Tác giả: Ralph F. Wilson (tiến sĩ thần học, Mỹ)
Người dịch: Huệ Khải
Lời dẫn của Huệ Khải
Theo Phúc Âm (Luca 23:33), Đức Giêsu bị quân dữ đóng đinh trên Đồi Sọ (Gôngôtha), cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.
Một trong hai tên gian phi thấy quân dữ xúm lại nhục mạ Chúa đủ điều thì cũng hùa theo, biếm nhẽ Chúa. Tên kia bất bình, mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta quay sang thưa với Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Lúc ấy, Chúa trả lời: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” ([1])
Lấy cảm hứng từ đoạn Phúc Âm dẫn trên (Luca 23:39-43), họa sĩ Đức Albrecht Dürer (1471-1528) vào năm 1505 đã miêu tả tỉ mỉ tướng mạo kẻ cướp thứ hai trên thập giá qua bức vẽ Kẻ Cướp Tốt Lành. Hơn ba thế kỷ sau, vào năm 1896, họa sĩ Pháp James J. Tissot (1836-1902) vẽ bức tranh Linh Hồn Kẻ Cướp Sám Hối Lên Thiên Đàng để minh họa Lời Chúa.
Ở Mỹ, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson đã hư cấu sự kiện lịch sử trên Đồi Sọ thành câu chuyện nhan đề The Thief on the Other Cross: A Good Friday Monologue (Kẻ Cướp Trên Thập Giá Khác: Độc Thoại Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh).([2])
Khi hư cấu, Wilson chẳng những đặt tên cho kẻ gian phi thứ nhất là Giếch (Jake), mà còn bảo rằng kẻ thứ hai trước kia đã từng gặp Đức Giêsu ở Giêrikhô trong bữa tiệc tại nhà ông Dakêu là người giàu có và đứng đầu các nhân viên thu thuế (Luca 19:1-6). Phúc Âm không nói rõ kẻ gian ấy đã phạm những tội gì, nhưng Wilson phỏng theo dụ ngôn người Samari tốt lành (Luca 10:30) mà kể rằng kẻ ấy vốn dĩ là quân cướp đường tàn bạo, cứ rình mò cơ hội tấn công những lữ khách đơn chiếc đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Chẳng những lột sạch họ, y còn đánh họ nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc nạn nhân dở sống dở chết.
Đây là chuyện Wilson kể
Tôi không thuộc về nơi này. Thật sự là không. Thiên Đàng là chốn sau cùng tôi mong được về, sau tất cả những gì tôi đã gây tạo trong đời. Để tôi kể bạn nghe chuyện của tôi.
Tôi là, à không, tôi đã là kẻ cướp có vũ trang. Tôi và Giếch cùng mấy tên khác nữa thường trú ẩn trong các hang động của vùng núi đồi Giuđê, gần con đường nối liền Giêrusalem và Giêrikhô. Chúng tôi kiếm ăn bằng bạo lực. Chúng tôi thường không tấn công những nhóm đông người. Họ đi thành đoàn để được an toàn. Nhưng một gia đình lẻ loi thường dễ xơi ngon, cũng như bất kỳ kẻ lữ hành nào ngu dại một mình đơn độc.
Huơ huơ một khúc cây to khỏe thường đạt được kết quả mong muốn. Cứ dọa đánh đập thì họ sẽ đầu hàng, khỏi cần phải xuống tay. Nhưng trong đời tôi đã từng nện vài kẻ gãy xương. Xin Thiên Chúa xá tội cho tôi. Tôi không nghĩ rằng mình đã thực sự giết ai chết, nhưng tôi chưa hề láng cháng ở hiện trường đủ lâu để kiểm chứng điều đó.
Lần đầu tiên tôi gặp ông Giêsu là hôm tôi được mời dự bữa tiệc đón mừng ông tại Giêrikhô trong nhà một người thu thuế giàu sụ tên là Dakêu. Tôi được giới thiệu, chúng tôi bắt tay nhau, và ông Giêsu nhìn vào mắt tôi một lúc lâu. Ông có thể nhìn thấu suốt con người tôi, biết tôi là ai, thấy mọi tội ác tôi từng gây ra. Thế rồi ông nở rộng nụ cười thân thiện. Ông bảo: “Anh biết đấy, có sự tha thứ dành cho anh trong Nước của tôi. Ý anh thế nào nhỉ?”
Tôi sụp mắt xuống, nói gì đó không phải là lời hứa hẹn, và lỉnh đi chỗ khác. Hôm sau tôi ở trong đám đông, nuốt lấy từng lời ông giảng. Ông Giêsu nói về Nước của ông, ví nó với một hạt cải,([3]) gọi đó là Nước Trời. Sau khi ông giảng xong, tôi rất muốn tới gặp ông để nói là tôi chấp nhận sự tha thứ dành cho tôi trong Nước Trời. Nhưng tôi không thể nào nhích chân bước tới.
Tôi ước gì mình đã tới gặp ông hôm ấy. Không lâu sau đó tôi và thằng Giếch bạn tôi (cái gã trên thập giá thứ ba) bị đội tuần tra La Mã bắt gặp. Mấy tên khác chạy mất dạng, riêng hai đứa tôi bị tóm cổ, bị đánh nhừ tử, bị lôi xềnh xệch về Giêrusalem, và bị quẳng vào ngục. Chẳng ai thèm thương xót những kẻ như bọn tôi.
Rất đỗi tình cờ là cùng ngày đó họ đóng đinh ông Giêsu. Họ cũng đóng đinh tôi và Giếch, đứa bên trái ông, đứa bên phải. Đây chẳng phải là bất kỳ một vụ đóng đinh bình thường nào. Những đám người tụ tập đông nghẹt ở đó chỉ vì ông Giêsu. Những kẻ Pharisêu tự xưng là công chính đang vênh vênh váo váo và buông lời biếm nhẽ. Một tên giễu cợt: “Nếu ông là Đấng mêsia gì đó, thì hãy bước xuống khỏi thập giá xem sao. Nếu ông là Đấng cứu thế, thì hãy tự cứu mình đi. Thách ông đó!”
Giếch cũng bắt đầu nhạo báng. Tôi quát nó: “Quân côn đồ khốn kiếp! Mày chẳng sợ Thiên Chúa chút nào sao? Mày không thấy là tụi mình sắp chết giống hệt như ông ấy sao? Hãy tỏ chút lòng kính trọng đi! Tụi mình chịu chết cũng đáng đời thôi, còn ông ấy nào có làm gì sai trái đâu.”
Giếch im mồm và bọn người Pharisêu mất hết hứng thú. Nhưng tôi không sao xua Giêrikhô ra khỏi tâm trí mình. Tôi không thể quên ánh mắt ông Giêsu, lời ông nói, việc ông mời gọi. Thế là tôi gọi vói sang ông, dẫu rằng đang khó thở và nói chuyện thì càng khiến khó thở hơn.
“Giêsu!” Tôi lên tiếng. Ông quay đầu sang phía tôi. “Giêsu, tôi đã ở đó, tại Giêrikhô. Tôi đã gặp ông tại bữa tiệc ở nhà ông Dakêu. Ông nhớ chứ?”
Ông nhìn tôi một lúc và rồi khẽ gật đầu. Ông ấy nhớ rồi.
“Tôi chưa bao giờ quên điều ông bảo. Tôi muốn nói vâng lời ông, nhưng chẳng thể mở miệng. Và bây giờ xin hãy nhìn tôi, hãy nhìn chúng ta!”
Với một hình hài thật tệ hại, ông kiệt lực trong nỗi đớn đau đày ải, tấm lưng rỉ máu, hơi thở nặng nhọc. Ông chẳng còn trụ được bao lâu nữa. Tôi có thể thấy như thế. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại có thể nhìn thấy vượt quá tất cả những hình ảnh bề ngoài đó. Ông đã là Đấng Mêsia, vẫn đang là Đấng Mêsia, bất kể những gì đám thầy tu kia, bọn La Mã ấy và những kẻ Pharisêu nọ đã xuống tay hãm hại ông. Và khi chết, ông sẽ ở cùng Thiên Chúa. Trong vài giờ nữa, có thể ít hơn, ông sẽ được minh chứng. Ông sẽ ngự trị ở Nước Trời, là cái cõi ông đã nói cho chúng ta biết.
“Giêsu!” Tôi lại gọi nữa, lần này khẽ khàng hơn.
Ông mở mắt ra. Vẫn y hệt đôi mắt ấy, vẫn đôi mắt nhìn thấu tâm can kẻ khác, thương yêu, trung thực.
Tôi nói: “Giêsu, khi ông vào tới Nước của ông, ông sẽ nhớ tôi chứ?”
Lời ông nghe nhọc nhằn, đôi môi ông khát khô nứt nẻ, nhưng tôi vẫn có thể nghe được tiếng ông khá rõ. “Quả thật, tôi nói với anh…” Giọng ông rời rạc, rồi thì rõ ràng hơn được một lúc. “Quả thật, đúng ngày hôm nay anh sẽ ở cùng tôi trên Thiên Đàng.”
Đôi mắt ông sụp xuống. Lúc này ông như ngọn đèn dầu đang chóng vánh tàn lụn. Nhưng tôi tin ông. Tôi vững tin ông. Đó là điều chiếm lĩnh tâm trí tôi suốt mấy giờ liền trước khi bị đánh gãy hai chân cho chết đi. Tôi vững tin ông.
Và rồi tôi thấy mình ở đây, trên Thiên Đàng. Tôi chắc chắn rằng tôi nào xứng đáng để được ở đây, nhưng bất kể gì đi nữa, tôi đang ở đây. Tôi đoán đó là điều một kẻ như tôi thọ nhận khi chính Đức Vua ân xá. Ơn toàn xá. Kinh ngạc lắm, bạn chẳng nghĩ thế ư?
Nhiêu Lộc, 31-3-2019
Huệ Khải chú:
([1]) Những dòng chữ in xiên trong bài này đều chép theo bản tiếng Việt của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
([2]) Thứ Sáu Tuần Thánh hay Thứ Sáu Tốt Lành (Good Friday) là Thứ Sáu trước lễ Phục Sinh, kỷ niệm sự kiện Chúa bị đóng đinh vào thập giá và hy sinh trên Đồi Sọ.
([3]) Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được. (Mátthêu 13:31-32)