Điều dưỡng Julie McFadden chia sẻ, ba điều hối tiếc phổ biến nhất của bệnh nhân trong phút cuối đời là các mối quan hệ, sức khỏe và cách tận hưởng cuộc sống.

Đối mặt với cái chết, con người thường nhìn nhận lại cuộc đời và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi người có những khoảnh khắc cuối đời khác nhau. Trong cuộc phỏng vấn với bác sĩ phẫu thuật Karan Rajan, thành viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), y tá Julie McFadden, nổi tiếng với tên Hospice Julie trên mạng xã hội, đã tiết lộ ba điều mà nhiều người hối tiếc nhất khi đứng trước giây phút lìa đời.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm chăm sóc giảm nhẹ, McFadden cho biết những cuộc trò chuyện cuối đời thường xoay quanh điều bệnh nhân từng xem nhẹ khi còn sống, phổ biến nhất là việc không trân trọng sức khỏe ở tuổi trẻ.

"Điều tôi thường xuyên nghe nhất là họ tiếc nuối vì đã không biết trân trọng thể lực của mình. Họ ước gì mình sớm hiểu được, một cơ thể khỏe mạnh là điều tuyệt vời đến thế nào", bà nói.

Điều hối tiếc thường gặp thứ hai của bệnh nhân là "làm việc quá nhiều". Họ thường ước rằng bản thân đã không dành cả đời cho công việc, cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho bản thân.

Cuối cùng, bà tiết lộ nhưng người hấp hối thường nuối tiếc về các mối quan hệ. Họ mong mình liên lạc với một người bạn cũ sớm hơn, quay lại với một mối tình hoặc không giữ quá nhiều lòng thù ghét với những người cụ thể. Nhiều bệnh nhân cũng tiết lộ rằng họ đã quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác, quên đi cách tận hưởng cuộc sống cá nhân.

Bác sĩ Rajan đã chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhân trẻ tuổi khiến anh nhận ra sự hữu hạn của cuộc sống. Người này nhập viện vì viêm tụy. Trong vòng ba giờ, cô phải vào phòng chăm sóc đặc biệt và đặt nội khí quản, thở máy. Ngày hôm sau, cô qua đời.

"Điều đó khiến tôi nghĩ, giờ bản thân đã 34 tuổi. Cuộc sống có thể trôi qua trong chớp mắt. Vì vậy, đừng xem thường nó. Đôi khi, chúng ta có xu hướng sống như thể mình bất tử", anh nói.

Trong một video trên YouTube trước đây, ý McFadden từng nói, khoảnh khách cuối đời của một người có thể "hỗn loạn và không đẹp đẽ". Họ trải qua đau đớn, khó thở, kích động, lú lẫn. Bà đưa ra hai lời khuyên để tránh "sự hỗn loạn", dù người qua đời là bạn bè, gia đình hay chính bản thân. Đầu tiên là tìm hiểu và "biết những gì sẽ xảy ra, biết điều gì bình thường, điều gì không bình thường". Sau đó, mọi người nên trò chuyện cởi mở với bản thân, bác sĩ, y tá, gia đình về cảm xúc, nhu cầu và cách thức hỗ trợ.

Điều quan trọng là phải "hiểu" rằng người thân sẽ "thay đổi rất nhiều" khi họ gần đến cuối đời. Tương tự, nếu đó là hành trình cuối đời của bạn, điều quan trọng là chuẩn bị tinh thần, hiểu rằng những ngày cuối cùng sẽ khá khác so với những gì quan thuộc trước đây.

"Bạn sẽ không thể làm tất cả những điều bạn từng làm. Bạn sẽ không thể sống hoàn toàn tự lập. Điều đó thật khó chấp nhận. Nhưng việc tìm hiểu chúng bây giờ sẽ giúp bạn chuẩn bị để không cảm thấy quá hỗn loạn khi nó xảy ra", bà nói thêm.

 

Thục Linh (Theo Daily Mail)

vnexpress.net