365 NGÀY CÙNG CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA & LỜI CÁC GIÁO PHỤ

Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con đường mà Chúa Kitô đã đi.

 

Vài tuần trước, vào dịp lễ Giáng Sinh – cao điểm là đêm Vọng Giáng Sinh – nhà thờ của chúng tôi đầy kín giáo dân, và chắc hẳn nhà thờ của bạn cũng thế. Chỉ riêng trong thánh lễ lúc 4 giờ chiều đã có hơn bốn trăm người hiện diện, mà con số này đã chiếm hơn nửa số giáo dân tham dự cả năm thánh lễ dịp cuối tuần trong năm học (lượng người tham dự thường giảm vào mùa hè, có lẽ ở nhà thờ của bạn cũng vậy). Mùa Giáng Sinh, rất nhiều người đến nhà thờ dù có thể họ hiếm khi góp mặt trong các sinh hoạt giáo xứ. Họ vẫn có cảm giác thuộc về, dù rất mong manh.

 

Nhưng cảm giác thuộc về này, hay nói đầy đủ hơn là cảm giác thuộc về rất mong manh này, không phải chỉ là vấn đề riêng của giáo xứ chúng tôi: nó là phản ánh của những hiện trạng xã hội lớn hơn. Xã hội chúng ta đang chứng kiến sự đứt gãy và suy yếu của nhiều mối gắn kết. Các cộng đồng thuộc mọi loại hình đang dần biến mất. Các gia đình đang đối mặt với nhiều áp lực nặng nề. Sự liên kết với các đảng phái chính trị, các giáo hội địa phương, và các tổ chức, nhóm tình nguyện khác đều giảm sút. Điều gì có thể giải thích cho thực trạng này? Dẫu sao, đây không phải là điều mới mẻ và cũng không phải chỉ xảy ra trong thời đại chúng ta.

 

Sự gắn bó – việc chọn lựa thuộc về các nhóm – luôn thay đổi qua từng thời kỳ. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: tại sao nó lại suy giảm vào thời điểm hiện tại?

 

Chắc hẳn, một phần nguyên do nằm ở nhịp sống hối hả thường nhật vốn đặc trưng của xã hội Mỹ, một nhịp sống mà ta có thể gọi là “New York hóa”: cả xã hội vận hành 24/7, trở thành một “thành phố không bao giờ ngủ”. Tình trạng thiếu ngủ, như gần đây chúng ta đang nhận thức rõ hơn, là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, vì nó làm suy yếu sức khỏe tổng quát, rút ngắn tuổi thọ và tiềm ẩn rủi ro gây ra những tai nạn đáng tiếc. Chính nhịp sống điên cuồng này phần nào lý giải tại sao yoga, thiền và các phương pháp tìm kiếm sự cân bằng dần trở thành những xu hướng của thời đại, khi người ta tách rời chúng khỏi ngữ cảnh tôn giáo nguyên bản, thay đổi và nhào nặn lại để phục vụ cái tôi đang lung lay (và kiệt quệ) của người Mỹ.

 

Thay vì củng cố thứ “tôn giáo của tôi” – Chủ thuyết thần luận đạo đức trị liệu [Moralistic Therapeutic Deism] mà nhiều người Mỹ  lầm tưởng là đức tin Kitô giáo – sẽ tốt hơn nếu chúng ta thực hiện bước đầu trong việc rời bỏ cuộc sống quay cuồng với sự hối hả và tốc độ – những cú nhấp chuột liên tục – thay vào đó, chậm lại, dừng chân, hít thở, suy nghĩ, chú tâm, phản tỉnh, suy niệm và chiêm nghiệm.

 

“Chú tâm” có thể là một lời cam kết thiêng liêng tuyệt vời cho năm 2025: “Hãy làm điều bạn đang làm,” như lời châm ngôn cổ tiếng Latinh “age quod agis” mời gọi. Đây chắc chắn là một lời khuyên hữu ích khi tham dự thánh lễ và là phương thuốc dành cho những ai thấy thánh lễ nhàm chán.

 

“Chú tâm” thực sự là là một bản dịch phù hợp hơn của “participatio actuosa” so với “tham gia tích cực,” vì nó đặt trọng tâm đúng vào sự chú ý và ý hướng, thay vì tập trung quá nhiều vào hoạt động bề ngoài (điều dễ làm chúng ta xao lãng cả hai yếu tố kể trên). Phải, hãy chú tâm vào những lời bạn nói và những điều bạn làm, nhưng quan trọng hơn, hãy hướng lòng mình đến những điều bạn nghe được và Đấng mà bạn đón nhận. Thế hệ của chúng ta đang quá chú trọng đến hành động mà xem nhẹ việc đón nhận. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta đến để đón nhận Lời Chúa qua Kinh Thánh, và đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể. Mọi hành động của ta nên là sự chuẩn bị cho việc đón nhận này. Nếu không, chúng ta sẽ rời khỏi nhà thờ trong trạng thái trống rỗng, vì đã đặt mình làm trọng tâm của thánh lễ thay vì Thiên Chúa. Phải chăng đây cũng là một phần lý do khiến nhiều người không trở lại?

 

Một lý do khác, dễ nghe và thuyết phục hơn, lý giải cho việc giảm cảm giác gắn bó này là vì mọi hội nhóm đều tồn tại những thiếu sót, những thành viên không mấy tốt đẹp, cùng với một quá khứ đầy sai lầm, thậm chí cả những hành vi đáng trách và tội lỗi. Chưa bao giờ việc chìm đắm trong sự tự mãn và tự cho mình công chính lại dễ dàng như trong thời đại này, vì những câu chuyện và ví dụ kiểu này có thể được tiếp cận rất dễ dàng. Những ‘vật tế thần’ được thiết kế sẵn chỉ cách chúng ta một cú nhấp chuột, tạo điều kiện cho ta tập trung phán xét tội lỗi của họ mà, qua đó né tránh việc đối diện với tội lỗi của chính mình và sự đồng lõa của chúng ta trong những cấu trúc tội lỗi đang định hình thế giới này – không phải vì chúng là tất yếu, mà bởi chúng ta tự tin – và tự biện minh – rằng chúng ta không còn lựa chọn nào khác. Chúng ta phải thực tế. Chúng ta phải làm điều gì đó thực sự hiệu quả.

 

Đứng trước thực trạng này, nhờ dòng chảy tự do của thông tin đúng sai lẫn lộn từ các phương tiện truyền thông đại chúng và Internet – nhiều người đã lựa chọn cách tự tách mình ra và giữ khoảng cách. Họ không muốn bị lây nhiễm bởi những sai lầm và tội lỗi trong lịch sử của người khác hoặc các hội nhóm mà họ tham gia. Cám dỗ tự tách biệt – hay hiểu một cách khác là nói một cách gián tiếp rằng  ‘Tôi không giống các người (những kẻ tội lỗi)’ – lại chính là điều mà Chúa Kitô đến để giải gỡ ta khỏi đó, bởi lẽ, cơn cám dỗ khẳng định rằng “Tôi KHÔNG giống người khác” (hay “Tôi khác biệt”, có thể hiểu là tôi tốt hơn) là phổ quát, và vì thế, nghịch lý thay, nó lại khiến chúng ta trở nên giống như mọi người khác. Thực tế là tất cả chúng ta đều giống nhau – sự thật này làm tổn thương đến cái tôi nhỏ bé của chúng ta – bởi vì ai cũng từng phạm sai lầm, dù tội lỗi của mỗi người có thể khác nhau về bản chất và mức độ.

 

Ngày lễ trọng hôm nay nhắc nhớ ta rằng Đấng duy nhất có thể thực sự nói “Ta không giống các người tội lỗi”, thay vào đó, bằng việc chịu phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả, lại nói: “Tôi tự xếp mình vào số các tội nhân (dù tay tôi chẳng vấy bẩn), để giải thoát những ai còn đang lầm lạc, tự cho mình là công chính, khỏi tội lỗi của họ, và đưa vào hàng ngũ các thánh qua sự biến đổi đích thực, đó là phép rửa tội, qua đó chúng ta thực sự trở nên con cái của Thiên Chúa.

 

Chúa Cha đã phán những lời tuyệt hảo với Con Một đời đời của Người: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Chúa Cha cũng muốn hài lòng về từng người trong chúng ta, nếu chúng ta biết mở lòng để cho tình yêu của Người chạm đến và từ bỏ ước muốn trở nên khác biệt, muốn trổi vượt hơn mọi người khác.

 

Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng kính sự liên đới của Chúa Kitô – sự đồng hóa trọn vẹn của Ngài với tình trạng khốn cùng của nhân loại. Mầu nhiệm Nhập Thể càng trở nên sâu sắc, bởi lẽ giờ đây, Con Thiên Chúa vô tội qua hành động đầy cao cả của mình đã tuyên bố rằng Ngài không hổ thẹn khi gọi nhân loại tội lỗi là ‘anh em của Ta.’ Chẳng phải chính tấm gương hiệp thông khiêm hạ của Ngài với chúng ta (mà không dung túng cho tội lỗi nhưng gọi đích danh và đúng với bản chất của nó) là minh chứng khích lệ chúng ta chớ khi nào nên sợ hãi khi được kể là thành viên của Giáo hội Công Giáo, dù Giáo hội cũng mang đầy những khiếm khuyết và tội lỗi của mỗi cá thể trong đó.

 

Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con đường mà Chúa Kitô đã đi, như những con người không hổ thẹn khi được kể là anh chị em với những người tội lỗi (mà tôi thực sự là một trong số đó, như các bạn hữu của tôi sẵn lòng xác nhận), và cùng nhau bước đi như những môn đệ của Chúa Giêsu trên trần gian này, dẫn đưa toàn thể nhân loại đến với vòng tay yêu thương của Chúa Cha trên trời.

 

 

Nguồn: Aleteia

Tác giả: Canonry of St. Leopold (Dòng Kinh sĩ thánh Leopold)

Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên