Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo phận Vancouver, British Columbia, Canada, cho biết, các nghĩa trang là tuyến đầu phòng thủ chống lại chủ nghĩa thế tục ngày càng gia tăng và nỗi sợ chết chóc đau khổ của xã hội.

 

Ông nói với tờ B.C. Catholic: “Trong mỗi thời đại, Chúa Kitô đều chỉ đường dẫn lối chúng ta về quê hương thiên đàng.” Nhưng văn hóa phương Tây hiện đại theo dòng lịch sử đã tránh việc nói về cái chết cũng như đối thoại về ý nghĩa của nó.”

 

Ông nói thêm, khi nhận thức tôn giáo của một nền văn hóa giảm sút và sự tục hóa gia tăng, thì con người ngày càng trở nên sợ hãi khi bàn về cái chết. Do đó, cần nhiều nỗ lực để khuyến khích mọi người nói về cái chết và lên kế hoạch cho điều không thể tránh khỏi này.

 

Ông Nobes còn chia sẻ thêm rằng việc nhấn mạnh đến cái chết như là một sự kiện y khoa cần phải được trình bày lại dưới ánh sáng chân lý đức tin Kitô giáo, theo đó cái chết là sự chuyển tiếp đến sự sống đời đời.

 

“Sợ chết là một vấn đề hiện sinh,” ông nói. “Chúa Giê-su Kitô là mẫu gương cho chúng ta và là chìa khóa cho ý nghĩa hiện sinh. Ngài biến đổi cái chết cho những kẻ tin” khiến cái chết không chỉ có thể chịu đựng được mà còn đầy hy vọng.

 

 

Lòng tin cậy và niềm hy vọng vào Chúa của các tín hữu giúp giảm bớt lo âu về cái chết và góp phần giúp mỗi người cảm nghiệm ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống. Niềm tin và hy vọng ấy được nuôi dưỡng và lớn lên qua các bí tích và giáo huấn của Giáo hội.

 

Việc giúp một người chuẩn bị cho cái chết sẽ nuôi dưỡng toàn bộ con người đó về mặt thiêng liêng. Ông Nobes cho rằng đó cũng là một phần vai trò của nghĩa trang Công giáo. Ông ấy nói:

 

“Chuẩn bị cho cái chết ở đời này và nói chuyện về sự sống đời sau là một việc chia sẻ đức tin, mang lại lợi ích cho sứ mệnh rao giảng tin mừng của Giáo hội cũng như cho hạnh phúc cá nhân. Sự chuẩn bị cả về mặt thiêng liêng lẫn thực tế được hiểu như là một việc bác ái.”

 

Ông Nobes gợi ý cách tiếp cận có thể giúp ích. Ông nói: “Chúng ta phải luôn nói về sự sống đời đời mỗi khi đề cập đến chủ đề cái chết”. Việc kết hợp nghi thức tang lễ và an táng trong bối cảnh rộng hơn của thần học bí tích Công giáo – cụ thể là bí tích xức dầu bệnh nhân, bí tích hòa giải và Thánh Thể – có thể đưa ra một “bức tranh rộng hơn về cách Giáo hội hỗ trợ các tín hữu khi họ đối mặt với những vấn đề về cuối đời”.

Theo ông Nobes thì nghĩa trang Công giáo trở thành hệ thống trung tâm. Ông giải thích:

 

“Nghĩa trang không chỉ là một dịch vụ thực tế cung cấp dịch vụ bảo quản hài cốt một cách tôn trọng theo niềm tin tôn giáo. Nó còn giáo dục và an ủi những ai đau khổ trước cái chết của người thân yêu và trước cả cái chết không thể tránh khỏi của chính mình.”

 

Theo Nobes, nghĩa trang Công giáo cần được nhìn nhận như “một nơi của hy vọng và là cầu nối giữa Giáo hội trần thế và Giáo hội thiên quốc”. Ông mong muốn y khoa Công giáo hợp tác chặt chẽ hơn với dịch vụ an táng Công giáo bằng cách “tái thiết lập một lối nhìn tích cực về sự chết và sự  sống đời sau theo đức tin Kitô giáo”

 

Tất cả điều này đặc biệt quan trọng ở Canada, nơi mà an tử, hay còn được gọi là trợ tử y khoa (Medical Assistance in Dying: MAID), ngày càng trở thành một phần của câu chuyện về cái chết.

 

Theo quan điểm của Nobes, nghĩa trang có thể hỗ trợ và cung cấp nguồn lực cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe và các thừa tác viên bí tích, là những người mang Mình Thánh Chúa đến cho người bệnh và người hấp hối. Bằng cách hợp tác, họ có thể đồng hành hiệu quả hơn và bác ái hơn với những người sắp chết trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời họ.

 

Nguồn: catholicnewsagency.com

Tác giả: The B.C. Catholic

Chuyển ngữ: Mai Ni | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên