chuẩn trong Thần Khí mà Đức Kitô đã hứa sẽ ở cùng ta đến ngày sau hết. Đức tin của ta được vun trồng trên mảnh đất của tình yêu, niềm vui, nỗi buồn, tình bạn, lòng quảng đại, và thậm chí là hoài nghi, và được bồi đắp bởi Thần khí của Đức Kitô. Đây là cách mà sự ngự trị của Thiên Chúa có thể hiện diện trong dòng chảy lịch sử.

  

 

Ân sủng tự vấn

 

Không nghi ngờ gì, việc vì sao sự quên lãng này xảy ra là một vấn đề cần được suy xét, nhưng ít nhất nó có liên quan phần nào đến sự xác tín vào sự chắc chắn có tính đạo đức, điều có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, không kể họ có quan điểm như thế nào. Điều mà Charles Curran từng gọi là “gánh nặng của sự tin chắc” có thể được giải quyết bằng cách tham chiếu đến phạm trù“ân sủng của sự tự vấn” của sơ Margaret Farley, R.S.M., hoặc trong ngữ cảnh thế tục hơn, chúng ta có thể gọi là sự hạ mình trong nhận thức.

 

Theo sơ Farly, “sự tự vấn ân sủng” này là điều đặc biệt cần thiết đối với những người có quyền lực, những người mà cám dỗ lớn thứ hai là “sự bám chặt lấy sự chắc chắn” (cám dỗ lớn nhất là sự tự mãn, đặc trưng của những người ở bất kỳ vị trí quyền lực nào). Sự “tự vấn”mà sơ Farley khuyến khích ở đây không phải là việc dung dưỡng một loại yếu đuối tâm lý nào đó, mà thay vào đó, nó là gợi ý cho một sự tự nhận thức lành mạnh về từ việc chấp nhận khả năng rằng ta luôn có thể phạm sai lầm. Điều này không phải là kết quả của một cái tôi yếu nhược mà là phương thế điều trị cho một cái tôi quá cao. Và tầm quan trọng của nó nằm ở chỗ trở thành “điều kiện cơ bản cho sự phân định luân lý của cả cá nhân lẫn cộng đồng.”

 

Về mặt thần học, ân sủng của sự tự vấn không gì khác ngoài việc nội tâm hóa mầu nhiệm tự hủy trong đời sống môn đệ của Đấng tự hủy, Đấng Bị Xao Động. Thiên Chúa, Đấng đã hạ mình mặc lấy kiếp sống phàm nhân qua hình ảnh lịch sử của Đức Giêsu thành Nazareth, là gương mẫu hoàn hảo của sự khiêm nhường trong nhận thức, và vì lẽ đó mà bước theo Chúa Giêsu trong đời môn đệ cũng hàm chứa cả việc tự nguyện chấp nhận ân sủng của tự vấn. Chính biến cố của mầu nhiệm Vượt Qua đã cho ta thấy con đường đi tới. Tiếng kêu thống khổ của Chúa Giêsu trên thập giá, “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” đã được biến đổi qua sự hạ mình của nhận thức trong lời tuyên bố “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30), mở lối cho sự biến đổi vào đời sống mới của mầu nhiệm phục sinh. Không một Kitô hữu nào, dù theo quan điểm chính trị hay giáo hội ra sao, có thể phủ nhận cốt lõi này của trình thuật Tin Mừng.

 

 

Tác giả: Paul Lakeland
Chuyển ngữ: Nam Anh