Ronald Rolheiser, 2024-11-18

 

Những trang đầu tiên của Kinh thánh kể cho chúng ta một loạt các câu chuyện diễn ra vào thời điểm bắt đầu lịch sử để giải thích vì sao thế giới ngày nay lại như vậy. Câu chuyện của ông A-đam và bà E-và về tội nguyên tổ là một trong những câu chuyện này. Và cũng có những câu chuyện khác. Các chuyện này dùng hình ảnh làm chúng ta nghe như chuyện cổ tích nên chúng ta nghĩ đó là những chuyện hoàn toàn do tưởng tượng, nhưng thật ra đó là những chuyện còn thật hơn cả sự thật. Và nó đã xảy ra. Đã xảy ra với người đàn ông và phụ nữ đầu tiên trên hành tinh, và tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay theo cách ảnh hưởng đến mọi người đàn ông và phụ nữ trong suốt lịch sử. Đó là các câu chuyện về trái tim, không phải theo nghĩa đen mà theo những bài học của trái tim.

Một trong những câu chuyện nền tảng đầu tiên này là câu chuyện Tháp Babel. Theo ngôn ngữ bình dân thì nó như thế này: Lúc đầu (trước đây cũng giống như bây giờ) có một thành tên là Babel quyết định làm cho thành của mình có tên tuổi, họ xây một tháp ấn tượng đến mức tất cả các thành khác sẽ phải thán phục. Họ bắt đầu xây nhưng có điều gì đó kỳ lạ xảy ra. Khi họ xây, bỗng nhiên họ nói các loại ngôn ngữ khác nhau, họ không còn hiểu nhau và ra đi sống rải rác khắp nơi trên thế giới, họ nói ngôn ngữ mà người khác không thể hiểu được.

Bài học ở đây là gì? Có phải để giải thích nguồn gốc các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới không? Không, nhưng để giải thích những hiểu lầm sâu xa, dường như không thể hòa giải giữa chúng ta. Vì sao chúng ta mãi hiểu lầm nhau? Nguồn gốc của những chuyện này là gì?

Có nhiều cách để hiểu, để làm sáng tỏ sự chia rẽ trong thế giới chúng ta ngày nay. Ví du: năm ngoái, nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt viết trên tờ The Atlantic cho rằng có lẽ không có phép ẩn dụ nào tốt hơn để giải thích sự chia rẽ giữa chúng ta ngày nay cho bằng câu chuyện của Tháp Babel. Lập luận của ông như sau: Phương tiện truyền thông xã hội dùng để kết nối chúng ta không chỉ với bạn bè và gia đình mà còn với mọi người từ khắp nơi trên thế giới, nhưng trên thực tế đã dẫn đến sự phân mảnh triệt để trong xã hội và làm tan vỡ tất cả mọi thứ, điều đó có vẻ vững chắc, sự phân tán của những người đã từng là một cộng đồng. Lấy nước Mỹ làm ví dụ: chúng ta vẫn dùng một ngôn ngữ, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội và các nơi loan tin tức đã cung cấp cho chúng ta những tập hợp dữ kiện, giá trị và tầm nhìn khác nhau làm cho trong thực tế, cuộc trò chuyện ngày càng trở nên bất khả thi.

Khi những căng thẳng gần đây xung quanh cuộc bầu Tổng thống Mỹ trở nên rõ ràng, với tư cách là một xã hội, chúng ta không còn nói cùng một ngôn ngữ, ở chỗ chúng ta không còn có thể hiểu nhau về hầu hết mọi vấn đề quan trọng – hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhập cư, nghèo đói, giới tính, sức khỏe, phá thai, vị trí của tôn giáo trong phạm vi công cộng – sự thật đứng về phía nào, và quan trọng nhất: sự thật là gì. Chúng ta không còn chia sẻ bất kỳ sự thật chung nào nữa. Đúng hơn, tất cả chúng ta đều có sự thật riêng, ngôn ngữ riêng của mình. Như chúng ta vẫn thường nói, tôi đã thực hiện nghiên cứu của riêng tôi! Tôi không tin vào khoa học. Tôi không tin vào bất kỳ sự thật chính thống nào. Tôi có nguồn tin riêng của tôi.

Và những nguồn tin đó thì rất nhiều, nhiều không đếm xuể được! Hàng trăm kênh truyền hình, vô số podcast và hàng triệu người cung cấp cho chúng ta phiên bản đặc trưng của họ trên mạng xã hội để bây giờ chúng ta hoài nghi về bất kỳ sự thật nào. Điều này chia rẽ chúng ta ở mọi cấp độ: gia đình, láng giềng, nhà thờ, đất nước và thế giới. Tất cả chúng ta hiện đang nói những ngôn ngữ khác nhau giống như người dân đầu tiên của Tháp Babel sống rải rác trên khắp thế giới.

Dưới ánh sáng của điều này, điều đáng chú ý là lễ Hiện Xuống được mô tả trong Kinh thánh sẽ như thế nào. Sách Công vụ Tông đồ mô tả Lễ Hiện Xuống, sự hiện đến của Chúa Thánh Thần, như một sự kiện đảo ngược những gì đã xảy ra tại Tháp Babel. Tại Tháp Babel, các ngôn ngữ (“tiếng lạ”) trên trái đất bị chia cắt và phân tán. Nhưng trong  Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người như một “lưỡi lửa” đến nỗi, trước sự ngạc nhiên tột độ của mọi người, giờ đây mọi người đều hiểu nhau bằng ngôn ngữ của mình.

Một lần nữa, những gì đang được mô tả ở đây không phải là về ngôn ngữ theo nghĩa đen của con người khi mọi người đột nhiên hiểu được tiếng Hy Lạp hoặc tiếng La-tinh trong lễ Hiện Xuống. Đúng hơn, bây giờ mọi người đều hiểu người khác bằng ngôn ngữ của mình. Tất cả các ngôn ngữ đã trở thành một ngôn ngữ.

Ngôn ngữ chung đó là gì? Đó không phải là tiếng Hy lạp, tiếng La-tinh,  tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Yiddish, tiếng Trung Quốc hay tiếng Ả Rập hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác trên thế giới. Đó cũng không phải là ngôn ngữ thiếu nhân ái của những người bảo thủ hay những người theo chủ nghĩa tự do. Như Chúa Giêsu và Kinh thánh đã nói rõ, đó là ngôn ngữ của bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tin tưởng và tiết độ.

Đó là ngôn ngữ duy nhất có thể hàn gắn những hiểu lầm và khác biệt giữa chúng ta – và khi chúng ta nói bằng ngôn ngữ này, chúng ta sẽ không tìm cách xây một tòa tháp để tạo ấn tượng cho bất cứ ai.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

https://phanxico.vn/