Chiều thứ Hai trong tuần Bát nhật Phục Sinh, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đọc tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đời. Sau một vài phút ‘kiểm tra thông tin’ vì sợ ‘tin giả’ (fake news) như người ta đã tung ra tháng trước, tôi đã phải chấp nhận đó là tin thật: Đức Giáo Hoàng Phanxicô – vị Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử – đã an nghỉ trong Đấng Phục Sinh. Và khi để lòng mình thấm sâu những lời đó, tôi thấy mình tràn ngập một nỗi buồn thấm thía và lặng lẽ – một nỗi buồn khó diễn tả thành lời. Cảm giác như chúng ta không chỉ mất đi một vị Giáo Hoàng, không chỉ mất đi người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, mà còn mất đi một người cha, một mục tử. Một người đã làm cho đức tin trở nên sống động gần gũi trở lại. Và giờ đây, trong khoảnh khắc mất mát này, chúng ta cảm thấy mình như trẻ mồ côi.
Đức Phanxicô là một kiểu Giáo Hoàng khác biệt. 12 năm trước, vào nửa đêm thứ Tư, ngày 13 tháng 03 năm 2013, lần đầu tiên, tôi ngồi canh thức trước màn hình, dõi theo ống khói Nhà nguyện Sistina, chờ khoảnh khắc làn khói trắng bay lên – báo hiệu một vị Giáo Hoàng mới đã được chọn. Và giây phút vô cùng linh thiêng ấy cũng đã đến vào lúc 19:06 (giờ Roma), cả quảng trường hàng trăm ngàn người đã vỗ tay reo mừng, những hồi chuông nơi Vương cung Thánh đường lại vang lên rộn rã, hòa trong những lời kinh tiếng hát. Tất cả đều ngỡ ngàng khi, hơn một giờ sau đó, vị tân Giám mục Roma chính thức xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Ngài được giới thiệu là Bergoglio, một gương mặt hoàn toàn bất ngờ với giới truyền thông. Tước hiệu Phanxicô lại càng mới lạ. Quê quán Argentina của ngài cũng khiến người ta trầm trồ ngạc nhiên. Nhưng ngài mở lời với cộng đoàn bằng một câu chào thật giản dị: “Anh chị em thân mến, chào buổi tối tốt lành’ (Fratelli e sorelle, buona sera).” Trước khi ban phép lành, ngài còn có một cử chỉ khiêm nhường gây ấn tượng nữa: “Anh chị em hãy cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho tôi”. Rồi ngài cúi đầu, thinh lặng cầu nguyện với các tín hữu tại Vatican và trên toàn thế giới. Mọi người ai cũng cảm nhận được điều gì đó mới mẻ. Điều gì đó rất chân thành. Trong bầu khí linh thiêng của buổi tối, với cơn mưa xuân lất phất, nhiều người không giấu được những giọt nước mắt xúc động.
Đức Phanxicô là Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên chọn danh hiệu “Phanxicô” – không phải gợi liên tưởng một vị vua hay một nhà thần học – mà gợi một vị thánh khiêm nhường yêu thương người nghèo – Thánh Phanxicô Assisi. Sự lựa chọn đó đã định hình triều đại Giáo Hoàng của ngài.
Trong suốt 12 năm qua, ngài dần chinh phục lòng người và làm người ta đi từ ngạc nhiên đến bất ngờ khác vì “phong cách Phanxicô”: sống nghèo, yêu thương người nghèo, và dấn thân xây dựng hòa bình.
Không chỉ thế, ngài nghèo trong cách tự nhận mình đến từ nơi tận cùng thế giới. Trong đêm được bầu chọn làm Giáo hoàng, trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, vị tân giáo hoàng nói với đám đông dân chúng: “Anh chị em biết rằng nhiệm vụ của Mật nghị Hồng y là chọn một Giám mục cho Roma. Có vẻ như các Hồng y đã đi tìm người đó từ tận cùng thế giới”. Vị Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, đồng thời là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ Latinh đã đi từ phía những người bị bỏ rơi, những người ở bên lề của giáo hội và xã hội, và đưa họ trở về với Thiên Chúa giàu lòng thương xót, giữa lòng Giáo Hội.
Đức Phanxicô là vị mục tử giản dị nhưng đầy nghị lực. Hồi đầu năm, ngài đã phải nhập viện 5 tuần để điều trị chứng viêm phổi. Nay đã 88 tuổi và từng trải qua cảnh thập tử nhất sinh ngay từ khi còn trẻ, và giờ đây một lần nữa rơi vào tình trạng nguy kịch. Đã có những lúc tưởng chừng ngài khó có thể vượt qua thêm một Đại lễ Phục Sinh nữa… Kể từ khi trở về từ bệnh viện (23/03) cho đến khi an nghỉ (21/04), Ngài vẫn sống sứ vụ mục tử một cách mãnh liệt: từ việc đến thăm các nơi thánh, đến thăm đoàn chiên ở những nơi “ngoại biên”. Mới trưa hôm Chúa Nhật Phục sinh, thế giới thoáng nhìn thấy ngài lần cuối cùng trên ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô – yếu ớt và khó khăn, nhưng vẫn ban Phép lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới. Ngài đã chào với lời chúc Phục Sinh: “Anh chị em thân mến, Chúc mừng Phục Sinh!” Sau đó, mặc dù đã rất yếu nhưng với tất cả lòng yêu mến Giáo Hội và đoàn chiên, Đức Thánh Cha đã xuống Quảng trường chào thăm các tín hữu. Ngài đã dùng những sức lực còn lại để đến với mọi người khiến ai cũng ngạc nhiên và đầy vui mừng. Đó là hành động yêu thương cuối cùng của một con người đã cống hiến hết mình cho đến phút chót. Chưa đầy 20 giờ sau, cả Hội Thánh hoàn vũ tiếc thương một vị mục tử hiền lành, khiêm nhường, đầy lòng thương xót, luôn quan tâm đến người nghèo khổ và những người bên lề xã hội. Ngài đã sống và rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và hành động, với lòng can đảm và tình yêu phổ quát.
Đức Thánh Cha Phanxicô từng ao ước được đặt chân đến mảnh đất Việt hình chữ S này, nơi có hơn 7 triệu tín hữu rất yêu mến và mong chờ được gặp Vị Cha chung, nhưng ngài vẫn chưa thể thực hiện được. Tuy vậy, như nhiều lần ngài nói: Ngài rất gần gũi với Giáo Hội và tín hữu Việt Nam.
Chúng con cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô – vì cuộc đời, tình yêu và sự phục vụ của ngài. Vì ngài đã nhắc nhở chúng con rằng đức tin phải được sống bằng đôi bàn tay và trái tim rộng mở. Vì ngài đã thách thức Giáo Hội sẵn sàng chào đón hơn, nhân ái hơn, và giống Chúa Kitô hơn. Sự khác biệt, mạnh mẽ và chứng tá của ngài đã không chỉ khiến thế giới ngạc nhiên, nhưng còn đánh động nhiều tâm hồn, thách thức chúng con vượt qua khỏi những bức tường an toàn của mình và đưa Giáo hội đến với những vùng ngoại vi và gặp gỡ người người ở bên lề. Ngài đã chu toàn sứ vụ người tôi tớ tốt lành và trung tín của Chúa. Giờ đây, như lời Chúa hứa “Theo Ta trong đau khổ, ở với Ta trong vinh quang” (Linh Thao số 95), xin cho ngài được yên nghỉ muôn đời.
Gió Biển