Văn phòng báo chí tòa thánh vừa loan tin Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã về với Chúa vào lúc 07.35 sáng (tức…. giờ VN) ngày 21 tháng 4 năm 2025. Tin tức ấy đã khiến không ít Kitô hữu bàng hoàng thương tiếc, dẫu biết rằng Ngài đã 88 tuổi, và ngày ngài rời bỏ chúng ta chắc không còn xa. Nhưng cho dù Ngài không còn ở với chúng ta nữa, thì trong tâm khảm chúng ta – những con cái của Hội Thánh Công Giáo, Ngài vẫn sẽ sống mãi như người Cha già tận tụy, đầy yêu thương, người thúc đẩy chúng ta tiến tới những biên cương mới của việc gặp gỡ Chúa và nhân loại.
Nói về Đức Thánh Cha Phanxico, chắc hẳn chúng ta không thể quên sự khiêm tốn và nghèo khó của Ngài. Chiếc đồng hồ Casio nhựa giá vài đô-la, đôi giày đen đã mòn, chiếc xe hơi nhỏ xíu cũ kỹ mà nhiều người cho là “không xứng tầm” với một nguyên thủ quốc gia, thủ lãnh tinh thần của hàng tỷ con người trên mặt đất: tất cả đã nói lên nhân đức của Ngài.
Và có ai mà không cảm động khi nhìn thấy Người Cha Chung của chúng ta quỳ gối xưng tội với một linh mục, khi Ngài cúi xuống rửa chân và hôn chân những tử tù, khi Ngài đặt một em bé lên ngai của Ngài và cho nó đội chiếc mũ trắng mà cả Giáo Hội tôn kính, thậm chí mơ ước một lần được chạm tới.
Đức Thánh Cha Phanxico cũng là Giáo Hoàng của những chuyến viễn du. Ngài đã thực hiện hơn 150 chuyến thăm viếng mục vụ nội trong nước Ý, đã thăm viếng hơn 120 quốc gia trong 12 năm triều đại Giáo Hoàng của mình. Theo nhận định của www.conversation.com, Ngài đã đi quãng đường xa hơn tất cả các Giáo Hoàng tiền nhiệm cộng lại. Đi đến những biên cương, những vùng xa xôi hẻo lánh và nghèo khó, những vùng bị gạt ra bên lề, để đưa những con người nghèo khó nơi đó trở thành tâm điểm chú ý của Giáo Hội và trần thế: đó chính là ưu tư lớn lao xuất phát từ con tim mục tử của Ngài.
Và còn biết bao biên cương khác mà Ngài đã hướng tới, và nhất là đã thúc đẩy chúng ta hướng tới trên con đường mục vụ: Làm sao để những người từng ly dị và tái hôn không cảm thấy mình bị bỏ rơi? Làm sao để cộng đồng LGBT không bị gạt ra bên lề tình thương của Chúa và Giáo Hội? Làm sao để tiếng nói của mọi người, kể cả người thấp cổ bé miệng, có thể được lắng nghe, trong lòng Giáo Hội và trong lòng thế giới?… Có lẽ những điều ấy đã thúc đẩy Ngài đến chỗ dốc sức kiến tạo một Giáo Hội hiệp hành. Không phải hiệp lại để hành nhau, mà là để cùng đi chung với nhau trong sự cảm thông và hy vọng. Có lẽ, Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành đã vắt cạn tâm trí và con tim của Ngài, để rồi chỉ một thời gian ngắn sau khi Thượng Hội Đồng kết thúc, Ngài đã mãi mãi rời xa chúng ta.
Cha ơi! Ngày hôm nay Cha rời bỏ chúng con. Nhưng chúng con nguyện sống sao cho xứng với con tim rộng mở của Cha – con tim hướng tới mọi biên cương địa lý và nhân loại – để trao ban tình thương vô biên của Thiên Chúa từ nhân. Xin Cha cầu cho chúng con, để chúng con thực sự hoán cải – đổi con tim, đổi cõi lòng – và trở nên những con người mới, con người Phục Sinh, con người có thể hiện diện ở mọi biên cương mà không bị cản trở, để trao ban niềm vui và sức sống thần thiêng cho con người, như Cha đã trao ban trong suốt cuộc đời trần thế của Cha.
Tony Nguyễn, S.J.