Sau ngày lễ Chúa Phục Sinh, tôi đến lớp bình thường, cả lớp đang chia sẻ niềm vui Phục sinh thì chúng tôi nhận được tin ĐTC Phanxicô đã về với Chúa. Cả lớp đượm buồn, dừng lại, thinh lặng và cầu nguyện cho vị cha chung và cho Giáo Hội đang trải qua thời gian đặc biệt này. Chắc hẳn, tin tức ấy đã khiến không ít người bàng hoàng thương tiếc, dẫu biết rằng cha đã 88 tuổi và thời gian qua cha đau nặng – thời gian cha về cùng Chúa không còn xa. Nhưng hôm qua, ngày Lễ Phục Sinh cha còn xuất hiện để ban phép lành cho mọi người, mà hôm nay, cha đã đi xa. 

 

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một người cha khiêm nhường và hiền hậu; một người cha luôn tin thác vào Chúa và luôn đặt đời mình trong bàn tay chở che của Mẹ. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội một người con tận tụy phục vụ Giáo hội trong vui tươi đến hơi thở cuối cùng. Tạ ơn Chúa đã ban cho thế giới một người bạn của tất cả mọi người, của mọi quốc gia, để giúp mọi người đến gần nhau hơn. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một người cha luôn có nụ cười hiền hậu, yêu thiên nhiên, yêu hoà bình, yêu cái đẹp, tôn trong sự thánh thiêng nơi phẩm giá của con người. Tạ ơn Chúa đã bạn cho chúng con một người cha như thế. 

 

Đặc biệt, trong giây phút này, chúng con muốn cảm ơn cha đã truyền cảm hứng cho chúng con là những người con của Giáo Hội, hiểu hơn thế nào là phục vụ qua lời cha nói và qua việc cha đã làm. Từ đó giúp chúng con hiểu hơn ước mơ của cha: “tôi muốn có một Hội Thánh nghèo cho người nghèo” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 198). Đó cũng là tâm tình chúng con nhớ đến cha trong những ngày mà mọi người trên thế giới đang thương tiếc về sự ra đi của cha.

 

Cha đã sống tinh thần nghèo của thánh I-Nhã và của thánh Phanxicô Assisi

 

Cảm ơn cha đã cho anh em Dòng Tên một mẫu gương người môn đệ của Chúa Giêsu theo tinh thần của thánh I-nhã. Tinh thần cầu nguyện, phân định thiêng liêng, dâng hiến tất cả mọi sự cho Chúa để dấn thân phục vụ là những nét thể hiện trong lối sống của cha. Đặc biệt, cha đã cho chúng con thấy một mẫu gương về lối sống nghèo theo tinh thần của cha I-nhã, chắc hắn chính cha đã cảm nghiệm khi cha là một tập sinh, một vị linh hướng, một vị Giám tỉnh. Con tin rằng, các bài cầu nguyện của Linh thao đã dần cha bước theo Chúa Kitô nghèo, như chính lời tâm sự trong bài Hai Cờ Hiệu:

 

“Tâm sự với Ðức Mẹ, để Người xin cùng Con và Chúa của Người, cho tôi ơn được nhận vào dưới cờ Ngài, thứ nhất bằng sự khó nghèo trong lòng tột bực và cả khó nghèo thực sự, nếu bởi đó Chúa Chí Tôn được phụng sự và nếu Ngài muốn chọn và nhận tôi.” (Linh thao, số 147).

 

Vâng, cha đã sống khó nghèo thực, chứ không chỉ là một tinh thần nghèo. Chắc nhiều người vẫn luôn nhớ những hình ảnh khi cha được bầu làm Giáo Hoàng: cha vẫn tiếp tục cuộc sống đạm bạc, vẫn tiếp tục sử dụng những đồ dụng đơn sơ, vẫn tiếp tục sử dụng các phương tiện công cộng… Vâng, con thấy cha không thay đổi gì cả, vì đó là sự “khó nghèo thực” mà cha đã chọn. Như chính thánh I-nhã, người thầy của cha cũng đã chọn lối sống khó nghèo tột bậc như vậy.

 

Nơi lối sống của cha, người ta còn nhận ra một lối sống nghèo của thánh Phanxicô Assisi. Mọi người đã thực sự ngạc nhiên, khi cha chọn tông hiệu “Phanxicô” cho triệu đại Giáo hoàng mà cha phục vụ. Thật vậy, thánh Phanxicô đã chọn lối sống khó nghèo và khiêm hạ theo lý tưởng Tin Mừng cách triệt để. Cuộc sống và tinh thần của thánh nhân đã truyền cảm hứng về lối sống nghèo trong Giáo hội. Cha cũng đã chọn lối sống đó – tinh thần đó để phục vụ Giáo hội.

 

Chúng con cảm ơn cha, vì cha đã chọn lối sống nghèo để phục vụ trong khiêm tốn trong một thế giới đề cao giá trị của sự hưởng thụ, chức quyền. Đúng hơn, cha không chạy theo một lý tưởng nghèo khó, mà cha đã chọn bước theo chính con người Chúa Kitô nghèo: “để noi gương và nên giống Ðức Kitô, Chúa chúng ta cách thiết thực hơn, tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Chúa Kitô khó nghèo hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Chúa Kitô bị sỉ nhục hơn là danh vọng, và ao ước được coi là vô tích sự và điên dại vì Chúa Kitô, Ðấng đã bị coi như thế trước, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này.” (Linh thao, số 167).

 

Sự chọn lựa của cha là như vậy. Chọn lựa này dẫn cha đến một lối sống khiêm nhường và gần gũi với người nghèo. Nhiều người đã thực sự được đánh động và ngạc nhiên khi Cha đã ôm hôn một người bị bệnh đầy lở loét; hay khi cha cúi xuống để rửa chân và hôn những đôi chân của những người tù. Vâng, cha đã chọn lối sống của Chúa Kitô như chính Cha Peter-Hans Kolvenbach, S.J., (Bề Trên Cả Dòng Tên từ 1983-2008, cũng là BTC của cha), đã từng chia sẻ về tinh thần của thánh I-nhã:

 

“Trong thời đại này, người ta đã tự dìm mình vào những giá trị mà Chúa Kitô gợi lên, hơn là vào chính con người của Ngài. Điểm quan trọng và khác biệt được gợi lên là chỗ: ta không theo một lý tưởng về nghèo khó, một chương trình nghèo khó phải hoàn thành, mà là ta bước theo chính con người Chúa Kitô khó nghèo.”

 

Chúng con cảm ơn cha đã cho chúng con một mẫu gương về lối sống nghèo khó và khiêm hạ như vậy, vì đó là lối sống của Chúa Kitô. Cha đã không theo một lý tưởng nghèo, chắc cha không bao giờ bận tâm về điều đó, cha chỉ bận tâm làm sao mỗi ngày để cha bước theo Chúa Kitô nghèo cách sát hơn.

 

“Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”

 

Chúng con cảm ơn cha, không chỉ cha đã bước theo và bắt chước lối sống của Chúa Kitô nghèo, mà cha còn ước mơ về “một Giáo Hội nghèo cho người nghèo.” Giáo Hội nghèo, nghĩa là Giáo Hội không dùng quyền lực để lãnh đạo; không dùng sức mạnh để gấy ảnh hưởng. Nhưng là một Giáo hội lệ thuộc vào Chúa, một Giáo Hội khiêm hạ, một Giáo hội cúi xuống để phục vụ.

 

Nhiều người nói cha là người cải cách, canh tân, cách mạng, điều đó đúng. Nhưng đúng hơn cha luôn là một người môn đệ nhiệt thành của Chúa và cha có bổn phận phải làm điều đó. Vì cha đã chọn bước theo Chúa Kitô nghèo, để phục vụ trong khiêm hạ; cha không cần làm một cuộc cách mạnh lớn lao gì cả, cha chỉ đơn giản sống điều cha chọn. Có lẽ hơn ai hết, cha là người cảm nghiệm được điều Chúa Giêsu dạy các tông đồ và cha ước mơ Giáo Hội của Chúa cũng sống như vậy:

 

“Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 42-45).

 

“Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”- phải là một Giáo hội phục vụ. Cuộc đời của cha đã sống cho người nghèo, và tận tụy phục vụ mọi người. Cha cũng ước mơ một Giáo hội như vậy. Cho đi chính mình để đáp ứng nhu cầu của người khác, đặc biệt là người nghèo, những người ít được quan tâm, những người bị bỏ rơi, đó là một Giáo Hội cha bận tâm. Những người bị bỏ rơi, bị lãng quên, phải là đối tượng mà Giáo Hội cần phục vụ trước hết và trên hết.

 

“Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo”- còn phải là một Giáo hội phục vụ trong khiêm tốn và tự do. Không chỉ không cậy dựa vào tiền bạc, hay quyền uy; mà còn phải phục vụ trong khiêm tốn và tự do. Không phục vụ để đạt được danh dự, nhưng hoàn toàn tự do. Con cảm nhận cha hạnh phúc vi cha có cơ hội phục vụ. Cha luôn phục vụ trong vui tươi, không phải vì chính công việc cha đang làm, nhưng vì cha đã bắt chước Chúa Kitô nhiều hơn.

 

Con cảm ơn cha về mẫu gương phục vụ trong sự tự do của cha. Cha không bị lôi cuốn bởi quan điểm hay sự ồn ào của truyền thông. Cha hoàn toàn tự do, không cần được công nhận, nhưng theo chọn lựa mà Thánh Thần hướng dẫn cha. Thật sự cha đã hướng dẫn một Giáo hội như vậy: khiêm hạ, tự do trong phục vụ.

 

“Một Giáo Hội nghèo cho người nghèo” – còn là một Giáo hội thấy giá trị, tôn trong sự thánh thiêng nơi phẩm giá của con người. Vì vậy, cha không ngần ngài kêu gọi Giáo hội tôn trọng và dẫn thân phục vụ hết tất cả mọi người, cả những người liên quan đến các chủ đề nhạy cảm trong thế giới hiện nay. Vì cha thấy tất cả mọi người là tài sản của Chúa, thuộc về Chúa, mà cha và Giáo Hội có bổn phận phục vụ. Đến đây, con nhớ đến câu chuyện của thánh Laurensô, phó tế, tử đạo, khi đưa người nghèo đến cho hoàng để, người đang bắt đạo: “Tâu Hoàng đế, đây là tất cả kho tàng quý báu của Giáo Hội, đây là những người nghèo khổ, bệnh tật, những người đau khổ.”

 

Trong hơn 12 năm phục vụ Giáo hội dưới triều đại Giáo hoàng, cha đã cho chúng con thấy điều đó: Tài sản của Giáo hội là người nghèo, là phẩm giá con người. Đúng là tài sản Giáo hội là công trình, là các tòa nhà; nhưng tài sản đích thực của Chúa, của Giáo hội là con người, là người nghèo.

 

Vì vậy, con thấy cha đã sống gần gũi với mọi người, đặc biệt là người nghèo. Cha đã ước mơ một Giáo hội như thế: một Giáo hội phải mang trong mình thương tích của chiên và có mùi chiên. Nên cha đã muốn cho những người từng ly dị và tái hôn không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Những người bị xã hội gạt ra bên lề không cảm thấy xa lạ với tình thương của Chúa. Cha đã muốn cho tất cả mọi người, kể cả người thấp cổ bé miệng, có tiếng nói trong lòng Giáo Hội. Cha đã thực hiện ước mơ đó trong câu chuyện của hiệp hành. 

 

Chúng con cảm ơn cha về tất cả, sẽ không kể hết được những câu chuyện về cuộc sống nghèo, khiêm hạ của cha và ước mơ về một Giáo Hội nghèo mà cha hướng dẫn. Điều mà mọi người có thể mãi nhớ đến cha là sự thánh thiện, sư gần gũi, là nụ cười, sự hiện lành. Thế nên đi đâu bất cứ ai cũng muốn chụp hình với cha; con thấy cha luôn dành chút thời gian cho họ. Cha không vội vàng, vì trong trái tim cha con người mới là quan trọng. Vì cha đã cảm nhận được, tên của cha và tên của mỗi người đã được khắc ghi vào trong lòng bàn tay, trong trái tim của Chúa:

 

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta,
Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.
Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta”
(Is 49, 15-16).

 

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Triêm, S.J.