Chúa Nhật Tuần I – Mùa Vọng năm C
Các bạn thân mến!
Trong Kinh Tiền Tụng Mùa Vọng I, Giáo Hội viết:
“Khi người đến lần thứ nhất, mặc lấy thân xác yếu hèn, Người đã thực hiện hồng ân mà Chúa đã dự định từ xưa và mở đường cứu độ đời đời cho chúng con, để khi Người đến lần thứ hai trong uy linh, nhờ hồng ân bấy giờ được tỏ hiện, chúng con sẽ lãnh nhận điều Chúa đã hứa mà ngày nay chúng con đang tỉnh thức vững dạ đợi chờ.”
Như thế, Kinh Tiền Tụng đã tóm tắt những điều chính yếu của Mùa Vọng. Tâm tình Mùa Vọng mang hai ý nghĩa nổi bật vừa chuẩn bị mừng Con Chúa đến lần thứ nhất, vừa trông chờ Ngài đến trong vinh quang lần thứ hai.[1] Vì vậy, Mùa vọng trả lời cho chúng ta câu hỏi về việc chúng ta chờ ai và trông chờ điều gì.
Chờ đợi là hướng đến cuộc gặp gỡ
Đức Tin – Đức Cậy – Đức Mến là ba nhân đức đối thần và hướng người Ki-tô hữu trực tiếp đến Thiên Chúa. Niềm tin Ki-tô không chờ đợi một điều gì không có cơ sở nhưng chúng ta chờ đợi dựa vào lời hứa và niềm tin vào thẩm quyền của Đấng đáng tin. Nhờ thẩm quyền của Đấng ấy mà chúng ta tin rằng những điều Người ấy nói và hứa sẽ trở thành hiện thực. Chúng ta chờ đợi Đấng đã đến và sẽ đến. Niềm tin vào lời hứa cứu độ của con người vào Thiên Chúa đã trải dài suốt dòng lịch sử. Lời hứa ấy đã được kiện toàn nơi Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa đã chọn đất Israel để làm dân riêng và biểu lộ ơn cứu độ của Ngài. Khởi từ dân tộc ấy, Ngài muốn muôn dân nhận biết Người là Đấng xót thương. Lời tiên báo của tiên tri Giê-rê-mia là một lời đầy an ủi khi ông loan báo về sự xuất hiện của Đấng Công Chính. “15Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực.”[2] Sự xuất hiện của Đấng Công Chính làm thỏa mãn những khát vọng vô biên của con người. Một mặt Đấng ấy sẽ thiết lập trật tự của lòng người và trật tự trên thế giới. Mặt khác Ngài sẽ giải phóng con người khỏi muôn vàn hình thức nô lệ và đem lại sự tự do đích thực.
Tình trạng thế giới mà chúng ta đang sống, chúng ta đang đối diện với những bóng tối, chiến tranh, xung đột, bất công, nghèo đói, nô lệ. Giữa cảnh huống đó, con người mong hòa bình, khao khát được giải phóng như “lính canh mong đợi hừng đông.” Nhưng hòa bình chỉ có được khi có công lý ngự trị và công lý chỉ có được khi có sự thật làm nền tảng và sự thật chỉ có được khi con người biết mở lòng ra với Đấng là Sự Thật Tuyệt Đối.” Sự xuất hiện của Đấng được loan báo không khỏa lấp những ao ước về mặt chính trị xã hội cho bằng lấp đầy khao khát vô biên nơi lòng người và mở ra cho con người con đường đón nhận ơn cứu độ.
Người Ki-tô hữu sống tâm tình chờ đợi không sống trong thái độ thụ động nhưng bằng những dấn thân cụ thể. Sống tâm tình Mùa Vọng không theo nghĩa thụ động nhưng là mang một cuộc gặp gỡ với Đấng mà chúng ta chờ mong vào trong giây phút hiện tại. Cách thức cụ thể nhất để mang cuộc gặp với Đấng mà tôi chờ đợi trong giây phút hiện tại là ở trong tình yêu của Ngài, là sống giới răn của Ngài. “Yêu mến là chu toàn lề luật.”[3]
Chờ đợi là mở ra một không gian nội tâm
Khi chúng ta nói đến sự chờ đợi, chúng ta không nói đến một không gian khép kín nhưng là một không gian mở ra với Thiên Chúa và tha nhân. Mở ra một không gian nội tâm trước hết đó là sự thay đổi quan niệm và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa. Kinh nghiệm quá khứ và những đau thương trong cuộc sống khiến cho tâm hồn chúng ta khép kín lại trên chính mình. Chúng ta không dám mở ra cho Chúa và cho những cuộc đối thoại. Kết quả lại tôi tạo cho tôi một không gian khép kín. Điều này tạo cho cuộc sống của tôi không được tự do và phát triển. Ngôi Lời không thể nhập thể trong lòng tôi.
Mùa Vọng là thời gian nhận ra tình trạng nội tâm của tôi. Tôi dám mở ra với Chúa và làm mới lại tương quan của tôi với Ngài.
Thay đổi nội tâm không chỉ là thay đổi về mặt quan niệm và ý nghĩ nhưng là thay đổi trọng tâm trong đời sống và dám để cho Chúa thiết lập một trật tự mới trong nội tâm của tôi. Sự xuất hiện của Con Người tạo nên sự rung chuyển của vũ trụ, trật tự tự nhiên và trật tự nội tâm. Sự xuất hiện đó chắc chắn cũng làm một sự rung chuyển “vũ trụ nội tâm.”[4] Với những người công chính, sự xuất hiện của Con Người làm lay chuyển quyền lực trên trời và là dấu chỉ của niềm hy vọng.
“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”[5]
Thực tế cuộc sống đôi khi làm cho chúng ta mất cảnh giác, thiếu đề phòng, tâm hồn mình bị nặng nề bởi những đam mê thế trần. Âm vang của Mùa Vọng mời gọi tôi “cầu nguyện và tỉnh thức.” Với những người thiếu tỉnh thức biến cố Con Người xuất hiện là biến cố làm “rung chuyển đời sống” của họ nhưng với những người luôn sống trong thái độ tỉnh thức thì đây là biến cố đầy hy vọng vì “Thầy đã thắng thế gian.”
Sống tâm tình Mùa Vọng là tôi luôn sống với tâm thế đứng thẳng, tư thế của con người tự do, tư thế của một người công chính, để bất cứ khi nào Ngài đến, tôi luôn sẵn sàng để chào đón Ngài. Chính tư thế nào giúp tôi có khả năng siêu thăng con người của tôi để vươn lên tới Ngã Siêu Việt.
Chờ đợi là hướng đến sự trở về
Sự chờ đợi của người Ki-tô hữu bị đặt trong hai thái cực. Một mặt tôi hướng đời sống của tôi tới biến cố đã xảy ra trong lịch sử nhân loại khi Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Mặt khác sự chờ đợi cũng hướng tôi đến cuộc giáng lâm vinh hiển của Đấng là Vua Trời Đất. Nói cách khác việc sống trong tâm tình Mùa Vọng mời gọi tôi sống hai biến cố, tôi vừa để cho Ngôi Lời nhập thể trong lòng tôi. Tôi vừa mang con người tôi tới gần hơn với biến cố sẽ đến.
Trong thực tế đời sống của tôi cũng luôn đối diện với sự căng thẳng, sự căng thẳng giữa sự chờ đợi và kết quả, giữa vô hạn và giới hạn, giữa chân trời và những giới hạn. Một mặt tôi đang sống trong giây phút hiện tại và tôi phải đối diện với tất cả những tình huống thực tế của đời sống con người nhưng mặt khác tôi được mời gọi hướng đến cái vô hạn, những chân trời mới. Đây là một sự giằng co thuộc thân phận làm người. “Có một sự căng thẳng giữa sự viên mãn và những giới hạn, giữa từng khoảnh khắc và cái chân trời rộng mở. Điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là thời gian lớn hơn không gian.”[6]
Tuy nhiên nếu tôi nhìn biến cố này như là một sự kiện lịch sử khách quan bên ngoài tôi thì có lẽ biến cố ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì cho đời tôi. Việc chờ đời và biến cố nhập thể phải là biến cố diễn ra bên trong tôi, đụng chạm đến toàn thể con người tôi và toàn thể lịch sử này. Sự chờ đợi của tôi với Đấng là Ngôi Lời Nhập Thể mang tôi bước vào trong sự hiện diện với Đấng ấy. Mặt khác biến cố nhập thể và sự chờ đợi hướng đến biến cố quang lâm phải là một biến cố nội tâm. Nội tâm tôi là thế giới mà Ngôi Lời đang nhập thể vào.
Thiên Chúa đang nhập thể trong tâm hồn, trong những chọn lựa và trong từng biến cố của cuộc đời tôi. Sao cho mỗi chọn lựa của tôi, mỗi bước đi của tôi, những gì tôi sống và những gì tôi đụng chạm phải là những cách mà tôi làm cho khuôn mặt của Đức Ki-tô nhập thể sáng lên trong cuộc đời của tôi. Biến cố đó làm thay đổi toàn bộ định hướng và hiện hữu của tôi.
Trở về mà tôi được mời gọi là trở về với nền móng của đời tôi, với nội tâm của tôi. Tôi đặt đời tôi lên Ngài và chọn Ngài làm trung tâm. Vọng không chỉ là hướng tới nhưng thực chất là trở về, trở về với cõi sâu thẳm của lòng tôi, trở về với nền móng căn nhà tâm hồn của mình, trở về với giá trị cốt lõi nguyên thủy làm nên ý nghĩa cho đời tôi, trở về với những gợi hứng làm nên động lực cho sứ mạng của tôi, trở về với nguồn sức mạnh giúp tôi vượt qua những sóng gió của cuộc sống. Vọng là tỉnh thức, là chờ đợi, là mang sự hiện hữu của Ngài trong giây phút hiện tại, là để Ngài là tâm điểm đời tôi. Vọng không chỉ là hướng đến tương lai nhưng làm đầy giây phút hiện tại bằng sự hiện diện của Ngài.
Lm. Gioan Phạm Duy Anh, S.J.
[1] CHỈ NAM GIẢNG LỄ, Bộ Phụng tự và Kỷ Luật Bí Tích, Học Viện Đa Minh, 2015, 81-82, hoặc Sách Lễ Roma, Kinh Tiền Tụng Mùa Vọng I, Tr. 22
[2] Gr 33, 15
[3] Rm 13, 10
[4] Lc 21, 25-27
[5] Lc 21, 28
[6] Evangelii Gaudium, 222