Tôi tự vấn chính mình: Tôi có nét gì giống người đàn ông này, hay người phụ nữ kia? Và tôi còn cần thay đổi điều gì để nên giống những người công chính hơn?
Chúa nhật Lễ Lá còn được gọi là “Chúa nhật Thương Khó” vì bài Tin Mừng của ngày lễ này là một trình thuật đầy đủ về cuộc thương khó của Đức Giêsu, và thường được đọc bởi linh mục chủ tế và hai người phụ tá. Bài đọc này chứa đựng rất nhiều chi tiết phong phú – một câu chuyện đầy hấp dẫn với những chân lý đã làm thay đổi dòng lịch sử.
Tuy nhiên, với tôi, cách tiếp cận trình thuật này hữu hiệu nhất là tập trung vào các nhân vật phụ. Bởi lẽ, chính tôi cũng là một nhân vật phụ trong câu chuyện đang diễn ra về cuộc đời của Đức Giêsu. Tôi tự vấn chính mình: Tôi có nét gì giống người đàn ông này, hay người phụ nữ kia? Và tôi còn cần thay đổi điều gì để nên như những người công chính hơn? Hãy xem như đây là một cuộc Hồi tâm ngày Chúa nhật Lễ Lá.
“Có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền… Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người. Có vài người lấy làm bực tức.”
Tôi có giống người phụ nữ xức dầu cho Đức Giêsu không? Tôi có đủ con mắt đức tin để nhận ra Người vĩ đại dường nào, để sẵn sàng dâng lên Người những gì quý giá nhất của mình mà không so đo tính toán? Hay tôi cũng như các môn đệ, tính toán chi li từng điều nhỏ nhặt, cho rằng thật lãng phí nếu dành quá nhiều thời gian công sức cho Đức Giêsu?
“Người nói: ‘Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy’… Các môn đệ đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: ‘Chẳng lẽ con sao?’”
Liệu tôi có nghĩ mình là người chẳng có gì để chê trách không? Tôi có luôn biện minh và tô điểm cho mọi hành vi của mình trong đầu để coi mình như một anh hùng? Hay tôi có một cái nhìn khách quan về bản thân, biết nhìn nhận tất cả những điểm mạnh lẫn những khiếm khuyết của mình? Chỉ một mình Thiên Chúa thấu suốt con người thật của tôi.
Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, “Người nói với các ông, ‘Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.’ Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin… Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ.”
Tôi đang mê ngủ trong những phương diện nào của đời sống mình? Đâu là những nơi mà Đức Giêsu đã mời gọi tôi phải “canh thức” – trong lời nói, trong những thú vui giải trí, trên Internet, hay trong cách tôi tiêu dùng? Liệu tôi có luôn tỉnh thức hay không, hay tôi đã quá mỏi mệt, muốn phó mặc tất cả và lờ đi tiếng lương tâm của mình?
“Vị thượng tế lại hỏi Người: ‘Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.’… Tất cả đều kết án Người đáng chết.”
Tôi có giống những kẻ đã kết án Đức Kitô không? Tôi có khước từ lời khẳng định “Phải, chính thế” của Người hay không? Hết lần này đến lần khác, tôi đã thấy Đức Giêsu Kitô chính là Đấng mà Người đã tuyên bố – Đấng đã được chứng thực bởi lịch sử văn minh phương Tây. Người là Con Thiên Chúa, Đấng đến trong vinh quang và đổi thay cả thế giới. Vậy mà tôi vẫn chần chừ. Tôi vẫn lưỡng lự. Tôi vẫn sợ rằng tin vào Đức Giêsu là điều quá điên rồ, quá mất mặt, hay thậm chí là một sự “xúc phạm” đến nền văn hóa này. Nhưng Người vẫn đang ở đó, ngay trước mặt tôi, mời gọi tôi tin vào Người.
Ông Phê-rô “liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: ‘Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!’ Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai… Thế là ông òa lên khóc.”
Tôi có hành xử như Phêrô không? Tôi có dễ dàng đánh mất đức tin vào Đức Giêsu? Tôi có xa lánh Người khi đứng giữa đám đông, hay khi trò chuyện với những người không cùng đức tin với mình không?
Nếu đúng như vậy, tôi có phản ứng như Phêrô không? Tôi có cảm nhận nỗi đau vì đã phản bội Người không? Tôi có ăn năn và ước rằng giá như mình đã đối xử với người bạn của mình cách xứng đáng hơn không? Tôi có trở về trong nước mắt như Phêrô hay không, hay tôi sẽ lẩn tránh và ngày càng lạc bước… như Giuđa?
“Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam… Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba.”
Đức Giêsu Kitô đã chịu chết vì tội lỗi của tôi, để cứu thoát tôi khỏi án phạt đời đời. Thế nhưng, người đầu tiên được giải thoát nhờ cuộc khổ nạn của Người lại là Baraba – một kẻ nổi loạn đã phạm tội sát nhân. Chúng ta không biết hắn đã sống một cuộc đời như thế nào. Trong tiểu thuyết Barabbas, hắn đã nhận được ơn hoán cải. Còn trong Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, hắn chỉ là một tên côn đồ vui sướng trước vận may của mình.
Chúng ta nhìn nhận ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô theo cách nào? Chúng ta có thấy biết ơn và để điều đó nên như một động lực thúc đẩy sự biến đổi nội tâm không? Hay ta chỉ xem nó đơn giản như một cảm giác nhẹ nhõm chóng qua, khiến chúng ta lầm tưởng rằng mình đã an toàn? Baraba là một hình ảnh ẩn dụ về chính chúng ta: được giải thoát khỏi một án tử kinh khiếp đáng lẽ thuộc về mình.
“Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn… Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu.”
Đức Giê su đã phán: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Tôi có thực sự làm điều đó không? Tôi có chủ động tìm cách ra khỏi vùng an toàn để bước theo Người trong mỗi ngày sống? Khi đối diện với một cơ hội hi sinh, tôi có sẵn lòng đón nhận hay không? Hay tôi sẽ càm ràm – miễn cưỡng chấp nhận thập giá, hoặc thậm chí khước từ nó hoàn toàn.
Khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, kẻ qua người lại đều “chế giễu Người, họ nói với nhau: ‘Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình.’”
Mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa toàn năng đều vượt quá khả năng hiểu biết giới hạn, phiến điện của người phàm. Thế nhưng, chúng ta lại thường mong muốn Thiên Chúa phải thu nhỏ những mầu nhiệm cao vời ấy cho phù hợp với trí óc hạn hẹp của mình.
Khi có điều gì đó thử thách đức tin của tôi, tôi có tiếp cận nó với tinh thần “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết,” cầu nguyện để có ánh sáng và hướng dẫn nhằm nhìn nhận mọi sự theo nhãn quan của Thiên Chúa, hay tôi phản ứng bằng sự hoài nghi và khước từ, đòi hỏi Thiên Chúa phải chứng minh bản thân theo những điều kiện do tôi đặt ra?
Viên đại đội trưởng nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” và “cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn… các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu.”
Vậy đến cuối cùng, chứng tá công khai của tôi về đức tin là gì? Khi tôi xác tín vào Đức Giêsu Kitô và quyền năng của Ngài trong cuộc đời tôi, tôi có sẵn sàng tuyên xưng điều đó trước mặt thế gian không?
Hay tôi chọn giữ khoảng cách an toàn – vừa đủ gần để tìm thấy sự an ủi, nhưng không quá gần để phải đối diện với thách thức?
Tin Mừng đã ghi lại trình thuật về những người phụ nữ sẵn sàng đánh đổi tất cả để trung thành với Thầy Chí Thánh dưới chân thập giá. Còn tôi, tôi sẵn sàng đánh đổi điều gì?
Nguồn: Aleteia
Tác giả: Tom Hoopes
Chuyển ngữ: Nam Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên