Hình: Vaticannews tiếng Việt
lavie.fr, Anselm Grün, 12-03-2015
Jean Mercier dịch từ tiếng Đức
Anselm Grün, đan sĩ và là tác giả của vô số sách thiêng liêng bán chạy, từ 50 năm nay cha sống và cầu nguyện theo luật thánh Biển Đức ở tu viện Münsterschwarzach, Bavière, Đức. Cha trả lời cho báo La Vie về việc Đức Phanxicô được giáo dân mến chuộng.
“Khi ngài vào Mật viện, không ai biết ngài. Người ta không liên kết ngài vào một hình ảnh nào, vào một biểu hiện nào. Nhưng chỉ một câu chào đơn giản ‘Bonsoir’ ngài đã chinh phục được quả tim mọi người. Và đó là một giáo hoàng không ẩn giấu đàng sau một diễn văn chào mừng nào theo tình cảnh, ngài chỉ đơn sơ nói chuyện với giáo dân. Và trước khi ngài ban phép lành cho giáo dân, ngài xin giáo dân ban phép lành cho mình và thế là ngài đã chinh phục được ‘tiếng nói của dân.’
Mới đầu, đa số dân chúng nghĩ rằng đây là một giáo hoàng tốt – càng tốt! Và với tuổi của ngài thì chắc ngài cũng chẳng thúc đẩy Giáo hội gì thêm.. Nhưng giáo hoàng này biết mình muốn gì. Ngay lập tức ngài gởi các tín hiệu đi! Và những tín hiệu này làm rung chuyển Giáo hội! Ngài nói với một ngôn ngữ mới. Từ khi ngài đến, ngài đã thay đổi bầu khí hội thánh. Các người bảo thủ yên lòng. Các giám mục không còn dám khuê trương và không còn tiếp tục có một đời sống xa hoa. Đức Phanxicô ở phía người nghèo và đòi hỏi các linh mục, các giám mục cũng như vậy.
Ngài nói là làm. Chuyến đi đầu tiên của ngài ra khỏi Rôma là đến đảo Lampedusa, nước Ý, để thăm người tị nạn. Và trong các bài diễn văn của ngài, ngài tấn công nạn “toàn cầu hóa của sự dửng dưng”. Ngài chỉ trích hệ thống kinh tế tư bản, một hệ thống bóp cổ nhiều người. Ngày xưa, các giáo hoàng lúc nào cũng phản ứng trước các cơn khủng hoảng kinh tế nhưng họ không muốn làm người giàu giận. Đức Phanxicô không dè dặt ở điểm này. Ngài nói những gì ngài nghĩ. Và bỗng nhiên, lời nói của ngài được rất nhiều kinh tế gia tiếp nhận. Đức giáo hoàng không ngừng làm cho dân chúng ngạc nhiên về các sáng kiến của mình. Ngài ăn với những người vô gia cư. Ngài làm nhà tắm, phòng hớt tóc cho họ dưới các cột Bernin ở Quảng trường Thánh Phêrô, nơi họ có thể giữ vệ sinh và được cắt tóc tươm tất.
Và Đức giáo hoàng cũng có một quan niệm khác với các vị tiền nhiệm của mình về Giáo hội. ngài thích một Giáo hội lồi lõm, một Giáo hội lo cho người nghèo. Trong các bài diễn văn nói với các giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, ngài không dùng các từ ngữ trơn tru nhưng ngài đòi hỏi tất cả phải nhiệt thành sống giây phút hiện tại. Điều đập vào mắt giáo dân là họ thấy ở ngài một niềm đam mê. ngài muốn có một Giáo hội nhân bản và giàu lòng thương xót. Ngài không núp mình sau hàng rào giáo luật. Nhưng trong các lời khiển trách của ngài với các hồng y và cọng sự của mình, ngài có thể thiếu lòng thương xót… Ngài nêu tên các tội không nể nang… Và ngài nện từng tội, đến mức mà chúng trở thành câu đối đáp tiêu biểu. Như khi ngài nói căn bệnh “Alzheimer thiêng liêng”. Một kiểu sáng tạo về ngôn ngữ như thế có hiệu quả của nó… Lời của ngài không thể nào dịu hơn, xoay trở hơn. Và đó là sự rõ ràng trong sáng mà giáo dân thích ở ngài.
Còn một chuyện khác mà giáo dân thương ở ngài. đó là ngài biết lắng nghe. Ngài lắng nghe người tị nạn, người vô gia cư, ngài mời họ cùng bàn với ngài. Ngài lắng nghe các đại diện các tôn giáo khác. Ngài không nại cớ để núp sau các khó khăn của giáo điều, ngài muốn đối thoại với tất cả mọi tín ngưỡng và với các tôn giáo khác. Vì thế ngài được yêu mến ở các nước Hồi giáo vì ngài chính danh gọi việc nào ra việc đó. Ngài không cư xử như nhà đạo đức, ngài nói lên những gì không đúng. Ngài không sợ chạm trán.
Bên ngoài Giáo hội Công giáo, dân chúng cũng thương giáo hoàng. Nhờ ngài, các tín hữu Tin lành quay về với nhà thờ của mình. Người ta thích tính tự do, tính đơn sơ của ngài, ngài đến với giáo dân trong tình thân thuộc, ân cần dễ thương với họ trong các lo lắng của họ. Người Công giáo không còn mặc cảm mình là người Công giáo. Họ có một lương tâm mới, lương tâm tin tưởng vào chính mình. Họ tin tưởng ngày nay Thần Khí vẫn còn làm việc trên Giáo hội, và Thần Khí làm mới Giáo hội. Và như thế nảy sinh trong Giáo hội một luồng gió cởi mở mới và đó là cũng là luồng gió hy vọng và trấn an. Ngài cũng gây ngạc nhiên kỳ thú vì chỉ trong một thời gian ngắn, ngài đã thay đổi bầu khí Giáo hội, thúc bách một cách tuyển chọn các giám mục. Chúng ta hy vọng ngài có thể hành động lâu dài như thế và nhờ ngài, niềm vui, sức sống sẽ lớn mạnh lên, một ý thức mới cho tín hữu Kitô về tình đoàn kết với tất cả mọi người ở mọi văn hóa và tôn giáo khác nhau.”
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch